Đăng nhập

Tài khoản
Ngành Tuyên giáo huyện Đại Lộc- 88 năm hình thành và phát triển
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 02/08/2018 .Lượt xem: 1445 lượt.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định công tác tuyên giáo là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành công tác xây dựng Đảng. Vai trò của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo ngày càng được khẳng định đối với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ở huyện Đại Lộc, trải qua 88 năm hình thành và phát triển, ngành tuyên giáo cũng góp phần quan trọng vào sự quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện cũng như phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.


Tuyên giáo Đại Lộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

Trước khi Đảng bộ huyện Đại Lộc được thành lập, chủ nghĩa Mác- Lê nin đã được một số thanh niên yêu nước đi học hoặc làm công nhân ở Hội An, Đà Nẵng, Huế tuyên truyền qua sách báo tiến bộ. Tiêu biểu cho thanh niên thời kỳ này là đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Trần Tống, Nguyễn Soạn, Lê Cao Phong… Giai đoạn này, nhiều tờ báo tiến bộ của tổ chức thanh niên dân chủ được lập ra để tuyên truyền đường lối cách mạng.

Ngày 09 tháng 12 năm 1937, hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc được tổ chức tại làng Bàng Trạch, tổng Đại An (nay là thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) đã cử ra Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí. Công tác tuyên truyền, cổ động trong thời gian này chủ yếu thông qua tài liệu, sách báo, hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ huyện đều là những chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền cổ động.

Trong những năm 1936- 1939, tuy mới ra đời, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh giành nhiều thắng lợi nhất là hai lần bầu cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ. Công tác tuyên truyền, vận động cũng đóng góp công sức không nhỏ trong giai đoạn này.

Từ cuối năm 1941, các chi bộ Đảng ở Đại Lộc đã phát động phong trào cứu quốc rộng rãi trên địa bàn huyện theo chương trình của Mặt trận Việt Minh. Chương trình của Mặt trận Việt Minh; Điều lệ của các đoàn thể cứu quốc; các tờ báo “Bẻ xiềng sắt” của Trung ương, báo “Cứu quốc” của Xứ ủy, nhiều thơ ca, hò vè vận động cách mạng cũng được phổ biến rộng rãi. Những nơi nhận được tài liệu, đồng bào bí mật truyền tay nhau đọc rồi bàn luận; nhiều người thuộc lòng Lời kêu gọi cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc; thuộc hết các bài thơ, bài hát cách mạng. Công tác tuyên truyền thời gian này càng sôi nổi và gần như công khai. Truyền đơn, khẩu hiệu, báo, chương trình Việt Minh, thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Đến đầu tháng 8 năm 1945, ở Đại Lộc, nhiều cuộc mít tinh tuyên truyền liên tiếp diễn ra, có nơi còn dùng chiêng, mõ để huy động quần chúng. Có nhiều cuộc mít tinh thu hút hàng trăm người tham gia mang theo băng, cờ, biểu ngữ, có lực lượng tự vệ làm nhiệm vụ cảnh giới.

Cách mạng tháng Tám thành công, một thời kỳ mới mở ra với những yêu cầu và nhiệm vụ mới vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ của công tác tư tưởng lúc này chủ yếu là tuyên truyền một cách sâu rộng về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, về một quốc gia độc lập, tự do và nhất là vận động người dân tham gia xây dựng chế độ mới. Trong công tác xây dựng Đảng, ta dựa vào từng đảng viên để tuyên truyền, bồi dưỡng những quần chúng tốt để kết nạp vào Đảng tiến tới hình thành tổ chức Đảng.

Hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bùng nổ, Đảng bộ tập trung tuyên truyền vận động nhân dân không hợp tác, không đi lính cho địch, xây dựng hậu phương vững chắc để phục vụ kháng chiến. Ban Tuyên huấn Huyện ủy còn phân công cán bộ đến từng địa phương để phối hợp, động viên nhân dân giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, tích cực trồng lúa và hoa màu… Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi dân công phục vụ chiến trường được quan tâm đúng mức. Kết quả, ta đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường.

Những kết quả hoạt động của công tác tuyên huấn trong thời kỳ này đã góp phần cùng quân và dân toàn huyện giành được nhiều thắng lợi trong công tác đánh địch ở vùng tạm bị chiếm; xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng tự do; tạo tiền đề để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Đại Lộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước những chính sách hà khắc, độc ác của chính quyền tay sai, công tác tuyên truyền tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào cách mạng, vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hầu hết các xã đến đầu năm 1961 đã thành lập được Đội vũ trang tuyên truyền, mỗi đội có từ 3 đến 5 đồng chí. Nhiệm vụ của đội là luồn sâu vào các thôn xóm, móc nối lại tổ chức cơ sở Đảng, cốt cán quần chúng theo phương châm “bắt rễ xâu chuỗi”; tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết 15; phát động nhân dân đồng khởi phá thế kìm kẹp của địch ở cơ sở. Một số nơi như ở Lộc Bình, Lộc Hòa, ta đã rải nhiều truyền đơn, dán áp phích, lời hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Đầu năm 1965, Mỹ chính thức đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn, lo lắng, thậm chí tư tưởng dao động trước sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ. Lúc này, Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn tập trung tuyên truyền cho tất cả cán bộ, chiến sỹ, xác định tinh thần dám đánh Mỹ và tìm cách đánh Mỹ, kiên trì thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, tuyên truyền chủ trương “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phát động phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Không sợ Mỹ vào đông chỉ sợ không có Mỹ mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… Phong trào “Nhà nhà đón thư Đảng, bàn việc đánh Mỹ cứu nước” dấy lên sôi nổi khắp nơi. Mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thấm nhuần 4 bài học trong thư Đảng là: “Nêu cao lòng căm thù địch”; “Đoàn kết nội bộ nhân dân”; “Sử dụng bạo lực cách mạng” và “Tuyệt đối tin tưởng vào Đảng”. Những bài học này đã được cụ thể hóa thành quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện dao động; Ban Tuyên huấn đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân yên tâm chiến đấu, sản xuất. Đồng thời cũng khơi dậy tinh thần yêu nước, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam; phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống bình định của địch; tổ chức diệt ác, phá kèm giành quyền làm chủ nông thôn.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đã không ngại gian khổ, hy sinh với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “tiếng hát át tiếng bom” để đi đến các địa phương, động viên nhân dân hưởng ứng các phong trào cách mạng; nổi dậy đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Góp phần xây dựng và phát triển quê hương

