Đăng nhập

Tài khoản
Vai trò to lớn của quân và dân Đại Lộc trong chiến thắng Thượng Đức
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 31/07/2019 .Lượt xem: 2359 lượt.

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm qua, song có những khoảnh khắc, những sự kiện lịch sử mãi mãi còn lưu giữ trong tâm trí của những thế hệ người Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Chiến thắng Thượng Đức là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiệp định Paris được ký kết (tháng 01/1973) nhưng địch  ngoan cố không thực hiện những điều khoản đã ký kết, chúng thực hiện phương châm “lấn chiếm và bình định” nhằm khôi phục lại tầm ảnh hưởng ở khu vực miền Nam Việt Nam. Lúc đó, ở Đại Lộc, chính quyền ngụy tăng cường lực lượng quân sự và trang bị vũ khí đẩy nhanh mưu đồ “tái chiếm” ở các xã vùng B, một phần các xã vùng A. Tính đến cuối tháng 5/1973, chúng đã hoàn thành kế hoạch lấn chiếm 7 xã vùng B Đại Lộc và một số vùng lân cận quận lỵ Thượng Đức, Thị trấn Ái Nghĩa. Chúng thành lập nhiều chốt điểm nhằm kiểm soát địa bàn dân cư và hoạt động của lực lượng cách mạng trên địa bàn huyện. Đồng thời, mở nhiều đợt tấn công, càn quét hòng đánh bật lực lượng cách mạng huyện Đại Lộc ra khỏi vùng giải phóng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và khu V, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Chỉ thị 57 với nhiệm vụ chủ yếu là đánh bại lấn chiếm bình địch của địch, giành giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, vận động nhân dân về quê cũ sinh sống để làm chỗ dựa cho phong trào cách mạng, tăng cường đấu tranh chính trị… Từ đầu năm 1974 đến giữa năm 1974,  dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, quân và dân Đại Lộc đã đánh bại nhiều cuộc càn quét, hành quân của địch, thúc đẩy phong trào cách mạng huyện nhà phát triển mạnh mẽ, sôi nổi hơn.

Phát huy những thắng lợi trong chiến dịch Hè 1974, thực hiện chủ trương của cấp trên, Bộ tư lệnh quân khu V tổ chức 4 khu vực tác chiến của bộ đội chủ lực trong đợt hoạt động Thu 1974 mà Thượng Đức là một trong bốn khu vực đó.

Thượng Đức là chi khu quân sự được Mỹ- ngụy xây dựng thành một căn cứ quân sự vô cùng kiên cố với hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép, với lực lượng quân đội đông đảo và trang thiết bị, vũ khí hiện đại. Thượng Đức được coi là tiền đồn để bảo vệ vòng ngoài của căn cứ quân sự chiến lược Đà Nẵng đồng thời có tác dụng ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ tuyến đường Trường Sơn xuống đồng bằng theo đường sông Vu Gia và theo đường bộ 14B.

Thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà, Huyện ủy Đại Lộc mà trực tiếp là đồng chí Phan Thanh Thủ- Bí thư Huyện ủy lúc đó tham gia Ban Chỉ huy mặt trận Thượng Đức. Để đảm bảo bí mật cho chiến dịch, đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngành, các đơn vị của huyện. Thời điểm đó, tất cả các ban, ngành, mặt trận- đoàn thể của huyện đều nhận lệnh trực tiếp từ Bí thư và đều phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng vũ trang huyện làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường, phối hợp với bộ đội chủ lực trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Thượng Đức, đồng thời có nhiệm vụ đánh vòng ngoài, ngăn chặn đường rút lui của địch. Lúc đó, chỉ huy trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang đều lên kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, từng đồng chí và động viên, khích lệ tinh thần chiến sỹ. Do đó, ai cũng hăng hái chiến đấu với niềm tin vào ngày chiến thắng không xa. Lực lượng an ninh của huyện được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch ở Thượng Đức như bộ máy chính quyền, số lượng dân ở các khu dồn… đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ bí mật cho việc mở đường vào Thượng Đức của bộ đội ta.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, Mặt trận- các đoàn thể của huyện cũng được phân công phụ trách nhiều việc như kéo pháo, tải đạn, dẫn đường, vận chuyển lương thực, vận động và đưa dân ra khỏi các khu dồn khi quân ta tấn công địch, ổn định tình hình ăn ở của nhân dân, vận động nhân dân tham gia đánh địch, chặn đường rút chạy của địch…

Các xã vùng C, vùng B của huyện được phân công sẵn sàng tiếp viện cho các lực lượng tham gia trong chiến dịch Thượng Đức và chặn đường rút lui của địch ở hai hướng là Quốc lộ 14B và đường qua các xã vùng B.

