Đăng nhập

Tài khoản
Vận dụng tư tưởng “Học đánh cờ” trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975
Người đăng: Nguyễn Vũ Thu Thủy .Ngày đăng: 14/04/2014 .Lượt xem: 2066 lượt.

Trong những tháng ngày bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ kính yêu đã viết "Nhật ký trong tù"- áng văn chương độc đáo, không chỉ thể hiện ý chí bất khuất, nghị lực phi thường của một chiến sĩ cộng sản mà còn chứa đựng tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự thông qua bài thơ "Học đánh cờ". Theo bà Lady Borton (tác giả cuốn ''Hồ Chí Minh- một chân dung" và là người dịch sách ''Điểm hẹn lịch sử''- hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh), bài thơ ''Học đánh cờ" là một câu trả lời súc tích cho câu hỏi: ''Tại sao Việt Nam?'' (Why Việt Nam); trong bài thơ này, Hồ Chí Minh mô tả chiến lược mà các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã theo đuổi trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ.        

Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công.

Sau Hiệp định Paris được ký kết, Cách mạng Việt Nam bước sang một trang mới: Từ “đánh cho Mỹ cút” (đánh dấu bằng buổi lễ cuốn cờ của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn ngày 29-3-1973) chuyển sang động viên cao độ sức mạnh của cả nước, kiên quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành mục tiêu: "đánh cho ngụy nhào" theo lời dạy của Bác trước lúc đi xa.

            Bị buộc phải rút quân về nước nhưng với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ mưu toan duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam bằng công thức: đô la, vũ khí, trang bị của Mỹ cùng với bộ máy ngụy quyền, ngụy quân dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Mỹ đã để lại hàng nghìn cố vấn quân sự trá hình, chuyển giao toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện cơ sở chiến tranh, tương đương với 5 tỷ đô la cho quân ngụy. Bên cạnh đó, chúng còn ráo riết viện trợ, ra sức củng cố, tăng cường quân ngụy; tiếp tục duy trì một "lực lượng răn đe" ở Đông Nam Á sát miền Nam Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao xảo quyệt nhằm hạn chế khả năng tiến công lớn của ta. Tuy nhiên, kẻ thù có những khó khăn lớn: Nội bộ nước Mỹ đang mâu thuẫn sâu sắc, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ tăng cao, R. Nixon buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Chính quyền Sài Gòn ngày càng gặp khó khăn về nhiều mặt do Mỹ liên tục cắt giảm viện trợ (năm 1974 - 1975, Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 701 triệu đô-la, không bằng một nửa tài khóa 1972 - 1973). Về phía ta, cách mạng cả hai miền đang phát triển thuận lợi. Hậu phương lớn miền Bắc với sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN anh em đủ sức đảm bảo cung cấp nhân lực, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tại miền Nam, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp trên cả 3 vùng chiến lược, đủ sức đánh những trận tiêu diệt lớn quân địch.

Trên cơ sở "nhìn rộng, suy kỹ", Đảng ta đã thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Bác: "Kiên quyết không ngừng thế tấn công". Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 5-1973) bàn về vấn đề miền Nam đã quyết nghị: "Phải chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và pháp lý... Tiến công quân sự bằng phản công chủ động đánh bại mọi hành động của địch". Tiếp đó, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương (tháng 6- 1973), khẳng định: Cách mạng miền Nam phải tiến hành bằng con đường bạo lực. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất kết luận: "Chiến lược của ta là chiến lược tiến công, vấn đề quân sự phải đặt lên hàng đầu. Đấu tranh chính trị lúc này phải kết hợp với đấu tranh quân sự, binh vận và pháp lý".

Thực hiện chủ trương của Đảng, các chiến trường miền Nam đã đồng loạt đẩy mạnh hoạt động phản công, tiến công địch, giữ gìn và phát triển thế chủ động chiến lược làm chuyển biến cục diện chiến trường, tạo điều kiện mọi mặt cho những cuộc tiến công rộng lớn. Bên cạnh việc giáng trả quyết liệt, liên tục và có hiệu quả buộc địch phải điều chỉnh lại kế hoạch lấn chiếm, chúng ta còn có hai đòn trinh sát chiến lược: Chiến thắng quân dù- lực lượng trù bị chiến lược của địch tại mặt trận Thượng Đức (Đại Lộc, Quảng Nam)- ngày 20-12-1974, khẳng định khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực ta hơn hẳn quân chủ lực cơ động của ngụy. Với chiến thắng Phước Long ngày 6-1-1975 cho thấy rõ hơn khả năng Mỹ khó có thể can thiệp quân sự trở lại khi ta đánh lớn và thắng lớn. Đây là các cơ sở thực tiễn quan trọng đưa đến quyết định tổ chức Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Có thể khẳng định: Chính nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng cách mạng tiến công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, Quân đội ta và nhân dân ta đã làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

