Không quản mưa nắng, không ngại vất vả chỉ với mong muốn duy nhất là được hàng ngày chăm sóc, quét dọn cho những ngôi mộ liệt sỹ để phần nào an ủi vong linh của những người con anh hùng đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Người đó chính là ông Nguyễn Mua- quản trang ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc.
Ông Nguyễn Mua, sinh năm 1933 ở thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh. Trong chiến tranh, ông tham gia lực lượng du kích xã cùng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất xóm làng. Ông cũng là người chứng kiến những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai. Đặc biệt, trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974, với nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, hỗ trợ bộ đội chủ lực chiến đấu, ông lại càng không thể nào quên sự hy sinh và quyết tâm chiến đấu đầy quả cảm của bộ đội ta.
Ông Nguyễn Mua thắp hương ở các ngôi mộ liệt sỹ
Năm 1975, hòa bình lập lại trên quê hương Đại Lộc, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương, cùng nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, sản xuất ổn định đời sống. Lúc đầu, ông được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã Đại Lãnh, sau đó ông được bầu giữ chức Chủ tịch UBMTTQVN xã Đại Lãnh rồi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã. Dù ở cương vị nào, ông Nguyễn Mua cũng luôn cố gắng, hết mình với công việc. Ông được bà con làng xóm tin tưởng, yêu quý. Ông đã từng rong ruổi hết ngày này qua ngày khác ở Đà Nẵng để vận động những người con Đại Lãnh xa quê góp tiền xây dựng Nhà văn hóa thôn; xây cụm trường mẫu giáo. Với ông, làm được việc gì đó cho mọi người dù nhỏ ông vẫn cảm thấy rất vui.
Khi được hỏi vì sao ông nhận làm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Đại Lãnh, ông thành thật chia sẻ: “Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, tôi còn sống sót trở về đã là may mắn lắm rồi. Tôi biết ơn những liệt sỹ đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Hơn nữa, nhà tôi có 3 liệt sỹ. Tôi muốn góp một chút công sức để thể hiện sự biết ơn đó”. Năm 1985, khi nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng, lúc đó đời sống của ông và bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Lúc đó, ông nhận trông coi Nghĩa trang liệt sỹ và được xã cho canh tác trên 2 sào đất cạnh nghĩa trang. Hàng ngày, ngoài giờ đi làm, ông đều dành thời gian đến nghĩa trang quét dọn sạch sẽ từng ngôi mộ. Năm 1993, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Thời gian ông dành để chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ càng nhiều hơn nữa.
Nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Lãnh là một trong những nghĩa trang lớn nhất huyện Đại Lộc. Hiện nay, nghĩa trang có 692 ngôi mộ liệt sỹ trong đó có hơn một nửa là liệt sỹ ngoài địa phương, chủ yếu là bộ đội trung đoàn 66 sư đoàn 324, sư đoàn 304 đã hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974. Gần 35 năm gắn bó với những ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Lãnh; ông Mua gần như thuộc từng vị trí an nghỉ của các liệt sỹ. Ông nói: “Dù tuổi đã cao song mỗi ngày tôi đều ở trên Nghĩa trang một buổi. Ngày nào không lên đây là tôi chịu không được”. Mỗi ngày, những người dân Đại Lãnh đã quá quen với hình ảnh một ông cụ tóc bạc phơ, đạp xe đạp mang theo chổi, rựa lên nghĩa trang liệt sỹ. Ông quét sạch từng ngôi mộ, dọn sạch từng đám cỏ xung quanh. Trên các ngôi mộ liệt sỹ, ông còn trồng thêm hoa mười giờ. Với ông, đây cũng như ngôi nhà của những anh hùng đã cống hiến cho quê hương, đất nước nên ông phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Có nhiều thân nhân liệt sỹ quê tận ngoài miền Bắc song họ vẫn gửi gắm người thân của mình cho ông chăm sóc. Hàng năm, nhân dịp 27/7, họ đều đến thắp hương và thăm hỏi, động viên người quản trang già. Ai cũng yên tâm khi thân nhân của mình được chăm lo, hương khói giống như người thân của người quản trang ấy.
Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, mỗi năm ông chỉ nhận được một khoản hỗ trợ nhỏ nhoi của chính quyền địa phương song ông vẫn miệt mài và vui vẻ với công việc quản trang hiện tại. Ông nói: “Mình làm vì những người đã hy sinh để mình được sống; giá trị đó không thể tính bằng tiền”.
Chiến tranh đã dần trôi vào dĩ vãng, những vết thương cũng dần nguôi ngoai theo năm tháng song sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ sẽ còn mãi trong tim mọi người. Và nghĩa cử cao đẹp của người quản trang già đã cống hiến gần 35 qua đáng được trân trọng, ghi nhận. Có lẽ xã hội của chúng ta cũng cần có nhiều hơn nữa những tấm lòng đáng quý như “người chăm sóc những linh hồn bất tử” Nguyễn Mua.
Nguyễn Thị Tuyết
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc