Đồng chí Lê Nghiên sinh năm 1910, tại làng Ái Nghĩa, tổng Đức Hạ (nay là khu Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa), huyện Đại Lộc. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng chí đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Từ năm 1930, khi được tiếp thu và giác ngộ Chủ nghĩa Mác- Lênin qua ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và sự hoạt động tích cực của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, đồng chí Lê Nghiên đã có những nhận thức tiến bộ, hăng hái vận động quần chúng tham gia các phong trào cách mạng. Đồng chí được đánh giá là thủ lĩnh thanh niên của địa phương thời điểm đó. Trước khi các chi bộ Đảng ra đời, ở huyện Đại Lộc đã hình thành hai nhóm thanh niên cộng sản ở tổng Đại An và tổng Đức Hạ. Đồng chí Lê Nghiên thuộc nhóm thanh niên cộng sản tổng Đức Hạ, hoạt động cùng các đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Lê Cao Phong và Nguyễn Xuân.
Từ năm 1935, đồng chí Lê Nghiên cùng với một số đồng chí đứng ra tập hợp thanh niên làng Ái Nghĩa, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh bằng nhiều hình thức nhằm chống lại những hành động tàn ác của bộ thực dân, phong kiến. Đó cũng là bước chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Đại Lộc.
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng trên đà phát triển, tháng 11 năm 1936, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã lựa chọn một số thanh niên xuất sắc trong hai nhóm thanh niên cộng sản ở tổng Đại An và tổng Đức Hạ để thành lập một chi bộ Đảng gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Nghiên được xếp vào hàng ngũ này và hoạt động ở Ái Nghĩa cùng với đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Lê Cao Phong.
Tại hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc vào ngày 09 tháng 12 năm 1937, đồng chí Lê Nghiên được cử vào Ban Chấp hành lâm thời cùng các đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Lê Cao Phong, Hồ Phước Hậu, Trương Văn Chấn, Trương Quang Lạc và Nguyễn Thúc Hưng. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia phong trào cách mạng tại huyện Đại Lộc.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Nghiên tham gia công tác mậu dịch Liên khu V cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc. Đồng chí Lê Nghiên được tổ chức phân công ở lại hoạt động tại địa phương, bí mật giữ liên lạc với các cơ sở cách mạng và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1955, đồng chí bị địch phát hiện, bắt giam tại nhà lao Ái Nghĩa, sau đó chuyển xuống nhà lao Hội An. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, song đồng chí không khai nửa lời. Không khai thác được gì, địch buộc phải thả đồng chí.
Năm 1960, trong khi đang tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Nghiên bị công an mật của Ngô Đình Diệm bao vây, ám sát. Nhờ mưu trí và tài võ nghệ của mình, đồng chí đã nhanh trí thoát khỏi vòng vây của địch và chỉ bị thương. Sau đó, đồng chí được đưa đi điều trị tại Đà Nẵng. Nhưng kẻ địch vẫn tiếp tục theo dõi nên đồng chí được chuyển ra Huế điều trị. Sau khi khỏi bệnh, đồng chí Lê Nghiên chuyển vào Thị xã Tam Kỳ sống cùng gia đình, vợ con và tiếp tục móc nối, tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 3 năm 1975, sau giải phóng, đồng chí Lê Nghiên chuyển về quê Đại Lộc sinh sống. Dù tuổi cao song với tinh thần quyết tiến của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia nhiều công tác như Trưởng ban kiểm sát Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước, Chủ tịch Hội Nông dân tập thể Thị trấn Ái Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Ái Nghĩa, Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc.
Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Lê Nghiên đã từ trần vào ngày 4 tháng 6 năm Canh Ngọ (năm 1990), hưởng thọ 80 tuổi.
Ghi nhận những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và nhà nước ta đã tặng thưởng cho đồng chí Lê niên, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương kháng chiến chống Mỹ Hạng nhất.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Nghiên đã để lại cho chúng ta một tấm gương về lòng yêu nước, đức tính giản dị, thanh liêm, xứng đáng cho các thế hệ đảng viên hôm nay và mai sau của Đảng bộ huyện Đại Lộc học tập và noi theo.