Đăng nhập

Tài khoản
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương Đại Lộc (28/3/1975-28/3/2015)
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 13/03/2015 .Lượt xem: 3380 lượt.

1- Thời cơ chiến lược đã xuất hiện:

          Từ giữa năm 1974, sau những trận thắng giòn giã trên chiến trường, thế và lực của Cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh. Thời cơ chiến lược đã xuất hiện. Trong cuộc họp của Bộ Chính trị TW Đảng (khoá III) ngày 08/10/1974, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định : "Sau 20 năm chiến đấu chúng ta mới tạo ra được thời cơ này, ta phải biết nắm lấy nó để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn". Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị quyết định kế hoạch chiến lược cơ bản 2 năm 1975 - 1976 và cũng dự phòng phương án đi trước thời gian, đó là : "Nếu thời cơ đến vào đầu năm và cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".

          Ở huyện Đại Lộc, chủ trương mới của Bộ Chính trị đã tiếp thêm luồng sinh khí mới cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, củng cố thêm niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của Cách mạng. Chấp hành Chỉ thị của Đặc khu uỷ Quảng Đà, toàn huyện gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

          Ngày 25/3/1975, Uỷ ban khởi nghĩa huyện được thành lập. Ngay sau đó, sáng ngày 26/3/1975 một cuộc mít - tinh lớn tại vùng B do Uỷ ban khởi nghĩa huyện tổ chức, tỏ rõ quyết tâm : "có đi không về nếu sự nghiệp giải phóng quê hương không thành công". Một khí thế Cách mạng sục sôi trong cả huyện. Đêm 27/3/1975, chớp lấy thời cơ quân chủ lực của địch rút về tử thủ Đà Nẵng, quần chúng nổi dậy tước vũ khí của địch ở khu Tây Cầu Chìm và Ái Mỹ. Thừa thắng, sáng ngày 28/3/1975, ta tiếp tục tấn công và nổi dậy làm chủ khu Đông Cầu Chìm, sát chân Núi Lở. Hơn 15.000 đồng bào nổi dậy đập tan bộ máy kèm kẹp của địch và cùng với cán bộ, du kích kêu gọi toàn quân địch còn lẫn trốn ra hàng Cách mạng. Cũng trong ngày 28/3, các mũi tiến công của ta đều tiến sát quận lỵ Ái Nghĩa.

         Đúng 16h ngày 28/3/1975, sức mạnh của đoàn quân chiến thắng với mũ tai bèo, dép cao su bình dị đã đập tan sức kháng cự cuối cùng của địch. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - lá cờ vinh quang thấm bao máu đào của đồng bào, đồng chí suốt mấy chục năm kháng chiến trường kỳ đã kiêu hãnh tung bay trên cột cờ quận đường.

          Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày đêm nổi dậy, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, bằng sự nhạy bén, khôn khéo, táo bạo của quân và dân huyện ta dưới sự lãnh đạo kiên quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ, sự chỉ đạo sâu sát của Uỷ ban khởi nghĩa huyện, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đại Lộc đã giành thắng lợi hoàn toàn.

          2- Ý nghĩa:

Chiến thắng 28/3/1975 là bản anh hùng ca tuyệt vời về cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng phối hợp với sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân trong huyện, góp phần cùng quân dân toàn tỉnh và miền Nam đẩy nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, tinh thần bị sụp đổ, tổ chức bị tan rã, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu trước lúc Người đi xa.

          Chiến thắng 28/3/1975 chẳng những góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm gian khổ, hy sinh rất đỗi oanh liệt dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà còn là  đỉnh cao chói lọi trong lịch sử 117 năm chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở mảnh đất Đại Lộc anh hùng. Từ đây, nhân dân huyện Đại Lộc thực sự trở thành người chủ quê hương, cùng cả tỉnh, cả nước bước vào kỷ nguyên Độc lập, Tự do và đi lên CNXH.

          3- Thành tựu của huyện sau 40 năm giải phóng:

