Cây mai dương hay còn gọi là cây ma vương, cốt khí có gai, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ gai,.., tên khoa học là Mimosa pigra L, thuộc họ Mimosaceae.
Loài cây này có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam mỹ, thân có chiều dài lên đến 6 m, phân thành rất nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn, gai dài khoảng 6 mm, quả cây có nhiều lông ngứa, chúng mọc ở các vùng đất ở nơi trống, đất ẩm ướt, vùng nhiệt đới (đất trống, bờ ao, bờ sông, ven đường), đây là loài cỏ dại ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa. Từ lúc hạt nảy mầm đến 6 tháng sau thì ra hoa và kết quả, từ khi cây ra hoa đến lúc trái chín khoảng 5 tuần. Mỗi lần sinh sản cây có thể sinh ra khoảng 9.000 hạt mới và trái cây rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước. Hạt có miên trạng tốt, có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm. Đặc biệt, hạt cây mai dương dễ dàng trôi theo dòng nước (sông, suối) đến mọc ở những vùng đất khác. Vì có khả năng xâm lấn mạnh, nó có thể hủy hoại các hệ sinh thái cây bụi đã có ở một nơi nào đó.
Huyện Đại Lộc có diện tích đất nông nghiệp 43.303,83 ha chiếm 73% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, trong thời gian qua và hiện nay, một số khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang bị cây mai dương xâm lấn, che kín cả một vùng dày đặc, với tầng suất san sát, thân cây đầy gai nhọn, mọc ngược như những lưỡi dao sắc lẹm, mang theo độc tố mimosin - loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…gây khó khăn cho quá trình sản xuất, đi lại của người dân và đây đang là nỗi lo ngại của người nông dân trên địa bàn huyện.
Đâu đâu trên các cánh đồng đến các bờ mương, ven bờ sông, bờ ao, gò đồng, ven đường đi lại, xung quanh trường học, khu dân cư, bãi đất hoang hóa và dọc các tuyến đường chúng ta đều quan sát thấy có cây mai dương đang phát triển, ở đâu có mai dương thì ở đó các loại cây khác hầu như không mọc được, hoặc cây nào "vượt" qua được những tầng gai góc của mai dương mà ngoi lên cũng phát triển èo uột, vì mai dương hấp thụ rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất làm cho đất bạc màu nhanh chóng, rõ ràng đây không chỉ là cái bẫy nguy hiểm của nhiều loài động vật, mà cả với những thực vật khác ở xung quanh. Việc xâm lấn của loài “ cây mai dương” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Đại Lộc nói riêng.
Ngày 1-6-2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, việc ngăn chặn sự phát triển và diệt trừ cây mai dương hoàn toàn không dễ chút nào. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và kinh nghiệm của nhân dân ở các địa phương, để hạn chế sự phát triển của loại cây này thì phải triệt phá cây mai dương con; đối với cây mai dương lớn, phải chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương; việc diệt trừ loại cây này cần tiến hành ở vụ Hè - Thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển… Bên cạnh đó, đọt non của mai dương là món ăn rất khoái khẩu của dê nên có thể nuôi dê để diệt bớt, hoặc thu gom, xay nhuyễn cây mai dương thành bột để trồng nấm mèo. Chúng ta cũng có thể trồng các loài cỏ có ích để ngăn chặn sự phát triển của cây mai dương; phải phối hợp nhiều giải pháp một cách thường xuyên mới có thể mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, một số loại thuốc trừ cỏ hóa học (Roudup 480SC, Mentsulfuron Methyl, Glyphosate) đã được sử dụng có khả năng diệt được cây mai dương, làm rụng lá, nhưng không có khả năng diệt trừ rễ, nên cây vẫn tái sinh trở lại dễ dàng.
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiêu diệt cây mai dương trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Đại Lộc cũng đã chỉ đạo cho các ngành, các cấp và các Hội đoàn thể tổ chức ra quân diệt cây mai dương; nhiều địa phương đã huy động mọi lực lượng tiến hành chặt sát gốc cây, thế rồi chỉ sau vài tháng cây lại mọc dày. Và đến nay việc diệt trừ loại cây này trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt được hiệu quả do một số nguyên nhân sau: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của cây mai dương chưa được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên; Các hoạt động tổ chức ra quân diệt mai dương ở các địa phương chưa được tổ chức một cách quyết liệt, đồng loạt và thường xuyên; Người dân chưa hiểu rõ về tác hại của loài cây mai dương đối với môi trường xung quanh, đặc biệt có bộ phận nhân dân còn tận dụng loài cây mai dương để làm bờ rào che chắn mà không tiêu diệt; Chưa thực hiện đảm bảo các quy trình kỹ thuật tiêu diệt cây mai dương đã đề ra; Chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc xử lý loài cây này; Đây là loại cây dễ phát tán theo nguồn nước nên hàng năm trong mùa mưa lũ, nước lũ từ các sông Thu Bồn và Vu Gia, các dòng suối, khe nước lại mang hàng triệu hạt mai dương ở thượng lưu sông tràn vào các cánh đồng lúa, hoa màu, các bờ kênh.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, năm nay, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch ra quân phát động diệt cây mai dương trên toàn địa bàn tỉnh và đã chọn huyện Đại Lộc là địa phương làm điểm của tỉnh để tổ chức Lễ phát động ra quân diệt cây mai dương vào ngày 17/9/2014 tại xã Đại Hòa, qua đó tuyên truyền cho mọi người hiểu thêm về tác hại của loài cây mai dương. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, Hội, đoàn thể và các địa phương khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tiêu tiệt cây mai dương trên địa bàn huyện. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về sự xâm hại của loài cây Mai dương bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu, tập huấn, trong các cuộc họp dân, hướng dẫn trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình; Thực hiện diệt cây mai dương theo phương châm “Thấy đâu, diệt đó” và “ Tiêu diệt tất cả từ cây con cho đến cây trưởng thành” theo quy trình: nhổ, chặt, đào gốc để khô đốt, nhổ bỏ cây non khi xuất hiện trên vùng đất canh tác, tuyệt đối không được kéo xác cây đi xã để gây rơi vãi hạt, phát tán cây con (Chỉ tổ chức thực hiện diệt cây mai dương khi trời nắng, tuyệt đối không diệt khi trời mưa). Việc tổ chức triển khai phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, Hội đoàn thể của địa phương để việc tổ chức ra quân diệt cây mai dương trên địa bàn huyện đạt được hiệu quả cao nhất. Các biện pháp diệt trừ cây mai dương phải thực hiện thường xuyên, liên tục và phải triển khai đến tận các thôn, xóm; thường xuyên tuyên truyền vận động chủ sử dụng đất trống, đất chưa canh tác do mới chuyển đổi quyền sử dụng, đất quảng canh,... diệt trừ thường xuyên các cây đã mọc. Phòng chống sự lây lan và tiêu diệt cây mai dương bằng nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, cần phải coi trọng các biện pháp phòng ngừa, giám sát và can thiệp sớm của cộng đồng. Đây là các hoạt động ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rất cao.
Tác hại của cây mai dương đã ngày một rõ hơn đối với đất sản xuất và đời sống người dân. Vì vậy, việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư sống trong vùng có cây mai dương chủ động trong việc phòng trừ sự xâm lấn của cây trên vùng đất nông nghiệp xung quanh là hết sức cấp bách.
- Nguyễn Thị Ánh Thi-