Đăng nhập

Tài khoản
Bước khởi động quan trọng và đúng hướng !
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 24/08/2016 .Lượt xem: 1894 lượt.

Ngày 23/8/2016, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Đại Lộc tổ chức Tọa đàm“Không rắc vàng mã, rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài trên đường đưa tang- Nhận thức và hành động” không ngoài mục đích góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện.

Tập tục lạc hậu và phiền toái.

Báo cáo đề dẫn Tọa đàm cho hay: Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính khi đề cập đến tang ma có viết: “Trên khi đi đường có rắc vàng thỏi, vàng giấy là tục cho rằng có quỷ phụ vào quan tài, phải rắc vàng để tống quỷ, kẻo quan tài nặng khó đi”. Theo Địa chí Đại Cường (Vu Gia chủ biên), “trên đường đưa linh cữu đến nghĩa địa, người ta thường rải giấy vàng, giấy bạc dọc bên đường, cho rằng đó là “tiền lót đường” cho ma quỷ để chúng đừng quấy phá, cản trở bước đi của người chết”. Lập luận này rất mơ hồ, khó kiểm chứng nhưng từ xưa, trong các nghi lễ của đám tang, việc đốt và rải vàng mã không thể thiếu, người dân coi đó là việc làm nhằm an ủi vong linh và chuẩn bị cho đời sống dưới cõi âm của người chết. Đồng thời, nếu không thực hiện thì sợ làng xóm, thân hữu bàn tán, dị nghị, lời ra tiếng vào không hay, ảnh hưởng không hay đến vong linh người đã khuất. Thế nhưng, đấy không phải là tập tục truyền thống của người Việt. Ông Nguyễn Hải Triều, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Lộc, người nhiều năm làm công tác văn hóa quần chúng cho hay, sách Thọ Mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân (1690 - 1760) chép lại những phong tục, tập quán, nghi thức trong việc tang của người Việt có nói đến việc hóa vàng, nhưng đó là việc đốt một ít tiền vàng cho người đã khuất ở chính tại phần mộ, chứ tuyệt nhiên không chỉ dẫn việc rải vàng mã dọc đường đưa tang.


Quang cảnh Tọa đàm “Không rắc vàng mã, rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài trên đường đưa tang- Nhận thức và hành động”. 

Đáng lưu ý là lâu nay trong tâm thức dân gian vẫn cho rằng, tục đốt, rắc vàng mã là nghi tiết của Phật giáo nhưng trong Thiền uyển tập anh - một tác phẩm cổ về Phật giáo Việt Nam, được biên soạn từ đời Lý, không hề có dấu vết của tập tục này. Tham luận tại Tọa đàm, Đại đức Thích Thắng Thiện, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Đại Lộc khẳng định: Đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Quan niệm sống chết đối với Phật giáo chỉ là hai mắt xích trong một chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy, cho tới ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử. Do đó, Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho những người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay là âm phủ... Chuyện hoang đường như rắc vàng mã, thì ngoài việc đã làm tổn hại tài nguyên, còn mâu thuẫn cả về mặt tâm tư.

“Trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa hằng tháng đều có nhiều đoàn xe tang chạy ngang qua để đến các nghĩa trang gia tộc. Thật khó chịu và khó chấp nhận khi các con đường phút chốc biến thành “con đường rác” với những hình ảnh vô cùng phản cảm: Vàng mã bay trắng xóa khi gió thổi qua và vón cục thành những đụn rác khi mưa dứt hạt, lề đường luôn ngập tràn những rác là vàng mã. Như vậy, hành vi rải vàng mã chính là rải rác trên đường phố. Đó là chưa kể đến việc rải tiền thật gây tai nạn giao thông và vi phạm quy định về sử dụng đồng tiền Việt Nam”- ông Lê Phàn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa bày tỏ quan ngại.

Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Các đại biểu dự Tọa đàm đều thống nhất nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và cả lâu dài của cả hệ thống chính trị các cấp là phải tập trung tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trong từng thôn, xóm, tộc họ và các ngành, đoàn thể để tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Thông tư số 04/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam. Chú trọng các loại hình tuyên truyền như: panô, khẩu hiệu, tờ rơi; xây dựng các tiểu phẩm chuyên đề; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và tuyên truyền vận động tại các cuộc họp của đoàn thể, nhân dân tại địa phương. Đưa tiêu chí không rắc vàng mã trên đường đưa tang vào nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và gắn với xét thi đua, bình xét danh hiệu văn hóa hằng năm ở cơ sở; bổ sung nội dung chống vàng mã vào các quy ước cộng đồng, tộc họ. “Mỗi gia đình cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương xây dựng nếp sống minh trong việc tang để quần chúng noi theo”- ông Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đại Đồng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến khẳng định Mặt trận, các hội, đoàn thể, Ban Dân chính thôn, Hội đồng gia tộc, Ban trợ tang,… đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng. Hơn ai hết, họ là những “đại sứ” nhanh nhất, gần nhất, hiệu quả nhất; sau khi biết thông tin, những “đại sứ” này đã kịp thời đến thăm viếng, chia buồn, phúng điếu; đồng thời truyên truyền, vận động, hướng dẫn tang gia thực hiện các nội dung xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang. Là khách mời của Tọa đàm, ông Đỗ Thanh Tân, Quyền Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoà Vang (thành phố Đà Nẵng) đã gây sự chú ý của đông đảo cử tọa khi kể lại cách làm rất hiệu quả xuất phát từ xã Hòa Châu trong khoảng 7 năm trở lại đây. Theo phong tục truyền thống, khi nhà nào trong thôn có tang thì Ban trợ tang của thôn đến trợ giúp và các chức sắc trong làng cũng đến hỗ trợ gia đình lo hậu sự. Trước ngày tiễn quan, bao giờ gia đình cũng có bày mâm lễ để tạ làng và đội âm công. Đây là “thời khắc vàng” để các thôn thực hiện công tác tuyên truyền không rắc vàng mã trên đường đưa tang với không chỉ gia đình tang chủ mà còn đối với cả làng. Sau phát biểu cảm tạ của tang chủ trước Ban nhân dân, các chức sắc và đội âm công, đại diện Ban nhân dân thôn hoặc Bí thư chi bộ thôn phát biểu ghi nhận lời cảm tạ, đồng thời đề nghị tang chủ không hoặc hạn chế đốt, rải vàng mã khi đưa tang: “Thành phố Đà Nẵng hiện nay đang vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trong đó có vận động người dân không đốt, rải vàng mã làm ô nhiễm môi trường vừa gây mất mỹ quan đô thị... Ban nhân dân thôn chia buồn với nỗi đau, mất mát của gia đình và đã đến hỗ trợ để gia đình tổ chức tang lễ chu đáo cho ông/bà/... Ban nhân dân thôn rất mong gia đình chấp hành chủ trương này. Nếu có rải vàng mã thì đến nơi cúng đạo lộ và tới huyệt hãy rải nhưng xong phải đốt và làm sạch môi trường”. Điều thú vị là, lời đề nghị của làng rất nhẹ nhàng nhưng gần như tất cả các gia đình đều chấp hành rất nghiêm túc. Điều này có lí do của nó, trước hết là vì nể do hàm ơn, thứ đến là vì sợ do bị phụ thuộc. Hầu hết đám tang ở vùng nông thôn nếu muốn tổ chức thành công thì phải phụ thuộc vào dụng cụ trang trí, trang phục, chiêng trống, linh xa, đội hình phục vụ … và đặc biệt là người đến khiêng - tức đội âm công. Nhưng toàn bộ dụng cụ và đội âm công đều là của làng, do làng quản lí, điều động. Nói khác đi là, để tổ chức đám tang, gia đình phải phụ thuộc và nhờ cậy vào sự giúp đỡ của cả làng. Do đó, tiếng nói của làng lúc này là rất “có trọng lượng”. Nỗi khiếp sợ, sợ đến mức ám ảnh đối với mọi gia đình là khi trong nhà có người chết mà làng không đến khiêng. Vì vậy, trong tình huống này gia đình tang chủ dù muốn dù không gì thì cũng phải “dạ thưa, chấp hành”. Lâu dần thành quen, cả làng sẽ không còn ai dám rắc vàng mã khi đưa tang.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò vận động của các vị chức sắc, chức việc, người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trưởng các tộc họ vận động con cháu, tín đồ hạn chế, tiến tới bỏ đốt, rải vàng mã. Được biết, lâu nay, vị trụ trì chùa Đại Phước (Đại Quang)- Thượng tọa Thích Hạnh Quảng- luôn khuyến cáo thực hiện tốt các quy định trong việc tổ chức ma chay, cúng lễ đơn giản, lành mạnh, tiết kiệm, không đốt, rải vàng mã. Khuyến cáo của Thượng tọa đã được nhiều bà con Phật tử hưởng ứng.

