Giáo dục gia đình có vai trò quan trọng đến quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ em. Giáo dục nhân cách cho con người trong gia đình là vấn đề rất rộng. trước hết, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, là trường học đầu tiên của con người. Mỗi con người đều được sinh ra từ một người cha, người mẹ, vì vậy, đứa trẻ gắn bó và lắng nghe được âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình đặc biệt từ người mẹ. Khi sinh ra con người ta được tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ lời ru, giọng hát của bà và của mẹ. Những bước đi chập chững đầu đời, người đầu tiên chỉ dạy cho bé cách đi đứng, nói năng đó là cha mẹ. Vì vậy, giáo dục của gia đình như thế nào sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy. Tất nhiên, sẽ có những đứa trẻ vì một lý do nào đó mà thiếu sự quan tâm chăm sóc của người cha hoặc người mẹ nhưng vẫn có thể hình thành được nhân cách tốt, đó là do quá trình tự giáo dục của đứa trẻ tốt. Hầu hết, sự giáo dục của gia đình không tốt thì nhân cách của đứa trẻ đều có phần khiếm khuyết. Vì vậy, giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người; đứa trẻ tiếp xúc với môi trường giáo dục đầu tiên, trường học đầu tiên ấy đó chính là gia đình.
Gia đình là hành trang không thể thiếu đối với mỗi con người. Từ nhỏ con người được sống với ông, bà, cha mẹ, anh chị em. Lớn lên, mỗi người lại có vợ, có chồng, có con, có cháu. Trong gia đình, mỗi con người được đùm bọc về vật chất, giáo dục về tâm hồn,… Như vậy, gia đình gắn bó với mỗi con người trong từng bước đường của cuộc sống. Ai không được sống trong tình yêu thương của gia đình là một nỗi bất hạnh lớn, trong quá trình sống, gắn bó, trao và nhận yêu thương che chở của gia đình, mỗi người lại hoàn thiện mình, hoàn thiện nhân cách cho bản thân.
Gia đình có mối quan hệ mật thiết với xã hội, là tế bào của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Và, ngược lại xã hội cũng có tác động to lớn đến gia đình, xã hội tốt sẽ là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Một xã hội có nhiều công dân tốt thì đất nước mới vững mạnh, xã hội mới văn minh, ít tệ nạn xã hội, con người đối xử với nhau thân ái, nhân hậu. Muốn vậy, cả xã hội cần phải quan tâm đặc biệt và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục.
Cùng với giáo dục gia đình trong xã hội hiện nay, quá trình xã hội hóa cá nhân diễn ra hết sức nhanh chóng, cùng với các tệ nạn xã hội đang tác động hết sức mạnh mẽ đến đời sống của các gia đình. Nhiều hiện tượng xã hội mới liên quan đến trẻ em đặt ra những thách thức mới đối với giáo dục gia đình như: trẻ em lang thang, trẻ em có quan hệ tình dục và mang thai, ma túy và các tệ nạn xã hội khác có liên quan đến trẻ em, …. Điều đó, đòi hỏi các gia đình cần phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hành vi của các thành viên trẻ trong gia đình mình. Vai trò giáo dục gia đình cùng với việc quản lý, kiểm soát gia đình sẽ kịp thời và ngăn chặn các thành viên bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội. Đây là một công việc hết sức khó khăn, nó vừa đòi hỏi gia đình phải phát huy hết sức mạnh vốn có của mình, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải góp công sức và phải là những tấm gương sáng trong gia đình cho trẻ noi theo.
- Nguyễn Thị Cúc - Phòng VH-TT