Đăng nhập

Tài khoản
CỬ NHÂN TRỒNG NẤM
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 20/04/2018 .Lượt xem: 3006 lượt.

          Tốt nghiệp tấm bằng loại ưu của một trường Đại học danh tiếng nhưng chàng trai ấy sẵn sàng từ bỏ những cơ hội việc làm ở các công ty, nhà máy lớn để về xây dựng trang trại trồng nấm ngay trên mảnh đất của gia đình. Đó là anh Nguyễn Sĩ Dũng, 29 tuổi ở thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. .

          Sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, chàng thanh niên Nguyễn Sĩ Dũng là con út trong một gia đình có 6 chị em. Ngay từ nhỏ, Dũng được nhiều người đánh giá là có tố chất thông minh, ham học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. Với học lực luôn xếp hàng khá giỏi của lớp, của trường, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dũng thi vào khoa Cơ điện tử trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng- một ngôi trường “có tiếng” của khu vực miền Trung. Sau 5 năm học tập, Nguyễn Sĩ Dũng tốt nghiệp loại ưu đại học. Năm 2012, anh xin làm việc ở một công ty điện tại Đà Nẵng. Công việc nhiều, thời gian bị chi phối cũng nhiều song mỗi lần về quê, trong lòng chàng thanh niên Nguyễn Sĩ Dũng luôn trăn trở bởi quê hương còn nghèo khó, đất đai hoang hóa quá nhiều, nhà nào cũng vườn tược rộng mênh mông mà chỉ trồng vài cây ăn trái hoặc ít rau, phần lớn để cỏ dại mọc.

          Với ước muốn lập nghiệp ngay trên quê hương mình, trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng, lúc rảnh, Dũng lên mạng tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Dũng tâm sự: “ Em rất thích chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng” trên VTV6. Ý tưởng trồng nấm bào ngư tím bằng mùn cưa cao su của em bắt đầu từ khi xem chương trình này”. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu sách báo và các chương trình khởi nghiệp trên truyền hình, đầu năm 2016, chàng thanh niên Nguyễn Sĩ Dũng quyết tâm từ bỏ công việc ổn định đang làm, trở về quê hương. Trước quyết định có phần “đường đột” của anh, mẹ và các chị anh rất bất ngờ, thậm chí còn khuyên can anh suy nghĩ lại. Tuy nhiên, với ước muốn làm giàu ngay trên mảnh đất cha ông, Dũng đã vận động gia đình cùng chung tay góp sức cho ý tưởng của mình. Lúc đầu, Dũng chỉ tận dụng khu vực chăn nuôi của gia đình để trồng thử nghiệm. Sau vài lần thử nghiệm thành công, đến nay, Dũng đã mạnh dạn đầu tư 1 nhà trồng nấm với diện tích 100m2; 1 nhà ươm nấm với diện tích gần 100m2. Nhà trồng nấm của Dũng mỗi đợt sản xuất khoảng 3000 bịch, mỗi bịch cho thu hoạch từ 3,5 đến 4 lạng nấm. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của chàng thanh niên Nguyễn Sĩ Dũng dao động từ 16 đến 17 triệu đồng.

          Dũng cho biết, hiện nay, mỗi lần thu hoạch nấm của anh khoảng 50 đến 60 kg, chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong vùng. Hiện nay, anh đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà trồng nấm có diện tích 150m2  để mở rộng sản xuất. Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi trồng nấm đảm bảo chất lượng và sản lượng, Dũng chia sẻ: “Em có thuận lợi hơn một số hộ trồng nấm khác là chủ yếu áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ nồi hấp khử trùng bằng điện, sử dụng máy đo nhiệt độ, đo độ ẩm tự động điều chỉnh… Toàn bộ hệ thống điện nước, máy móc trong khu sản xuất đều do em thiết kế, lắp đặt, dễ vận hành, sử dụng hơn”.


Anh Nguyễn Sĩ Dũng

          Bên cạnh đó, Dũng còn nghĩ ra cách tận dụng phế phẩm từ những bịch mùn cưa sau khi thu hoạch nấm để trồng các loại rau. Mùn cưa phế phẩm được đập nhỏ, ủ lại trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó được Dũng sử dụng để trồng các loại rau như cải mầm, khổ qua, dưa leo…  Cô Tuyết- mẹ của Dũng, một cán bộ lão thành cách mạng cho biết: “Nó mày mò cả ngày lẫn đêm đó chị. Cứ làm rồi mở rộng dần dần. Giờ mấy sào vườn hoang hóa nhà tôi được nó xây dựng, quy hoạch để nuôi trồng nấm”.

          Đến nay, số tiền Dũng đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm đã lên đến trên 500 triệu đồng. Khi hỏi về dự định cho tương lại, Dũng cười thật hiền: “Em chỉ mong mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng nấm để phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch cho bà con nhân dân. Em cũng có ý định xây dựng thêm một khu trồng rau sạch từ mùn cưa phế phẩm”.

          Chia tay Dũng, chia tay mảnh đất Đại Lãnh- nơi gắn liền với chiến thắng Thượng Đức hào hùng năm xưa; chúng tôi vô cùng khâm phục ý chí và quyết  tâm lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương của chàng thanh niên miền núi ấy. Câu nói của Dũng dường như vẫn nhắc nhở tôi: “Học hay không học Đại học thì lớn lên mỗi người cũng phải kiếm cho mình 1 cái nghề để sống. Em chọn lập nghiệp từ những sản phẩm nông nghiệp với ước muốn mang đến sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi người. Như thế là em đã thành công rồi”.  

Nguyễn Thị Tuyết

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc

[Trở về]
Các tin mới hơn:
TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI NHIỆT TÌNH, NĂNG NỔ
Nữ Bí thư Chi bộ hết lòng vì công việc
GƯƠNG SÁNG MỘT HIỆU TRƯỞNG
NGƯỜI CHĂM SÓC NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ
Các tin cũ hơn:
Nữ thủ khoa đam mê nghề báo
VƯỢT LÊN TỪ GIAN KHÓ
Sâu nặng nghĩa tình đồng đội
81 tuổi vẫn còn tham gia làm tốt công tác từ thiện nhân đạo
Tấm lòng nhân ái của người phụ nữ làng quê nghèo
Hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ: Những trái tim như ngọc sáng ngời !