Đăng nhập

Tài khoản
Nhà văn sinh ra “Con trâu” thời chiến
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 17/02/2021 .Lượt xem: 1262 lượt.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001), người làng Bình Cư, nay thuộc thôn Song Bình, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cùng với nhà văn Phan Tứ, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đầu tiên ở đất Quảng.

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, trước Nguyễn Văn Bổng đã có một nhà văn viết tiểu thuyết mang tên Con trâu. Đó là Trần Tiêu (1899 - 1954), sinh tại Hải Dương và mất tại Hà Nội. Ông là nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn thời nửa đầu thế kỷ 20. Con trâu được đăng trên báo Ngày nay từ số 140, ra ngày 10/12/1938, sau đó được in thành sách vào năm 1940. Tiểu thuyết khắc họa cuộc đời vất vả của người nông dân với ước mơ khá đơn giản nhưng tới lúc nhắm mắt vẫn chưa toại nguyện, đó là có được con trâu cái!

Nếu Con trâu của Trần Tiêu viết trước Cách mạng Tháng Tám thì tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Bổng ra đời khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đã qua 5,6 năm. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong kháng chiến. Với tiểu thuyết này, vấn đề con trâu không còn là chuyện “đầu cơ nghiệp” của riêng một gia đình nông dân nào mà đã trở thành chuyện chung, gắn với làng xã, với kháng chiến trường kỳ. Vấn đề con trâu lúc bấy giờ là vấn đề sản xuất mà cũng là vấn đề du kích. Giữ được con trâu mới làm mùa được và giữ được con trâu thì đồng bào mới có thể trụ bám, từ đó mới củng cố phong trào du kích vững mạnh, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Cũng giống trong tiểu thuyết Con trâu của Trần Tiêu, ấn tượng sâu sắc đọng lại khi đọc tiểu thuyết Con trâu của nhà văn Nguyễn Văn Bổng chính là tình cảm sâu nặng như là máu thịt của người nông dân đối với “đầu cơ nghiệp” của mình. Song, khác với bác Chính (nhân vật trong tiểu thuyết Con trâu của Trần Tiêu), một lão nông có tên là Đẩu đã hùn mua được một con trâu. Thế mà, do bọn Tây lùng bắt nên nó phải đem đi gởi bên xã Thái Học. Nhìn chuồng trâu trống hoang, “ông thương con trâu quá, tiếc đứt ruột đứt gan. Ông nhớ nó, nhớ từng cái xoáy trên mình nó, nhớ nó lốc thốc kéo cày bừa trước mặt mình, nhớ những đêm khuya vắng mình dậy bỏ cỏ, đứng nhìn nó nhai trong chuồng…”; “ông vừa nhớ, vừa lo, nằm nhìn trừng trừng lên trời, rồi lại thở ra kéo cánh tay đang gác trên trán xuống che ngang mắt, nhưng vẫn không ngủ được. Đôi mắt đã nhắm lại, chận thêm cả cánh tay lên nữa, nhưng vẫn như mở trao tráo, vẫn cứ thấy con trâu, thấy từng cái xoáy trên thân nó, từng lúc nó kéo cày, kéo bừa, từng lúc nó nhai cỏ trong chuồng…”.

Tiểu thuyết Con trâu đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Văn Bổng trên văn đàn nước Việt với các giải thưởng cao quý về văn chương như: Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội Văn nghệ Liên khu V (1952-1953); Giải nhì Giải thưởng văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955) và góp phần giúp ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000. Đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất. Theo tác giả Trần Hữu Tá, người viết mục từ “Nguyễn Văn Bổng” trong Từ điển Văn học Bộ mới (NXb Thế giới, 2004), Con trâu là một sáng tạo nghệ thuật đầu tay thành công của Nguyễn Văn Bổng. Sau Con trâu, với các bút danh: Trần Hiếu Minh, Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm, Phượng Nguyễn; ông còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng văn đàn nước Việt: Cửu Long cuộn sóng, Rừng U Minh, Sài Gòn ta đó, Áo trắng, Sài Gòn 1967, Đường đất nước, Ghi chép về Tây Nguyên…

