Đăng nhập

Tài khoản
HUYỀN THOẠI BÀ VÀ HAI DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 07/04/2021 .Lượt xem: 842 lượt.

Hiếm có vị nhân thần nào ở đất Quảng không chỉ hai lần được triều đình nhà Nguyễn sắc phong mà hai lễ hội dân gian gắn liền với Bà đều được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

     Từ Bà Phường Chào

     Theo thần phả do đồng Đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn, với chức Gia Nghị đại phu tên tự là Học biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919) và“Thần nữ linh ứng truyện”được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng Hai năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) tại làng Phường Chào, nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thế nhân gọi thành tên là "Bà Phường Chào" là vì vậy. Thân phụ làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí. Thân mẫu họ Trịnh, huý là Tình. Nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là "Tam vị khải thần'' được thờ tại miếu Nhũ Mẫu.

     Tương truyền, lúc thân mẫu trở dạ, ngoài trời một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ một vùng. Là tiên giáng thế, toàn thân Bà không có xương, làn da trắng như tuyết, thơm như hoa; đi đứng khác thường (chỉ dùng hai ngón chân cái); tiếng nói trong trẻo; thích mặc vải lụa điều; thịt mua ở chợ nếu có người mua trước là bà không dùng. Thú vui ưa thích của Bà là ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em. Bà cũng thích hát bội, thích tiếng pháo và thích đua ghe. Lớn lên, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

     Ở trần gian được 18 năm, ngày 19 tháng 11 năm Gia Long thứ 16 (1817), Bà hiển linh tại đất Phường Chào. Người ta kể rằng, sau khi an táng, có một con trâu húc vào mộ Bà, liền ngã lăn ra chết. Thấy vậy, ông chủ bái của làng bảo: "Trâu chết là việc tình cờ, chứ cô gái ấy có gì mà linh thiêng". Vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau đột tử!  Thần tích cũng cho biết, Bà có người cháu họ xa tên là Lê Hùng đi ghe ra Hà Nội buôn bán và hẹn đến tháng 5 về. Lúc về có một người quá giang, người này bị say sóng nằm mê man chẳng ăn uống gì, khi ghe về đến vùng biển Quảng Bình, nửa đêm gặp bão biển dữ dội, toàn ghe đều chìm hết. Lê Hùng gặp nạn, sợ hãi bèn xin thần cứu nạn, lập tức thần nhập vào người bị say sóng đứng dậy cầm tay lái và nói: “Dừng lại nơi đây, có ta không sợ gì cả!”. Lê Hùng vâng theo lời dạy quả nhiên được bình an.

     Dân làng và thân quyến kiêng sợ oai linh của Bà, tổ chức lệ vía sinh vào ngày 25 tháng Hai âm lịch hằng năm và giỗ ngày 19 tháng 11. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam sợ sông đào Ái Nghĩa làm lở mất mộ Bà nên cho cải táng về làng Phước Yên (xã Đại An), sau đó lại dời một lần nữa về Gò Muồng (nay thuộc khu Nghĩa Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa).

     Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong thần hai lần. Ngày 20 tháng 9 năm Thành Thái thứ 6 (1894), triều đình sắc phong thần cho Bà với mỹ hiệu: "Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần". Cũng trong năm này, Tây cung Từ Dũ ân ban hai đồng tiền: một đồng hiệu Tam Thọ được thờ ở Lăng Bà Chợ Được; một đồng hiệu Tứ Mỹ thờ ở Miếu Phiếm Ái châu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Miếu thờ Bà tại làng Phiếm Ái cũng được sắc phong. Năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình ban sắc gia phong tặng Bà Phường Chào là "Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần".

