Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Điều đó giúp các em tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Một trong những kĩ năng được đặc biệt chú trọng là phòng, tránh tai nạn đuối nước. Theo thống kê, ở nước ta, trung bình mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị đuối nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, ao, hồ. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, nếu học sinh không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở rất có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc.
1. Nguyên nhân gây đuối nước
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Tai nạn đuối nước một phần lớn cũng do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng đó là khi các em cứu đuối lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối nên dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
2. Một số biện pháp phòng, chống đuối nước
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa hè, các bậc cha mẹ, thầy cô cần chú ý một số biện pháp:
2.1. Cần kiểm tra các em có đảm bảo sức khỏe để tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể bơi. Ví dụ: những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không?
2.2. Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi... Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
2.3. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu…
Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều trẻ em thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến các em không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
Những gia đình có trẻ nhỏ, tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Cần thường xuyên nhắc trẻ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
3. Cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước
- Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
- Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
Trên đây là tài liệu tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đề nghị các nhà trường, các bậc phụ huynh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh thực hiện và tuyên truyền cho cộng đồng cùng nhau thực hiện nhằm tránh các tai nạn thương tiếc xảy ra và có một cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh.
Thanh Phi