Đăng nhập

Tài khoản
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc (09/12/1937- 09/12/2017)
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 12/10/2017 .Lượt xem: 2405 lượt.

         I. Đảng bộ huyện Đại Lộc ra đời- bước ngoặt của cách mạng huyện Đại Lộc

          1. Bối cảnh lịch sử

          Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp ở Đông Dương đã chuyển từ chính sách “Bình định” sang chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Với những ưu thế và điều kiện tự nhiên, Đại Lộc sớm trở thành địa bàn được tư sản Pháp và cả tư sản người Việt chú ý khai thác. Chúng duy trì bộ máy quan lại phong kiến nhu nhược để qua đó trực tiếp thống trị nhân dân; bóp ngặt mọi quyền dân chủ, tự do của nhân dân; đồng thời áp dụng chính sách văn hóa ngu dân để dễ bề cai trị.

          Đại Lộc là nơi thực dân, phong kiến khai thác triệt để về kinh tế. Bên cạnh việc thu mua các hàng nông sản với giá rẻ mạt, bọn tư sản phong kiến còn xây dựng ở Đại Lộc một số cơ sở công nghiệp với quy mô nhỏ. Chúng bắt nhân dân đóng góp nhiều loại thuế; mùa đi sưu, nộp thuế là nỗi kinh hoàng của người dân.

          Năm 1885, phong trào Cần Vương cứu nước được phát động trong toàn quốc. Ở Quảng Nam các sĩ phu lập Nghĩa hội, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi. Phong trào nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) do Trần Văn Dư và người kế tục là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo đã tập hợp được đông đảo nhân dân và các sĩ phu tham gia. Ở Đại Lộc, nhiều người đã hưởng ứng phong trào ngay từ đầu mới thành lập như Đỗ Đăng Tuyển, Trần Huy, Trần Đỉnh, Dương Văn Thưởng và đã thành lập Nghĩa hội ở Đại Lộc.

Thực dân Pháp vừa dập tắt phong trào Cần Vương thì phong trào Đông Du và Duy Tân bùng lên dữ dội. Phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo. Ở Đại Lộc, cụ Đỗ Đăng Tuyển là người có nhiều đóng góp nhất cho phong trào.

Giữa lúc phong trào Đông Du và Duy Tân diễn ra quyết liệt thì năm 1908 nổ ra phong trào chống sưu cao thuế nặng rất sôi nổi mà Đại Lộc chính là nơi khởi phát phong trào chống thuế, sau này lan rộng ra các tỉnh miền Trung.

Bước sang những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, nhân dân Đại Lộc, nhất là thanh niên, học sinh đã lưu hành và đọc các loại sách báo tiến bộ, yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh.

Các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Đại Lộc nói riêng tuy diễn ra sôi nổi, anh dũng nhưng cuối cùng đều thất bại. Sở dĩ như vậy vì các phong trào đó thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn, không dựa trên một lý luận cách mạng khoa học và không có sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Tuy nhiên, nó thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, ý chí căm thù giặc cao độ, tinh thần độc lập dân tộc và lòng tự chủ của nhân dân ta, tô đậm truyền thống hào hùng của quê hương. Đây chính là một cơ sở quan trọng để đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam và qua những người con ưu tú khác, hệ tư tưởng tiên tiến nhất này của thời đại được truyền bá vào Đại Lộc.

2. Đảng bộ huyện ra đời- bước ngoặt của lịch sử cách mạng huyện Đại Lộc

Tháng 6 năm 1925, sau một quá trình tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

          Trong thời gian này, một số thanh niên, học sinh người Đại Lộc đi học hoặc làm ăn ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đã tiếp thu được chủ nghĩa Mác- Lênin. Tiêu biểu trong số thanh niên học sinh đó có đồng chí Nguyễn Đức Thiệu.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Những năm 1925- 1927, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu học ở Huế. Tại đây, đồng chí đã được bạn bè là những người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin hoặc đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tuyên truyền và giúp đọc nhiều sách báo tiến bộ, cách mạng. Năm 1927, đồng chí đã tham gia bãi khóa, rồi thôi học, vào Sài Gòn để tiếp tục hoạt động cách mạng, đến cuối năm 1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, trở thành người đảng viên đầu tiên của huyện Đại Lộc.

          Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đến ngày 28 tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập.

          Tháng 4 năm 1930, theo giới thiệu của đồng chí Bùi Châu, Thị ủy Đà Nẵng đã kết nạp đồng chí Nguyễn Soạn và đồng chí Lê Cao Phong, người Đại Lộc (hai đảng viên của Đảng Tân Việt) kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Các đảng viên đầu tiên ở Đại Lộc đã tích cực đi vận động giác ngộ chủ nghĩa Mác- Lênin trong công nhân, nông dân, trí thức… đã xây dựng được hai hội viên Công hội đỏ ở Nhà máy ươm tơ Giao Thủy và hai hội viên Nông hội đỏ ở Ái Nghĩa.

          Từ giữa năm 1930, khắp huyện xôn xao dư luận về cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mặc dù kẻ địch cấm đoán nhưng mọi người vẫn rỉ tai nhau nghe về các khẩu hiệu cách mạng: “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đông Dương hoàn toàn độc lập”, “Tịch ký ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo”… Nhân ngày Quốc tế Lao động (ngày 01 tháng 5), ngày chống chiến tranh đế quốc (ngày 01 tháng 8), nhiều nơi trong huyện có nhiều người qua lại như huyện lỵ Đông Lâm, trường tiểu học Mỹ Hòa, chợ Quảng Huế, chợ Hà Nha, chợ Ái Nghĩa, Giao Thủy… đều được treo cờ búa liềm và rải truyền đơn. Các cuộc đấu tranh đòi dân sinh cũng nổ ra ở một số nơi.     

Cuối năm 1930, cao trào cách mạng cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết- Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu. Tháng 10 năm 1930, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam bị vỡ nặng. Phong trào cách mạng huyện Đại Lộc cũng bị chính quyền thực dân, phong kiến khủng bố ráo riết. Các đảng viên đầu tiên trong huyện bị bắt bỏ tù. Phong trào cách mạng ở huyện nhà do vậy tạm thời lắng xuống.

Tháng 7 năm 1931, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu sau một thời gian bị giam ở khám lớn Sài Gòn được địch đưa về quản thúc tại địa phương. Đồng chí đã tìm mọi cách để xây dựng, phục hồi lại tổ chức và phong trào cách mạng. Từ đây, đồng chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin về đường lối cách mạng của Đảng ta. Hình thức hoạt động chủ yếu lúc bấy giờ là mở trường dạy học và lập các nhóm đọc sách báo. Thanh niên, học sinh và giáo viên là lực lượng cơ bản được giác ngộ.

          Tháng 11 năm 1936, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã lựa chọn một số thanh niên xuất sắc trong hai nhóm thanh niên cộng sản ở hai tổng Đức Hạ và tổng Đại An thành lập một chi bộ Đảng gồm 7 đồng chí. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Đại Lộc. Chi bộ này về sau phát triển thành 2 chi bộ  đảng tổng Đức Hạ và Đại An. Trong khi đó giữa năm 1937, đồng chí Trần Tống từ trường Quốc học Huế về quê nghỉ hè mở trường dạy học tại làng Hóa Trung, tổng Mỹ Hòa, giác ngộ được nhiều thanh niên, học sinh. Trên cơ sở số thanh niên, học sinh này, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu tiếp tục bồi dưỡng và chọn ra số tiên tiến nhất để lập chi bộ tổng Mỹ Hòa.

