Đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912-8/9/2011) quê làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930; tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam), từ đó đồng chí tích cực hoạt động cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bám dân, bám địa bàn, hoà mình vào phong trào cách mạng trong những năm tháng gian khổ, nhưng hào hùng của Cách mạng tháng Tám năm 1945; cũng như trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và 21 năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt (1954-1975)…
Sau ngày đất nước thống nhất, với uy tín và nhiệt thành hết lòng phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc, đồng chí Võ Chí Công được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII… Với những đóng góp cho với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng, của dân tộc. Ðồng chí đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Sau khi chuyển công tác ra Trung ương, được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, dù bộn bề công việc, nhưng với tấm lòng sâu nặng với quê hương, đồng chí Võ Chí Công luôn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, Đảng bộ và Nhân dân Đại Lộc rói riêng. Những lần về thăm, làm việc, đồng chí đã có những lời thăm hỏi, động viên, căn dặn hết sức tâm huyết đối với Đảng bộ và Nhân dân Đại Lộc.
Đầu năm 1983, lúc này Nhân dân cả nước đang hết sức vui mừng, phấn khởi thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp” người dân gọi là “khoán 100”, mà đồng chí Võ Chí Công là người dự thảo chỉ thị này. Lần này, đồng chí về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, trực tiếp đến thăm các hợp tác xã Nông nghiệp tại huyện Đại Lộc. Vinh dự, cho Đảng bộ và Nhân dân Đại Lộc, chuyến thăm và làm việc của đồng Đỗ mười và Võ Chí Công diễn ra đúng vào dịp Đảng bộ huyện huyện thứ XII (từ ngày 14-18/01/1983), đồng chí Võ Chí Công đã đến thăm và chúc mừng Đại hội.
Đồng chí Võ Chí Công thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước (huyện Đại Lộc) năm 1983
Thăm các hợp tác xã Đại Phước và Đại Đồng II, qua nghe báo cáo, đồng chí Võ Chí Công được biết: phong trào xây dựng cánh đồng cao sản đạt được những kết quả hết sức ngoạn mục, năng suất lúa bình quân cả huyện đạt 12,6 tấn/ ha. Riêng hợp tác xã nông nghiệp Đại Phước giữ mức kỷ lục về đỉnh cao năng suất lúa cả huyện, cả tỉnh và cả nước: 21,6 tấn/ha. Với thành tích này, hợp tác xã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng chiếc máy cày hiệu MTZ 50 và được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng chí Võ Chí Công biểu dương những thành tích và căn dặn các hợp tác xã không được chủ quan, thỏa mãn mà phải không ngừng vươn lên, nhất là phải thực hiện thật tốt “khoán 100” để động viên bà con xã viên hăng hái lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế trong hợp tác xã nông nghiệp. Đồng chí còn chỉ đạo toàn huyện phát động phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phước.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 1985 huyện Đại Lộc đã đưa ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, quy hoạch đồng ruộng, từng bước hình thành cụm kinh tế kỹ thuật. Đặc biệt, đã tiếp thu nhanh chóng giống mới, cây trồng mới vào sản xuất. Huyện thành lập được tập đoàn giống cho mỗi vụ và tuân thủ chế độ chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, thực hiện đúng chế độ tưới tiêu hợp lý. Hợp tác xã Đại Quang III đã làm tốt nhiệm vụ sản xuất lúa giống thuộc hệ thống giống 4 cấp của tỉnh. Năng suất lúa bình quân toàn huyện xấp xỉ đạt 13 tấn/ha/năm. Trong vùng lúa cao sản trên 1.000 ha của huyện đạt năng suất 15- 16 tấn/ha/năm. Sau khi thành lập thị trấn Ái Nghĩa, diện tích canh tác tăng lên nhưng Hợp tác xã Đại Phước vẫn giữ vững ngọn cờ đầu về phong trào thâm canh tăng năng suất lúa trong 4 năm liền, năng suất lúa vẫn đạt trên 20 tấn/ha. Nhiều gia đình, đội sản xuất và các hợp tác xã qua phong trào học tập, phấn đấu đuổi kịp Đại Phước đã vươn lên thành nông dân sản xuất giỏi, đội sản xuất giỏi, hợp tác xã thâm canh giỏi. Các hợp tác xã thâm canh giỏi tiêu biểu như Đại Nghĩa III, Đại Quang III, Đại Quang II, Đại Hòa I, Đại Hòa II, Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Lãnh II.