Sau giải phóng, Ban Tuyên huấn Huyện ủy Đại Lộc tổ chức nhiều đợt học tập chính trị, thu được kết quả đáng phấn khởi, khí thế quần chúng được nâng lên rõ rệt. Qua đó, quần chúng hăng hái lao động sản xuất; đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đó, ta phát động nhiều phong trào hành động cách mạng như “Khai hoang phục hóa”, “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”; tiếp tục thi hành chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng.

Ban Tuyên huấn Huyện ủy đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cộng sản, tinh thần cách mạng tiến công, ý thức uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong nhân dân. Nhiều băng cờ, khẩu hiệu được treo ở các địa điểm trung tâm. Có xã còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt như tổ chức nói chuyện thời sự, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao…

Có thể nói, trong hơn 10 năm (1975-1986), ngành Tuyên huấn của huyện Đại Lộc đã phát huy truyền thống anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ra sức khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc bước đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Tuyên huấn Huyện ủy Đại Lộc đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền giáo dục, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI và các nghị quyết khác của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy. Một trong những hoạt động sôi nổi của ngành Tuyên huấn thời kỳ này là vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cuộc vận động nhanh chóng trở thành phong trào sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, đạt được những kết quả đáng kể như đã chủ động điều tra, phát hiện và giải quyết kịp thời những vụ việc tiêu cực xảy ra ở địa phương; đấu tranh phê phán những cá nhân và đơn vị thiếu trách nhiệm về ý thức kỷ luật, thoái hóa biến chất, tham ô, hối lộ, xâm hại tài sản xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phê bình công khai trên báo, đài…

Công tác tuyên giáo trong giai đoạn này có lúc gặp phải những khó khăn, thử thách song với đội ngũ cán bộ tuyên giáo hết sức cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh của huyện.

Bước vào thế kỷ XXI, công tác tuyên giáo đã góp phần tích cực ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, thi đua sản xuất khắc phục hậu quả thiên tai, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh công tác đưa thông tin về cơ sở nhất là những thông tin thời sự trong nước, khu vực và thế giới như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng bố, biến đổi khí hậu, vấn đề chủ quyền và an ninh biển đảo… Công tác giáo dục lý luận chính trị được chú trọng. Hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện đã đi vào nền nếp và hiệu quả. Công tác khoa giáo có nhiều khởi sắc, các chủ trương của Đảng đã được quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác lịch sử Đảng được triển khai ở hầu hết các địa phương, ban, ngành; đến nay đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện và các xã, thị trấn giai đoạn 1930 đến 2010.

Có thể khẳng định rằng những cống hiến của ngành tuyên giáo Đại Lộc qua các thời kỳ cách mạng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc. Với những đóng góp to lớn trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng Cờ, Bằng khen đơn vị thi đua xuất sắc; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Thị Tuyết

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HUYỆN ỦY ĐẠI LỘC SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 01, TỌA ĐÀM “CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HUYỆN ĐẠI LỘC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC, THỰC HÀNH NÊU GƯƠNG, NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC THI CÔNG VỤ”
ĐẠI LỘC CHÚ TRỌNG KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN LÀ HỌC SINH TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
KẾT NẠP ĐẢNG CHO 6 HỌC SINH TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
KẾT NẠP ĐẢNG CHO 6 HỌC SINH TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
ĐẠI LỘC TỔ CHỨC TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG NĂM 2024
ĐẠI LỘC 53 TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI SÁNG TÁC VIDEO CLIP “ĐẢNG QUANG VINH, CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI- GIỮ VỮNG NIỀM TIN”.
Đại Lộc tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận cơ sở
ĐẠI LỘC TỔNG KẾT TRAO GIẢI CUỘC THI TRỰC TUYẾN “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ- BẢN HÙNG CA BẤT DIỆT”
ĐẠI LỘC TRAO HUY HIỆU ĐẢNG CHO 71 ĐẢNG VIÊN
Thẩm định Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Hòa 1937-2024
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015-2020
Đại Lộc tổ chức hội nghị Huyện ủy lần thứ 14
ĐẢNG BỘ XÃ ĐẠI LÃNH TỔ CHỨC SƠ KẾT TÌNH HÌNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018, TRIỂN KHAI CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
Đại Hồng tổ chức tọa đàm “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền”
Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng khóa II
Ban Tuyên giáo Huyện ủy giao ban tuyên giáo cơ sở, báo cáo viên Huyện ủy quý II/2018
Công bố Quyết định chuẩn y kết quả bầu bổ sung Bí thư Huyện ủy Đại Lộc
Đại Chánh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ
Đảng bộ xã Đại Quang tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015-2020
Thẩm định tập sách “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Chánh 1948-2018”
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10