      Theo các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia, Bà Phường Chào thuộc vào hệ thống thần linh chính thống. Nhiều tư liệu liên quan cho phép nhận định Bà là một nữ thần Chăm được Việt hóa ở mức độ cao và có những điểm tương đồng với Bà Thu Bồn (Bô Bô phu nhân). Dân gian cho rằng họ là chị em:

        Bô Bô nói với Phường Chào

        Xem tôi với chị bên nào hiền hơn

     Thần tích Bà Phường Chào ghi rõ: "Ngôi Kim có Đức Bà Thiên Y Ana Thánh Mẫu Chúa Ngọc tôn thần; Ngôi Mộc có Đức Bà Bạch Phụng - Bạch Thố phu nhân tôn thần; Ngôi Thủy có Đức Bà Bô Bô phu nhân, hiệu Thu Bồn tôn thần; Tam Động Hỏa Phong Thần nữ, sắc phong Trai thục Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần - là Đức Bà linh hiển tại Phường Chào chúng ta".

     Đến Bà Chợ Được

     Tương truyền, sau khi tạ thế, hồn Bà Phường Chào chu du khắp bốn phương trời và hiển linh để trừng phạt bọn quan tham sâu mọt hại dân, cho thuốc cứu độ chúng sinh, đặc biệt rất yêu thương dân nghèo. Năm Tự Đức thứ 5 (1853), Bà vân du qua thôn Phước Ấm (Bình Triều, Thăng Bình). Nơi đây vốn là rừng cây sum suê; nhà cửa thưa thớt nhưng cảnh trí hữu tình, trên có rừng, dưới có sông, núi Ngọc Châu hoàn tả hữu. Bà nảy ý muốn tụ người lập chợ nhằm giúp dân địa phương đỡ vất vả, khỏi phải qua sông lụy đò sang chợ Trà Đỏa (Bình Đào) để mua bán. Chẳng mấy chốc, thôn vắng trở thành chợ búa thịnh mậu, nhà quán xây dựng như nơi đô hội. Sông Trường Giang ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, tải trọng vài chục tấn, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai… Dân chúng gọi đó là Chợ Được (hàm ý: cầu chi cũng được!) hay Chợ Bà. Nhớ ơn Bà, người dân lập Lăng Bà Chợ Được. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Lăng Bà Chợ Được là di tích lịch sử cấp tỉnh. 

        Hai Di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia

      Hằng năm, ở đất Quảng có hai lễ hội truyền thống tôn vinh Bà: Ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình có Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch- ngày người dân Chợ Được đón nhận sắc phong của Bà. Còn tại quê bà- làng Mỹ Phiếm, nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc- vào ngày sinh của Bà (25 tháng Hai âm lịch) - có Lễ hội Bà Phường Chào. Các lễ hội dân gian này ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân đất Quảng, phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ. Các lễ hội còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc Việt và là điểm tựa tâm linh vững chắc trong tâm thức của người dân, tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hoá phi vật thể. Đáng chú ý là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh Lễ rước cộ Bà Chợ Được (năm 2014) và Lễ hội Bà Phường Chào (năm 2020) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trịvăn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Quảng Nam.

Vân Trình

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Lãnh đạo huyện thăm và động viên các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024
1.510 THÍ SINH THAM GIA KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024
Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)
Thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Đại Lộc
Lễ Phát động Tháng hành động Vì trẻ em huyện Đại Lộc năm 2024
Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Đại Lộc
Tổ chức Gameshow “Quê mình xứ Quảng” năm 2024 tại xã Đại Thạnh
Xã Đại Thạnh tổ chức Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới
53 ĐƠN VỊ ỦNG HỘ 2 TỶ ĐỒNG TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI LỘC
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Đại Lộc đạt 3 giải Nhất và 12 Huy chương vàng Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020 - 2021
Xã Đại Nghĩa tổ chức Giải Bóng bàn xã Đại Nghĩa năm 2021
Lễ phát động “Tết trồng cây” xuân Tân Sửu năm 2021
Lãnh đạo huyện thăm và chúc mừng các Thánh thất Cao đài trong huyện nhân Đại lễ Đức Chí Tôn
Nhà văn sinh ra “Con trâu” thời chiến
Để có một cái Tết cổ truyền ấm áp yêu thương
Trâu Vàng - từ truyền thuyết đến SEA Games
Đại Lộc tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào "TDĐKXDĐSVH" năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021
Ngành Văn hóa và Thông tin tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021
Hội Người Cao tuổi xã Đại Hiệp thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10