Đăng nhập

Tài khoản
Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh (1959- 2019): Đường Hồ Chí Minh- con đường của sự quyết tâm
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 15/05/2019 .Lượt xem: 1395 lượt.

         Với mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã in sâu trong tâm trí. Để rồi, khi nhắc đến một thời chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào, chúng ta không thể không nhắc tới con đường huyền thoại- đường Trường Sơn (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh).


Bộ đội thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn năm xưa

            Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký với ta Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, dựng lên chế độ tay sai, xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp dã man phong trào cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta và thôn tính miền Bắc. Nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

          Tháng 01 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng”.

Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” được thành lập làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào chiến trường, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đoàn mở đường Trường Sơn được mang phiên hiệu Đoàn 559[1]. Nhiệm vụ đầu tiên của Đoàn công tác là vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Hoạt động của Đoàn công tác được thực hiện theo khẩu hiệu“Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên (gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn) vượt Trường Sơn đã được đưa tới bàn giao cho chiến trường Trị Thiên, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5.

Bằng sự mưu trí, dũng cảm, vượt lên mọi gian khổ, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm cây số trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường ấy, một lượng lớn vũ khí, khí tài được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ đã được đảm bảo hành quân vào các chiến trường.

Từ năm 1960, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đường vận tải phía Đông Trường Sơn (Việt Nam) bị địch đánh phá ác liệt. Được sự đồng ý của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, từ năm 1961, Đoàn 559 đã chuyển hướng mở đường vận chuyển sang phía Tây Trường Sơn (Lào). Cùng với cán bộ, chiến sỹ ta, nhân dân các bộ tộc Lào đã góp công, góp của để mở đường, nhiều bản làng tự động dời nhà, bỏ nương rẫy để tuyến đường mới đảm bảo được yêu cầu “gần nhất, dễ đi nhất”.

Với việc thực hiện xây dựng đường mới ở phía Tây Trường Sơn (Lào) và củng cố đường cũ ở phía Đông Trường Sơn, ta đã phá được thế độc tuyến; đặc biệt từ đường gùi cõng hàng, tiến tới mở đường dùng cho phương tiện thô sơ và bước đầu làm đường cho cơ giới hoạt động.

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Dựa vào Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn cũng dốc sức mở rộng chiến tranh. Đồng thời, đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ xa cho chiến trường và phá hủy đường Hồ Chí Minh.

Để tăng nhanh lượng hàng chi viện cho chiến trường, đảm bảo cho lực lượng vũ trang chiến đấu quân Mỹ và tay sai, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển bằng phương thức cơ giới là chủ yếu, tiếp tục mở đường vòng tránh, tăng cường đánh trả máy bay địch. Vì vậy, tuyến đường vận tải vẫn thông suốt. Dòng người, dòng xe vẫn không ngừng tiến ra mặt trận. Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, vận tải, pháo cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Quân số cả Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông và Tây Trường Sơn vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2.000 km đường ôtô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và xây dựng hàng ngàn cầu, cống, ngầm...

Qua 16 năm, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển được 1,5 triệu tấn hàng hóa, 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ cùng khối lượng lớn binh khí kỹ thuật hiện đại vào chiến trường miền nam và các hướng mặt trận lớn; đưa 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền bắc, trong đó có 310.000 thương, bệnh binh... Có thể khẳng định, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh là con đường dẫn đến sự toàn thắng của sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh đi qua 11 tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăc Lăk, Đăc Nông, Bình Phước), trong đó chiều dài qua tỉnh Quảng Nam là hơn 200km. Tháng 5-2000, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh được phát lệnh khởi công xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở  hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây Tổ quốc. Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg, ngày 15-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, có tổng chiều dài 3.183km. Hiện nay, đường Hồ Chí Minh đang là một tuyến đường huyết mạch, góp phần quan trọng đảm bảo giao thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội giữa các vùng, miền trong cả nước.

Đường Hồ Chí Minh hôm nay
        Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng có những địa danh, những con đường sẽ còn mãi với thời gian. Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh sẽ mãi là bản anh hùng ca thể hiện ý chí, quyết tâm của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu gian khổ giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay.

- Nguyễn Thị Tuyết -



[1] Đoàn mở đường Trường Sơn ra đời và giao nhiệm vụ đầu tiên vào ngày 19/5/1959- là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, sau này ngày 19/5 đã trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559- bộ đội Trường Sơn.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đảng ủy xã Đại Lãnh tổ chức Hội nghị thông tin thời sự và quán triệt Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ TẤM LÒNG NHÂN HẬU
Các tin cũ hơn:
GIỌT HỒNG YÊU THƯƠNG
Kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở xã Đại Sơn
TẤM LÒNG CỦA NHỮNG NHÀ GIÁO
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển phát động Cuộc thi viết tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đại Thạnh tổ chức học tập chuyên đề Chỉ thị 05 năm 2018
Vai trò của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác
Đảng ủy xã Đại Hiệp tổ chức hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2017”
Xã Đại Tân tổ chức Hội thi “Cán bộ Mặt trận với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Đảng ủy xã Đại Đồng tổ chức triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017
ÁNH SÁNG TỪ TRÁI TIM
    
1   2