Đăng nhập

Tài khoản
“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” Ở MỘT VÙNG ĐẤT ANH HÙNG
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 11/10/2012 .Lượt xem: 4039 lượt.
Chẳng biết tự bao giờ người ta đã đặt cho vùng đất nằm dọc hai bờ sông Vu Gia, nơi có rừng lòn bon ngọt lịm đầu nguồn, có biền dâu xanh cuối bãi cái tên là Đại Lộc! Có lẽ người xưa muốn gởi gắm mong ước luôn có được “lộc lớn” cho vùng đất này chăng?
          Thế nhưng, “lộc lớn” thì chẳng thể có nếu chỉ biết trông chờ đất trời ban tặng. Để có được như ngày hôm nay, bao thế hệ người con Đại Lộc đã chịu đựng lắm gian lao, đổ mồ hôi và xương máu để chống chọi với thiên tai, thú dữ, bệnh tật; đánh đổ giặc ngoại xâm, giữ gìn từng ngọn núi, tên làng, xây dựng cuộc sống ngày thêm phồn thịnh.

          Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm khảm của mỗi người thì nỗi đau thương và oanh liệt một thời đâu dễ lãng quên! Những ngày máu lửa ấy, Đại Lộc là một trọng điểm đánh phá của địch. Bom tấn, pháo bầy và bao mưu toan đen tối nhất mà kẻ địch đã không ngần ngại gieo xuống chốn này. Những con số lạnh lùng: Hơn 7000 liệt sĩ, gần 2000 thương- bệnh binh, 14.000 người được tặng thưởng Huân- Huy chương các loại, 750 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 20 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt huyện Đại Lộc cùng 18/18 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… đã đủ cho thấy cái giá của một ngày bình yên hôm nay là không thể gì sánh nổi!

         Yêu biết mấy mảnh đất nầy! Con người Đại Lộc luôn trân trọng và thành kính tri ân những người đã hy sinh xương máu trong quá khứ để cho hôm nay và mai sau nhà nhà có được lúa dẻo cơm thơm. “Uống nước nhớ nguồn”, lẽ sống ấy đã trở thành phương châm hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc. Trong những năm qua, các chế độ chính sách đối với người có công luôn được quan tâm thực hiện. Đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng chính sách được chăm lo ngày càng tốt hơn. Hàng năm, cứ vào dịp tết Nguyên Đán hay ngày Thương binh Liệt sỹ, lãnh đạo huyện cùng các địa phương đều đi thăm và tặng quà các thương-bệnh binh, gia đình chính sách, viếng hương Nghĩa trang liệt sỹ…Chừng đó cũng góp phần làm ấm những tấm lòng. Đặc biệt, việc chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Theo thời gian, các mẹ rồi cũng sẽ đi xa, nhưng tấm lòng của quê hương mang ơn mẹ vẫn cứ mái chứa chan! Nhiều lần huyện đã tổ chức cho các mẹ, các cán bộ cách mạng lão thành, thương- bệnh binh nặng được tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nhiều danh lam thắng cảnh. Âu đó cũng là chút tình để các mẹ, các bác có thêm niềm vui khi tuổi về chiều… dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2009, huyện đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng xây dựng Khu điều trị cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ cách mạng lão thành và thương – bệnh binh nặng tại bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, những mong các mẹ, các bác luôn được sống khỏe, sống vui, sống có ích cho đời.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc cha mẹ liệt sĩ, đỡ đầu thương- bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn luôn được các địa phương chú trọng. Các phong trào “Người dâu hiếu thảo”, “áo lụa tặng bà” … được các Hội, Đoàn thể và nhà trường hưởng ứng. Đặc biệt là từ khi có Đề án cải thiện nhà ở cho người có công, toàn huyện đã dấy lên phong trào đóng góp xây dựng Nhà tình nghĩa. Bằng nhiều nguồn kinh phí, đến nay cả huyện đã có gần 2.400 trường hợp được cải thiện nhà ở, trong đó có hơn 1.500 ngôi nhà được xây mới. Tình nghĩa thay, nhiều ông cha, bà mẹ dù thiếu vắng hình bóng người con thân yêu, nhưng những ngôi nhà kia giúp che nắng che mưa và là nơi thờ tự, hương khói liệt sĩ sẽ làm vơi đi phần nào nổi trống vắng, cô đơn. Từ nghĩa cử này, chúng ta cảm kích biết bao trước những tấm chân tình. Đồng tiền vốn dĩ vô tình đã được các nhà hảo tâm biến đổi trở nên có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn! Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện hưởng ứng, mỗi năm với hàng triệu đồng phục vụ cho những mục tiêu cao cả. Cùng với việc chăm lo cho người còn sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc luôn cố gắng vẹn tình với những người đã khuất. Suốt mấy mươi năm qua, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà đã tìm kiến và quy tập gần 6.000 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang. Khâm phục thay, hình ảnh các cựu binh như bác Nguyễn Văn Nhì ở thị trấn Ái Nghĩa, chú Phan Văn Sáu ở Đại Chánh hay anh Phan Thanh Dũng ở Đại Thạnh đã không quản ngại gian lao, lội suối băng ngàn để đi tìm đồng đội! Đồi 1062, Bàn cờ hay Dốc Gió đã không còn là chốn thâm sơn cùng cốc trong tâm tưởng của những con người nhân ái. Nơi an táng, thờ tự, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cũng được tôn tạo ngày càng khang trang. Ngoài ra, huyện đã đón tiếp, tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt gia đình từ mọi miền Tổ quốc đến tìm kiếm, thăm viếng, di dời mộ liệt sĩ về quê nhà.
                                             