          Như vậy, vào những tháng cuối năm 1937, toàn huyện Đại Lộc có 3 chi bộ Đảng. Lúc này, các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức thanh niên dân chủ cũng lần lượt ra đời. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng diễn ra sôi nổi. Yêu cầu lịch sử đặt ra lúc này là phải có một cơ quan lãnh đạo Đảng cao nhất của huyện để thống nhất các đầu mối cơ sở đảng và lãnh đạo quần chúng vùng lên đấu tranh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tại hội nghị tháng 5 năm 1937, vào ngày 09 tháng 12 năm 1937, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã triệu tập cuộc họp đại biểu các chi bộ. Cuộc họp tiến hành tại nhà ông Phó Liên, thân sinh đồng chí Trương Quang Lạc, ở làng Bàng Trạch, tổng Đại An (nay thuộc thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) với sự tham gia đầy đủ của đại biểu các chi bộ Đảng trong huyện. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu chủ trì hội nghị. Các nguyên tắc hoạt động bí mật được tuân thủ nghiêm ngặt.

Hội nghị đã phân tích tình hình trong nước về thế giới, tình hình các địa phương trong huyện và chủ trương của Tỉnh ủy do hội nghị tháng 5 năm 1937 đề ra. Hội nghị đã nhất trí khẳng định rằng: Qua quá trình khôi phục và phát triển của phong trào cách mạng huyện nhà và sự ra đời của các chi bộ đã có các điều kiện để thành lập Đảng bộ huyện. Trên cơ sở ba chi bộ hiện tại, hội nghị cử ra Ban chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí. Đó là Nguyễn Đức Thiệu, Hồ Phước Hậu, Trương Văn Chấn, Lê Cao Phong, Lê Nghiêng, Trương Quang Lạc và Nguyễn Thúc Hưng. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Bí thư. Đây là đồng chí Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Đảng bộ huyện.

          3. Ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành lập Đảng bộ huyện

Hội nghị thành lập Đảng bộ ngày 09 tháng 12 năm 1937 là một sự kiện có ý nghĩa lớn, ghi nhận kết quả của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Đại Lộc, đánh dấu một bước chuyển có tính bước ngoặt của phong trào cách mạng toàn huyện.

Đảng bộ Đại Lộc ra đời là một tất yếu lịch sử. Nó là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, kiên định của phong trào cách mạng quần chúng dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng đầu tiên trong huyện, là kết quả của quá trình chuẩn bị chu đáo, công phu về mặt tổ chức.

Đảng bộ Đại Lộc ra đời là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng huyện nhà trong các giai đoạn lịch sử sau này.

          II. Những thành tựu trong 80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Đại Lộc ( 1937- 2017)

          Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân làm nên những thắng lợi to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

          1. Lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8 năm 1945

Sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh- dân chủ sôi nổi nhưng từ cuối năm 1939, bị địch liên tiếp đàn áp dã man, nhiều cán bộ, đảng viên và cơ sở trung kiên bị địch giam cầm. Song tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng dù bị địch đang giam cầm hay còn ở bên ngoài vẫn không bao giờ nguôi, chờ thời cơ để bắt nối hoạt động.

Ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, nhiều đảng viên thoát khỏi nhà tù, trở về hoạt động, từng bước khôi phục tổ chức đảng phong trào cách mạng ở địa phương. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, thời cơ nổi dậy giành chính quyền đã đến. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Tây Bắc (mật danh huyện Đại Lộc) được thành lập do đồng chí Ngô Quang Tám làm Chủ tịch. Chiều ngày 17 tháng 8, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Tỉnh ủy, song căn cứ vào chủ trương của Hội nghị Tỉnh ủy từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 8, Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện Tây Bắc quyết định phát động quần chúng xuống đường biểu tình giành chính quyền từng phần vào ngày 18 tháng 8 năm 1945. Trong ngày này, các tổng Mỹ Hòa, Đại An, Đức Hạ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Sáng ngày 19 tháng 8, ở các tổng Đức Thượng, Hòa Đạo, An Lễ, Phú Mỹ, Quảng Hòa chính quyền cũng được về tay nhân dân. Cùng ngày 19 tháng 8, khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện kết thúc thắng lợi.

          Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đại Lộc tháng 8 năm 1945 đã nói lên tinh thần cách mạng kiên định và lòng quả cảm của nhân dân toàn huyện. Những đảng viên và quần chúng cốt cán tuy trải qua các đợt khủng bố khốc liệt của thực dân, phong kiến nhưng đã thể hiện vai trò tiên phong, hăng hái trong công tác và làm hạt nhân tập hợp các lực lượng yêu nước, đặc biệt đã nhạy bén nắm bắt thời cơ lập cơ quan chỉ đạo khởi nghĩa và kịp thời đề ra các biện pháp lãnh đạo đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, một thời kỳ mới của cách mạng đang mở ra với những yêu cầu và nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tình hình lúc này đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương đến đầu tháng 10 năm 1945, Huyện ủy Đại Lộc được lập lại để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. 

2. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo quân và dân trong huyện tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Đảng bộ, quân và dân Đại Lộc đã đóng góp công sức làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ. Các phong trào chiến tranh du kích, chống chiêu an, bình định; xây dựng vùng tự do được cán bộ, chiến sỹ và nhân dân toàn huyện hưởng ứng tích cực. Phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, nhiều trận đánh tiêu biểu thu được thắng lợi lớn, như Ba Khe, Núi Lở, Xã Bàn, Gò Đình...Phong trào thi đua ái quốc ở vùng tự do được triển khai liên tục, nhiều cá nhân tiêu biểu được bình chọn là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp Liên Khu 5… đã góp phần động viên được nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ta buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ở Đại Lộc, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn để đánh phá phong trào cách mạng. Chúng thiết lập hệ thống chính quyền từ huyện đến các thôn do các tên tay sai gian ác cầm đầu; thành lập nhiều tổ chức đảng phái phản động. Chúng tiến hành liên tiếp các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, gây ra nhiều vụ thảm sát cán bộ, đảng viên và nhân dân với các hình thức vô cùng dã man như sát hại tập thể, bắn chết rồi đạp xuống sông, chặt đầu, thả bao tời, sám hối…Các vụ sát hại ở động Hà Sống, khe Cổng; những điểm “Tố cộng”, “Diệt cộng” như đình Không Chái, đình Đại Phú, Nha Lộc Hiệp…mãi mãi là bằng chứng về tội ác trời không dung, đất không tha của kẻ thù.

Từ những năm 1960, sau khi có chủ trương của Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Đại Lộc đẩy mạnh các hoạt động diệt ác, phá kèm, đập tan âm mưu bình định, lấn chiếm, phá khu dồn, ấp chiến lược làm nên phong trào Đồng khởi năm 1964; chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 và hàng loạt chiến công vang dội trên khắp địa bàn khiến Mỹ- ngụy hoang mang, lo sợ như trận đánh Bàu Mưng, trận đánh Hà Vy, trận đánh Cầu Ông Nở, trận đánh Trúc Hà… mà đỉnh cao là chiến thắng Thượng Đức năm 1974. Từ kết quả của những chiến thắng đó đã góp phần làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, quê hương Đại Lộc được hoàn toàn giải phóng.

3. Đảng bộ lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần vào những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước.

Chiến tranh kết thúc, huyện Đại Lộc lại đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức. Cả huyện có 128 thôn thì có 116 thôn bị tàn phá nặng nề. Nhiều thôn, xóm không còn màu xanh của sự sống. Hơn 15.000 người bị địch giết hại, 2.100 người bị thương tật, chiếm 13% dân số huyện. 8.000/10.000 ha đất canh tác bị hoang hóa, đầy rẫy bom mìn, dây kẽm gai, hố bom và lau lách. Cơ sở vật chất hầu như không có gì. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sau ngày giải phóng vô cùng phức tạp... Đó là những vấn đề cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phải quyết tâm cao trên con đường xây dựng lại quê hương.