          Gặp thời, một tốt cũng thành công.../Tấn công, thoái thủ nên thần  tốc.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin rất coi trọng việc tận dụng và nắm thời cơ cách mạng. Ph.Ăngghen chỉ ra rằng: "Nếu trong buôn bán, thời gian là tiền bạc thì trong chiến tranh thời gian là thắng lợi"; "bỏ lỡ thời cơ thuận lợi, không lợi dụng cơ hội để tung vào chiến đấu với địch những lực lượng vượt trội thì có nghĩa là sai lầm lớn nhất mà người ta có thể mắc phải trong chiến tranh" ..  V.I. Lênin chỉ rõ: "Những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn, nếu họ bỏ mất thời cơ".  Chủ tịch Hồ Chí Minh   nhấn mạnh vai trò của thời cơ chỉ trong một câu thơ hàm súc: "Gặp thời, một tốt cũng thành công".

  Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác, tháng 10 năm 1974, Hội nghị Bộ Chính trị sau khi phân tích, đánh giá tình hình đi đến kết luận: "Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục mạnh lên, thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo...". Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Động viên nỗ lực lớn nhất của quân và dân ta ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã  toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà". .Nhận rõ tầm quan trọng của yêu cầu tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ, sau khi duyệt kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975- 1976, Hội nghị còn yêu cầu phải có kế hoạch tận dụng thời cơ khi nó xuất hiện: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".

   Sau "đòn điểm huyệt" Buôn Ma Thuật và thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, so sánh lực lượng trên chiến trường có sự chuyển biến vượt bậc có lợi cho ta. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị  họp và đi đến kết luận: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở  tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn- Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu". Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định: "Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm".

Để chớp lấy thời cơ, Đảng ta, Quân đội ta xác định phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tấn công, thoái thủ nên thần tốc".  Tác giả Jean- Claude Pomonti trong bài viết: "Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời" nhắc lại một chi tiết khá thú vị thể hiện tinh thần thần tốc, táo bạo của người đứng đầu Quân đội ta. Đó là, khi Đà Nẵng bị quân ta bao vây, chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng phải "tử thủ". Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho sư đoàn 312 tấn công Đà Nẵng. Viên chỉ huy sư đoàn trả lời: "Quân địch còn khá mạnh, tôi xin 7 ngày". Đại tướng hỏi: "Tôi cho rằng Ngô Quang Trưởng sẽ rút bằng đường biển. Hắn ta phải mất bao nhiêu lâu?". "Ít ra là 3 ngày."- Viên chỉ huy trả lời bằng điện báo. "Vậy thì tôi cho anh 3 ngày. Lệnh cho các đơn vị hành tiến giữa ban ngày, xuống Quốc lộ 1. Các anh sẽ bị pháo hải quân đối phương oanh tạc nhưng không sao!". Chiến dịch Đà Nẵng sau đó diễn ra đúng như dự báo tài tình của Đại tướng. Chẳng những căn cứ liên hợp hải- lục- không quân lớn thứ hai ở miền Nam của địch bị tiêu diệt chỉ trong vòng 32 giờ mà quân ta còn có thêm nhiều sư đoàn dự bị để tấn công cuối cùng vào Sài Gòn. Ngày 7-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lệnh các đơn vị trên đường hành quân vào mặt trận: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới Mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Chỉ trong vòng 4 ngày (26-4 đến 30-4-1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, làm Chính ủy, và các Phó Tư lệnh: tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn, đã toàn thắng, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Merle Pribenow, chuyên gia lâu năm về vấn đề Việt Nam cho rằng, chiến cuộc Xuân 1975 - chiến dịch Hồ Chí Minh là ''nước cờ chiếu hết thể hiện tài thao lược chưa từng có trong lịch sử'' (a ''strategic endgame non-pareil").

- Vân Trình -

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đảng ủy xã Đại Lãnh tổ chức Hội nghị thông tin thời sự và quán triệt Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ TẤM LÒNG NHÂN HẬU
Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh (1959- 2019): Đường Hồ Chí Minh- con đường của sự quyết tâm
GIỌT HỒNG YÊU THƯƠNG
Kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở xã Đại Sơn
TẤM LÒNG CỦA NHỮNG NHÀ GIÁO
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển phát động Cuộc thi viết tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đại Thạnh tổ chức học tập chuyên đề Chỉ thị 05 năm 2018
Vai trò của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác
Đảng ủy xã Đại Hiệp tổ chức hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2017”
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
Đại Lộc tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hành văn hóa nêu gương Hồ Chí Minh
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Đảng bộ quân sự huyện