         Không chỉ trực tiếp cho người có công, huyện cũng thường xuyên chú trọng đến việc giáo dục ý thức cộng đồng về trách nhiệm và lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã xả thân vì độc lập tự do cho tổ quốc, quê hương. Đài Chiến thắng Thượng Đức, Đền Trường An, Di tích Lịch sử cách mạng Đồn Chợ Cá và hàng chục di tích lịch sử cách mạng được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hàng tỷ đồng… Các anh hùng liệt sĩ đã trở thành tên các trường học, là nguồn lực tinh thần, niềm kiêu hãnh của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Cảm nhận được sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội, bản thân các thương binh – bệnh binh, gia đình chính sách tự hào về quá khứ hào hùng mà chính họ và người thân là người trong cuộc; họ lại có thêm niềm tin vào cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho quê hương. Nhiều tấm gương phấn đấu vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất – kinh doanh, làm việc có ích cho xã hội và đã được cộng đồng noi theo. Các thương binh ở Hợp tác xã 27/7 Đại Lộc là những tấm gương như thế – Những con người “Tàn nhưng không phế”, tiếp tục làm đẹp cho đời.Vậy đó, việc “Đền ơn đáp nghĩa” mà huyện đã thực hiện được là khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ, chưa thấm vào đâu so với cái nghĩa đã mang. Vẫn còn lắm nỗi băn khoăn, vẫn còn bao điều trăn trở. Chắc hẳn, nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó trên mãnh đất quê hương, chưa được mồ yên mã đẹp, để cho bao bà mẹ phải ngày đêm đau đớn chờ mong. Một bộ phận người có công vẫn còn phải bươn chải nặng gánh mưu sinh, mái nhà chưa đủ đứng vững qua những mùa mưa bão… tất cả đang chờ tấm lòng chở che, những cánh tay dang rộng…
        Ai đã nói rằng “giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến”. Vâng, chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Rồi đây kinh tế thị trường dẫu có làm méo mó cái nhìn, làm lệch lạc nếp nghĩ của ai kia, nhưng điều mà những con người chân chính luôn hướng đến là chân-thiện-mỹ. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình trọn nghĩa với quê hương. Đúng vậy, chính vì lẽ sống cao đẹp ấy mà Đại hội Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ XX vừa qua đã xác định nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2010-2015 là: “Đảm bảo thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công cách mạng, có giải pháp hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế để có mức sống cao hơn mức trung bình của nhân dân nơi cư trú. Đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa…”
         Để có được điều đó, trước hết trong thời gian đến, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa và trách nhiệm đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Huy động sức mạnh cộng đồng trong việc giúp đỡ người có công tạo lập cuộc sống ngày càng tốt hơn nữa. Các cấp, các ngành cần kịp thời triển khai thực hiện các chính sách mới ban hành, chăm lo tốt hơn đời sống Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ neo đơn, thương- bệnh binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách khác; thực hiện hoàn thành Đề án cải thiện nhà ở cho người có công. Mặt khác, huyện cần phát động rộng rãi việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, nhất là ở vùng núi, trạm xá, bệnh viện, nơi có trận đánh lớn trước đây. Chỉnh trang, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm, Bia ghi tên liệt sĩ để trở thành những công trình Văn hóa-Lịch sử mang tính giáo dục truyền thống…

          Những việc làm trên còn có ý nghĩa hơn trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày nay, đất nước ta đang đẩy mạnh mở cửa và hội nhập sâu hơn vào các mặt đời sống quốc tế. Mai này bốn biển năm châu sẽ là bầu bạn, sẽ là đối tác; vòng tay lớn sẽ ngày càng rộng mở. Song không phải vì thế mà chúng ta xao lãng hoặc quay lưng lại với quá khứ. Chúng ta luôn thấu hiểu rằng, bát cơm chúng ta ăn mỗi bữa, ngọn đèn điện thắp sáng mỗi đêm và cả tư thế ngẩng cao đầu trong mỗi bước đi của chúng ta hôm nay đâu phải tự dưng mà có, chẳng ai rủ lòng thương mà cho ta cả. Tất cả phải đánh đổi bằng xương, bằng máu, bằng số phận của hàng triệu con người! Không chỉ anh hùng trong kháng chiến và anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Đại Lộc đã và đang thắp lên ngọn lửa anh hùng, ngọn lửa “Hiếu Nghĩa Bác Ái” trong mỗi trái tim. “Uống nước nhớ nguốn” - đó chính là lời thôi thúc từ lương tri, từ tấm lòng thơm thảo của con người ở sứ sở lòn bon ngọt lành, để quê hương này mãi mãi có được “lộc lớn” mà bao lớp người đã hằng mong.

                                                                                     -- Mai Anh Súy -- Nguyên TVHU, PCT UBND huyện Đại Lộc






[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đại Lộc: Hơn 1.400 người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024
Hội đồng hương Đại Lộc tại TP.HCM tổ chức Gặp mặt với chủ đề “Đại Lộc yêu thương”
Đại Lộc tổng kết công tác phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019
CÓ MỘT ĐẤT QUẢNG XUÂN TÂN MÃO 540 NĂM TRƯỚC
THÊM MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA ẨN SĨ YÊU NƯỚC TÙNG SƠN
Các tin cũ hơn:
DI TÍCH, DI CHI VĂN HÓA - LỊCH SỬ HUYỆN ĐẠI LỘC
VĂN THÁNH – NƠI HỘI TỤ Ý NGHĨA VĂN HOÁ, LỊCH SỬ, CÁCH MẠNG CỦA QUÊ HƯƠNG ĐẠI LỘC