1. Hiếp pháp 1946 – Sự ra đời của Ngày Pháp luật
Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của nước ta là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Vì vậy, chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ" (Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb.CTQG, HN, 1980, t.1, tr.356.).
Thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, vào ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Ngày này đã thật sự đi vào lịch sử dân tộc ta như là một mốc son chói lọi, khẳng định tư cách chủ nhân đất nước của mỗi người dân đất Việt. Ðây thật sự là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, không kém bất cứ một bản Hiến pháp nào trên thế giới, đó là sự kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, mang đậm hơi thở ấm áp của nền độc lập, tự do và thấm đẫm tinh thần dân chủ về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh: "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng để chúng ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền, mà ở đó tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và mỗi công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật. Tư tưởng lập hiến, giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của dân, do dân và vì dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ở các bản Hiến pháp sau này và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng ta khẳng định: cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải ra sức tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiệu quả thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, ngày 20-6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định: Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. (Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật)
Như vậy, sau quy định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, chúng ta có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị - pháp lý được tổ chức hằng năm, đó là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (11/9).
2. Ngày Pháp luật - Ngày toàn dân thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này, mọi tổ chức và cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa sâu rộng để từ một ngày này tiến đến tất cả các ngày còn lại trong năm đều là Ngày Pháp luật. Từ đó, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với qui định của pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Thông qua Ngày pháp luật, giá trị con người có nhân cách tiếp tục được đề cao; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn minh; bồi dưỡng ý thức và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi người tự ý thức về mình và về cộng đồng, quê hương, đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc tổ chức Ngày Pháp luật năm nay thật sự trở thành hoạt động chính trị - pháp lý sâu rộng, nhằm đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống. Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2014 là “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ðể thực hiện tốt nội dung đó trên địa bàn huyện Đại Lộc, ngày 17/10/2014, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, từng cơ quan, ban ngành, địa phương cần lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp với từng địa bàn dân cư và từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm tính sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.
Hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Ðảng, Ngày Pháp luật còn là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ, ứng xử với nhân dân. Từ đó, mỗi người tự mình chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chấp hành pháp luật, tự xem xét, nhắc nhở bản thân về những việc làm được và chưa làm được, những việc nên và không nên làm, tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những "công bộc" của nhân dân. Ngày Pháp luật còn là cơ hội để thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, sự gương mẫu, tiên phong trong việc nghiêm túc chấp hành pháp luật, không ngừng học tập và tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức và hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ đi trước để cùng góp sức xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, văn minh, giàu đẹp.
Ðể Ngày Pháp luật thật sự có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong ngày 9/11 mà còn trong tất cả các ngày khác trong năm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp toàn huyện cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tích cực, chủ động đem kiến thức pháp luật của mình làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp và pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân. Tích cực tham gia vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để mỗi người đều tự giác tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hành "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", để tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần lan tỏa trong đời sống của mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Bằng cách đó, sẽ tạo lập tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bởi giá trị và vai trò to lớn, ý nghĩa thiết thực của Hiến pháp và pháp luật đối với cuộc sống của mỗi người.
Với tư cách là cơ quan tham mưu giúp UBND huyện Đại Lộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Phòng Tư pháp rất mong sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp địa phương để cùng giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật, không chỉ trong năm 2014 mà còn trong những năm tiếp theo. Với sự chung sức, chung lòng của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Ngày Pháp luật năm 2014 sẽ thật sự trở thành ngày hội của toàn dân thượng tôn Hiến pháp và pháp luật./.
Quang Hiển