Sáng ngày 09/5/2017, tại Hội trường số 2, UBND huyện Đại Lộc tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017 và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2017. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đồng chí Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam; đồng chí Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan của huyện, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Trưởng Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, Chủ tịch HĐQT các Hợp tác xã Nông nghiệp trên địa bàn huyện và đại diện lãnh đạo các Công ty có liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản trên địa bàn huyện.
Quang cảnh Hội nghị
Vụ Đông Xuân năm 2016-2017, mặc dù thời tiết đầu vụ có nhiều bất lợi đã làm cho tiến độ sản xuất của các loại cây trồng bị chậm lại, nhất là cây trồng cạn; tiếp đó, vào các ngày cuối tháng 3 và đầu tháng tư (thời điểm lúa trổ tập trung) có mưa lớn làm tăng tỷ lệ lem lép hạt trên cây lúa, ảnh hưởng tới năng suất. Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo của tỉnh, huyện, sự tích cực của cơ quan, đơn vị chuyên môn cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân đã từng bước khắc phục thiên tai, khó khăn, chủ động các điều kiện để phục hồi sản xuất. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức ổn định, năng suất nhiều loại cây trồng đạt cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Định - Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Vụ Đông Xuân 2016 - 2017, toàn huyện gieo trồng 4.301,06 ha lúa, năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó, sản xuất lúa thương phẩm 2.686,06 ha, sản xuất lúa thuần 1.407 ha, sản xuất lúa lai F1 208 ha. Cây ngô có diện tích gieo trồng 617 ha, năng xuất ước đạt 64 tạ/ha; cây lạc có diện tích 1.029 ha, năng suất ước đạt 20 tạ/ha; cây ớt 266 ha, năng suất trái tươi ước 150 tạ/ha. Bên cạnh đó, còn có các loại cây rau màu, cây công nghiệp, cây có bột … đều phát triển tốt và cho năng suất cao.
Tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm phát triển tốt. Cụ thể: tổng đàn trâu 5.078 con và phát triển tương đối ổn định; tổng đàn bò 19.526 con và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; tổng đàn lợn 56.624 con, giảm nhẹ so với cùng kỳ và tổng đàn gia cầm 766.900 con, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Theo xu hướng hiện nay, chăn nuôi theo hình thức gia trại đang phát triển mạnh, tuy nhiên giá heo hơi và giá bò liên tục giảm trong thời gian gần đây đã tác động lớn đến việc phát triển tổng đàn trong thời gian đến. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được huyện quan tâm chỉ đạo, bệnh lở mồm long móng gia súc xuất hiện sớm nhưng đã được kiểm soát, xử lý kịp thời.
Về thủy sản, toàn huyện có 180 lồng nuôi thủy sản với tổng thể tích 12.200 m3 tại lòng hồ Khe Tân, các ao, bầu, đầm trên địa bàn huyện…, chủ yếu nuôi các loại cá: cá Diêu hồng, cá Lóc, cá Leo, … đem lại hiệu quả cao và huyện cũng đang duy trì 127,5 ha mặt nước ao nuôi thủy sản, thả nuôi các loài cá truyền thống: trắm, trôi, mè, chép, …
Đối với sản xuất lâm nghiệp, huyện đang triển khai chương trình trồng cây phân tán nhằm tôn tạo cảnh quan đường xã, thôn, Khu dân cư kiểu mẫu; theo dõi, kiểm tra kết quả trồng rừng sau khai thác năm 2016 với diện tích khoảng 1.600 ha; triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng” nhằm khôi phục và phát triển thương hiệu Chè xanh An Bằng cũng như khôi phục làng nghề trồng chè của xã Đại Thạnh.
Năm 2017, UBND huyện cũng đã chỉ đạo tập trung thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn và đạt được một số kết quả, toàn huyện có 10 Hợp tác xã Nông nghiệp thực hiện với tổng diện tích 2.145 ha chủ yếu sản xuất hạt giống lúa thuần, lúa lai F1, đậu xanh giống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Ý thức liên kết sản xuất của một số người nông dân chưa cao, một số tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả; việc nhân rộng các cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản diễn ra chậm; kết quả chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng cạn (ngô, lạc, rau thực phẩm...) và việc xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức ở nhiều địa phương. Việc quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng chưa thật sự hiệu quả dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn lưu hành, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Chất lượng nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát, việc triển khai một số chuỗi sản phẩm thí điểm còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút khách hàng tiêu thụ sản phẩm.
Triển khai kế hoạch vụ Hè Thu năm 2017, toàn huyện sẽ gieo sạ 4.300 ha lúa, trên 1000 ha bắp Xuân Hè và Hè Thu. Vụ Hè Thu bắt đầu gieo sạ từ 20/5/2017 và kết thúc trước ngày 05/6/2017, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày và thu hoạch dứt điểm trước 10/9/2016 để tránh lũ lụt đến sớm ở cuối vụ. Về cơ cấu giống lúa: sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày như: BC15, Q5, Quảng Nam 9, TBR1, TBR225, Thiên ưu 8, HT1, Đài thơm 8, Th 3-5, SV 181, … nhằm giảm thời gian cây lúa trên đồng ruộng, tiết kiệm nước tưới và tránh các rủi ro do thời tiết bất thường (mưa lụt cuối vụ). Riêng các xã vùng B, do việc cung cấp nước tưới đỗ ải được bắt đầu từ ngày 25/5, nên thời vụ gieo sạ phải được kết thúc trước ngày 10/6 bằng các giống ngắn ngày để thu hoạch trước 10/9/2017. Những diện tích đất lúa khó tưới, bấp bênh nước tưới chuyển mạnh sang trồng các loại cây màu như ngô, lạc, đậu xanh, mè,... Đối với chăn nuôi, tiếp tục tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…phấn đấu cho vụ Hè Thu đạt kết quả cao.
Hoàng Hà