Như thường lệ, sáng nay nó chầm chậm cho xe vào cổng cơ quan, bất chợt nhìn thấy vài cánh hoa vàng be bé nở sớm trên gốc mai già trước sân. Nó giật mình. Tết đến ư! Một cảm xúc lâng lâng xao xuyến và rồi nao nao, lẩn thẩn nhớ tiếc.
Ai đó từng nói, hay hồi tưởng quá khứ là dấu hiệu của tuổi già. Lẽ nào mới ngoài ba mươi mà nó đã già rồi chăng! Nhớ ngày nào nó là đứa bé con vâng lời ba mẹ hàng ngày cuốc bộ gần cả chục kilomet đến trường học hành chăm chỉ. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, ngày nó vào đại học, ba mừng lặng đi không nói, mẹ rơm rớm nước mắt mừng lo xen lẫn. Con gái học xa lo tiền đã khổ, sợ con vấp ngã giữa chốn thành thị lạ lẫm khiến mẹ nó già hơn tuổi thấy rõ. Ngày khăn gói nhập học, ôm chiếc va li kỷ niệm từ thưở ba đi học ở miền Bắc về nó lầm lũi vào nhận phòng. Ký túc xá những ngày đông hết mưa phùn lại rả rích. Nó ghét mưa. Ghét cái mùa đông lạnh lẽo nhưng hơn ai hết nó mong đông sớm đến. Bởi vì, trong lối tư duy buồn cười - tên gọi kiểu suy nghĩ không giống ai mà bạn bè chung phòng đặt cho nó - nếu đông đến sớm, đông sẽ nhanh qua và tất nhiên xuân cũng sớm về! Và nó, nó sẽ được trở về nhà, sẽ được hít hà cái không khí lãng đãng xuân của những ngày tết quê.
Ngày ấy, tết quê nó bình dị nhưng ấm áp. Cứ đến độ đầu tháng chạp, nó và bọn trẻ trong xóm đã bắt đầu đếm lùi thời gian. Từng ngày, từng ngày mong mỏi đến sáng mùng một để xúng xính áo quần chạy ra sân đình khoe với nhau và xem các cụ lớn tuổi trong làng thắp hương cúng bái đầu năm rồi lại cười khúc khích khi có đứa mặc áo dài khăn đóng y chang mấy cụ. Những ngày cuối năm, hầu như mọi nhà đều tất bật chuẩn bị phơi hành, kiệu làm dưa món; tiếng í ới gọi nhau chặt lá chuối về gói bánh tét, làm bánh tổ; tiếng mài dao mổ heo chia thịt, tiếng heo kêu eng ét rộn rã từng góc làng. Tùy theo điều kiện kinh tế và số nhân khẩu mà số lượng bánh tét, bánh tổ và thịt heo của mỗi nhà khác nhau. Song, nhà nào cũng có. Ở quê nó, gì thì gì, tết đến nhà ai cũng có món bánh tráng thịt heo đãi khách. Vì vậy, một số nhà còn tự đắp lò, nổi lửa tráng bánh vừa để lo cho tết vừa là cách nhắc nhở con cháu gìn giữ nghề thủ công truyền thống có tự lâu đời của quê hương. Mẹ nó cũng vậy. Nó còn nhớ như in hình ảnh ba cởi trần, lưng lấm tấm mồ hôi chặt gốc tre phơi khô dành cho mẹ nhúm lò. Đêm ba mươi, ngồi canh nồi bánh tét, tiếng là để phụ mẹ nhưng đúng hơn là để nó được rúc vào lòng mẹ, được nghe ba mẹ kể chuyện làng, chuyện nhà. Có năm nó ngủ say trên đùi bắt ba phải bồng vào giường để rồi sáng mai thức dậy, nó giật mình như vừa gây ra tội lớn hốt hoảng chạy ù xuống bếp xem nồi bánh ra sao. May quá, từng đòn bánh tét chắc nịch tròn lẳn với những dây chuối cột ngang đều đặn, đẹp mắt chỉ nhìn thôi đã thấy thèm nằm ngăn nắp trên chiếc sàn. Bên cạnh là mấy chiếc bánh ú nhỏ xíu nó rất thích (món quà mà năm nào mẹ cũng dành riêng cho cô gái cưng). Ôi mấy cái bánh nhỏ xíu thường nó không dám ăn chỉ để dành để xách đi khoe mấy đứa bạn và rồi tự hào trước ánh nhìn ghen tị của tụi nó.