Có thể nói, trong chiến dịch Thượng Đức, ngay sau khi tiếp nhận chủ trương của Bộ tư lệnh khu V, Đặc khu Quảng Đà, Đảng bộ, quân và dân Đại Lộc đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai toàn diện đến các địa phương, đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng Thượng Đức.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Thượng Đức, huyện Đại Lộc đã huy động 300 người bao gồm nhân dân, dân quân, du kích của các xã ven Thượng Đức giúp bộ đội chủ lực vận chuyển pháo lên điểm cao. Do trọng lượng pháo quá lớn, nhân dân đã có sáng kiến dùng song mây làm ròng rọc kéo pháo lên đồi. Bên cạnh đó, quân và dân Đại Lộc còn huy động hàng ngàn ngày công, ngày đêm làm đường để tạo thuận lợi cho quá trình đánh chiếm Thượng Đức; đồng thời vận chuyển khoảng 13 tấn hàng hóa, vũ khí, đạn được phục vụ cho chiến dịch. Nhân dân còn đưa đò, chèo thuyền chở cán bộ, bộ đội tập kết đến những mục tiêu của chiến dịch.

         Các hội, đoàn thể của huyện được phân công tập trung di tản dân khỏi vùng tranh chấp khi quân ta nổ súng đánh Thượng Đức. Thực hiện chủ trương đó, các hội, đoàn thể đã vận động nhân dân ở quận lỵ Thượng Đức di dời đến nơi an toàn. Có thể nói, công tác vận động nhân dân được lãnh đạo và các ban, ngành, hội- đoàn thể của huyện kết hợp chặt chẽ với biện pháp mềm dẻo. Nhiều người dân lúc đó chưa chưa thực sự tin tưởng vào lực lượng của ta, có hộ còn kiên quyết chống đối không chịu di dời. Các hội, đoàn thể của huyện đã kiên trì vận động, thuyết phục để nhân dân kịp thời di dời trong điều kiện hết sức khó khăn. Việc di dân được thực hiện vào ban đêm để tránh nhòm ngó của địch đồng thời đảm bảo tính mạng cho nhân dân cũng như cho lực lượng làm nhiệm vụ.

5h sáng ngày 29/7/1974, sư đoàn 304 mà chủ công là trung đoàn 66 nổ súng tiến công Thượng Đức.

Trước đó, bộ đội huyện Đại Lộc được phân công đánh địch ở các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh). Khi tiếp nhận lệnh cấp trên, chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương đã quán triệt nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng đến từng chiến sỹ, đó là bảo vệ tính mạng và tài sản của dân; thực hiện tốt chính sách đối với tù binh, hàng binh và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối kế hoạch tác chiến. Thậm chí, các đồng chí chỉ huy còn kiểm tra từng ba lô của chiến sỹ, đảm bảo không có chiến sỹ nào lấy bất kỳ một cái gì của dân, dù là nhỏ nhất.

Các ban, ngành, Mặt trận- đoàn thể của huyện Đại Lộc được quán triệt nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ ràng trong đó tập trung chủ yếu vào công tác vận động và di tản dân khỏi vùng chiến sự.