Toàn huyện đã dồn sức cho các chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”, "Toàn dân làm thủy lợi", thâm canh tăng vụ. Mười năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại Lộc đã kịp để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đồng bào cả nước, cả tỉnh với những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước: 21,6 tấn/ha/3 vụ), với những ánh điện bừng sáng từ sức dân của các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), với mô hình nông - lâm - công nghiệp kết hợp ở Hợp tác xã Đại Đồng II. Cạnh đó là Hợp tác xã mua bán Đại Minh- con chim đầu đàn của ngành hợp tác xã mua bán toàn huyện, xã Đại Thắng- ngọn cờ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xã Đại Lãnh- xã "Toàn dân hiếu học", Đảng bộ xã Đại Hiệp- điển hình trong công tác xây dựng Đảng,… Đáng chú ý là việc khởi công công trình Hồ chứa nước Khe Tân- công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh, không chỉ là công trình "đền ơn đáp nghĩa" cho một căn cứ địa của Cách mạng mà còn giải quyết căn cơ vấn đề khô hạn ở vùng B, nơi mà thủy lợi chỉ là mơ ước ngàn đời của người dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã kiên trì vượt qua những khó khăn, thử thách; vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá, đáp ứng được yêu cầu thực tế địa phương và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/HU về “Tăng cường xây dựng và phát triển cơ sở (xã, thị trấn) trong huyện theo yêu cầu tình hình mới đã tạo ra bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; chủ trương “6 hóa”, Đề án 01-ĐA/HU của Huyện ủy về chuyển đổi, hoàn thiện mô hình hợp tác xã sản xuất-dịch vụ kinh doanh tổng hợp, Đề án “Đầu tư xây dựng giao thông nông thôn huyện Đại Lộc" của UBND huyện….đã có tác động định hướng, làm đổi thay ngoạn mục diện mạo của quê hương trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Dưới sự lãnh đạo đầy năng động, sáng tạo của Đảng bộ huyện, Đại Lộc hôm nay đang bừng sáng cùng với sự phát triển của các địa phương trên địa bàn cả tỉnh, cả nước. Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của tỉnh Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Với lợi thế có quốc lộ 14B đi qua và gần thành phố Đà Nẵng, huyện Đại Lộc đã và đang là "điểm đến" của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các cụm công nghiệp hoạt động tương đối ổn định như cụm công nghiệp Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hiệp, Đại Nghĩa....Một số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả như Công ty cổ phần Prime Đại Lộc, Công ty TNHH Broz-beckert Việt Nam...Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được tích cực tổ chức thực hiện. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 7/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị trấn Ái Nghĩa được đầu tư xây dựng, hoàn thiện để đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2020.

Lĩnh vực văn hóa- xã hội hội có nhiều tiến bộ. Toàn huyện có 61/61 trường (từ mầm non đến THCS) và 2/4 trường trung họ phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững và ổn định.

Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Đảng bộ huyện lúc thành lập mới chỉ có 12 đảng viên  với 3 chi bộ, đến nay đã có 4.631 đảng viên  với 66 tổ chức cơ sở Đảng và 273 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Đội ngũ cán bộ từ huyện xuống cơ sở cơ bản được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận những công lao đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước. Toàn huyện có 1.560 Bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 6.797 liệt sĩ, 1.443 thương binh và hàng ngàn người hưởng chế độ chính sách khác. Cả huyện có 21 tập thể và 42 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Đại Lộc có 2 đơn vị được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Đại Đồng II; Cán bộ và nhân dân xã Đại Hiệp).

III. Bài học kinh nghiệm

1. Xây dựng, giữ gìn khối đại đoàn kết trong Đảng, tạo ra sức mạnh và động lực thúc đẩy sự phát triển.

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của một tập thể, một dân tộc. Bài học quý giá này đã được ông cha ta đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.  Nhận thức được những điều đó, trong suốt 80 năm qua, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhất là trong cấp ủy các cấp trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhờ vậy, Đảng bộ đã tập trung được trí tuệ của cán bộ, đảng viên đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của huyện và mỗi địa phương. Chính từ sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo chủ chốt, trong toàn Đảng bộ mà niềm tin của nhân dân đối với Đảng không ngừng được củng cố, tạo sự đồng thuận rộng rãi tập hợp sức mạnh của quần chúng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết giành những thắng lợi to lớn qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, để lại những dấu ấn khó quên. Thực tiễn đã chứng minh rằng: trong những thời điểm khối đoàn kết thống nhất trong Đảng được giữ vững thì các phong trào, các mặt công tác đều đem lại những thành công vượt trội. 

          2. Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương.

Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi to lớn. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mỗi thời kỳ lại đặt ra cho cách mạng những nhiệm vụ mới, khó khăn mới; thêm vào đó là tác động từ tình hình các nước trong khu vực, quốc tế. Đảng bộ huyện đã vận dụng đúng đắn các quan điểm, đường lối của Đảng, đề ra những chủ trương và phương pháp lãnh đạo khác nhau. Trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ 1936-1939, Đảng bộ đã dựa vào quần chúng nhất là thanh niên, học sinh nên các mục tiêu đấu tranh đều giành thắng lợi. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945, mặc dù chưa nhận được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, nhưng Ủy ban khởi nghĩa huyện đã căn cứ vào tinh thần chỉ đạo của tỉnh trước đó mà kịp thời phát động nhân dân xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Sau Hiệp định Pa-ri, trước tình hình địch liên tiếp đàn áp, tấn công lấn chiếm các xã vùng B, Đảng bộ huyện đã linh hoạt để lại một số bộ đội địa phương và mỗi xã từ 2 đến 3 du kích tham gia đấu tranh cùng nhân dân. Do đó, đã hạn chế được quân địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Ngay trong những năm đầu sau giải phóng, phát huy khí thế phấn khởi của toàn dân, Đảng bộ đã liên tục phát động những phong trào thi đua, có sức hiệu triệu cuốn hút mọi đối tượng quần chúng tham gia vào phá gỡ bom mìn, tiến công đồng cỏ, khai hoang vỡ hóa, làm lúa ba vụ; phong trào làm thủy lợi với những công trình lớn như Trạm bơm Đại An, đào sông Quảng Huế, Trà Cân, Khe Tân,; quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, di dời mồ mả dành đất cho sản xuất, làm đường giao thông, dựng trường học, trạm xá... Nhờ đó mà huyện đã sớm khắc phục hậu quả chiến tranh và từng bước xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

 Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ huyện đã có những chủ trương quyết sách rất sát đúng, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” tạo đà cho sự phát triển. Điển hình là Nghị quyết 06 của Huyện uỷ Đại Lộc khoá XIV, ngày 30 tháng 5 năm 1989 về "Tăng cường xây dựng và phát triển cơ sở (xã, thị trấn) trong huyện theo yêu cầu tình hình mới" .

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ cũng đã kịp thời có những quyết sách đúng đắn, biết nắm bắt, tận dụng những cơ hội để tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chỉnh trang đô thị ... đưa huyện Đại Lộc trở thành một huyện có tỉ trọng công nghiệp cao trong giá trị sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, bám sát thực tiễn, phát huy thế mạnh của một vùng đất có tập quán thâm canh tốt và với sự nhạy bén trong chỉ đạo, huyện đã sớm đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống mới để tăng năng suất; sản xuất lúa giống để tăng giá trị đem lại thu nhập cao cho người dân; chuyển sản xuất từ ba vụ sang 2 vụ, đảm bảo năng suất ổn định...

3. Chủ động nắm bắt những cơ hội; biết phát huy nội lực đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài.

Phát huy sức mạnh nội sinh bao giờ cũng là nhân tố quan trọng trong mọi thắng lợi. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước trong những năm đầu sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì nguồn lực tinh thần, truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng; khí thế phấn khởi, niềm tin, ý chí của nhân dân được khơi dậy và phát huy sẽ là một sức mạnh vô cùng to lớn. Chính nhờ những yếu tố đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ đã lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân trong huyện vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu, nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sản xuất giải quyết vấn đề thiếu đói trước mắt. Cũng ngay trong thời điểm đó, Đảng bộ đã chú trọng đầu tư cho nguồn lực con người. Trường học, trạm y tế dù là bằng tranh tre, vách đất vẫn được tạo dựng nhanh chóng cho con em có chỗ học hành và đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các lớp xóa mù chữ và bổ túc văn hóa mọc lên ở khắp nơi. Hàng loạt cán bộ được cử đi đào tạo để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là những nền tảng ban đầu cho sự thành công sau này.

