Phụ nữ là người thực hiện thiên chức cao quý là sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục con trong gia đình. Quan hệ mẹ - con bắt đầu từ khi người phụ nữ mang thai. Suốt thời kỳ có thai, người mẹ có quan hệ với đứa con về mặt sinh lý và tâm lý, chuẩn bị để đón đứa con ra đời. Sự tồn tại của đứa con được thể hiện qua những vận động, qua tiếng tim đập, sự giao tiếp mẹ - con trực tiếp và thường xuyên sẽ xuất hiện cảm xúc tâm lý làm mẹ.
Người mẹ thường gần gũi, trò chuyện, trao đổi với con về những suy nghĩ, ý tưởng, tình cảm của chúng; quan tâm đến nhu cầu vật chất và tình cảm của chúng. Tình yêu của người mẹ là sự khoan dung, âu yếm.
Các bé gái thường coi người mẹ là hình mẫu về vai trò của người phụ nữ. Người mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành sự quan tâm đến người khác giới ở con trai và sự hình thành nữ tính ở con gái. Tính tình hiền hậu; tấm lòng nhân ái; lời ăn tiếng nói, cách cư xử dịu dàng, tế nhị; cách ăn mặc kín đáo mà lịch sự; tính tự trọng; sự quan tâm chăm sóc chồng con hết mực… của người mẹ sẽ là hình mẫu, có tác dụng giáo dục nữ tính rất tốt cho con gái. Có thể nói, người mẹ có vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho con gái trở thành người vợ, người mẹ tốt.
Khi giáo dục con, người mẹ thường nói cho con hậu quả của các hành vi xấu. Khi trẻ phải thực hiện một nhiệm vụ mới, người mẹ thường dạy cho con những kỹ năng hành động, cung cấp nhiều thông tin hơn cho con và có cách gám sát thường xuyên hơn.
Sự hỗ trợ về mặt nhận thức và tình cảm của người mẹ là rất quan trọng trong việc giáo dục đứa trẻ nhằm phát triển “hành vi tự điều chỉnh”. Sự hỗ trợ về mặt tình cảm của người mẹ sẽ thúc đẩy đứa trẻ cố gắng nhiều hơn trong học tập. Người mẹ khuyến khích tính tự lập của trẻ sẽ giúp trẻ tự tin và đạt được những kết quả học tập tốt hơn.
Người mẹ là nhà giáo dục đạo đức đầu tiên và suốt đời của các con mình. Khi quản lý, đưa con vào kỷ luật, người mẹ thường linh hoạt và thông cảm với hoàn cảnh của con hơn so với người cha. Người mẹ thường dùng tình cảm dịu dàng, tấm lòng nhân ái, bao dung của mình để tác động đến con và điều này thường có hiệu quả rất cao.
Người mẹ thực hiện những chức năng chính là người nội trợ đảm đang; người quản lý kinh tế gia đình, người mẹ bộc lộ đầy đủ phẩm chất của người lao động như đảm đang, kiên trì, cẩn thận, chu đáo, ngăn nắp, cần cù, khéo tay…Tấm gương sáng về lòng yêu lao động tạo cho người mẹ khả năng giáo dục con, nhất là con gái biết đảm đang, lo toan công việc, tháo vát trong cuộc sống, cần cù trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu. Chính trên cơ sở đó dần dần hình thành và phát triển ở con đối với tình yêu lao động./ Hết.
Đoàn Thị Kim Cúc (Phòng VH & TT)