Sinh thời, Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng khẳng định: "Tôi thường đánh giá ngang nhau giữa hai đồng chí mà tôi yêu mến. Đó là đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh...Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đối với tôi là người thầy, một đồng chí và là một người bạn rất thân thiết. Nếu tôi có đóng góp một phần nhỏ cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng thì tôi tin đó là nhờ một phần vào công ơn giúp đỡ, hướng dẫn, đào tạo của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ mà tôi kính yêu suốt đời".
Đã gần 7 thập kỷ, kể từ ngày vĩnh biệt chúng ta, song những cống hiến của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ- trong cuộc đời ngắn ngủi 35 mùa xuân của mình- cho đất nước và dân tộc luôn được trân trọng, tôn vinh và ngợi ca. Trong đó, nổi bật là những cống hiến quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.
Cơ duyên nào đưa Huỳnh Ngọc Huệ đến với giai cấp công nhân? Trước hết, xin được nhắc lại rằng, cuối thế kỷ XIX, ngay từ khi mới chiếm đóng nước ta, thực dân Pháp đã quan tâm đến việc khai thác nghề trồng dâu nuôi tằm để phục vụ cho lợi ích của chúng. Tại Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam, đầu thế kỷ XX, một công ty Pháp do Delignon và Paris điều khiển đã xây dựng nhà máy ươm tơ Giao Thủy với một trăm chảo tơ. Phương thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản cùng với phương thức bóc lột phong kiến đã tạo nên sự phân hóa trong đời sống xã hội ở Đại Lộc. Từ đây, đã hình thành những công nhân đầu tiên của đất Quảng nói chung và Đại Lộc nói riêng “thân một cổ hai tròng nô lệ”. Chính hiện thực ấy đã tác động mạnh đến tình cảm, nhận thức của Huỳnh Ngọc Huệ trong suốt 20 năm sinh ra, lớn lên trên quê hương Đại Lộc (từ 1914 đến 1934), hình thành trong ông sự cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh sống cơ cực của những người công nhân quê nhà- những con người có nguồn gốc xuất thân từ nông dân, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có lòng yêu nước, tinh thần căm thù đế quốc và phong kiến. Đến khi vào học trường Kỹ nghệ thực hành Huế- một trường dạy nghề do thực dân Pháp thành lập nhằm đạo tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, Huỳnh Ngọc Huệ lại có dịp sống và rèn luyện, hòa mình trong môi trường tranh đấu sôi nổi của giai cấp công nhân. Từ chỗ vốn hiểu biết hạn hẹp ban đầu về phong trào cách mạng, về chủ nghĩa cộng sản, chỉ trong thời gian ngắn, vừa tìm hiểu, vừa được sự hướng dẫn của một số cựu chính trị phạm mới ra tù, Huỳnh Ngọc Huệ đã từng bước trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng ở thành phố Huế. Được tin Viện Dân biểu Trung Kỳ họp, dưới danh nghĩa Hội Ái hữu, ông tổ chức lấy ý kiến và gửi lên các dân biểu kiến nghị của giai cấp công nhân, nội dung ghi rõ: Thi hành luật lao động ngày làm việc 8 giờ; Tăng lương cho công nhân tương đương với giá sinh hoạt, định lại tiền lương tối thiểu; Chính phủ và chủ phải công nhận đại biểu của lao động: phải có đại biểu là thợ trong Ban đấu tranh. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều thanh niên ưu tú, cảm tình với Đảng Cộng sản như Trần Văn Trà, Phạm Giá, Nguyễn Côn…Với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ và là Ủy viên Thành ủy thanh niên Huế, lại ở trong Ban lãnh đạo nghiệp đoàn trường Kỹ nghệ thực hành Huế, Huỳnh Ngọc Huệ đã liên hệ được với nhiều cơ sở ở bên ngoài như nhà đèn, công chánh…để hỗ trợ nhau khá chặt chẽ trong quá trình thực hiện chủ trương “Đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ” do Đảng ta đề ra.
