Đăng nhập

Tài khoản  
 
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC THIỆU- BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐẠI LỘC
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 17/11/2022 .Lượt xem: 644 lượt.

Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu (có bí danh là Tiết hoặc Thiệp), sinh ngày 25 tháng 12 năm 1907, tại làng Ái Nghĩa, tổng Đức Hạ (nay là khu Nghĩa Phước, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc).

Năm 1925, đồng chí tốt nghiệp tiểu học ở Đà Nẵng và ra Huế học tại trường Cao đẳng tiểu học Pellerin. Tại đây, Nguyễn Đức Thiệu được đọc nhiều tài liệu, báo chí tiến bộ, được nghe các cụ Phan Bội Châu, Đồng Sĩ Bình nói chuyện. Đặc biệt, thông qua số anh em người Quảng Nam đang học ở Huế trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Đức Thiệu tiếp thu được tư tưởng vô sản.

Tháng 4 năm 1927, đang học lớp đệ nhị niên, Nguyễn Đức Thiệu tham gia bãi khoá, rồi thôi học và vào Sài Gòn để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 02 năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đến gần cuối năm 1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

Bấy giờ, theo chủ trương vô sản hoá, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được Xứ uỷ Nam Kỳ giao trách nhiệm đi xây dựng cơ sở Đảng ở đề pô xe lửa Dĩ An, tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Đầu năm 1930, tại đây, đồng chí lập một chi bộ Đảng trực thuộc Xứ uỷ Nam Kỳ và được cử làm Bí thư chi bộ. Cũng tại đề pô xe lửa Dĩ An, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu còn lập một nhóm cứu tế, đưa một số công nhân vào tổ chức công hội. Ngày 13 tháng 7 năm 1930, đồng chí về Sài Gòn để in tài liệu và sáng hôm sau khi trở về đến Cầu Bông (Tân Định) thì bị địch khám xét và bắt giữ. Ban đầu, đồng chí bị giam ở Sở mật thám Ca-ti-nat; một tháng sau bị chuyển về giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Ở Khám Lớn, đồng chí cùng một số đồng chí tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù cũng như tổ chức lại cách thức sinh hoạt của anh em trong tù.

Năm 1933, ra tù, đồng chí bị địch đưa về quản thúc tại quê nhà. Lúc này phong trào cách mạng ở huyện Đại Lộc tạm thời lắng xuống sau đợt khủng bố cuối năm 1930. Trước tình hình trên đồng chí đã tìm mọi cách nhằm xây dựng lại phong trào, trong đó có mở trường dạy học để thông qua đó tuyên truyền giác ngộ thanh niên, học sinh.

Năm 1936, đồng chí đã chọn một số thanh niên tiên tiến nhất ở huyện Đại Lộc, lập thành 2 nhóm thanh niên cộng sản đầu tiên của địa phương, một nhóm ở tổng Đại An, một nhóm ở tổng Đức Hạ. Gần cuối năm 1936, đồng chí lại chọn một số thanh niên ưu tú nhất trong 2 nhóm thanh niên trên để thành lập một chi bộ Đảng. Chi bộ có 7 đảng viên và đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đại Lộc, đánh dấu kết quả hoạt động tuyên truyền của đồng chí Nguyễn Đức Thiệu.

Cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu tham gia cuộc họp thành lập lại Tỉnh uỷ Quảng Nam, được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và phụ trách huyện Đại Lộc. Cũng từ năm 1937, phong trào cách mạng ở huyện Đại Lộc phát triển mạnh, đều khắp ở các tổng. Đến những năm cuối năm, cả huyện đã xây dựng được 3 chi bộ Đảng. Bên cạnh đó, tổ chức thanh niên dân chủ và các tổ chức quần chúng biến tướng được xây dựng và phát triển nhiều nơi.

Yêu cầu lúc này ở Đại Lộc là cần có một cơ quan lãnh đạo Đảng tập trung và cao nhất của huyện để đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng. Nắm bắt yêu cầu đó, ngày 09 tháng 12 năm 1937, được Tỉnh uỷ chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã triệu tập Hội nghị đại biểu các chi bộ trong huyện để thành lập Huyện uỷ lâm thời. Hội nghị được tiến hành tại làng Bàng Trạch, tổng Đại An (nay là thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) và cử ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Bí thư Huyện uỷ Đại Lộc.

