Việc triển khai xây dựng mô hình ban đầu gặp nhiều khó khăn, do mô hình chăn nuôi mới, chưa có ở huyện Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung. Người chăn nuôi chỉ mới tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nên chưa thực sự tin tưởng vào mô hình. Sau khi cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm phối hợp với địa phương triển khai tập huấn thì một số hộ chăn nuôi tự nguyện xin không tham gia mô hình, do tâm lý lo ngại nuôi lợn trên đệm lót sẽ nóng, lợn nằm trên chất thải sẽ bị bệnh, lợn hoạt động nhiều sẽ chậm lớn,… Tuy nhiên, một số hộ khi nghe phổ biến về ưu điểm của chăn nuôi lợn trên nền đệm lót, chế phẩm sinh học sẽ phân hủy chất thải làm giảm mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường, lợn khỏe mạnh, ít bị bệnh, tăng trưởng tốt và đồng đều, không cần thay phân hay dội rữa chuồng thường xuyên,… nên đã tham gia thực hiện mô hình.
Đến nay, mô hình đã triển khai được gần 100m2 chuồng nuôi, có hộ đã thả nuôi lợn trên nền đệm lót được hơn một tháng như hộ anh Lịnh, anh Tuấn ở thôn Tây Lễ,… Qua trao đổi với anh Lịnh, nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái có nhiều ưu điểm: chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, hầu như không còn mùi hôi, hiện lợn đang phát triển tốt, giảm được công việc thường xuyên trong vệ sinh chuồng trại, giảm được lượng nước và lượng điện sử dụng hằng ngày,… Thời gian đến, anh sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện mô hình chăn nuôi đệm lót sinh thái trên đàn gia cầm để môi trường trong gia đình và khu vực xung quanh không bị ô nhiễm bởi chất thải của vật nuôi.
Với những thành công bước đầu trong chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian đến, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hộ gia đình nhưng vẫn đảm bảo môi trường trong khu dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Cao Khánh - Trạm Khuyến nông-Khuyến lâm Đại Lộc