(Xã Đại Quang) Xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Đại Lộc được triển khai từ năm 2010, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của Nhân dân trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp. Việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm là huyện nghèo, đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ngoài ra, hàng năm địa phương phải hứng chịu nhiều cơn bão, lụt lớn, hạn hán, mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng về người, cơ sở vật chất, tài sản. Đặc biệt những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm tăng tần số, cường độ, tính biến động, cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt ngành trồng trọt là nguồn cung cấp lương thực chính của huyện. Vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Đại Lộc cần có những giải pháp thiết thực, chủ động kịp thời thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ những thành quả đạt được và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới
Hiện nay, huyện Đại Lộc đã triển khai xây dựng nông thôn mới tại 17 xã, trong đó 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 19 tiêu chí), trong đó có xã Đại Hiệp đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2019 và đang hoàn thành các thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 4 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm xã Đại Thạnh đạt 15 tiêu chí, xã Đại Sơn đạt 14 tiêu chí, xã Đại Chánh đạt 11 tiêu chí và Đại Tân đạt 11 tiêu chí.
Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 298 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt chuẩn cho một xã là 17,53 tiêu chí/xã.
Đến nay, UBND huyện đã công nhận đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cho 16 thôn trên địa bàn huyện, trong đó năm 2020 có 06 thôn đạt chuẩn Khu dân cư kiểu mẫu, gồm: Mậu Lâm (Đại Hưng), Phú Hương, Mỹ An và Hòa Thạch (Đại Quang), Phú Mỹ (xã Đại An) và Phú Xuân (Đại Thắng).
Trong những năm qua, huyện luôn chú trọng chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa, áp dụng tiến bộ về giống, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cao, chọn lựa các giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến, xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hình thành các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên các xã miền núi của huyện. Trên đất lúa, hằng năm các địa phương đã liên kết với hàng chục đơn vị có chức năng sản xuất giống cây trồng đã chuyển được trên 1.500 ha đất sản xuất lúa lương thực sang sản xuất hạt lúa giống lai F1 và lúa thuần các loại (trong đó lúa giống lai F1 250 ha; đậu xanh giống và cây màu các loại 200 ha). Qua đó, đã nâng cao được giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, ổn định được nguồn giống tại chỗ, góp phần chủ động cho nguồn giống lúa của Quốc gia. Vụ Đông Xuân năm 2019 có 13 xã, thị trấn thực hiện liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích 1.596,5 ha. Vụ Xuân Hè và vụ Hè Thu năm 2020 có 09 xã liên kết sản xuất giống trên diện tích 401 ha.
Những năm qua, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được các địa phương trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện, xây dựng nhiều mô hình vườn cây ăn quả, mô hình nuôi cá nước ngọt, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao.
Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng bình quân hằng năm 5%. Huyện chú trọng đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, thực hiện chương trình bò lai chuyên dụng thịt; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân có điều kiện xây dựng trại chăn nuôi có quy mô vừa và lớn góp phần nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp. Hiện nay huyện đã tập trung quy hoạch 07 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 436 ha theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh, các địa phương quy hoạch 33 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 452,3 ha theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới; hình thành một số trang trại chăn nuôi lớn. Với đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc cơ bản đã gặt hái được những thành tựu nhất định, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn tác động của biến đổi khí hậu đến xây dựng nông thôn mới
Huyện Đại Lộc nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều theo mùa. Trong những năm qua, các thiên tai xảy ra bất thường với cường độ mạnh như gió bão, lũ lụt, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, hạn hán… gây thiệt hại nặng, các thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vẫn còn xảy ra hàng năm; các thiệt hại về cơ sở hạ tầng và kinh tế là rất lớn.
Những năm gần đây với sự tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện, yêu cầu đặt ra là phải chung sống tốt với thiên tai một cách an toàn, ổn định và phát triển bền vững.
Qua kết quả điều tra, đánh giá cho thấy các địa phương trên địa bàn huyện có mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở mức độ tương đối khác nhau. Xã Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa là địa phương chịu ảnh hưởng ở mức độ thấp nhất, ảnh hưởng lớn nhất là xã Đại Thắng, Đại Lãnh do nằm ở địa hình núi dễ xảy ra lũ lụt và sạt lở.
Nhiều đợt mưa, bão trong năm 2014 - 2015 làm ngập úng hàng trăm ha cây trồng của người dân, ước tính tổng thiệt hại gần 50 tỷ đồng.
Trong năm 2016, đợt rét lạnh kèm theo mưa to kéo dài, kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện gây ngập úng, làm thiệt hại nhiều cây cối, hoa màu, nhất là vùng ven sông; ước tính giá trị thiệt hại gần 69.907,8 tỷ đồng, gây bồi lấp, sạt lở, hư hại nhiều tuyến kênh, trạm bơm.
Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 có 14 cơn bão và 04 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có cơn bão số 12 đã ảnh hưởng đến các địa phương trên địa bàn huyện gây ra mưa lớn trên diện rộng; do ảnh hưởng của thiên tai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, xói mòn bồi lấp trên địa bàn huyện diễn ra trên diện rộng. Diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng tại một số địa phương như: Xã Đại Đồng (sạt lở: 1,4 m2, bồi lấp: 13,023 m2), Đại Thạnh (sạt lở: 15.000 m2, xói mòn: 16.000m2, bồi lấp: 5.000 m2).
Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, cả huyện gieo trồng được 7.329,4 ha giảm 12 ha so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng ước đạt 30.232 tấn đạt 47,61% so với kế hoạch cả năm. Hiện nay có gần 4300 ha đất sản xuất lúa có chủ động tưới, trong đó đất màu khoảng 1600 ha và 1200 ha đã được thủy lợi hóa bằng giải pháp xây dựng đường dây điện để cấp điện bơm nước ngầm từ các giếng khoan để tưới.