Tốt nghiệp đại học, nó may mắn được nhận vào làm ở một doanh nghiệp nhà nước. Năm ấy nhà nó ăn tết có vẻ tươm tất hơn mọi năm bởi vì, ra tết, mẹ không cần phải để dành tiền cho nó mang đi nộp học phí. Phải hơn năm năm rồi, nó mới thấy mẹ sắm cho mình bộ đồ mới. Ba mua thêm chậu quất lắp vài dây đèn nhấp nha nhấp nháy. Cây mai trước sân hình như cũng nhiều nụ và vàng lung linh hơn. Cái đổi thay nho nhỏ của gia đình nó như cùng hòa vào thực tế đời sống quê đang dần khá lên. Đêm giao thừa, để cảm ơn cuộc đời ba nó gieo bút khai xuân bằng bài thơ vần Ân.
Mười năm sau ngày nó ra trường, tết vẫn đến theo vòng tuần hoàn của thời gian nhưng dư vị dường như đã khác. Cả làng không nghe thấy tiếng heo kêu eng éc. Lò bánh nhà tự nhóm gần như vắng bóng. Dọc hai bên đường làng mọc lên san sát những nhà ống mặt tiền chừng 4-5 mét, sơn kẻ lòe loẹt, bức bối nên khó tìm thấy khoảnh sân rộng nhà nào bà con túm tụm cùng tước lá gói bánh, chia thịt. Mùi nếp nổ rang lên thơm bùi để làm bánh khô từ những cái chảo to đùng trên bếp lò bên mép đường làng không còn thoang thoảng níu chân người đi. Tiếng hô bài chòi không còn văng vẳng. Sân bóng ở trung tâm xã xưa là nơi tổ chức những trò chơi dân gian, giờ ở đây thình thình đoàn ca nhạc Pêđê với đủ trò quay số, ném vòng trúng thưởng ồn ào loa đài, mời mọc người ta quay số một ăn năm, ăn mười. Nam thanh, nữ tú rủ nhau đi chơi, có hội thích chí bất chấp an toàn giao thông, chất ba, chở bốn không cần mũ bảo hiểm cho ra dáng - du xuân. Đặc biệt, cái thú chơi hoa ngày tết quê cũng bắt đầu cải tiến. Thay vì mất công chăm bón, nhiều người chờ đến tận tối giao thừa chạy đi mua ở những khu trung tâm một vài chậu hoa, cây cảnh cho tiện và có khi giá lại rất hời. Chỉ thương những người bán hoa, đến giờ cuối cùng đành ra quyết định bán hay đừng! Với bản thân nó, tết bắt đầu nhuộm vị cuộc đời bởi những toan lo cho gia đình nhỏ. Ngày cuối năm, sau bao tất bật sổ sách nó phóng vù xe ra chợ. Với khoản lương, thưởng tuy không nhiều nhưng cũng đủ để nó sắm sửa một ít quà biếu nội ngoại hai bên và đồ dùng các loại cho những ngày tết. Chen chúc một vòng, những thứ cần sắm đã đủ. Buộc miệng nó hỏi một bác hơi luống tuổi đang mua bánh tét sao không tự gói mà mua vậy? Ôi, hàng hóa, dịch vụ bây giờ rất tiện, mọi thứ đều có sẵn. Vả lại, ngày tết ăn vài chiếc chứ mấy, gói làm gì cho kích rích. Tự dưng nó thấy buồn. Tưởng chỉ ở thành phố, chứ đến thôn quê mà cũng mất cái cảnh ngồi quây quần bên nồi bánh chờ giao thừa, vớt cái bánh nóng hổi lên cúng tổ tiên, xe máy ào ào đua nhau trên đường bê tông thế thì còn gì là tết nữa. Trên đường về, nó cứ miên man suy nghĩ. Bây giờ những đứa trẻ thôn quê như nó ra phố trọ học liệu rằng có còn cái háo hức, nôn nao hướng về ngày tết quê như nó nữa không? Bất chợt nó hiểu ra vì sao tết rồi khai bút đầu năm ba chỉ viết mỗi chữ Tân.
Đời người không ai tắm hai lần trên một dòng sông, cuộc sống vốn phải đổi thay. Đó là quy luật, dẫu vậy mà sao nó cứ bùi ngùi. Ước gì, thời gian dù có trôi đi, con người ta dù trưởng thành thế nào chăng nữa cũng sẽ không lãng quên quá khứ, lãng quên những gì gần gũi của quê hương.
Thanh Vân