Đăng nhập

Tài khoản
TẤM LÒNG CỦA NHỮNG NHÀ GIÁO
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 09/04/2018 .Lượt xem: 1687 lượt.

Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp vô vàn những tấm lòng hảo tâm, những hành động, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, vì quê hương. Họ làm những việc dù lớn hay nhỏ nhưng đều xuất phát từ tình yêu thương, sự sẻ chia. Họ chính là những “đóa hoa tỏa hương giữa đời thường”. Cô giáo Bùi Thị Một và một số giáo viên ở xã Đại Lãnh chính là những bông hoa ngát hương đó.

          Về xã Đại Lãnh, khi hỏi đến cây cầu Bàu Làng ở thôn Hà Tân hẳn ai cũng biết đó là cây cầu của cô Một và một số giáo viên trường THCS Nguyễn Huệ đứng ra vận động xây dựng. Cây cầu có chiều dài 6m, rộng 4m, dầm bêtông dày hơn 10cm cùng hệ thống mố cầu, đường dẫn... nối liền thôn Hà Tân với bên ngoài được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Có thể số tiền này không lớn đối với nhiều người song ở một vùng quê còn nghèo khó như xã Đại Lãnh, để vận động đóng góp được một khoản tiền như vậy không phải là việc dễ dàng.


          Cô Bùi Thị Một, 60 tuổi- cựu giáo viên trường THCS Nguyễn Huệ không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đại Lãnh song cô lại bén duyên với vùng đất này khi về đây dạy học từ năm 1979. Thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, vất vả, song tình yêu nghề, tình thương đối với học trò cùng tâm hồn trong sáng của một cô giáo dạy Văn đã giúp cô vượt qua khó khăn, bám lớp, bám trường. Rồi duyên nợ đã níu chân cô gái đất Đà thành ở lại Đại Lãnh khi cô về làm dâu thôn Hà Tân.

Nhà cô ở cuối thôn Hà Tân, bao năm chứng kiến cảnh đi lại khó khăn của bà con nhân dân khi mùa mưa lụt đến. Học sinh đi qua bị ngã, người già đi qua bị té, có người còn mang thương tật  bởi cây cầu Bàu Làng lúc đó chỉ là một tấm xi măng nhỏ, thường xuyên bị sụt lún. Theo thời gian, cầu bị hư hỏng, tấm xi măng gãy gập, võng giữa cầu. Người dân cùng chính quyền thôn đã từng chung tay sửa lại cây cầu nhưng do kinh phí ít, nên khi tu sửa, cầu được làm thấp xuống rồi cũng dần xuống cấp, hư hỏng. Người dân Hà Tân mở một con đường phụ khác tránh qua lại cây cầu hỏng. Từ đó, đường vào làng Hà Tân qua cầu Bàu Làng vắng bóng người đi...

Gắn bó với mảnh đất Hà Tân hơn 35 năm, chứng kiến cảnh cây cầu Bàu Làng bị bỏ hoang, cô Một rất trăn trở. Trước tình hình đó, khi về hưu, cô Một đã cùng hai cô giáo khác bàn bạc và quyết định vận động các giáo viên của trường, một số giáo viên nghỉ hưu cùng các cựu học sinh trường THCS Nguyễn Huệ đóng góp tiền để xây dựng một cây cầu mới. Khi được hỏi về ý định của cô lúc đó, cô cười thật hiền từ: “Thật ra, cô chứng kiến cảnh đó lâu rồi con, nhưng khi còn công tác, do bận bịu quá nhiều việc nên không có cơ hội. Về hưu rồi, cô muốn làm những việc có ý nghĩa để giúp đỡ bà con”. Cô Một, cô Diệp, cô Mai và cô Lan đã đứng ra vận động xây một cây cầu mới, tự nguyện lấy tiền lương hưu của mình góp trước. Hơn 40 giáo viên là người con của quê hương Đại Lãnh, 12 giáo viên hưu cùng hàng chục cựu học trò Trường THCS Nguyễn Huệ khi nghe các cô có ý tưởng xây cầu đều hào hứng ủng hộ. Cựu học sinh của các cô không chỉ góp tiền mà chính họ còn lặn lội chạy xe gần 60km từ Đà Nẵng về Đại Lãnh để thiết kế bản vẽ xây cầu, dự trù kinh phí. “ Học trò của cô là kỹ sư cầu đường nên cô yên tâm lắm. Xây cầu phải có thiết kế hẳn hoi mới đảm bảo chứ” - cô Một tâm sự.  Suốt một tháng làm cầu, những cựu học sinh của cô không quản ngại đường sá xa xôi, thu xếp mọi công việc,  thay nhau về giám sát công trình cho đúng kỹ thuật. Còn các cựu giáo viên hàng ngày đều có mặt tại khu vực xây dựng cầu, mỗi người một chân một tay cùng góp sức với mong muốn cây cầu sớm hoàn thành.

           Khởi công vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 2013 và sau hơn 1 tháng thi công, cây cầu Bàu Làng đã hoàn thành trong niềm hân hoan của các thầy cô giáo, học sinh trường THCS Nguyễn Huệ và đông đảo nhân dân thôn Hà Tân xã Đại Lãnh. Cô Một cho biết, trong những ngày vận động tiền của, công sức để xây dựng cây cầu Bàu Làng, cô và các giáo viên khác luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và người dân địa phương.

          Không chỉ vận động xây cầu, cô Bùi Thị Một còn thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh mà cô gặp ở bất kỳ đâu. Có lúc chỉ là vài chục ngàn, vài trăm ngàn được trích từ những đồng lương hưu ít ỏi của cô song đó thực sự là nghĩa cử cao đẹp đáng để chúng ta học tập. Tấm lòng nhân hậu của cô Một dường như cũng được truyền sang những người con của mình. Ba người con của cô ai cũng học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định. Họ cũng thường xuyên tham gia làm từ thiện cùng mẹ. Cô chia sẻ: “Mình không giàu có thì mình giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình bằng những việc làm nhỏ. Có khi chỉ là vài tập vở cho các em học sinh hay vài chục ngàn cho một cụ già neo đơn cũng đủ cho mình cảm thấy vui hơn và cuộc sống này thực sự có ý nghĩa hơn”.

          Hy vọng rằng những việc làm hết sức nghĩa tình của cô Một và các cựu giáo viên trường THCS Nguyễn Huệ sẽ có sức lan tỏa rộng lớn để mỗi chúng ta biết yêu thương, sẻ chia với cộng đồng, với những hoàn cảnh bất hạnh, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Thị Tuyết

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đảng ủy xã Đại Lãnh tổ chức Hội nghị thông tin thời sự và quán triệt Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ TẤM LÒNG NHÂN HẬU
Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh (1959- 2019): Đường Hồ Chí Minh- con đường của sự quyết tâm
GIỌT HỒNG YÊU THƯƠNG
Kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở xã Đại Sơn
Các tin cũ hơn:
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển phát động Cuộc thi viết tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đại Thạnh tổ chức học tập chuyên đề Chỉ thị 05 năm 2018
Vai trò của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác
Đảng ủy xã Đại Hiệp tổ chức hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2017”
Xã Đại Tân tổ chức Hội thi “Cán bộ Mặt trận với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Đảng ủy xã Đại Đồng tổ chức triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017
ÁNH SÁNG TỪ TRÁI TIM
Khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND huyện khóa XI
Vận dụng tư tưởng “Học đánh cờ” trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975
Đại Lộc tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
    
1   2