Đăng nhập

Tài khoản
PHÁT HUY CHIẾN THẮNG HÀ VY TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Vy (2/4/1966- 2/4/2016)
Người đăng: Admin .Ngày đăng: 19/03/2016 .Lượt xem: 2739 lượt.

Cách đây 50 năm, vào ngày 02 tháng 4 năm 1966 đã diễn ra trận đánh lịch sử tại thôn Hà Vy, xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng), bộ đội địa phương huyện và du kích xã tiêu diệt 1 đại đội lính thủy quân lục chiến Mỹ. Chiến công vang dội này là nguồn cổ vũ to lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở huyện Đại Lộc trong suốt nửa thế kỷ qua.

1.     Bối cảnh lịch sử trước trận đánh Hà Vy

            Bước vào năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã cơ bản thất bại, Tổng thống Giôn-Xơn quyết định đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam nhằm chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mỹ tin rằng với sức mạnh “ghê gớm” của quân lực Hoa Kỳ, chúng sẽ đánh gục quân giải phóng, bình định hoàn toàn miền Nam, trong vòng từ 2 năm đến 2 năm rưỡi. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng và Quảng Nam với một đội quân chiến đấu nhà nghề và được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Đến tháng 6 năm 1965, vành đai diệt Mỹ đã nới rộng ra huyện Hòa Vang, Điện Bàn và một phần huyện Đại Lộc. Trước những khó khăn, thử thách, hy sinh cực kỳ to lớn, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện tiến hành chỉnh huấn để giải quyết tư tưởng ngại đánh Mỹ, ngại ác liệt xây dựng tinh thần tấn công địch, kiên trì phương châm tiến công địch bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận).

            Ở huyện Đại Lộc vào thời điểm này ta tích cực xây dựng vùng giải phóng, cử từng đội du kích ra huyện Hòa Vang học tập kinh nghiệm đánh Mỹ. Huyện phát động phong trào du kích chiến tranh, triển khai phong trào thi đua “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", phấn đấu trở thành Dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Ngụy. Ở các xã vùng giải phóng ta đã thành lập chi bộ Đảng, Ủy ban nhân dân tự quản xã, Ban tự quản thôn, Mặt trận, đoàn thể và lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang đánh địch. Có thể nói, khi quân Mỹ vào miền Nam thì tâm lý chung của quân và dân ta đều “gờm Mỹ”, “sợ Mỹ”. Ở Đại Lộc hầu như tuần nào, tháng nào địch cũng tiến hành càn quét vào vùng giải phóng, mỗi trận ít nhất có từ 1 đến 2 đại đội, nhiều nhất là từ 1 đến 2 tiểu đoàn. Đầu năm 1966, Mỹ mở  cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965- 1966. Trong trận càn đầu tiên ở vùng B (Đại Lộc), nhân dân và cán bộ đã được chuẩn bị tư tưởng trước nhưng vẫn còn hiện tượng gờm Mỹ, quần chúng không dám trụ lại hợp pháp đấu tranh bảo vệ nhà cửa, tài sản của mình, chống địch phá hoại. Tình hình này đã làm cho phong trào du kích mất chỗ dựa để chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng. Do đó; tháng 2 năm 1966, Tỉnh ủy chỉ đạo kiên quyết chống địch càn quét lấn chiếm và bình định mở rộng vùng giải phóng, phải kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công trong chống địch, kiên định hơn nữa mũi đấu tranh chính trị, Tỉnh ủy chủ trương động viên “Ba bám” (Cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch), tổ chức nhân dân ăn thề bám đất.

