Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai năm 2017 trên địa bàn huyện Đại Lộc, từ ngày 13-22/9/2017, Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị, các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 tại địa phương.
Đồng chí Trần Văn Mai phát biểu tại buổi kiểm tra
Theo đó, Đoàn Kiểm tra số 1 của huyện do đồng chí Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Đoàn đi kiểm tra tại các xã: Đại Hòa, Đại Cường, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Nghĩa; Đoàn Kiểm tra số 2 do đồng chí Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tại các xã: Đại Thắng, Đại Phong, Đại Minh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hiệp. Đoàn tiến hành kiểm tra công tác chủ động PCTT&TKCN, xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai, Phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ, tổ chức thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai, công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2017, công tác dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trước mùa mưa lũ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thường bị chia cắt khi có mưa lũ, phương án sơ tán dân … Sau khi nghe địa phương báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 và phương án PCTT&TKCN năm 2017; các thành viên trong đoàn công tác đã tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện kế hoạch PCTT&TKCN của các địa phương.
Thời gian còn lại của năm 2017, diễn biến của thiên tai sẽ hết sức phức tạp . Theo dự báo, có 4 - 5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Khu vực tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc có khả năng chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN năm 2016, đồng thời chỉ đạo các địa phương trong thời gian tới, trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với thiên tai; vận động người dân thực hiện chằng, chống nhà cửa ngăn ngừa nguy cơ sập nhà và tốc mái khi có bão, mưa lớn, lốc xoáy xảy ra; nắm chặt diễn biến của thời tiết, thường xuyên cập nhật kịp thời tin tức, các đợt mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, địa phương cần rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở nhất là khu vực có dân cư và phương tiện giao thông thường di chuyển để có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn sản xuất và dân sinh.