Bước vào thời kỳ đổi mới, khi có điều kiện và cơ hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các địa phương đã chủ động kết hợp khai thác các nguồn lực từ bên ngoài tạo sự phát triển cho huyện. Thành công của dự án đa mục tiêu trên các lĩnh vực thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, giao thông, điện v.v...có giá trị 11  triệu USD do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ và nhiều dự án khác sau này là một minh chứng. Cũng nhờ biết phát huy sức mạnh nội sinh kết hợp với tranh thủ, khai thác nguồn lực từ bên ngoài mà huyện và các địa phương đã có được sự phát triển nhanh của hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, thủy lợi, các công trình văn hóa...  tạo dựng nên một bộ mặt nông thôn mới như ngày nay.

Sau này, khi có chủ trương mở tuyến đường 14B mới, huyện đã chủ động quy hoạch những cụm công nghiệp, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để đón lấy các cơ hội đầu tư và tạo ra sự phát triển nhanh của công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện. Chỉnh trang đô thị, các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, xây dựng nông thôn mới... trong những năm gần đây cũng chính là thành quả của việc chủ động nắm bắt những cơ hội và sự kết hợp giữa phát huy nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài.

4. Dựa vào dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không có quần chúng không thể có phong trào đấu tranh cách mạng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng bộ biết dựa vào dân, đoàn kết tập hợp lực lượng quần chúng rộng rãi thành một khối thống nhất. Trong mỗi thời kỳ, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ta tranh thủ và lôi kéo cả những người trong bộ máy chính quyền và cả binh lính địch nhằm phân hóa kẻ thù và phục vụ cho các cuộc đấu tranh của ta. Thực tế, phong trào nào tập hợp được nhân dân, được nhân dân hưởng ứng tích cực thì giành được thắng lợi to lớn. Bên cạnh tập hợp quần chúng, Đảng bộ cũng không ngừng củng cố mặt trận, các hội, đoàn thể quần chúng  và trong từng thời kỳ biết lập ra các tổ chức quần chúng biến tướng để che mắt địch. Hình thức đấu tranh đi từ lẻ tẻ vài chục người đến đấu tranh tập trung có hàng nghìn người tham gia, từ đấu tranh chỉ trong vài giờ đến những cuộc đấu tranh dài ngày. Nội dung đấu tranh ban đầu đòi dân sinh tiến lên đấu tranh đòi dân chủ, chống khủng bố, đàn áp, càn quét, bảo vệ cán bộ, đảng viên.

Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ đã thường xuyên phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng nhằm phát huy dân chủ, đoàn kết, tập hợp quần chúng, đưa quần chúng vào các hành động cách mạng có hiệu quả. Nối tiếp các phong trào hành động cách mạng sôi nổi: Tháo gỡ bom mìn, tấn công đồng cỏ, làm lúa 3 vụ, làm thủy lợi, thủy điện, giao thông nông thôn,... Đảng bộ đã lãnh đạo Mặt trận và các hội, đoàn thể quần chúng liên tục tổ chức các phong trào  trong công tác chăm sóc người có công và các đối tượng xã hội, tình nguyện vì phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ngày vì người nghèo, ngy hội đoàn kết của Mặt trận... đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội, đóng góp xứng đáng vào thành quả chung của huyện.

Các hoạt động, các phong trào nói trên được liên tục tổ chức đã lôi cuốn quần chúng vào hành động cách mạng, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cho huyện, mặt khác đã tạo ra khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ nhân dân, góp phần củng cố các tổ chức, tập hợp được quần chúng làm cho Mặt trận và các đoàn thể ngày thêm vững mạnh.

5. Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt. Đảng vững mạnh là nhân tố quan trọng hàng đầu để xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tập trung củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, chú trọng ngay từ các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; đảm bảo các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Chính vì vậy, Đảng luôn gần dân, gắn bó với nhân dân, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Đội ngũ đảng viên trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, làm tròn nhiệm vụ là hạt nhân lãnh đạo trong mỗi địa bàn dân cư, trong mỗi cơ quan, đơn vị.

 Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đảng vững mạnh hay yếu kém đều bắt nguồn từ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, trong suốt 80 năm qua, trong mọi lúc, công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở luôn được thường xuyên coi trọng.

 Cùng với việc quán triệt đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh, Huyện ủy thường xuyên coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng thông qua các hoạt động xây dựng, phục dựng, bảo tồn các công trình, di tích văn hóa, lịch sử; biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ các cấp, sưu tầm tư liệu, xuất bản các tập sách về đề tài chiến tranh, cách mạng. Từ khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 06-CT/TW và tiếp đến là Chỉ thị 03- CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thường xuyên triển khai sâu rộng tận cơ sở. Các gương điển hình của tập thể và cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả tích cực.

IV. Nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ huyện Đại Lộc trong thời gian đến:

Để tiếp tục xây dựng Đảng bộ huyện Đại Lộc ngày càng trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với vai trò lãnh đạo toàn xã hội, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị- tư tưởng.

Triển khai sâu rộng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống trong Đảng, trong nhân dân. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền qua các kênh thông tin, đối thoại trực tiếp đến tận khu dân cư, tuyên truyền miệng, qua công tác điều tra dư luận xã hội. Tăng cường đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Chú trọng công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng; biên soạn lịch sử Đảng địa phương, lịch sử ngành và phát huy giá trị của các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

2. Thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng

Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy, xác định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy, lề lối làm việc của các tổ chức đảng, các cơ quan Đảng. Đổi mới tác phong lãnh đạo, phương pháp lãnh đạo; đổi mới việc ban hành và quán triệt nghị quyết của Đảng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác Huyện ủy và tổ công tác của các Đảng ủy xã, thị trấn. Phát huy mạnh mẽ và mở rộng dân chủ thực hiện tốt các cơ chế, quy định về việc nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Công tác cán bộ giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020", Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là các lĩnh vực, địa bàn còn ít đảng viên, nơi chưa có cấp ủy, các chức danh phải là đảng viên ở thôn, khu phố. Có các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có trình độ sau đại học nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

3. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Chú trọng kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng theo hướng đồng bộ, nghiêm minh, hiệu quả. Chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ Ủy ban Kiểm tra các cấp đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

  4. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng.

 Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tiếp tục thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận chính quyền; chú ý tính thiết thực của các mô hình "Dân vận khéo". Đi sâu giải quyết các vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm.

5. Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

 Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Chú ý nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo và các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (09/12/1937- 09/12/2017) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Đại Lộc ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng bộ trong 80 năm qua. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ trong quá khứ để bổ sung vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, phấn đấu cùng cả nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

------------

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 19-5
Đại Lộc tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ tuyên giáo – dân vận năm 2025
Đại Lộc tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức chính trị cho hội viên, đoàn viên
ĐẠI LỘC THẨM ĐỊNH TẬP SÁCH “ĐẠI ĐỒNG- ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng khoá I năm 2025
Đại Lộc tạm dừng tổ chức Đại hội chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện uỷ
Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng đảng viên mới khoá I năm 2025
Đại Lộc: Kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng tại xã Đại Cường
Đại Lộc tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 3/2
HUYỆN UỶ- HĐND-UBND-UBMTTQVN HUYỆN ĐẠI LỘC TỔ CHỨC GẶP MẶT MỪNG ĐẢNG- MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Đảng ủy xã Đại Hiệp tổ chức trao giải cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc 1937-2017” và thông tin thời sự
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội thảo lần cuối tập sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc 1930- 1975”
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội nghị lần thứ 11
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức Hội thảo tập sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc 1975- 2015”
Đảng ủy xã Đại Đồng tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Tỉnh ủy Quảng Nam
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức trao Huy hiệu Đảng đợt 2/9 và tổng kết, sơ kết các chỉ thị, nghị quyết
Đảng ủy xã Đại An tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ xã Đại Thắng
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5
ĐẢNG BỘ XÃ ĐẠI LÃNH TỔ CHỨC SƠ KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
    
1   2   3   4   5   6   7   8