Sau khi bộ đội chủ lực đánh Thượng Đức, lực lượng bộ đội địa phương cũng tấn công địch ở vùng ngoại vi. Ngay trong đêm ngày 30/7/2014, bộ đội địa phương đã phối hợp cùng các lực lượng khác của huyện đưa gần một vạn dân ở  các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình vượt qua làn pháo bắn cầm canh của địch, theo đường khe sống Cùng và đường Gò Trao lên Hiệp (Hiên). Cánh Lộc Vĩnh, ta đưa gần một vạn dân lên Đầu Gò, Thạnh Mỹ, Thác Cạn. Được sự giúp đỡ của các huyện bạn, nhân dân Đại Lộc được ổn định chỗ ở, lo lắng về cái ăn cái mặc. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn chung trong thời chiến, nên nhiều lúc nhân dân vẫn còn thiếu lương thực, thuốc men trị bệnh.

Sau đợt đầu tiến công Thượng Đức không thành công, bộ đội chủ lực chuyển sang chiến thuật “bao vây đánh lấn”. Kết hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương huyện Đại Lộc đã đánh bật địch ra khỏi các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình. Trong khi quân chủ lực ta tiếp tục tấn công Thượng Đức, huyện nhà đã chỉ đạo cho lực lượng thanh niên, nông dân xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng hiện nay) tổ chức đóng cọc, ngăn sông làm vật cản trên sông Vu Gia nhằm ngăn chặn đường rút chạy của địch. Hàng chục tên địch bị bắt sống khi tìm cách vượt sông Vu Gia tháo chạy về Đà Nẵng. Lực lượng ở các xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh cũng tích cực phối hợp cùng bộ đội địa phương nhận dạng địch khi địch có ý định trà trộn vào nhân dân để trốn chạy.

Bên cạnh đó, các lực lượng du kích và nhân dân ở các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn quân tiếp viện của địch, nhằm phân tán lực lượng địch không cho quân tiếp viện tiếp cận Thượng Đức.

         Tham gia mặt trận Thượng Đức, quân và dân huyện Đại Lộc đã diệt và bắt sống 205 tên địch, trong đó bắt sống được 3 mâm tề ngụy ở 3 xã Lộc Bình, Lộc Ninh, Lộc Vĩnh gồm 81 tên (trong đó có 3 tên xã trưởng, 15 ấp trưởng). Đây là chiến công lớn của lực lượng bộ đội địa phương và nhân dân huyện nhà trong một chiến dịch có ý nghĩa to lớn không chỉ với huyện Đại Lộc mà còn có ý nghĩa đối với cả tỉnh Quảng Nam. 

Chiến thắng Thượng Đức là chiến thắng vang dội của quân đội ta trong đó có những đóng góp không hề nhỏ của quân và dân Đại Lộc. Đây không chỉ là chiến thắng có ý nghĩa quân sự mà còn là chiến thắng của niềm tin vào nhân dân, vào sự đoàn kết keo sơn gắn bó, vào nghĩa tình quân dân bền chặt. Chắc chắn rằng, các thế hệ con em Đại Lộc hiện nay và mai sau sẽ luôn tự hào về Chiến thắng Thượng Đức, về tình nghĩa đoàn kết vốn có từ lâu đời của quê hương Đại Lộc anh hùng.

Nguyễn Thị Tuyết

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc



[Trở về]
Các tin mới hơn:
Lãnh đạo huyện thăm và động viên các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
1.510 THÍ SINH THAM GIA KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024
Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)
Thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Đại Lộc
Lễ Phát động Tháng hành động Vì trẻ em huyện Đại Lộc năm 2024
Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Đại Lộc
Tổ chức Gameshow “Quê mình xứ Quảng” năm 2024 tại xã Đại Thạnh
Xã Đại Thạnh tổ chức Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới
53 ĐƠN VỊ ỦNG HỘ 2 TỶ ĐỒNG TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI LỘC
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Huyện đoàn Tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019)
Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” (2014- 2019)
Lãnh đạo huyện tiếp đoàn CCB Mặt trận 44 Quảng Đà
Hội Phụ nữ huyện trao “Mái ấm tình thương” cho gia đình chính sách tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Lãnh đạo huyện thăm và tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu tại các địa phương nhân ngày 27/7/2019
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (07/8/1974- 07/8/2019)
GIẢI BÓNG ĐÁ NAM THIẾU NIÊN 11 NGƯỜI HUYỆN ĐẠI LỘC NĂM 2019
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Mộ Cụ Lương Thúc Kỳ
Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã và Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn”
Đại Lộc: tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật năm 2019
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10