Cuộc chiến tay ba: Trịnh- Nguyễn- Tây Sơn.
Trong suốt 46 năm ròng rã (1627- 1672), chúa Trịnh và Chúa Nguyễn có bảy lần đánh lớn và một số lần đánh nhau quy mô nhỏ hơn. Chiến trường chủ yếu ở hai bờ sông Gianh, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay. Hai bên đều có lợi thế và yếu điểm nên không thể tiêu diệt được nhau, dù cùng mang khẩu hiệu “Phù Lê”. Sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến, chia cắt lâu dài, lấy sông Gianh (sử sách hay gọi là Linh Giang) làm ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Một trăm năm sau khi đình chiến, một sự kiện lớn ở Đàng Trong làm xáo trộn cả Nam Hà lẫn Bắc Hà, đó là ba anh em
Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa nhân lúc chính quyền chúa Nguyễn lục đục rơi vào tay quyền thần Trương Phúc Loan. Chúa Trịnh nhận thấy thời cơ tiêu diệt họ Nguyễn đã đến. Lấy danh nghĩa đánh Tây Sơn giúp Nguyễn, tháng 9 âm lịch năm 1774, chúa Tĩnh Đô vương
Trịnh Sâm cử lão tướng Việp quận công
Hoàng Ngũ Phúc làm Bình Nam thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng mang 36.000 quân nam tiến. Quân Trịnh tiến tới địa giới Bắc Bố Chính, tướng Nguyễn là Trần Giai chạy sang đầu hàng, làm hướng đạo cho quân Trịnh. Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh. Chúa Nguyễn biết ý Trịnh muốn đánh chiếm nên điều quân kháng cự. Được sứ giả họ Nguyễn là Kiêm Long gợi ý, Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể tiến đánh lũy Trấn Ninh. Các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.
Tháng 11 năm 1774, Chúa Trịnh Sâm tự cầm thủy quân vào Nghệ An làm thanh viện cho quận Việp. Quận Việp đánh Lưu Đồn, thống suất bên Nguyễn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quận Việp tiến đến Hồ Xá dùng chiêu bài khác, lấy cớ trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền để nam tiến tiếp. Quân Nguyễn yếu thế không chống nổi, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải trói Trương Phúc Loan nộp quân Trịnh. Giết Loan rồi, Hoàng Ngũ Phúc lại dùng lý do giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến vào Phú Xuân hội binh. Chúa Nguyễn sai các tướng trá hàng để quấy rối Quảng Bình, Bố Chính sau lưng quân Trịnh, nhưng các cánh quân đó bị quân Trịnh nhanh chóng phá tan. Chúa Nguyễn điều Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính ra đánh đều bị quận Việp đánh bại. Quận Việp sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma đánh tan quân Nguyễn, giết chết Chính. Đầu năm 1775 quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam cùng với người cháu ruột là Nguyễn Phúc Dương. Phúc Dương là con Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu, cháu nội của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, là em con chú của Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Ông được lập làm Đông cung thế tử để mưu đồ việc khôi phục và chống lại quân của Hoàng Ngũ Phúc.
Bản đồ Việt Nam khoảng năm 1760, vẽ bởi công ty Cóvens e Mortier, Amsterdam
Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy vào Quảng Nam bèn mang quân hai đường thủy bộ từ Quy Nhơn ra đánh. Liệu chống giữ không được, Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy về Gia Định, trong khi Đông cung Dương được lệnh ở lại trông coi Quảng Nam. Ông bị Nguyễn Nhạc bắt đem về Hội An, rồi về An Thái, Bồng Sơn để thu phục nhân tâm.
Vinh danh Nam Trân.
Sự tích trái Nam Trân (loòng boong) gắn liền với cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn, mà kết cục là quân Nguyễn phải lánh vào rừng Quảng Nam, thượng nguồn Ô Gia (Đại Lộc). Tương truyền, giữa lúc đói mệt, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (có truyền thuyết cho là công tử Nguyễn Phúc Ánh, có truyền thuyết lại cho là Đông cung thế tử Dương?) gặp được rừng cây loòng boong, bèn lấy móng tay bấm thử thấy vỏ mềm, ruột thơm ngon, ăn vào ngọt miệng, nhờ đó đã dịu cơn khát và đỡ đói. Trái loòng boong bây giờ vẫn còn dấu bấm móng tay. Theo các tác giả Nguyễn Hải Triều và Vũ Giang trong cuốn "Đại Lộc một vùng văn hóa" (tập I), ở khu vực thôn Thái Sơn- Chấn Sơn (Đại Hưng) vẫn còn gò Tôn Dương và Hóc Tướng phù hợp với giai thoại trên. Sau khi không truy tìm được Chúa Nguyễn, quân Tây Sơn rút về Đại An (nay thuộc tịch điền thôn Tịnh Đông Tây, Đại Lãnh) lập Đồng canh quan trại, chia đều ruộng đất cho dân, tạo công bằng trong xã hội. Người dân địa phương đến nay vẫn còn nói: "Tây Sơn hy hữu" (ít có như Tây Sơn).
Trái Nam Trân (loòng boong)
Khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Ánh đã đặt tên cho trái loòng boong là "Nam Trân", có nghĩa là ngọc quý ở phương nam. Loòng boong còn có tên gọi khác: Phụng Quân Mộc (cây gặp vua). Triều Minh Mạng quy định mỗi kỳ trái chín phải tiến vua, ban hành quy chế riêng đối với các khu rừng loòng boong và đặt chức Quản Nam Trân để quản lý vườn cây trái thiên nhiên này, có quyền huy động dân đinh ba xã: Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc địa bàn phía tây huyện Đại Lộc, Quảng Nam ngày nay) canh giữ vườn trái. Không dừng ở đấy, khi tổ chức đúc bộ Cửu đỉnh “để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã trụ lại.., để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, đời truyền đời sau”, vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây Nam Trân ở tầng trên của Nhân đỉnh (đỉnh này nằm hàng thứ nhất bên trái tại sân chầu Thế Tổ Miếu trong Đại Nội Huế, tượng trưng cho lòng nhân ái). Theo nhiều học giả, bộ Cửu đỉnh là công trình nghệ thuật tạo hình vĩ đại của nước ta, là bộ sử “Đại Nam nhất thống chí” bằng điêu khắc đồng vô cùng độc đáo, là “bộ bách khoa thư” về đất nước Việt Nam thống nhất có chủ quyền. Cửu Đình đã được Bộ Văn hóa -Thể thao-Du lịch công nhận là Báu vật Việt Nam.
Hình tượng cây Nam Trân được khắc ở tầng trên của Nhân đỉnh
- Vân Thu -