Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nêu gương về đạo đức là một trong những nguyên tắc quan trọng để xây dựng nền đạo đức mới trong xã hội. Theo Người, đối với người phương Đông, nhất là đối với người Việt Nam vốn giàu tình cảm, một tấm gương sáng còn hơn giá trị trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vấn đề nêu gương, do vậy, giữ một vai trò to lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đạo đức của con người. Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác, trong rèn luyện đạo đức, phải hết sức coi trọng đạo làm gương. Đó là tấm gương của ông bà, cha mẹ đối với con cháu, tấm gương của thầy cô đối với học trò, là tấm gương của con người đối với con người…Đặc biệt là tấm gương của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân. Trong một lần đến thăm tỉnh Hà Tây (2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ của tỉnh và nêu rõ: Đảng viên phải là người tự giác, gương mẫu cho quần chúng noi theo, đòi hỏi người đảng viên phải biết hy sinh. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc thì hy sinh cả tính mạng, xương máu cho cách mạng. Còn trong hoà bình xây dựng đất nước để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, người cán bộ, đảng viên cần xây dựng cho mình thành gia đình văn hoá, gia đình gương mẫu, mới tạo điều kiện tốt để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bởi lẽ, gia đình đảng viên không gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì đảng viên ấy nói không ai nghe, và như thế còn lãnh đạo sao được! Đối với cán bộ ở địa vị cao càng cao, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu càng phải làm gương mẫu cho quần chúng. Người nói: “Các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Nêu gương là nói đi đôi với làm Vận dụng phương thức giáo dục của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói; trong cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ thể hiện sinh động văn hóa nêu gương của một vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Còn nhớ, năm 1945, đồng bào cả nước phải trải qua nạn đói kinh hoàng khiến hơn 2 triệu người dân chết. Ở các tỉnh thành như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, không hiếm người chết đói ngoài đường, ngoài chợ. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Hũ gạo tình thương” với câu nói làm rung động hàng triệu trái tim người dân nước Việt: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Đầu năm 1946, cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội- nơi Bác Hồ ra ứng cử, có 118 vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí ứng cử Bác vào Quốc hội.Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”. Sau ngày hòa bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư chủ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đòng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác vừa đến ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm như thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”. Phải nêu gương tu dưỡng đạo đức suốt đời Bác Hồ từng căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Một năm trước lúc qua đời, trong buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, Bác nhắc nhở: “Muốn giáo dục nhân dân làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt, việc xấu”. Người cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Lời dạy ấy đến nay vẫn tươi nguyên tính thời sự, bởi trong thực tế không ít người trong lúc đấu tranh cách mạng thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ gian khổ, hy sinh, nhưng đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham nhũng, lãng phí, quan liêu, biến thành người có tội với cách mạng, với nhân dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Trung ương Đảng chỉ rõ: một trong những giải pháp cần thực hiện là nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống và đặc biệt phải nêu gương bằng hành động thực tế. Thiết nghĩ, nếu chúng ta biết học tập và tiếp thu văn hóa nêu gương Hồ Chí Minh một cách thiết thực, chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng. - Vân Trình -
|