Những ngày này, có dịp rong ruổi trên khắp các nẻo đường của xã Đại Thắng, chúng tôi mới thấy hết sự yên bình, thơ mộng của làng quê nơi đây. Một vùng quê được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phù sa bồi đắp để cây cối, hoa màu tốt tươi, nhất là những cánh đồng lúa, rau màu xanh ngút.
Được biết, tận dụng tiềm năng thế mạnh của mình là nông nghiệp, Đại Thắng đã đẩy mạnh chủ trương cải tạo 90% vườn tạo, bố trí các loại cây trồng có giá trị; chỉ đạo các hội, đoàn thể tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hằng năm, địa phương liên kết sản xuất 150 ha lúa giống, sản lượng lương thực cây có hạt bình quân mỗi năm đạt 3.935 tấn, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Đáng chú ý, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thắng đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đầu tư, quản lý khu giết mổ tập trung, cải tạo kênh mương, thủy lợi hóa đất màu. Kết quả doanh thu hằng năm 7 tỷ đồng, lãi bình quân 101 triệu đồng/năm.
Những năm qua, Đại Thắng đã khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để tặng hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý là mô hình trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Tiện, thôn Phú An cho lợi nhuận hằng năm trên 300 triệu đồng. Với diện tích hơn 1,1 ha, trong năm ông thả nuôi từ 6 đến 7 lứa vịt, mỗi lứa trên 1.000 con kết hợp với thả cá, nuôi bò, trồng rau; nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Mô hình trồng rau sạch của ông Nguyễn Văn Trí, thôn Phú Long cũng hết sức ấn tượng. Mô hình được trồng thử nghiêm trên diện tích 250 m2, được trang bị hệ thống tưới phun kim và hệ thống nhà lưới khép kín với các loại rau lagim. Mô hình này được Sở Khoa hoc- Công nghệ Quảng Nam đầu tư 100% nhằm giúp người dân nhận thức được tiềm năng và giá trị sử dụng của rau sạch. Bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả và hứa hẹn sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình trồng sen nuôi vịt, thả cá của đảng viên trẻ Phan Lành trú thôn Phú Xuân được người dân địa phương xem là một điển hình tiên tiến. Tận dụng tiềm năng đất đai của xã, anh Lành đã thuê 3 ha đất để phát triển mô hình trồng sen, thả cá, nuôi vịt. Ban đầu khá nhiều vất vả, tuy nhiên từ việc chịu khó học hỏi kinh nghiêm, đi tham quan nhiều nơi, anh Lành đã đúc kết cho mình những kiến thức bổ ích để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, lứa sen của anh đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Mỗi ngày, anh Lành thu được 1 - 2 triệu đồng từ sen. Vào khoảng tháng 10 khi sen lụi dần, anh Lành bắt đầu thu hoạch cá. Ước tính mỗi năm anh thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Mô hình trồng sen, thả cá, nuôi vịt của anh được nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên trên địa bàn học tập, nhân rộng.
Từ việc chủ động, tích cực, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tạo ra những mô hình mới trong phát triển kinh tế, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã Đại Thắng dự kiến năm 2020 đạt hơn 34 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,4%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của địa phương giảm còn 1,77% (tương đương 36 hộ), Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,49% (tương đương 52 hộ).
Có thể nói, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với những chủ trương sát đúng của Đảng bộ, chính quyền xã Đại Thắng trong phát triển nông nghiệp, nhiều hộ dân nơi đây đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng Đây sẽ là tiền đề để địa phương phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào cuối năm 2020.
Bích Liễu – Nhật Duy