Bốn mươi năm sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thời gian chưa phải là dài so với tiến trình lịch sử của mảnh đất Đại Lộc nhưng cũng đủ để cho thấy sự hồi sinh kỳ diệu và những bước tiến dài trên con đường đi đến ấm no, hạnh phúc, giàu đẹp, văn minh.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh lâu dài, khốc liệt, Đại Lộc mang trên mình đầy thương tích mà không thể một sớm, một chiều có thể làm dịu đi nỗi đau thương, mất mát ấy. Hậu quả chiến tranh nặng nề len lỏi vào mỗi cuộc đời, mỗi nhà, mỗi tấc đất quê hương. Toàn huyện, có tới gần 6.000 liệt sĩ, trên 1.200 thương, bệnh binh, gần 20.000 người dân bị địch sát hại, 2.600 người bị thương tật, hàng nghìn người bị nhiễm chất độc chiến tranh. Trong số 128 thôn toàn huyện ở thời điểm sau giải phóng thì có tới 116 thôn bị tàn phá, nhiều thôn xóm không còn màu xanh sự sống; 8.000 ha đất canh tác bị hoang hóa, đầy rẫy bom mìn, dây kẽm gai và lau lách. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn đồng bào từ các khu dồn, ấp chiến lược, từ các đô thị trở về quê cũ trong tình cảnh thiếu cơm ăn, nhà ở, đau ốm, bệnh tật càng tạo ra thêm sức ép đối với chính quyền Cách mạng trong việc ổn định tình hình.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất tưởng chừng như không vượt qua nổi, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn huyện đã biết nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trong chiến đấu, trong mặt trận mới - mặt trận chống đói nghèo, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Chúng ta đã dồn sức cho các chiến dịch "tháo gỡ" bom mìn, "tiến công đồng cỏ", khai hoang phục hóa. Máu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục thấm vào lòng đất, đem lại màu xanh cho sự sống và hồi sinh một vùng đất từng bị tàn phá ác liệt trong chiến tranh hủy diệt của kẻ thù. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm sau giải phóng, diện tích canh tác của huyện từ 3.700 ha lúc vừa mới giải phóng lên gần 10.000 ha. Tiếp đó, bằng bàn tay lao động cần cù, trí thông minh, sáng tạo, bằng nhiệt tình Cách mạng và được sự hỗ trợ của cấp trên, toàn huyện đã nỗ lực làm nên những cánh đồng cao sản, những nhà máy thủy điện nhỏ, những công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, tiêu biểu là hồ chứa nước Khe Tân - công trình thủy nông lớn thứ 2 của tỉnh, đưa dòng nước về tưới mát cho những cánh đồng khô hạn ở vùng B, nơi mà trước đó thủy lợi vốn chỉ là ước mơ ngày đêm của người dân. Trong 40 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân huyện ta không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và thực hiện những mô hình mới, cách làm mới để đưa quê hương vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước trong tình hình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ở thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, nhìn lại một chặng đường phát triển của huyện, chúng ta rất đỗi tự hào về những thành quả đã đạt được trên các lĩnh vực.

Từ một địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp mà thực chất là độc canh cây lúa, đến nay, cơ cấu kinh của huyện được xác định là công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp. Có thể nói là đã chuyển dịch đúng hướng và tích cực với các chỉ số tương ứng là 62,62 %, 21,29% và 16,09%%. Nền kinh tế hàng năm liên tục tăng trưởng khá, trong các năm 2010- 2015 tăng bình quân 14,51%/năm.

       Trong tăng trưởng kinh tế của 5 năm gần đây, phần CN-TTCN-XDCB tăng cao nhất 16,62%/năm. Đặt biệt, phần huyện quản lý tăng 19,29%/năm. Giá trị thương mại- dịch vụ tăng bình quân 14,47%/năm. Trong phần này các dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, nhu yếu phẩm tăng mạnh. Giá trị nông lâm nghiệp tăng bình quân 4,57%/năm. Về nông nghiệp mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng sản xuất lương thực hàng năm đạt  khoảng 60.000 tấn /năm. Toàn huyện đã xây dựng được trên 2.800 ha đất sản xuất đạt giá trị trên 80 triệu đồng/ha; 1.200 ha sản xuất lúa giống F1; xây dựng 36 cánh đồng mẫu lớn với diện tích hàng năm 1.434 ha... Đặc biệt, mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại đang ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Hiện nay toàn huyện có 89 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn.

          Điều đáng nói là với nỗ lực rất lớn của huyện, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây (2010- 2015), huyện ta đã tiếp nhận 29 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 2.729 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Đặc biệt, huyện đã phát triển được nhiều cụm công nghiệp có quy mô lớn như cụm công nghiệp Đại Quang, Đại Hiệp, Đại Đồng.

 Có thể nói sự phát triển kinh tế của huyện trong những năm qua đem lại hiệu quả rõ rệt, đời sống của nhân dân tăng lên đáng kể. Tính đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 27,74 triệu đồng (giá cố định 1994) tăng 2,3 lần so với năm 2010. Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng 10%/ năm,

Sau 40 năm, không chỉ bà con xa quê và bạn bè gần xa mà ngay cả những người dân đang sinh sống trên mảnh đất Đại Lộc cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt từng ngày của quê hương. Hệ thống điện, điện thoại từ con số không nay đã trải khắp các xã, thị trấn. Giao thông nông thôn liên tục được đầu tư, đảm bảo thông suốt giữa các xã, các vùng trong huyện. Hàng trăm km đường được bê tông hóa bằng sự hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với huy động sức dân, đã xóa đi được hình ảnh "nắng bụi, mưa bùn" ở nông thôn từ bao đời. Cơ sở trường lớp, trạm y tế ngày càng được xây dựng kiên cố, khang trang. Sóng phát thanh, truyền hình đã phủ đến tận các địa bàn xa xôi.  Đặc biệt ấn tượng là hoàn thành các khu đô thị ở thị trấn Ái Nghĩa, cầu Ái Nghĩa, cầu Quan Âm....

