Đăng nhập

Tài khoản
ÁNH SÁNG TỪ TRÁI TIM
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 29/07/2016 .Lượt xem: 1799 lượt.

        Sống có trách nhiệm, với tấm lòng yêu thương, sẻ chia, vượt qua mọi khó khăn, chị Nguyễn Thị Hai (63 tuổi)-Thương binh ¼,  Chủ tịch Hội người mù xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc đã giúp đỡ rất nhiều mảnh đời bất hạnh, khiếm khuyết của địa phương vươn lên, vững tin vào cuộc sống…

          Chị Nguyễn Thị Hai sinh ra trên quê hương giàu truyền thống anh hùng cách mạng, nơi gắn liền với những địa danh lịch sử như địa đạo Phú An- Phú Xuân, chiến thắng Cầu Ông Nở… Tiếp nối truyền thống cha anh, trong chiến tranh, chị hăng hái tham gia lực lượng du kích xã, trực tiếp và hỗ trợ các lực lượng khác chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Năm 1971, trong một trận chiến chống địch đi càn, chị đã bị thương nặng và được đưa về hậu phương chữa trị. Tuy nhiên, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi đôi mắt của người con gái đang ở độ tuổi thanh xuân, để lại cho chị nhiều di chứng, bệnh tật. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, chị được Đảng và Nhà nước quan tâm làm chế độ thương binh nặng, được hưởng chính sách đối với người có công. Chị tâm sự : “Với bệnh tật, đôi mắt mù lòa, tôi không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng cho mình, sợ làm khổ người khác”. Chị ở vậy, chăm lo cho mẹ già và các em trong gia đình. Năm 1988, được sự động viên của người thân, bà con xóm làng, chị đã tự túc và sinh được một đứa con gái- chỗ dựa tinh thần của chị.


          Cuộc sống đối với một người khỏe mạnh đôi lúc còn khó khăn, chật vật, đối với một người mù như chị lại càng khó khăn gấp vạn lần. Nhận thức được điều đó, chị có sự đồng cảm, sẻ chia đối với những người khuyết tật như chị. Năm 2005, với mong muốn được giúp đỡ những người mù trên địa bàn xã, chị đã được UBND xã động viên tham gia vào Hội người mù của địa phương. Từ đây, chị tích cực đi khắp nơi để vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho hội viên của mình. Chị kể: “Tôi cứ chống gậy đi khắp các xã, nhà nào tôi cũng vô. Người cho 5.000 đồng, người cho 10.000 đồng. Tôi có cuốn sổ vàng, ai cho Hội người mù chúng tôi thì trực tiếp ghi tên, địa chỉ vào sổ. Nhưng nhiều lúc cũng tủi thân lắm cô ạ, họ thấy tôi đến cứ tưởng tôi đi lừa đảo. Những lúc như vậy tôi rất buồn”. Không ít lần, vì tự ái, vì tủi thân, chị muốn từ bỏ công việc đang làm song mỗi lần nghĩ tới những người mù khó khăn trên địa bàn xã, chị lại cầm lòng không được.

          Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Tàn nhưng không phế”, chị Nguyễn Thị Hai càng phấn đấu hơn trong công việc. Với chiếc gậy tre thay cho đôi mắt, chị không quản nắng mưa, không ngại đường sá xa xôi, chị đi khắp mọi nơi xin hỗ trợ cho hội người mù của xã. Hiện nay, xã Đại Thắng có 22 người mù, trong đó đa số là người già, mất sức lao động. Có những trường hợp khiến chị Hai luôn trăn trở, suy nghĩ và thường xuyên giúp đỡ như gia đình bà Nguyễn Thị Nén- ngoài 70 tuổi, nhà có ba mẹ con thì bà và một người con bị mù, một người con tàn tật. Trung bình mỗi năm, số tiền chị đi vận động về giúp đỡ hội viên cũng khoảng 12- 15 triệu đồng, riêng từ đầu năm đến nay, chị đã vận động được 18 triệu đồng. Số tiền này, chị mua quà và tặng sổ tiết kiệm tặng cho hội viên vào dịp Tết nguyên đán. 11 năm gắn bó với công tác hội người mù của địa phương, chị đã vận động, quyên góp, giúp đỡ cho người mù của xã hàng trăm triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ cho người mù, chị còn giúp đỡ cho những người nghèo, người khó khăn trong thôn, trong xóm. Số tiền, quà giúp đỡ đôi khi chỉ vài ba trăm ngàn song nó thể hiện tấm lòng biết yêu thương, cảm thông của chị Hai- một người mù có tấm lòng thiện lương.

          Khi được hỏi về thành tích của Hội người mù xã Đại Thắng, về  việc học tập và làm theo Bác, chị cười xòa: “Tôi chẳng quan tâm đến thành tích. Điều tôi quan tâm là hàng năm, tôi khỏe mạnh để đi xin các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những người nghèo, người khó khăn trên địa bàn xã để phần nào động viên họ trong cuộc sống. Tôi học Bác ở những việc làm giản dị, ở tình yêu thương đối với con người”. Với những đóng góp của chị cho phong trào địa phương cùng những việc làm đáng khâm phục của chị, năm 2016, chị được Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          Có lẽ những việc làm của chị Hai so với nhiều người chưa phải là tiêu biểu, xuất sắc song với một thương binh nặng với đôi mắt mù lòa, chắc hẳn sẽ ít người làm được như chị. Hy vọng rằng, trong xã hội của chúng ta, sẽ ngày càng có nhiều người tìm thấy “ánh sáng từ trái tim” như chị Hai để con người biết yêu thương, đùm bọc nhau hơn; xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc


[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đảng ủy xã Đại Lãnh tổ chức Hội nghị thông tin thời sự và quán triệt Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ TẤM LÒNG NHÂN HẬU
Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh (1959- 2019): Đường Hồ Chí Minh- con đường của sự quyết tâm
GIỌT HỒNG YÊU THƯƠNG
Kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở xã Đại Sơn
TẤM LÒNG CỦA NHỮNG NHÀ GIÁO
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển phát động Cuộc thi viết tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đại Thạnh tổ chức học tập chuyên đề Chỉ thị 05 năm 2018
Vai trò của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác
Đảng ủy xã Đại Hiệp tổ chức hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2017”
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
Khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND huyện khóa XI
Vận dụng tư tưởng “Học đánh cờ” trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975
Đại Lộc tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hành văn hóa nêu gương Hồ Chí Minh
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Đảng bộ quân sự huyện