Khi lực lượng quân Mỹ vào miền Nam, lực lượng quân sự và lực lượng chính trị quần chúng được Đảng lãnh đạo, đề ra biện pháp, kế hoạch cụ thể, hai mũi đấu tranh này đã thực hiện hiệu quả. Mũi đấu tranh quân sự tại nhiều địa bàn Mỹ chiếm đóng, ta đã đẩy mạnh cao trào đánh Mỹ, tìm cách đánh Mỹ, tổ chức lực lượng đánh phủ đầu Mỹ. Tin chiến thắng từ các nơi dội về, nhất là chiến thắng Núi Thành (ngày 26 tháng 5 năm 1965) ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ, làm nức lòng quân dân Đại Lộc. Trong thời gian này, ở Đại Lộc cũng diễn ra một số trận đánh Mỹ, thu được kết quả bước đầu khích lệ. Ngày 26 tháng 6 năm 1965, bộ đội địa phương huyện và du kích xã Lộc Chánh  (Đại Hiệp) đã tiến công tiêu diệt và làm bị thương trung đội thám báo Mỹ tại thôn Phú Bắc, thu 1 khẩu súng Garan M2. Ngày 05 tháng 01 năm 1966, tại Bàu Mưng, đại đội 1 do đồng chí Lê Văn Thanh - đại đội trưởng, trực tiếp chỉ huy, chủ động phối hợp và du kích xã Lộc Quang (Đại Đồng) phục kích đón đánh 2 tiểu đoàn Mỹ hành quân có máy bay và xe tăng yểm trợ, ta đã diệt gọn một trung đội và đánh thiệt hại nhiều trung đội khác, thu 1 súng đại liên cực nhanh, 10 súng garan M2, 4 súng M79…Đây là trận đối mặt trực diện của bộ đội và du kích xã với 2 tiểu đoàn Mỹ với vũ khí trang bị hiện đại được máy bay, phi pháo yểm trợ, có ý nghĩa cực kì quan trọng trong công tác tổ chức đánh Mỹ ở Hà Vy ngày 02 tháng 4 năm 1966.

            2. Trận đánh Hà Vy- chiến công vang dội của quân và dân Đại Lộc

            Từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 3 năm 1966, Huyện ủy Đại Lộc nhận được nhiều nguồn tin địch sẽ đi càn bằng bộ binh lên Đại Lộc mà trọng điểm là xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng). Ngày 30 tháng 3 năm 1966, nguồn tin cuối cùng cho biết, địa điểm địch sẽ đổ quân càn là xã Lộc Vĩnh. Chiều ngày 30 tháng 3 năm 1966, Huyện ủy có cuộc họp cấp tốc với Huyện đội tại thôn Mỹ Hảo xã Lộc Tân (Đại Phong) để bàn công tác triển khai lực lượng chiến đấu. Ngay trong đêm 30/3/1966, Huyện đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Văn Thanh- chỉ huy đại đội bộ đội địa phương huyện trực tiếp tác chiến. Sau khi nhận lệnh đại đội đã cấp tốc lên đường từ Lộc Tân lên Lộc Vĩnh để chuẩn bị địa bàn chiến đấu.

            Sáng ngày 01 tháng 4 năm 1966, Ban chỉ huy đại đội tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo xã Lộc Vĩnh để triển khai nhiệm vụ tác chiến giữa bộ đội huyện với du kích xã. Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện lúc này có khoảng 120 đồng chí; du kích xã Lộc Vĩnh có 35 đồng chí. Ban Chỉ huy đại đội đã nhận định tình hình giữa ta và địch, xác định hướng tấn công của quân địch, bố trí, phân công lực lượng bộ đội và du kích phối hợp chặn đánh địch từ nhiều hướng. Mỗi đồng chí đều được quán triệt tinh thần chiến đấu và có nhiệm vụ cụ thể. Sau cuộc họp, các đồng chí chỉ huy đã trực tiếp nghiên cứu địa hình, chọn nơi có lợi thế để bố trí quân phục kích. Ta nhận định: mũi trọng yếu mà địch có khả năng tấn công là thôn Hà Vy và thôn 2-3 nên đã bố trí lực lượng bộ đội địa phương huyện đảm nhiệm để chặn địch tràn vào làng và tiêu diệt địch; các mũi còn lại từ các thôn Lục Nam, Phước Lâm, Lập Thạch do du kích đảm nhận với nhiệm vụ không cho địch tiến lên, giam chân chúng giữa cánh đồng trống để dễ dàng tiêu diệt.

            Để dọn đường đổ quân càn quét, ngay sáng sớm ngày 02 tháng 4 năm 1966, địch cho máy bay ném bom dọc bờ sông Vu Gia đến làng Hà Vy và dọc rìa làng Ngọc Kinh. Sau đó, chúng cho một toán máy bay đổ một đại đội thủy quân lục chiến xuống cánh đồng Hà Vy, một toán máy bay khác tiếp tục đổ thêm một đại đội ở sát bờ sông Vu Gia để tấn công vào làng.