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Nếu như ở thời điểm tháng 01/1997 huyện ta mới chỉ được tỉnh công nhận xóa  xong nạn mù chữ thì đến nay Đại Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được công nhận phổ cập giáo dục THCS, sự nghiệp giáo dục không ngừng tăng lên về chất lượng đảm bảo về số lượng, có thể nêu ra mấy con số sau đây: đó là đến 2010 có 50/61 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường đạt chuẩn mức 2. Năm 2014, huyện Đại Lộc có 60/61 trường đạt chuẩn quốc gia trong đó có 11 trường đạt chuẩn quốc gia mức 2. Hàng năm, huyện Đại Lộc có trên 500 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1.

Mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Số hộ nghèo giảm xuống còn 7,09%. Các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Sự nghiệp y tế cũng đạt được những kết quả nổi bật: không để dịch bệnh xảy ra; công tác khám và điều trị ngày càng tốt hơn. Cơ sở vật chất được tăng cường, mạng lưới y tế đều khắp. Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam 14 năm liền nhận cờ đầu của ngành y tế. Đặc biệt, năm 2009 huyện tập trung nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp của cán bộ xây 10 phòng chữa bệnh cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương bệnh binh nặng.

Công tác dân số - gia đình và trẻ em có nhiều cố gắng, chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô hàng năm đạt 0,33 %o; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 1,18% mỗi năm.

Đời sống văn hóa được chăm lo xây dựng. Đại Lộc cũng là địa phương phát triển mạnh và đều khắp phong trào xây dựng đời sống văn hóa (đến nay, 18/18 xã, thị trấn đã phát động xây dựng xã văn hóa). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện. Mỗi năm, toàn huyện có trên 85% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 40% số thôn đạt thôn văn hóa, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phần lớn các thôn, khu phố đều có các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần nhân dân). Công tác đền ơn đáp nghĩa và giúp đỡ các đối tượng xã hội thường xuyên được chăm lo (chỉ tính trong 5 năm2010- 2015, toàn huyện đã đầu tư 39,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.023 hộ nghèo, đối tượng chính sách...)

           Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành đã thường xuyên chăm lo củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Bằng tinh thần và nghị lực, sự phấn đấu liên tục và bền bỉ, trong 40 năm qua, huyện ta vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu là danh hiệu Anh hùng Lao động được phong tặng cho HTX Nông nghiệp Đại Đồng 2 và xã Đại Hiệp, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đất nước được phong tặng cho lực lượng vũ trang nhân dân huyện.

          Có thể nói, đây là một sự tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của quê hương Đại Lộc anh hùng trong kháng chiến. Đồng thời là niềm vinh dự, một nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trên hành trình cùng cả tỉnh, cả nước vững bước đi lên vì mục tiêu cao cả : Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng XHCN.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Trung tâm VH – TT và TT-TH huyện tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Xã Đại Thắng tổ chức Lễ ra quân phát động cao điểm hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 và triển khai tích hợp thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID để hình thành sổ sức khỏe điện tử VNeID trên địa bàn xã
Công bố quyết định của Ban Thường vụ Huyện uỷ về công tác cán bộ
Đồng chí Trần Xuân Vinh, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đến thăm và làm việc với Đảng ủy xã Đại Cường
Bảo hiểm xã hội huyện Đại Lộc: Sôi nổi tổ chức Hội thi Rung chuông vàng
UBND huyện tổ chức Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với Thanh niên năm 2024
TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024
ĐẠI LỘC: TỔ CHỨC GẶP MẶT KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG VÀ HỘI THẢO LẦN THỨ NHẤT TẬP KỶ YẾU BAN DÂN VẬN HUYỆN UỶ 1996- 2025
Ký kết kế hoạch phối hợp giữa Công an huyện Đại Lộc và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Lộc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện
UBND xã Đại Thắng tổ chức Hội nghị tổng kết đợt thi đua cao điểm “100 ngày thực hiện cải cách hành chính”
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Phụ nữ Đại Lộc giữ gìn bản sắc quê hương
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng – UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW thăm và làm việc tại huyện Đại Lộc
Văn phòng Huyện uỷ Đại Lộc tổ chức thành công giải cầu lông Văn phòng cấp uỷ xã, thị trấn năm 2014.
Gặp mặt doanh nghiệp nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10
Nỗi lo ngại về cây mai dương trên địa bàn huyện Đại Lộc
Hội nghị Tập huấn Công tác quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cấp giấy phép xây dựng và công tác quản lý trật tự xây dựng; triển khai công tác thu phí sử dụng đường bộ năm 2014, xây dựng kế hoạch năm 2015
Kết tình mẹ con ở Mặt trận Thượng Đức
Tĩnh gia – Đại Lộc nghĩa nặng, tình sâu
TTBDCT huyện Đại Lộc bế giảng lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng đợt 1
Giao ban đầu năm 2014
    
1   2   3   4   5