Đăng nhập

Tài khoản
Hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ: Những trái tim như ngọc sáng ngời !
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 10/07/2012 .Lượt xem: 4459 lượt.

          Biết rõ vị trí lợi hại của Đại Thắng, địch nhiều lần điên cuồng đánh phá bằng phi pháo rồi chuyển sang càn quét bằng bộ binh. Gần hai tháng sau thất bại thảm hại của đợt càn lớn, ngày 14.4.1966, 25 xe lội nước của giặc Mỹ từ Đức Dục vượt sông Thu Bồn hùng hùng hổ hổ tiến vào bãi cát Phú Long. Chúng quyết “nhổ cái gai nhọn”, biến vùng giải phóng thành nơi trắng dân, trắng đất. “Bám thắt lưng địch mà đánh”, dựa vào làng chiến đấu và lũy tre dày đặc bao quanh làng, bộ đội địa phương và du kích kiên cường quần nhau với giặc, giam chân chúng trên bãi cát trắng. Bốn xe lội nước lần lượt bị phơi xác.

         Không cam chịu thất bại, địch dùng phi pháo đánh phá ác liệt. Ta chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng. Quân Mỹ tràn vào làng Phú Long thẳng tay đốt phá, bắn giết trả thù. Mặc cho đạn thù gầm thét, mẹ Lương Thị Hòa- cán bộ phụ nữ thôn vẫn bình tĩnh đưa thương binh nặng xuống hầm trú ẩn. Không may, địch phát hiện vết máu tươi. Chúng lao vào bắt mẹ, đánh đập, tra khảo: “Mày cất giấu thương binh cộng sản ở đâu? Khai mau! Khai mau!”. Nhưng chỉ nhận được ở mẹ sự im lặng lạ thường. Kẻ thù man rợ dùng dao cắt tai, xẻo mũi người phụ nữ chân yếu tay mềm hòng khuất phục.  Mẹ Hòa không hề nao núng. Ngã xuống trên bãi cát quen thuộc ven dòng sông Thu, phút cuối của người mẹ anh hùng được người đương thời rất đỗi khâm phục và ngợi ca: “Hai tay mẹ bị chúng xiềng,/ Đi sau lảo đảo ngả nghiêng thân già/ Rồi chúng dắt mẹ ra bãi Giáng Hòa,/ Thi nhau đánh đập khảo tra đủ điều./ Thân mẹ ngã dập xiêu xuống bãi,/ Bao giày đinh chúng giẫm lên mình./ Mẹ Hòa vẫn cứ làm thinh,/ Nghiến răng chịu chết, quyết không khai nửa lời.”

          “Mẹ ơi! Mẹ vẫn mẹ Đinh...”

          Vâng, mẹ tên là Nguyễn Thị Đinh, người làng Đông Gia, Đại Minh. Mười tám tuổi, tham gia dân quân, làm hầm chông, đào giao thông hào, rào làng chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Sau ngày đình chiến (1954), là người kháng chiến cũ, mẹ Đinh phải sống trong cảnh bị o ép, kèm kẹp, khổ ải đủ điều. Nhưng ngọn lửa cách mạng không hề tắt. Mẹ âm thầm là cơ sở cách mạng đáng tin cậy của Đội công tác xã Đại Minh, Đại Phong.

         Khi Đại Minh được giải phóng, mẹ Đinh hăng hái đi dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, chăm sóc thương binh. Rồi, quê hương mịt mù khói lửa chiến tranh. Chồng bị đại bác giặc sát hại, máu nhuộm đỏ luống cày. Một nách nuôi bốn con thơ, lấy củ chuối làm thức ăn qua ngày, song mẹ không hề thoái thác nhiệm vụ cách mạng giao, suốt 6 năm liền kiên cường trụ bám ở vùng giải phóng để bảo vệ cán bộ, du kích đánh địch càn quét.

          Tháng 2.1970, trung đoàn 51 ngụy mở cuộc tấn công vào Đại Minh dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh. Bị du kích chặn đánh, địch bị tổn thất nặng nề. Những bãi mìn vô hình của ta buộc chúng phải co cụm tại thôn Đông Gia. Địch bắt một số người dân trụ bám, trong đó có mẹ Đinh. Nghi mẹ là cơ sở cách mạng, bọn chỉ huy hết dụ dỗ lại tra tấn dã man hòng tìm ra hầm bí mật và nơi ở của cán bộ, du kích. Đòn thù không lay chuyển tinh thần người mẹ trụ bám.

          Khi địch hành quân về hướng Đại Thắng, mình đầy thương tích đi không nổi vì kiệt sức nhựng mẹ Đinh vẫn bị chúng bắt đi trước cùng một số đồng bào để dẫn đường, dò mìn. Biết đi hướng này sẽ gặp bãi mìn của du kích xã gài chống máy bay địch đổ quân đi càn, tính mạng của bà con mình  gặp nguy hiểm, mẹ quyết giằng co làm chậm bước quân thù mặc cho đòn gậy, báng súng đánh liên hồi. “Với lũ mặt người dạ sói này, đi cũng chết mà không đi cũng chết. Chi bằng...”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Quyết đi một nước cờ táo bạo, mẹ bỗng dõng dạc: “Xin bà con lui lại phía sau để tôi vạch lối cho anh em binh sĩ đi cho an toàn. Chớ mìn ở đây nhiều lắm!”. Hí hửng, bọn địch bám theo chân mẹ tiến nhanh. Chúng chẳng ngờ đang đi vào chốn tử địa.  “Ầm! ầm!..”. Mìn nổ rung chuyển một góc trời. Tiểu đội lính đền tội. Số còn lại bị thương, la khóc, chạy toán loạn.  