          Ngay phút đầu tiên địch vừa đổ quân, bộ đội và du kích đã chặn đánh chúng một cách quyết liệt. Loạt đạn đầu, bộ đội ta đã tiêu diệt hơn 20 tên địch, khiến quân địch hoảng loạn. Bị bất ngờ, địch buộc phải tháo chạy ra ngoài bờ sông và gọi một đại đội trợ chiến để chi viện và tiếp tục tổ chức tấn công vào khu vực giữa làng Hà Vy và thôn 2-3. Trước tình hình địch tăng quân và tấn công ào ạt, đồng chí Lê Văn Thanh- Đại đội trưởng đại đội 1 chủ trương dùng toàn bộ hỏa lực của cối 60 tấn công vào đội hình Mỹ, mũi tấn công từ thôn Lập Thạch, thôn 2-3 thọc xuống ngăn chặn không cho địch chạy thoát ra bờ sông Vu Gia, các mũi còn lại bao vây dồn chúng vào cánh đồng trống để tiêu diệt. Khi địch tấn công, quân ta dựa vào lợi thế của hệ thống giao thông hào, làng chiến đấu, công sự chiến đấu. Nhờ có cách đánh linh hoạt, trong một ngày quần lộn với địch, bộ đội huyện và du kích đã buộc địch phải dùng trực thăng rút những tàn quân bại trận về căn cứ.

Kết quả trong trận đánh Hà Vy, ta tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại hai đại đội khác, thu 28 súng trong đó có 01 đại liên M60, bắn rơi 2 trực thăng, bắn bị thương 01 trực thăng khác.

3. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Hà Vy

          Đây là trận đánh xuất sắc của đại đội 1 bộ đội huyện và du kích xã chiến đấu với một tiểu đoàn Mỹ có phi pháo yểm trợ giữa ban ngày và thu nhiều súng nhất trong các trận chống càn trên chiến trường khu V, thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, biết phát huy ưu thế của làng chiến đấu, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, sự linh hoạt, sáng tạo trong chiến đấu của cán bộ chiến sĩ làm cho sức mạnh toàn đại đội tăng lên nhiều lần. Khắc phục được tư tưởng sợ Mỹ trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dấy lên phong trào thi đua "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, phấn đấu đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt ngụy" của lực lượng vũ trang toàn huyện. Chiến công của đại đội bộ 1 địa phương huyện Đại Lộc được Tỉnh ủy - Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đà biểu dương đại đội địa phương diệt nhiều Mỹ nhất trong tỉnh, trao đổi kinh nghiệm cho các lực lượng vũ trang học tập tinh thần, quyết tâm đánh Mỹ. Đồng thời, còn được chọn báo cáo điển hình và biểu dương tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn khu V lần thứ 2 vào tháng 12 năm 1966. Tại Đại hội này Đại đội 1 vinh dự được quân khu biểu dương Đại đội bộ đội địa phương diệt nhiều Mỹ nhất, thu nhiều súng nhất trong năm 1966 và phát động học tập trong toàn khu. Huyện ủy Đại Lộc kịp thời biểu dương và phát động toàn huyện học tập dấy lên một cao trào quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Ngày 2 tháng 4 năm 1966, Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc trở thành đại đội địa phương cấp huyện đầu tiên ở miền Nam đã tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ, đánh thiệt hại 2 đại đội khác; cùng với chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".

          3. Phát huy chiến thắng Hà Vy trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh đằng đẵng và khốc liệt hết đánh Pháp rồi lại đánh Mỹ, quê hương Đại Lộc vô cùng xơ xác, tiêu điều. Cả huyện lúc bấy giờ có 128 thôn đã có tới 116 thôn bị tàn phá nặng, nhiều thôn xóm không còn màu xanh của sự sống. Làng mạc, ruộng vườn bị hoang phá, đầy rẫy bom mìn, dây kẽm gai, hố bom và lau lách. Hòa bình lập lại, nhân dân từ các khu dồn và ly tán ở nhiều nơi về lại quê, đặt ra hàng loạt vấn đề về kinh tế -xã hội bức xúc cần phải giải quyết, nhất là về ăn, ở, bệnh tật, an ninh- trật tự...