Nhờ phong trào thâm canh tăng năng suất được duy trì nên tổng sản lượng lương thực năm 1985 của huyện Đại Lộc đạt 69.100 tấn tăng hơn 20% so với năm 1981. Năm 1985 cũng là năm đầu tiên huyện vượt mức chỉ tiêu sản xuất lương thực. Một vinh dự lớn cho Đảng bộ và nhân dân địa phương là nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi về thăm Đại Lộc đều quan tâm đến năng suất lúa và trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế năng suất lúa của Hợp tác xã Đại Phước, như các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Võ Chí Công, Tố Hữu, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tháng 4/1985, khi đến thăm Hợp tác xã Đại Phước, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: “Cả nước vui mừng vì Đại Phước. Các đồng chí hãy cố gắng nhiều hơn nữa, giành thắng lợi lớn hơn nữa”.
Những năm sau này, khi giữ các cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đều luôn quan tâm theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Đại Lộc. Trong những chuyến về thăm huyện, đồng chí nhắc nhở Đảng bộ phải không ngừng chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thật sự trong sạch vững mạnh và coi trọng vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Đồng chí cũng lưu ý các cấp, các ngành phải có tinh thần chủ động, sáng tạo, không được thụ động ngồi chờ, ỷ lại vào cấp trên; phải nắm vững quan điểm thực tiễn, chú ý phát triển những tư duy mới, ý tưởng mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Có lần nói chuyện với cán bộ huyện Đại Lộc, đồng chí căn dặn “Người chiến sỹ cộng sản phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như lời Bác Hồ đã dạy; phải gắn chặt với nhân dân, dựa vào dân và thực hiện cho được phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng”.
Đại Lộc là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, đấu tranh yêu nước và cách mạng, đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Đại Lộc chịu nhiều đau thương mất mát. Vì vậy, để tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền bối đã có công trong việc khai khẩn, tạo lập vùng đất Đại Lộc, các danh nhân văn hóa - lịch sử, các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến đời mình cho đất nước, quê hương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chủ trương xây dựng Đền Tưởng niệm huyện tại đồi Trường An (Đền Trường An). Từ giữa năm 1993, Huyện uỷ, HĐND, UBMTTQ Việt Nam huyện về việc kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, những người con của quê hương đang sống, công tác ở mọi miền đất nước và cán bộ, nhân dân huyện nhà cùng nhau góp sức, chung tay xây dựng công trình đầy ý nghĩa này, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Tố Hữu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có lời động viên, chúc mừng và gửi tiền để góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Đại Lộc xây dựng Đền Tưởng niệm Trường An.
Với tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, nghĩa tình sâu nặng đối với đồng chí, đồng đội, đồng chí Võ Chí Công luôn là người chấp bút viết lời giới thiệu cho các công trình nghiên cứu, biên soạn về lịch sử địa phương hay đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng trên đất Quảng Nam. Viết lời giới thiệu cho tập sách: Thượng Đức - Cánh cửa thép mở toang, do Ban Thường vụ Huyện uỷ Đại Lộc xuất bản năm 1994, nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng Thượng Đức (1974-1994), đồng chí Võ Chí Công viết: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng, mà còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực nguỵ. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân lịch sử năm 1975. Tháng 8 năm 1994, đúng 20 năm chiến thắng Thượng Đức, nhắc về chiến công vẻ vang này, ta nhớ và biết ơn những chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng, nhớ thương và không được quên những đồng bào đã góp công, góp của và cả xương máu cho quê hương này. Kỷ niệm chiến công lịch sử này còn để nhắc nhở những người còn sống phải ra sức làm tốt hơn những gì ta đã và đang làm để xây dựng quê hương ta trở nên giàu đẹp, không phụ lòng tin và ước mơ của những người đã ngã xuống cho quê hương”.
Những lời căn dặn của đồng chí Võ Chí Công đối với Đảng bộ và Nhân dân Đại Lộc đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa’”.
Lê Năng Đông