Trại Lù thuộc địa phận thôn An Định, xã Đại Đồng, là một hang đá ngầm ở sâu trong lòng dãy núi Sơn Gà, chiều dài gần một cây số, có nhiều ngõ ngách, sức chứa hàng trăm người. Đỉnh Trại Lù có nhiều tảng đá to, bom khó phá nổi. Dưới lòng hang đá có suối nước trong, chảy từ khe An Định. Nằm ở độ cao khoảng gần 1.000m so với mực nước biển, từ Traị Lù, có thể quan sát mọi động tĩnh ở bên dưới. Mặt khác, căn cứ này nối liền với căn cứ K 600 của tỉnh và căn cứ Phước Lộc (Đại Quang) nên thuận tiện cho việc trú ẩn và tiến thoái khi địch tập kích.
Trại Lù thuộc địa phận thôn An Định, xã Đại Đồng, Đại Lộc
Với vị trí hiểm yếu, Trại Lù là một căn cứ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những năm 1968 - 1970, bộ đội của Trung đoàn 41 từng đóng tại đây để tổ chức các trận tấn công mãnh liệt địch ở Núi Lở, Cầu Chìm, Gò Om. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Đà cũng đã dừng chân ở Trại Lù trước khi di chuyển về Hòa Vang (Đà Nẵng ) chỉ đạo phong trào cách mạng. Mỗi khi địch tổ chức càn hoặc dùng bom, đạn đại bác bắn phá, du kích các xã Đại Đồng, Đại Quang cứ việc rút vào hang đá khổng lồ này là đảm bảo an toàn. Sau các trận đánh, quân ta lại rút về Traị Lù, nghỉ ngơi, củng cố lực lượng. Đặt chân đến Đại Đồng, giặc Mỹ liên tiếp triển khai các kế hoạch "tìm diệt và bình định" trong các mùa khô 1965-1966, 1966-1967. Khi phát hiện Trại Lù là nơi trú ẩn của cán bộ, bộ đội, du kích, chúng không từ một thủ đoạn nào hòng nhổ cho bằng được"cái gai nhọn" này. Trại Lù ngày ngày phải gồng mình hứng chịu hàng ngàn quả đạn "pháo bầy" 130 ly từ các trận địa pháo: Núi Lở, Bồ Bồ, Đức Dục, An Hòa, Động Hà Sống. Trại Lù mù mịt khói lửa, trơ trọi đá và đá, chỉ có loài rau nhớt kiên gan trụ lại trên tường đá, là món "thực phẩm" duy nhất giúp du kích vượt qua cơn đói lả, khi mà các nguồn tiếp tế bị cắt đứt.
Mùa thu năm 1974, ngay sau khi chi khu quận lỵ Thượng Đức bị ta đánh chiếm, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu vội vã điều sư đoàn dù thiện chiến thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược quyết tái chiếm Thượng Đức. Địch cày ủi, xây dựng các cụm pháo dọc dãy núi Sơn Gà, từ Đại Hiệp lên giáp Đại Đồng. Chúng bao vây căn cứ Trại Lù hòng đánh bật lực lượng ta. Suốt gần 4 tháng ròng rã, mẹ Trịnh Thị Liền và 3 quần chúng phải nằm lại trong hang đá. Tất cả phải ăn bắp, rau nhớt rừng để cầm cự qua ngày. Thế nhưng, với bản lĩnh kiên cường, người nữ chiến sĩ cách mạng ấy không hề nao núng, kiên trì vận động những người dân cùng ở với mình không vì gian khổ mà ra khỏi hang đá để địch biết.
Cùng thời gian ấy, đồng chí Phạm Văn Thọ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324 (Quân khu Trị Thiên- Huế) cùng đồng đội đang quyết chiến một mất, một còn với kẻ thù trên mặt trận Thượng Đức. Ông kể: Khi Trung đoàn 66- sư đoàn 304 nổ súng tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức thì tiểu đoàn 8 được giao nhiệm vụ: tăng cường diệt địch ở Ba Khe, bao vây điểm cao 52; tổ chức cắm cọc, chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia chặn không cho địch chạy về Đà Nẵng, đồng thời không cho chúng tiếp tế bằng đường sông lên Thượng Đức. Từ ngày 29/7 đến 7/8/1974, trên hướng trung đoàn 3, sư đoàn 324 chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tung 2 trung đoàn của sư đoàn 3 nguỵ tập trung phi pháo cao độ nhằm giải toả Thượng Đức. Chúng dồn quân lên Hà Sống và Hà Nha 1 - Hà Nha 2, Bàn Tân. Pháo binh và không quân địch yểm trợ tiến công quyết liệt vào cụm chốt của tiểu đoàn 8 ở Ba Khe, 126 theo trục đường 14 ven sông Vu Gia, cầu Ba Khe. Bị vướng mìn và cọc trên sông và hoả lực ta đánh mạnh, lực lượng bộ binh xuất kích địch bị thiệt hại nặng không thể vượt qua khu vực chốt của tiểu đoàn. Ngày 14/8/1974, quân ta xung phong đánh chiếm và cắm cờ trên điểm 52 Hà Sống. Ngay sau đó, toàn trung đoàn 3 chuyển giai đoạn bước vào phòng ngự. Tiểu đoàn 8 đứng chân tại chỗ có nhiệm vụ xây dựng trận địa phòng ngự ở Ba Khe - 126 - bình độ 400 (gọi chốt thép T2) chống quân dù lên tái chiếm vùng giải phóng Thượng Đức. Trên dãy Sơn Gà, dù phải chịu đựng bao gian khổ, song các chiến sĩ ta vẫn ngoan cường đánh bại các đợt tiến công của quân dù, giành đi, giật lại từng điểm cao, giữ vững trận địa.