Mực nước trên sông Vu Gia, sông Côn xuống rất thấp ngay từ đầu vụ, công tác thủy lợi phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, các xã Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hòa có 160 ha lúa bị thiếu nước tưới. Công tác chống hạn gặp khó khăn do một số công trình hồ đập ở địa phương đã bị xuống cấp, bồi lấp, lắng đọng, cần phải khơi thông, nạo vét và gia cố với nguồn kinh phí lớn như Hồ Cây Xoay ở Đại Hồng, Đập Cửu Kiến.
Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa nước trên địa bàn huyện đã giảm ở mức 8.579 ha, nông dân tập trung phát triển các loại cây trồng chủ yếu như mè, đậu phộng, đậu xanh, cây thức ăn chăn nuôi để đem lại hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi từ diện tích sản xuất lúa khó tưới sang cây trồng cạn gặp nhiều khó khăn do cần phải đầu tư các hệ thống tiêu nước nhưng hiện nay chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.
Tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, Vu Gia đoạn chạy qua địa bàn huyện Đại Lộc thời gian qua đã cảnh báo hiện tượng xâm thực bờ, xói lở đất sản xuất, đe dọa mạng sống của người dân.
Một số bài học kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện
Công tác truyền thông phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đến người dân vùng hạ du sông Vu Gia thuộc huyện là công việc được tiến hành hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người dân trước diễn biến khó lường của thời tiết. Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 đã xây dựng 15 cụm loa tại huyện để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân khu vực hạ du; xây dựng 72 mốc thủy chí báo mức ngập tại 12 xã thuộc các khu vực đông dân cư dọc sông Vu Gia; thông tin bằng sóng FM đến các Trưởng thôn qua Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện.
Tùy tình hình, từng địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp; chú trọng công tác quản lý điều tiết nước, nạo vét kênh dẫn, bể, dùng máy bơm dầu bơm nước từ các ao, hồ nhỏ hiện có trên địa bàn để bơm tưới.
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác, phát triển sản xuất bền vững, phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2020, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây khác trên địa bàn huyện là 35 ha, trong đó: Chuyển trồng cây hằng năm 17 ha, chuyển trồng cây lâu năm 14 ha, chuyển trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản 4ha. Trong đó điển hình là xã Đại Minh, thực hiện việc chuyển đổi 14 ha đất lúa sang đất trồng cây lâu năm, nhằm thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
Định hướng, giải pháp trong thời gian đến
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”. Trong thời gian đến, dự báo tình hình biến đổi khí hậu sẽ diễn biến với cường độ ngày càng mạnh mẽ, thiên tai xảy ra ngày càng phổ biến và phức tạp, hậu quả của thiên tai để lại được dự báo rất khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả nông thôn mới. Điều này đòi hỏi chính quyền, các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện phải có những bước chuẩn bị đối phó với tình hình khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết; trong đó, quan tâm thực hiện một số nhóm giải pháp được đề xuất như sau:
Một là, truyền thông nhận thức và giáo dục môi trường cho người dân. Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các khu dân cư thấp lụt và các công trình hạ tầng quan trọng như: hồ chứa nước đập dâng, các trạm bơm điện… để có phương án phòng chống, bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho tập thể và các cá nhân. Tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân có các biện pháp để bảo vệ môi trường sinh thái, không chặt phá rừng… Sau lũ lụt, chính quyền vừa chủ động hỗ trợ, vừa tuyên truyền hướng dẫn cho người dân biết cách xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và cách phòng tránh cũng như xử lý đối với các dịch bệnh nguy hiểm thường xuất hiện sau mùa bão lụt.
Hai là, xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, con người tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện vật tư tại chỗ).
Ba là, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực BĐKH. Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học một cách đồng bộ, có trình độ cao và đủ khả năng giải quyết các vấn đề liên quan tới BĐKH; có kế hoạch đào tạo lực lượng cán bộ quản lý chuyên trách về môi trường và lĩnh vực ứng phó BĐKH tại địa phương với số lượng ở cấp xã (1-2 cán bộ/1 xã). Kết hợp với các trung tâm, trường đại học,… mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tham quan học tập trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH.
Bốn là, thực hiện mô hình kênh mương thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng, vừa đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất vừa tránh lũ, hạn chế sự cô lập các khu vực ngập lụt. Thực hiện đảm bảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019, cấp nước chống hạn cho hạ du vào mùa khô và giảm lũ vào mùa mưa.
Năm là, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng phó với BĐKH. Ban hành văn bản hướng dẫn giám sát việc tích hợp BĐKH vào các chương trình phát triển tổng thể của các ngành, lĩnh vực và các địa phương; các hoạt động kinh tế - xã hội của huyện theo từng thời kỳ. Từng bước nghiên cứu, lồng ghép vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Kết luận
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân. Những thành tựu xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Lộc trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; những kết quả trên đạt được là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ huyện đến xã, thôn.
(Theo WEF, 2015) Các nhà khoa học, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp cần phải coi sự biến đổi về khí hậu hay còn được gọi là sự kiện thời tiết cực đoan, là một trong những rủi ro lớn có thể xảy ra nhất trong mười năm tới. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang là mối quan tâm toàn cầu, diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường những năm gần đây, đã có tác động không nhỏ đến mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Do đó, để duy trì những thành tựu đạt được, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Đại Lộc trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2024 cần có sự chủ động ứng phó và thích ứng, biến thách thức thành thời cơ, xây dựng, bảo vệ thành quả công cuộc xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên và đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Huỳnh Thị Phương Thảo