Đúng dịp kỷ niêm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đoàn công tác huyện Đại Lộc có mặt tại huyện Tĩnh Gia (Thanh hóa) kết nghĩa để tham dự hội thảo tập sách “Tĩnh Gia- Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu” và giao lưu tiếp lửa truyền thống giữa các thế hệ lãnh đạo và tuổi trẻ hai huyện. Các hoạt động dào dạt tình nghĩa Bắc- Nam, Quảng- Thanh ấy đã làm sống lại một quá khứ hào hùng hơn nửa thế kỷ trước...
Tuổi trẻ Thanh Hóa hăng hái lên đường vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, cứu nước.
Địa linh, nhân kiệt.
Tĩnh Gia là mảnh đất cực Nam của đất “Quý hương” Thanh Hóa. Là một huyện đồng bằng ven biển nhưng địa hình nơi đây khá đa dạng có cả đồi núi, trung du, đồng bằng, biển và hải đảo. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tĩnh Gia bức tranh tự nhiên nhiều màu sắc, độc đáo và hấp dẫn. Ngoài biển có đảo Hòn Mê (cách đất liền 15km), đảo Biện Sơn và hàng loạt đảo nhỏ: hòn Bung, hòn Sổ, hòn Sập, hòn Bảng... Phía Đông Nam huyện có Non Tiên (Hải Thanh), phía Nam Non Tiên có hòn Câu Chữ, trên núi có chùa Đót Tiên, đền Quang Trung và đền Lạch Bạng soi mình xuống cửa Bạng tạo nên hình ảnh non xanh, nước biếc như thực như mơ. Đảo Biện Sơn có khe Ngọc, Giếng Ngọc, đền Ngọc với sự tích An Dương Vương, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ...Phía Tây Nam huyện, trong các dãy núi đá vôi có hệ thống hang động kỳ ảo, tiêu biểu là quần thể động Trường Lâm (xã Trường Lâm, giáp với xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An- quần thể hang động đẹp, đầy huyền bí của xứ Thanh và đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh. Phía Tây Bắc huyện có hệ thống núi non kỳ vĩ; mỗi ngọn núi đều gắn với truyền thuyết ly kỳ xa xưa: Ngọc Sơn (núi Bợm) với sự tích "Ngọc Trống - Ngọc Mái"; núi Long Cương (Núi Năng, xã Nguyên Bình) với câu chuyện Đào Duy Từ sáng tác khúc Long Phi ngâm trước khi vào Nam gặp chúa Nguyễn làm nên cơ đồ; núi Các với sự tích Bàn cờ tiên và chùa Am Các...
Tĩnh Gia là quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt, danh nhân văn hoá, nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng: Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu thời Đinh - Tiền Lê; Khai quốc công thần Lê Văn An (Lê Nhân Trung), Đông các đại học sĩ Lê Nhân Qúi thời Hậu Lê; Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ - Đệ nhất Khai quốc công thần của nhà Nguyễn, nhà chính trị, nhà quân sự và nhà văn hoá nổi tiếng của đất nước; Hoàng giáp, Thượng thư Lương Chí thời Lê trung hưng...
Là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu phía Đông Nam Thanh Hoá, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Xe chưa qua nhà không tiếc", trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Tĩnh Gia đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc anh dũng chiến đấu đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ được mạch máu giao thông nối liền Bắc - Nam, bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. “...Qua đây lại nhớ năm nào/ Xé trời đạn lửa, bom đào đất rung/ Đường ra mặt trận miền Trung/ Quân dân ta vẫn trùng trùng tiến lên...”(Tố Hữu). Năm tháng đi qua, song các địa danh như phà Ghép, cầu Hang, Hòn Mê, Nghi Sơn, cầu Đồi, cầu Vằng, cầu Hổ...đã mãi mãi đi vào lịch sử không chỉ của Tĩnh Gia, của Thanh Hóa, mà của cả dân tộc.
Tĩnh Gia ngày nay đang “bừng sáng tương lai”, bởi là địa bàn có Khu Kinh tế Nghi Sơn – Khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hoá và khu vực Bắc - Trung bộ, một trong năm khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Sau 7 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế này đã thu hút được trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 2 dự án trọng điểm quốc gia là Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn và Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn.
Nghĩa tình trọn vẹn như dòng sông chung đầu, hợp cuối.