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với khí thế phấn khởi mừng quê hương hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với nhiệt huyết cách mạng, cùng với cả tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm thực hiện lời Di chúc của Bác Hồ trước lúc Người đi xa: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Toàn huyện đã dồn sức cho các chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”, "Toàn dân làm thủy lợi", thâm canh tăng vụ. Máu của nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục thấm sâu vào lòng đất, đem lại màu xanh cho sự sống và phồn vinh của một vùng đất. Những hố bom sâu dần dần được san bằng thành ruộng lúa, nương dâu mượt mà, no ấm. Mười năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại Lộc đã kịp để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đồng bào cả nước, cả tỉnh với những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước: 21,6 tấn/ha/3 vụ), với những ánh điện bừng sáng từ sức dân của các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), với mô hình nông-lâm-công nghiệp kết hợp ở Hợp tác xã Đại Đồng II (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985). Cạnh đó là Hợp tác xã mua bán Đại Minh- con chim đầu đàn của ngành hợp tác xã mua bán toàn huyện, xã Đại Thắng- ngọn cờ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xã Đại Lãnh- xã "Toàn dân hiếu học", Đảng bộ xã Đại Hiệp- điển hình trong công tác xây dựng Đảng,… Đáng chú ý là việc khởi công công trình Hồ chứa nước Khe Tân- công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh, không chỉ là công trình "đền ơn đáp nghĩa" cho một căn cứ địa của Cách mạng mà còn giải quyết căn cơ vấn đề khô hạn ở vùng B, nơi mà thủy lợi chỉ là mơ ước ngàn đời của người dân.

 Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã kiên trì vượt qua những khó khăn, thử thách do tác động của tình hình thế giới và trong nước cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt giữa tư duy cũ với tư duy mới khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đảng, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá, đáp ứng được yêu cầu thực tế địa phương và được nhân dân đồng tình, ủng hộ đã có tác động định hướng, làm đổi thay ngoạn mục diện mạo của quê hương trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sự phấn đấu liên tục và bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang huyện nhà đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhất cho cán bộ và nhân dân huyện Đại Lộc (năm 2014), danh hiệu Anh hùng Lao động được phong tặng cho xã Đại Hiệp (năm 2001) và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang huyện (năm 2000) về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước.

Chính trên nền tảng vững chắc ấy, hơn 10 năm qua, bức tranh kinh tế- xã hội của Đại Lộc tiếp tục có nhiều điểm sáng. Nếu như trong các năm 1997- 2002, tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng bình quân 9%/ năm thì trong các năm 2010- 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,51%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng cơ bản và dịch vụ đạt trên 89% (ước tính đến năm 2015). Giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đến cuối năm 2015 đạt 27,74 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2002. Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của tỉnh Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Với lợi thế có quốc lộ 14 B đi qua và gần thành phố Đà Nẵng, huyện ta đã và đang là "điểm đến" của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với 29 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 2.729 tỷ đồng; đã có 5 dự án đi vào sản xuất ổn định với tổng vốn đã thực hiện trên 1.117 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.097 lao động. Vượt lên những khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, một số doanh nghiệp lớn vẫn trụ vững và hoạt động ổn định như Công ty cổ phần Prime Đại Lộc, Công ty TNHH Broz-beckert Việt Nam...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được tích cực tổ chức thực hiện, nhất là ở 6 xã điểm (tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình này trong 4 năm 2011 - 2014 đạt trên 130 tỷ đồng, trong đó, nhân dân và cộng đồng đóng góp 25,5 tỷ đồng). Điều đáng phấn khởi là xã Đại Hiệp đã được công nhận là xã nông thôn mới năm 2014, 5 xã (Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Hồng, Đại An) được công nhận xã đạt chuẩn vào năm 2015. Chương trình phát triển đô thị Ái Nghĩa giai đoạn 2014- 2020 đã được xây dựng và triển khai.