Ngày 8/2/1975, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Thọ cùng tổ trình sát đi kiểm tra lại toàn trận địa ở phía trên hang Bà Thóc (mà địa phương gọi là hang Lù) lúc chập choạng tối, quan sát thấy bóng của con gì đó nhưng bò tới nơi thì không thấy gì cả. Bố trí mai phục, khoảng 20 phút sau thấy từ trong hang có một người bò ra khu bãi của địch lấy đồ hộp thừa. Tổ trinh sát đã bắt được một người phụ nữ cơ thể đã quá kiệt sức, đưa về sở chỉ huy tiểu đoàn cho ăn cơm và lập tức gửi báo cáo về trung đoàn, phối hợp với địa phương xác minh lai lịch. Người phụ nữ ấy không ai khác chính là mẹ Trịnh Thị Liền. Mẹ sinh năm 1924, tại thôn Phú Hương, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tham gia cách mạng từ năm 1947. Trong kháng chiến chống Pháp, là Hội phó Hội Phụ nữ xã Đại Quang. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mẹ được phân công ở lại địa phương hoạt động, tích cực móc nối, giúp đỡ cán bộ cách mạng trong hoàn cảnh bị địch vây ráp, khủng bố ác liệt. Tháng 10/1962, khi đang mang thai thì chồng (cũng là cán bộ cách mạng) bị địch sát hại ngay tại nhà. Nợ nước, thù nhà đè nặng hai vai, năm 1964, mẹ quyết định gửi lại đứa con mới 17 tháng tuổi cho mẹ già để thoát ly hoạt động. Từ đây, người nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy đã khôn khéo chỉ huy nhiều cuộc đấu tranh chính trị và binh vận, nhiều trận chiến đấu khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ tại Trại Lù đã kết tình mẹ con giữa hai mẹ con- hai chiến sĩ cách mạng, hai quê hương nhưng cùng chung lý tưởng. Người con kết nghĩa của mẹ Liền- Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Thọ- sinh năm 1948, là người xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ tháng 3/ 1967. Người lính xứ Thanh có đến 21 năm quân ngũ ấy đã in dấu chân khắp các chiến trường, từ Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế máu lửa, Tây nguyên hùng vĩ đến Quảng Nam- Đà Nẵng ác liệt, sau đó có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn. Từ năm 1977, ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào và về hưu với quân hàm trung tá. Trong cuộc đời quân ngũ, Phạm Văn Thọ đã tham gia chiến đấu trên 60 trận, trực tiếp diệt 60 tên địch, bắt sống 36 tên khác, thu 50 súng các loại, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay bằng súng bộ binh mở đầu phong trào bắn máy bay cho toàn trung đoàn. Khi chiến đấu ở cao điểm 372 (Thừa Thiên), ông cùng một lúc bắn 12 quả B 40, B 41 vào các lô cốt địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên đánh chiếm cứ điểm này...
Mẹ Trịnh Thị Liền ( người mặc áo dài, hàng thứ nhất) và người con kết nghĩa
Phạm Văn Thọ (người thứ hai từ trái sang, hàng trên cùng) chụp ảnh với
các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước năm 1984 tại Phủ Chủ tịch
Điều khá thú vị là cả hai mẹ con Trịnh Thị Liền - Phạm Văn Thọ đều được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng một ngày- 6/11/1978. Mẹ Trịnh Thị Liền đã qua đời năm 1998. Còn cựu chiến binh Phạm Văn Thọ hiện đang cư trú tại thôn 4, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (là huyện kết nghĩa với huyện Đại Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Dẫu người mẹ kết nghĩa đã đi xa hơn mười lăm năm rồi, song ông Thọ vẫn chưa quên một kỷ niệm giữa hai mẹ con: “Ngày 22/12/1984, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức cho mười Anh hùng LLVTND về Hà Nội đi thăm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lúc đó, tôi ở Bắc Lào, về đến Hà Nội được gặp mẹ ở Trạm 66. Gần 10 năm, mẹ con mới được hội ngộ, tay bắt mặt mừng rưng rưng giọt lệ, chuyện trò hỏi thăm gia đình, quê hương. Một tuần được sống gần mẹ với những tình cảm xúc động khó tả. Mẹ con được chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được đi thăm Thuỷ điện Hoà Bình - Núi Đá Chông. Một tuần trôi đi nhanh quá, mẹ con buộc phải chia tay nhau. Mẹ lên máy bay về Đại Lộc. Tôi tiếp tục sang Bắc Lào công tác...Khi nghe hung tin mẹ Liền qua đời, tôi bàng hoàng, thương tiếc khôn nguôi...”
- Vân Thu -