Đăng nhập

Tài khoản  
 
CÓ MỘT ĐẤT QUẢNG XUÂN TÂN MÃO 540 NĂM TRƯỚC
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 11/10/2012 .Lượt xem: 2866 lượt.
Năm tháng đi qua, song đất Quảng mãi mãi khắc ghi một sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng có ý nghĩa khai sinh một vùng đất mới trên bước đường Nam tiến của dân tộc. Đó là chiến công xuân Tân Mão- 1471 của vua Lê Thánh Tông, đưa đến sự ra đời của Thừa Tuyên Quảng Nam- Thừa Tuyên thứ 13 của nước Đại Việt.
Chuyện xưa kể rằng, ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông có ý định khôi phục lại phần lãnh thổ Đại Việt- vốn là đất Chiêm Thành đã nhượng cho nhà Hồ năm 1402), đồng thời củng cố chỗ dựa vững chắc ở phương Nam để chủ động đối phó với người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Tháng Tám năm Canh Dần (1470), Chiêm vương Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ đánh úp Hóa Châu. Nhân cơ hội ấy, Lê Thánh Tông quyết định mở cuộc Chiêm phạt.

          Trước khi xuất quân, nhà vua sai sứ sang nhà Minh kể tội người Chiêm sang cướp phá, quấy nhiễu Đại Việt; trình bày rõ việc Đại Việt đánh trả là hành động chính đáng, hợp lý. Trong nước, triều đình động viên thanh niên 15 tuổi trở lên sung quân được 26 vạn, tổ chức tập luyện cho tinh nhuần. Lê Thánh Tông đích thân soạn cuốn Bình Chiêm sách, nêu lên 10 lẽ tất thắng và 3 việc đáng lo, rồi cho phiên ra quốc ngữ (chữ Nôm) để phổ biến rộng rãi trong quân ngũ.

                                                              
                                                Tranh thờ vua Lê Thánh Tông tại Thái miếu Lam Kinh 

        Ngày 25 tháng Chạp năm Canh Dần (1470), nhà vua cho ba quân ăn Tết. Ngày mống 3 tháng Giêng Tân Mão (1471), lệnh tiến binh được ban ra. Ba ngày sau, đội quân xung kích của tiên phong tướng quân Cang Viễn (Cung Viễn) bí mật đột nhập phòng tuyến Cu Đê tại triền nam đèo Hải Vân, đánh tan và bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa .

          Ngày mồng 7 tháng Giêng, "nhà vua thân chinh dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, 70 vạn tinh binh dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo tiến vào đất địch. Đại quân ta đã tiến vào cửa Thị Nại, bao vây kinh đô Trà Bàn, bắt sống được vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 50 người trong hoàng tộc" (theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập II).

          Ngày 24 tháng 4 Tân Mão, vua Lê Thánh Tông làm lễ tấu cáo ở Thái miếu Lam Kinh và ngày mồng 1 tháng 5 tổ chức lễ mừng thắng trận tại Đông Kinh (Thăng Long). Đúng một tháng sau, nhà vua xuống chiếu lấy phần đất chiếm được lập thừa tuyên Quảng Nam. Đây là thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt, bao gồm 3 phủ và 9 huyện: phủ Thăng Hoa tương ứng với phần đất từ bờ Nam sông Thu Bồn đến dốc Sỏi (gồm 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang); phủ Tư Nghĩa tương ứng với phần đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay (gồm 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa); phủ Hoài Nhơn tương ứng với phần đất của tỉnh Bình Định ngày nay (gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn).

          Theo các nhà nghiên cứu, chiến công xuân Tân Mão- 1471 của Đại Việt đã giáng một đòn trí mạng vào âm mưu bành trướng, cướp phá của Chiêm Thành, làm sụp đổ và chấm dứt vĩnh viễn âm mưu xâm chiếm, cướp phá các tỉnh ven biển nước ta. Trước đó, trong suốt thế kỷ XIV, vùng đất "sính lễ" của cuộc hôn nhân chính trị Huyền Trân- Chế Mân năm Bính Ngọ (1306) gồm Thuận Châu và Hóa Châu chưa bao giờ được yên ổn cả, mặc dù nhà Trần đã nhiều lần mở cuộc Chiêm phạt. Thậm chí, vua Chiêm là Chế Bồng Nga 4 lần đưa quân vào tận kinh đô Thăng Long (vào các năm 1371, 1377, 1378, 1384) đột phá cung điện, bắt nhiều đàn bà, con gái, chiếm đoạt châu báu. Với chiến thắng Tân Mão, hàng loạt cửa biển lớn như: Đà Nẵng, Đại Chiêm, Đại Áp, Cổ Lũy, Sa Kỳ, Thị Nại... - từng là căn cứ xuất kích của quân Chiêm Thành để tấn công cướp phá phía Bắc- giờ đã nằm trong tay Đại Việt. Thanh thế của Đại Việt từ sau chiến thắng lẫy lừng này đã khiến các nước lân bang phải chịu thần phục.

         Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt, chiến công năm Tân Mão- 1471 thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông cha ta, Danh xưng "Quảng Nam" đã nói rõ điều đó: Quảng là mở rộng, Nam là phương Nam. Quảng Nam nghĩa là mở rộng về phương Nam, đồng nghĩa với quyền sở hữu những đồng bằng trù phú, những rừng núi giàu lâm thổ sản, những cảng biển không chỉ có giá trị về mặt chiến lược quân sự mà còn là những cửa ngõ giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa với bên ngoài. Đây quả là một sự lựa chọn khôn ngoan, có ý nghĩa vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt- một đất nước luôn phải chịu áp lực bành trướng từ phương Bắc. Với cuộc chuyển cư mạnh mẽ của người Việt vào giữa thế kỷ XVI, Quảng Nam (dải đất bao gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay) có điều kiện phát triển phồn thịnh, là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến trong các thế kỷ sau đó. Trong cuốn Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng ca ngợi: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy từ Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ... ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá, muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây. Khách Bắc buôn bán quen khen ngợi không ngớt"

                                                                                                                                                                 -- Vân Trình --
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đại Lộc: Hơn 1.400 người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024
Hội đồng hương Đại Lộc tại TP.HCM tổ chức Gặp mặt với chủ đề “Đại Lộc yêu thương”
Đại Lộc tổng kết công tác phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019
Các tin cũ hơn:
THÊM MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA ẨN SĨ YÊU NƯỚC TÙNG SƠN
“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” Ở MỘT VÙNG ĐẤT ANH HÙNG
DI TÍCH, DI CHI VĂN HÓA - LỊCH SỬ HUYỆN ĐẠI LỘC
VĂN THÁNH – NƠI HỘI TỤ Ý NGHĨA VĂN HOÁ, LỊCH SỬ, CÁCH MẠNG CỦA QUÊ HƯƠNG ĐẠI LỘC