Ngược dòng lịch sử, Thanh Hóa - Quảng Nam, Tĩnh Gia - Đại Lộc có mối quan hệ mật thiết từ lâu đời. Nhiều tộc họ ở Đại Lộc có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Tình nghĩa keo sơn giữa hai tỉnh và hai huyện càng gắn kết keo sơn hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Ngày ấy, thực hiện khẩu hiệu: “Miền Nam gọi – miền Bắc trả lời, Quảng Nam cần – Thanh Hoá có”, trong tình cảm Bắc – Nam cao cả và thiêng liêng, Đảng bộ, nhân dân Tĩnh Gia thường xuyên theo dõi, cổ vũ, động viên tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, kiên quyết bám trụ quê hương, tổ chức chiến đấu lập nên chiến công vang dội của quân và dân Đại Lộc. Mỗi chiến công từ Quảng Nam – Đại Lộc đến với Thanh Hóa – Tĩnh Gia là động lực thúc đẩy các phong trào:“Thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “sản xuất giỏi chiến đấu giỏi, giao thông vận tải giỏi”, “Hòn đá chống Mỹ”...Các phong trào thi đua yêu nước ấy cổ vũ thôi thúc lớp lớp thanh niên Thanh Hóa – Tĩnh Gia vượt Trường Sơn đi cứu nước, hàng vạn thanh niên Tĩnh Gia đã trở thành anh giải phóng quân, dũng sỹ diệt Mỹ, diệt ngụy, cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương Đại Lộc – Quảng Nam. Và, khi được chiến đấu trên quê hương kết nghĩa, những người con của xứ Thanh luôn được bà mẹ đất Quảng hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ như những người con ruột thịt của mình.
Giao lưu tiếp lửa truyền thống:
“Tĩnh Gia- Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu”.
Xây đắp bền chặt hơn mối tình kết nghĩa đặc biệt.
“Em gái Đại Lộc nuôi tằm dệt lụa/ Gửi tặng anh cùng điệu lý thương nhau/ Trai Tĩnh Gia căng buồm thả lưới/ Gửi tặng em câu hò sông Mã”(*). Dẫu cách xa hàng trăm cây số nhưng bằng tình cảm kết nghĩa, những năm qua, hai huyện Đại Lộc - Tĩnh Gia thường xuyên cử đoàn đại biểu đi thăm để chúc mừng nhau nhân các lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng như kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đại Lộc, ngày Tĩnh Gia tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945, ngày thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc, ngày thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Tĩnh Gia, khánh thành Đền Tưởng niệm Trường An, khánh thành Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc... Mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ, hai huyện kịp thời thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần để sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Những kỷ vật, những món quà quý báu: Tập Lịch sử Đảng bộ huyện Tĩnh Gia, Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc, cờ lưu niệm tình kết nghĩa mang dòng chữ: "Tĩnh Gia - Đại Lộc đoàn kết keo sơn, xây dựng quê hương, Tổ quốc mạnh giàu", phiên bản trống đồng Đông Sơn, chiếc xe đạp cày của nông dân Lương Minh Đồng (Đại Hồng, Đại Lộc) cùng những hoạt động: trồng cây lưu niệm, tặng nhà tình nghĩa … là những bằng chứng sinh động thể hiện tình cảm thủy chung son sắt giữa hai huyện Tĩnh Gia và Đại Lộc.
Rời Tĩnh Gia, chúng tôi nhớ mãi câu nói xúc động của bác Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tĩnh Gia tại hội thảo tập sách “Tĩnh Gia- Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu”: “Mối quan hệ kết nghĩa đặc biệt Thanh Hóa- Quảng Nam nói chung, trong đó có Tĩnh Gia- Đại Lộc nói riêng thật sự là tình cảm có tính chất cội nguồn, máu thịt; là tình cảm cách mạng, trong sáng, thủy chung mà các thế hệ hôm nay và mai sau hãy khắc sâu ghi nhớ và phải có trách nhiệm xây đắp bền chặt hơn”. Đó cũng là ý nguyện chung và lời nhắn nhủ của các thế hệ lãnh đạo hai huyện với các bạn trẻ trong cuộc giao lưu tiếp lửa truyền thống: “Tĩnh Gia- Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu”.
(*): Ca từ bài hát Tĩnh Gia- Đại Lộc, nghĩa nặng tình sâu (Lời: Nguyễn Văn Tòng, nhạc: Trọng Bích)
- Vân Trình -