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Bổng  học tiểu học trong tỉnh Quảng Nam, rồi ra Huế học cao đẳng tiểu học và tú tài. Đỗ tú tài toán, ông dạy trường tư Thuận Hóa (Huế). Tại đây, Nguyễn Văn Bổng lại ‘bén duyên” với văn học. Ông viết văn, đăng trên các báo ở Sài Gòn, Hà Nội một số truyện ngắn đầu tay: Say nửa chừng (1943); Dưới đáy sông Hương (1944); Làm lại cuộc đời (1944), phản ánh tâm trạng băn khoăn, bế tắc của một lớp thanh niên trí thức đang đi tìm hướng đi cho mình. Trong hồi ký Từ vùng đất quê hương, nhà văn Nguyễn Văn Bổng bộc bạch: “Những truyện tôi viết trước 1945, khung cảnh thường lấy ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Có phải tôi đã đến với văn học từ những bến sông, bãi biển, đường đèo…quê hương đó chăng?”.   

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm đổi thay lớn lao cuộc đời ông, trong đó có văn nghiệp. Cũng trong hồi ký nói trên, Nguyễn Văn Bổng nhận định: “Phải đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi mới thật sự bước vào đời văn- hay đời văn thật sự, tại quê nhà”.

Thật vậy, sau khi tham gia cuộc Cách mạng mùa thu tại Đà Nẵng, ông vừa làm việc ở Ty Thông tin tuyên truyền thành phố Đà Nẵng (bấy giờ mang bí danh Thái Phiên) vừa có chân trong Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Đà Nẵng. Ông viết một số bút ký trong tập Nhập vào đám đông nói lên sự đổi mới do cách mạng mang lại, được trích đăng trên báo Quyết thắng, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ. Hè năm 1946, ông mang tập bút ký này ra Hà Nội in tại Nhà xuất bản Tiền Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Cuối năm 1948 ông chuyển hẳn sang công tác văn nghệ, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Liên khu V, biên tập Tạp chí Miền Nam (cơ quan của Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu V), Tổng biên tập báo Văn nghệ Liên khu V. Vừa làm lãnh đạo, ông vừa hăm hở đi cơ sở, tham gia các chiến dịch ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong chiến dịch Hè năm 1952, ông viết tiểu thuyết đầu tay: Con trâu.

          Nói về quá trình viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết nổi tiếng làm nên văn hiệu của mình, nhà văn Nguyễn Văn Bổng không quên nhắc đến công ơn của kháng chiến, của quê hương đất Quảng: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên lại sống ở Huế... Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng. Nhớ lại hồi viết Con trâu, tôi nhớ những đêm ở vùng tự do vào vùng tạm chiếm, chúng tôi qua sông, qua đường có đồng bào và du kích bố trí cảnh giới bảo vệ đưa chúng tôi đi. Tôi nhớ những ngày được đồng bào cho ăn uống, chăm sóc, giấu hầm bí mật…Nhớ lại những lúc gian khổ, ác liệt và cũng rất hào hùng đó, không thể không kính phục, thương yêu đồng bào, du kích và bộ đội chúng ta. Và không thể không viết về họ…”.

          - Vân Thu -


[Trở về]
Các tin mới hơn:
Lãnh đạo huyện thăm và động viên các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
1.510 THÍ SINH THAM GIA KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024
Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)
Thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Đại Lộc
Lễ Phát động Tháng hành động Vì trẻ em huyện Đại Lộc năm 2024
Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Đại Lộc
Tổ chức Gameshow “Quê mình xứ Quảng” năm 2024 tại xã Đại Thạnh
Xã Đại Thạnh tổ chức Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới
53 ĐƠN VỊ ỦNG HỘ 2 TỶ ĐỒNG TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI LỘC
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Để có một cái Tết cổ truyền ấm áp yêu thương
Trâu Vàng - từ truyền thuyết đến SEA Games
Đại Lộc tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào "TDĐKXDĐSVH" năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021
Ngành Văn hóa và Thông tin tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021
Hội Người Cao tuổi xã Đại Hiệp thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
Tổng kết công tác kiểm tra, phúc tra công nhận các danh hiệu văn hóa năm 2020
Hội Chữ Thập Đỏ xã Đại Minh tặng quà cho người khuyết tật
Khai mạc Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, kỹ năng quản lý các cơ sở lưu trú du lịch
Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020) và Tuyên dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm học 2019-2020
Xã Đại Hồng tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10