Tháng 02 năm 1939, Tỉnh uỷ Quảng Nam họp tại Trà Kiệu và bầu ra Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ tỉnh gồm 6 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Tháng 9 năm 1939, phong trào cách mạng ở Quảng Nam bị địch đánh phá, vỡ nặng, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu bị bắt, bị kết án 5 năm tù giam và chuyển xuống giam ở nhà lao Hội An, nhưng sau do đấu tranh chống lại mức án này nên bị chúng nâng mức án lên 7 năm. Trong nhà lao Hội An, đồng chí đã cùng các đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Tống... thành lập chi bộ Đảng, lãnh đạo tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân. Phản ứng lại các hoạt động của anh em tù nhân, cuối năm 1940, địch đưa đồng chí Nguyễn Đức Thiệu cùng một số đồng chí khác lên nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tháng 5 năm 1945, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu ra tù và trở về Đại Lộc, cùng các đồng chí ở địa phương xây dựng lại phong trào. Gần đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí được điều về tỉnh tham gia phục vụ chỉ đạo khởi nghĩa. Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đồng chí tham gia Ban tuyên truyền và Công an tỉnh. Sau đó làm đại biểu của Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam ra Huế dự lễ thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ và được phân công làm Thư ký cho Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ.

Công tác ở Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ được một thời gian, đồng chí chuyển về công tác tại Đà Nẵng. Tháng 4 năm 1946, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức bầu Ban Chấp hành chính thức, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Phó Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành phố, trực thuộc Xứ ủy.

Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc, Xứ uỷ Trung Bộ quyết định sát nhập Tỉnh uỷ Quảng Nam và Thành uỷ Đà Nẵng thành Liên Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử vào Ban Chấp hành Liên Đảng bộ tỉnh, phụ trách công tác dân vận ở mặt trận phía Bắc Đà Nẵng.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến sự diễn ra ở Đà Nẵng và vùng phụ cận ngày một ác liệt, việc giao thông, liên lạc giữa khu 5 và khu 4 bị gián đoạn, Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ chủ trương thành lập tại khu 4 một cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng quân sự, thuốc chữa bệnh, tiền bạc, tài liệu... của Trung ương gởi vào cho chiến trường miền Nam, tổ chức đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại1. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được chỉ định phụ trách công tác này.

Năm 1951, các bộ phận vận tải trong Liên khu 4 thống nhất lại thành Ban Thống nhất tiếp vận Liên khu 4. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Trưởng ban và cán sự phụ trách cơ quan này, đồng thời làm Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công chức Liên khu 4. Tháng 7 năm 1951, Ban Thống nhất tiếp vận Liên khu 4 chuyển giao cho quân đội quản lý và đổi tên thành Ban Tiếp vận miền Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Trưởng ban. Tháng 8 năm 1953, Ban Tiếp vận miền Nam được chuyển giao cho chính quyền quản lý, đồng chí được bổ nhiệm chức danh Giám đốc Ban Tiếp vận.

Tháng 8 năm 1954, đồng chí được điều về công tác ở Phủ Thủ tướng, phụ trách bộ phận tổ chức cán bộ tiếp quản và làm trưởng đoàn cán bộ tiếp quản thủ đô Hà Nội. Tháng 11 năm 1954, đồng chí công tác ở Ban Kinh tế Chính phủ, phụ trách công tác vật tư, tổ chức tiếp nhận viện trợ, kiểm kê và phân phối hàng cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tập kết ra miền Bắc.

Tháng 9 năm 1955, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được điều công tác sang Ủy ban kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư), đảm trách Trưởng phòng Kế hoạch phân phối vật tư. Năm 1960, được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ kế hoạch vật tư. Từ tháng 9 năm 1962, đồng chí được điều sang làm Vụ trưởng Vụ Giao thông - Vận tải và Bưu điện thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đồng chí nghỉ hưu cuối năm 1972; từ trần ngày 17 tháng 9 năm 1992.

Suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu là luôn chấp hành nghiêm túc mọi sự phân công của Đảng, không đòi hỏi lợi ích cho cá nhân mình và sẵn sàng phục vụ ở mức cao nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên sau này học tập và noi theo.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy



1 Từ năm 1948, khu 4 gọi là liên khu 4; khu 5 sát nhập với khu 6 gọi là liên khu 5. Tháng 7 năm 1961, Liên khu 5 tách thành khu 5 và khu 6.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đồng chí Bí thư Huyện ủy thăm, tặng quà và viếng hương các đồng chí nguyên lãnh đạo của huyện
Đồng chí LÊ CAO PHONG (1903 - 2000)
Đồng chí NGUYỄN THÚC HƯNG (NĂM HƯNG) (1908 - 1947)
Đồng chí LÊ NGHIÊN (1910-1990)
Đồng chí TRƯƠNG VĂN CHẤN (1915 - 2004)
Đồng chí TRƯƠNG QUANG LẠC (1914 - 1942)
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc (09/12/1937- 09/12/2022)
Đồng chí HỒ PHƯỚC HẬU (1916- 1940)