 Về phía các cấp chính quyền, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhắc nhở các trường hợp vi phạm nếp sống văn minh trong việc tang; kiên quyết ngăn chặn, phê bình kiểm điểm trước nhân dân đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất vàng mã. Có biện pháp quản lý đối với các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết phối hợp thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ. Cơ sở dịch vụ tang lễ phải chịu trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không rải vàng mã trên đường đưa tang. Ở Đà Nẵng, tháng 7/2015, Phòng PC49 Công an thành phố đã triệu tập các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên toàn thành phố để phổ biến pháp luật, xác định rải vàng mã chính là là hành vi phạm pháp (rải, đổ rác) và tổ chức cho các chủ dịch vụ ký cam kết không rắc vàng mã trên đường đưa tang, nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 1- 2 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Trong trường hợp cố tình tái phạm, PC49 sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động. Vì vậy, hầu hết các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ ở Đà Nẵng đều chấp hành rất tốt quy định này.

Để thay đổi một tập quán lạc hậu nhưng đã ăn sâu bám rễ trong đời sống tâm linh của người dân là việc làm khó khăn và phức tạp, không thể tránh khỏi những trở lực nhưng hoàn toàn không phải không làm được nếu hành động kiên quyết. Đó là nhận thức chung mà Tọa đàm “Không rắc vàng mã, rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài trên đường đưa tang- Nhận thức và hành động” đã đạt được. Đây được xem là bước khởi động quan trọng và đúng hướng trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở Đại Lộc! 

- Vân Trình -

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức phiên họp định kỳ sơ kết hoạt động quý 1 năm 2025, triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2025
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức phiên họp định kỳ sơ kết hoạt động quý 1 năm 2025, triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2025
Đại Lộc tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025
Đại Lộc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Đại Lộc (28/3/1975 - 28/3/2025)
Cầu thủ Trần Thị Thùy Trang được vinh danh là cầu thủ nữ Việt Nam xuất sắc nhất năm 2024
Lãnh đạo huyện thăm Trung tâm Y tế huyện nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam
Bệnh viện Đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025).
Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng Đại lễ Đức Chí Tôn
Nhộn nhịp chợ quê đầu xuân
UBND huyện Đại Lộc tổ chức Giải Đua thuyền truyền thống năm 2025
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Đại Lộc có thêm một di tích lịch sử cấp tỉnh
HUYỆN ĐẠI LỘC TỔ CHỨC LỄ TRAO TẶNG, TRUY TẶNG DANH HIỆU BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG VÀ HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP
Vai trò của gia đình đối với việc giáo dục trẻ em
Huyện Đại Lộc đạt giải Ba Hội thi Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tỉnh Quảng Nam lần thứ I - năm 2016
Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6
Khánh thành Trạm Y tế xã Đại Đồng
Chào mừng kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2016) - Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương
Đại Lộc tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Hội thi Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình huyện Đại Lộc lần thứ I - năm 2016
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc thẩm định công trình “Lịch sử Đảng bộ xã Đại Cường 1930 – 2015”
KỶ NIỆM 160 NĂM NGÀY SINH CHÍ SĨ ĐỖ ĐĂNG TUYỂN: NGƯỜI BẠN TÂM GIAO CỦA SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9