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành một trong số 85 nền nông nghiệp phát triển nhất cả nước, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,57%/năm.  Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất được tăng cường.

 Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Giáo dục - đào tạo tiếp tục có nhiều chuyển biến về quy mô, cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên. Đến nay, 61/61 trường (từ mầm non đến THCS) đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm toàn huyện có khoảng 500 học sinh đỗ đại học (nguyện vọng 1). Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các cơ sở y tế ngày càng nâng lên. Các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, phòng chống bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai khá tốt. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế được tăng cường đầu tư, nhất là ở Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Có 14/18 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn đoạn 2011 - 2020). Công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc trẻ em ngày càng được chú trọng. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt.

Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục - thể thao, truyền thanh - truyền hình  được tổ chức thường xuyên, phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.023 hộ nghèo với tổng số tiền trên 39,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2015 giảm xuống còn 7,09%. Bình quân mỗi năm giảm 3,03%.

Nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương hàng năm hoàn thành tốt. An ninh chính trị và trật tự an ninh toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp luôn được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng khắng khít.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng huyện công nghiệp và nông thôn mới nhưng mỗi chúng ta không khỏi trăn trở, suy tư khi mà xuất phát điểm của kinh tế- xã hội Đại Lộc còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhiều mặt. Đội ngũ lao động có trình độ  tay nghề chưa cao, tỷ  lệ  lao động được đào tạo còn thấp. Kết cấu hạ  tầng còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại  hoá. Nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, đầu tư toàn xã hội thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhìn chung chưa thật vững chắc. Giá trị sản xuất trên một đơn vị sản phẩm còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đi mạnh vào sản xuất hàng hoá, đầu ra của sản xuất không ổn định. Thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá-xã hội chưa mạnh. Thêm vào đó, Đại Lộc là vùng "rốn lũ" của tỉnh Quảng Nam, bão lũ, thiên tai triền miên gây rất nhiều thiệt hại về sản xuất, về kết cấu hạ tầng và trong đời sống nhân dân. Qua đó chúng ta mới thấy hết sự nỗ lực vượt bậc, ý chí vượt qua gian khó để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà. Thành quả đó đã và đang tăng cường sức mạnh của huyện, làm thay đổi bộ mặt quê hương và cuộc sống của nhân dân, tạo ra những tiền đề quan trọng để huyện phát triển trong những năm tiếp theo.

          50 năm đã qua, chiến thắng Hà Vy không những là niềm tự hào trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là nguồn động viên cho quân dân huyện Đại Lộc luôn thể hiện tinh thần tiến công cách mạng, ý chí vượt khó, quyết tâm chiến thắng mọi khó khăn, trở ngại; có tư duy sáng tạo, tìm ra cách giải quyết tốt nhất, hiệu quả nhất trong mọi tình huống trên hành trình mới, hướng đến mục tiêu xây dựng Đại Lộc trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.  

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức phiên họp định kỳ sơ kết hoạt động quý 1 năm 2025, triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2025
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức phiên họp định kỳ sơ kết hoạt động quý 1 năm 2025, triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2025
Đại Lộc tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025
Đại Lộc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Đại Lộc (28/3/1975 - 28/3/2025)
Cầu thủ Trần Thị Thùy Trang được vinh danh là cầu thủ nữ Việt Nam xuất sắc nhất năm 2024
Lãnh đạo huyện thăm Trung tâm Y tế huyện nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam
Bệnh viện Đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025).
Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng Đại lễ Đức Chí Tôn
Nhộn nhịp chợ quê đầu xuân
UBND huyện Đại Lộc tổ chức Giải Đua thuyền truyền thống năm 2025
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Đoàn cán bộ lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng thăm và chúc Tết tại Đại Lộc
Đại Lộc tổng kết phong trào thi đua năm 2015
Hội LHPN xã Đại Lãnh tổ chức Hội diễn văn nghệ
Đại Lộc tổ chức trao tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu 2015
Đại Lộc tổ chức giải đua thuyền truyền thống
Vị tết quê hương
Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà Việt Nam anh hùng
Xã Đại Minh khởi công xây dựng nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ xã
Quảng Nam: Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Thượng Đức
    
1   2   3   4   5   6   7   8