Năm 1939, thực dân Pháp bắt giam Huỳnh Ngọc Huệ, đày đi Đắk Lây. Ngục tù đế quốc chẳng những không làm nhụt chí mà trái lại còn tôi luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản. Huỳnh Ngọc Huệ khẳng khái trả lời kẻ thù: "Tôi làm Cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông muốn bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột". Nét đáng ghi nhận là đồng chí luôn gắn bó mật thiết với phong trào công nhân. Sau chuyến vượt ngục Đăk Lây cùng nhà thơ Tố Hữu (tháng 3 năm 1942) và tiếp đó là chuyến vượt ngục Đăk Tô cùng với các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh, khi tạm lánh về Đại Lộc một thời gian, Huỳnh Ngọc Huệ lại trở ra ngay Đà Nẵng tìm cách liên lạc lại với các cơ sở bí mật của công nhân hỏa xa. Lúc Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), Huỳnh Ngọc Huệ được tổ chức giải thoát khỏi nhà lao Đà Nẵng. Một đồng chí hỏi: “Bây giờ làm gì?”, ông trả lời ngay: “Trở về ngay với phong trào công nhân chứ làm gì!”. Đúng là, chỉ có ở con người luôn mang bầu nhiệt huyết với cách mạng, rất nhạy cảm về chính trị và gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân mới có được câu nói đầy ý thức trách nhiệm như vậy!
Nói đi đôi với làm, chỉ trong một thời gian ngắn, Huỳnh Ngọc Huệ đã nắm lại tất cả các cơ sở trong phong trào công nhân ở Đà Nẵng và Huế. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng với tập thể Thành ủy, đồng chí đã đưa ra nhiều chủ trương, nhất là trong việc tập hợp, xây dựng các tổ chức của giai cấp công nhân trong thành phố. Hầu hết các nhà máy, công sở quan trọng như nhà đèn, hỏa xa, công chánh, cảng… đều có cơ sở cách mạng, mà nòng cốt là công nhân cứu quốc. Trong đó, có khoảng 500 tự vệ cứu quốc được vũ trang bằng các loại vũ khí thô sơ. Chính lực lượng công nhân cứu quốc do Huỳnh Ngọc Huệ dày công xây dựng đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đà Nẵng, nơi lúc bấy giờ đang có tới hơn 2.000 lính Nhật đóng!
Tháng 10 năm 1945, Huỳnh Ngọc Huệ lúc bấy giờ là Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách công tác công vận được giao nhiệm vụ mới: Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ (tổ chức tiền thân của Công đoàn ngày nay), Chủ nhiệm kiêm Thư ký Tòa soạn tờ “Tay thợ”, tham gia chuẩn bị thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông trở thành sáng lập viên và Thư ký của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tháng 10 năm 1946, là Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới. Trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn cả nước, Huỳnh Ngọc Huệ rất chăm lo vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn bằng nhiều hình thức như mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác. Để tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Công đoàn, trong buổi đầu thành lập Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, ông đã đề nghị điều động về đây những cán bộ cốt cán như: Đoàn Bá Thừa, Phan Bình, Vũ Xuân Chiến, Nguyễn Xuân Lâm…Khi làm Chính ủy Mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng, ông đã nhiều lần gặp đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh để trao đổi tình hình công nhân trong kháng chiến và bàn chủ trương củng cố, đẩy mạnh phong trào Công đoàn tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi lần đi họp ở Liên khu, ông thường đến thăm Liên hiệp Công đoàn Quảng Ngãi, Bình Định..trao đổi ý kiến và chỉ đạo công tác công đoàn vùng tự do. Ông chủ trương phải thực hành dân chủ rộng rãi trong hoạt động Công đoàn. Khi chủ trì cuộc họp, nếu thấy chưa thông suốt hoặc có ý kiến trái chiều, ông thường gợi ý phát biểu cho hết, tranh luận cho đến khi thông suốt, nhất trí mới thôi.