          Tấm gương hy sinh anh dũng để cứu mạng nhiều đồng bào và tinh thần tiêu diệt địch đến cùng của mẹ Đinh là niềm tự hào vô biên của đồng bào, đồng chí địa phương: “Mẹ ơi! Mẹ vẫn mẹ Đinh./ Vẫn con tim ấy nặng tình quê hương./ Gian nan càng thắm lòng son/ Càng thêm rạng rỡ cháu con Bác Hồ.”      

           “Ngọn đèn rực sáng niềm tin”

          Hiệp định Pa-ri ký chưa ráo mực, ở Đại Nghĩa, địch đã tăng quân và bung ra đánh phá, lấn chiếm. Các thôn lần lượt rơi vào tầm kiểm soát của chúng, kể cả vùng ranh núi Sơn Gà. Hoạt động của ta gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng du kích phải vào núi cao để lập căn cứ, chịu cảnh “mồ côi dân”. Chỉ chưa đầy một tháng, 12 đồng chí thương vong. Địch còn đẩy mạnh tuyên truyền hù dọa rằng, tình hình sẽ trở lại như năm 1954 khiến một bộ phận quần chúng hoang mang.

          Không để địch tự tung tự tác mãi, Đảng bộ xã Đại Nghĩa chỉ đạo quân và dân địa phương nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, kiên quyết chống địch lấn chiếm; lực lượng vũ trang phải trở lại bám địa bàn, làm nòng cốt cho phong trào diệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ. Mẹ Phan Thị Hai (Phan Thị Thông), cơ sở mật, được tin tưởng giao nhiệm vụ cảnh giới địch để đội công tác xã về hoạt động tại Đức Hòa. Thời chín năm chống Pháp, mẹ Thông từng tham gia lực lượng dân quân đánh hàng chục trận, nổi bật là chiến công diệt tên quan một Pháp và phá hủy khẩu cối 81 ly tại cống Bàu Trai. Chồng mẹ là cán bộ cách mạng, bị địch giam cầm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo từ cuối năm 1964. Thay chồng nuôi con, mẹ tích cực hoạt động, xây dựng cơ sở mật, nuôi giấu cán bộ. Nhận nhiệm vụ đầy nguy hiểm này, mẹ Thông quy ước tín hiệu với đội công tác: vào ban đêm, nếu thấy nhà mẹ có ánh đèn tức là không có địch, ngược lại là không an toàn. Ở Đức Hòa, từ đó đêm đêm, đối với cán bộ và quần chúng cách mạng “ngọn đèn rực sáng niềm tin/ ngọn đèn như một trái tim cháy bừng” (Hoàng Công Hầu).

          Ngày cuối tháng 11.1973, mẹ đi dự đám giỗ về thì trời sắp tối. Chẳng hay một trung đội địch bí mật theo chân mẹ về nhà, tổ chức phục kích cán bộ. Đêm ấy, xem xét xung quanh không thấy động tĩnh gì, mẹ thắp đèn báo an và sang nhà hàng xóm trao đổi công việc. Linh tính có địch, mẹ vội về nhà thì bị chúng giữ lại. Lúc này, anh em đội công tác thấy nhà mẹ Thông đỏ đèn, cửa nhà lại mở, chuẩn bị đi vào. Lòng mẹ như có lửa đốt: Bao năm mình và bà con đã chở che cho cán bộ, du kích hoạt động an toàn. Lẽ nào bây chừ lại cam lòng đứng nhìn anh em sa vào tay giặc? Thời thế cách mạng đang gặp khó khăn, mất cán bộ là mất cả phong trào cách mạng. Mình đã lớn tuổi rồi, có chết cũng chẳng sao. Miễn là anh em được chu toàn tính mạng! Mẹ quyết định hành động ngay, vùng thoát khỏi tay bọn lính, cố chạy vào nhà tắt đèn. Quá bất ngờ, địch hốt hoảng bắn theo và bấm mìn giăng. Đội công tác thoát hiểm trong gang tấc. Họ vô cùng biết ơn và cảm phục một người mẹ đã không tiếc thân mình vì sự tồn vong của phong trào cách mạng: “Đức Hòa đồng ruộng lúa reo/ Mênh mông lòng mẹ gương treo sáng ngời.../ Mẹ ơi một trái tim ngừng/Để cho bao trái tim bừng sáng lên”.

 
- Vân Trình - 
[Trở về]
Các tin mới hơn:
TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI NHIỆT TÌNH, NĂNG NỔ
Nữ Bí thư Chi bộ hết lòng vì công việc
GƯƠNG SÁNG MỘT HIỆU TRƯỞNG
NGƯỜI CHĂM SÓC NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ
CỬ NHÂN TRỒNG NẤM
Nữ thủ khoa đam mê nghề báo