Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Anh hùng, giàu truyền thống cách mạnh, chứng kiến nỗi cơ cực, nghèo khó của người dân qua những năm tháng trường kỳ chống giặc ngoại xâm, cụ thấu hiểu nỗi niềm, nhất là nỗi niềm của những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh để lại như: bệnh tật, đói nghèo, già cả neo đơn không nơi nương tựa… đang rất cần sự cưu mang của xã hội. Tuy tuổi đã cao, nhưng cụ Tăng Bồn vẫn còn khỏe mạnh, tháo vát, đảm nhận chức Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ nhiều năm liền, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là cá nhân tiêu biểu của phong trào Chữ Thập đỏ huyện nhà, được vinh dự báo cáo điển hình ở Tỉnh, Trung ương và nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Để phong trào hoạt động đều khắp, trước hết Cụ đã quan tâm xây dựng đội ngũ rộng khắp. Toàn xã có 10 Chi hội thôn với 52 Tổ hội hoạt động theo địa bàn dân cư và 3 chi hội Chữ Thập đỏ trường học. Xây dựng đội thanh niên tình nguyện của xã gồm 12 người, xây dựng mỗi thôn một đội thanh niên tình nguyện và xung kích, tổng cộng 150 người, hằng năm được củng cố, kiện toàn, tạo chân rết hoạt động từ xã đến cộng đồng dân cư. Sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu, thiên tai, bão lũ xảy ra. Đồng thời, xây dựng 9 chốt sơ cấp cứu tại các đơn vị thôn có y tế thôn bản và chi hội trưởng hoặc chi hội phó phụ trách tham gia, kịp thời sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi về các cơ sở y tế. Hằng năm, để chăm lo đời sống hộ nghèo trong những tháng giáp hạt, hoặc những ngày lễ, ngày tết…, Cụ cùng với các anh, các chị trong BCH chịu khó tìm kiếm, vận động các đơn vị doanh nghiệp, các chùa, các nhà hảo tâm… đóng góp ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo cùng nhiều hàng hóa khác cứu trợ cho người nghèo, những người gặp hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ “Nồi cháo tình thương” tại bệnh viện phía Bắc Quảng Nam để mọi người có được niềm vui trong cuộc sống. Đối với những nạn nhân chất độc da cam, những trẻ em mồ côi trong xã đều được Hội quan tâm giúp đỡ thường xuyên. Các đối tượng chính sách gặp khó khăn, Bà mẹ VNAH hội cũng tổ chức viếng thăm tặng quà… Thành lập 10 đội trợ táng ở 10 thôn, mua sắm đầy đủ áo, mão, lo tang lễ cho người chết. Với phương châm “ Ở đâu có khó khăn hoạn nạn, ở đó có Hội chữ thập đỏ”, để đạt mục tiêu đề ra, ngoài nguồn kinh phí vận động từ các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, trên tinh thần “ lá lành đùm lá rách”, Hội chữ thập đỏ xã Đại Hồng đã tham mưu cùng với Đảng ủy, Ủy ban phối hợp với các đoàn thể xây dựng “ Hũ gạo tình thương” ở các gia đình và ở 7 cơ sở xay xát trong xã. Mỗi bữa nấu cơm, gia đình bỏ vào hũ một nắm gạo, khi đi máy gạo mỗi người bỏ vào hũ một nắm gạo. Trong năm 2011, qua phong trào này, cả xã đã tiết kiệm được 6.117 kg gạo, thành tiền là 73.404.000 đồng. Việc làm này đã góp phần rất lớn cho hội hoạt động, làm tốt công tác từ thiện nhân đạo. Đến nay, Hội chữ thập đỏ xã Đại Hồng còn tồn quỹ trên 100 triệu đồng. Hằng năm Hội đều hoàn thành sớm các chỉ tiêu do Hội chữ thập đỏ huyện giao. Trong năm 2011, ngoài việc làm tốt công tác cứu trợ nhân đạo tại địa phương, hội đã vận động nhân dân hiến 40 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu giao 15 đơn vị; đóng góp 2.860.000 đồng xây dựng công trình nạn nhân chất độc da cam Tỉnh Thanh Hóa; ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị động đất, sóng thần 15.398.000 đồng; hoàn thành chỉ tiêu hội phí giao nộp về trên cùng nhiều chỉ tiêu khác. Bằng tấm lòng nhân ái, nhiệt tình, say mê công tác, cụ Tăng Bồn không quản ngại mưa, nắng, ngày, đêm lặn lội khắp địa bàn dân cư trên chiếc xe đạp cà tàng. Niềm vui như tiếp thêm sức khỏe cho cụ lúc tuổi già. Nhiều người bảo: “Thôi già rồi cụ nên nghỉ ngơi”. Cụ nói: “ Người già nên làm nhiều việc thiện, để giáo dục cho thế hệ trẻ về tình thương yêu đồng loại, vốn quý của con người Việt Nam. Tôi cố gắng, đến khi nào không làm được nữa thì thôi”. Suy nghĩ, việc làm của cụ Tăng Bồn thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao./.
|