Huỳnh Ngọc Huệ luôn theo dõi sát sao đời sống công nhân. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí thường có mặt ở các công binh xưởng tiếp xúc với anh em công nhân, lúc này đang ngày đêm sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường. Có lần được tin ở xưởng Cao Thắng (Tân An, Quế Tân) xảy ra vụ công nhân tuyệt thực, ông khóc và nói với lãnh đạo xưởng: “Các đồng chí đã giải quyết nhưng chưa thấy rõ nguyên nhân. Các đồng chí lãnh đạo đều là thợ. Nhưng khi lãnh đạo lại không sâu sát và không hiểu hết tâm tư, tình cảm, hiểu hết đời sống của người thợ mà cứ động viên chung chung nên anh em không chịu nổi. Các đồng chí là lãnh đạo mà lại ăn cơm riêng, làm sao hiểu nổi đời sống của công nhân; hiểu nổi cảm giác khi mà trong mắm cái đầy xác dòi, cơm độn sắn khô nấu không chín. Đó là chưa kể đến cách suy nghĩ mỗi người một kiểu, rồi chủ quan nhận xét, đánh giá tốt xấu, mà không lấy kết quả sản xuất làm cơ sở”. Thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân quốc phòng, Huỳnh Ngọc Huệ nhiều lần đề xuất với Khu ủy cấp phát quần áo cho anh chị em nhưng vì khó khăn chung, một số đồng chí đã bàn ra. Ông kiên quyết đấu tranh cho kỳ được và khẩn thiết nói: “Nếu các anh đứng tiện một giờ cũng không nổi chứ đứng nói chi tháng này qua tháng khác. Các anh có hiểu cái khổ khi đang tập trung sản xuất, lại bị muỗi cắn, phoi tiện bắn vào người là thế nào không?”.
Những lời phê bình sâu sắc của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ngày ấy thiết tưởng vẫn còn nguyên tính thời sự, đáng để cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày nay phải suy nghĩ, trăn trở!
Huỳnh Ngọc Huệ ít quan tâm đến cuộc sống riêng của mình nhưng lại quan tâm chu đáo, tỉ mỉ đến mọi người xung quanh. Đối với những cán bộ hoạt động nơi gian khổ, ác liệt, nhất là cán bộ nữ, ông luôn dành cho họ tình cảm và sự chăm sóc đặc biệt. Đi xa về bao giờ ông cũng có chút quà cho anh em cơ quan, khi thì vài lon gạo nếp, lúc cặp đường tán, có khi chỉ là nắm lá chè xanh. Những lúc ở thành phố gửi quà cho, đường sữa ông dành cho người ốm; vải, chăn len cho anh em khó khăn, không giữ lại cho riêng mình thứ gì cả. Trước hôm mất, trong túi chỉ còn 300 đồng tín phiếu nhưng Huỳnh Ngọc Huệ đã gửi số tiền này cho người liên lạc cũ đang học lớp trung học bình dân ở Quảng Ngãi. Và, thật cảm động biết bao khi: "Anh ra đi, tập vở dày đang đọc/Gia tài riêng: chồng sách ở đầu giường/ Cùng giấy tờ xếp gọn trong rương/ Hai bộ áo màu xanh vải thợ" (Tưởng niệm - Lê Đào)
Bức điện ngày 1.8.1949 của Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới Louis Saillant gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đoạn viết: …Chúng tôi vô cùng thương tiếc được tin đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một sáng lập viên và Thư ký của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạ thế. Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam. Nhưng lòng thương yêu của toàn thể lao động Việt Nam đã đồng thời chứng tỏ lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam đối với một chiến sĩ đã sống và chết cho chính nghĩa của giai cấp lao động. Thay mặt toàn thể lao động thế giới, xin kính gửi đến gia đình đồng chí Huệ, anh chị em lao động Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lời chia buồn thống thiết…”.
Sau 67 năm kể từ ngày mất của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ để tặng thưởng cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở và công nhân lao động trực tiếp sản xuất trên địa bàn tỉnh- giải thưởng nhằm tôn vinh và khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tiêu của tỉnh nhà có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” hàng năm.
Vân Trình