Đồng chí Trương Văn Chấn, sinh ngày 07 tháng 7 năm 1915, còn có tên là Trương Chấn, Trương Minh Chấn; sinh quán tại làng Hoá Tây, tổng Mỹ Hoà, (nay là thôn Phú Hòa, xã Đại An, huyện Đại Lộc).
Cũng như nhiều bạn bè cùng thời lớn lên, Trương Văn Chấn theo học tại trường tiểu học Mỹ Hoà. Năm 1933, không đủ điều kiện tiếp tục việc đèn sách, cho nên thông qua mối quan hệ bà con, Trương Văn Chấn vào Quy Nhơn tìm việc làm. Tại đây, chàng thanh niên đất Quảng sống cùng người cậu Nguyễn Soạn - một đảng viên cộng sản hoạt động từ năm 19303. Được cậu Nguyễn Soạn tuyên truyền, giác ngộ, Trương Văn Chấn từng bước hiểu hơn bản chất chế độ thực dân nửa phong kiến, về con đường đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Mùa thu năm 1935, Nguyễn Soạn bị bọn mật thám bắt về bót tra hỏi và bị trục xuất về Quảng Nam. Cũng do biết Trương Văn Chấn vào Quy Nhơn, cùng sống với Nguyễn Soạn, chính quyền Nam triều Quảng Nam có trát4 về làng Hóa Tây bắt gia đình khai lý lịch và buộc gọi về quê.
Trong tình cảnh ấy, cuối năm 1935, Trương Văn Chấn trở về địa phương, làm nghề hớt tóc tại chợ Quảng Huế. Đây cũng là thời điểm phong trào cách mạng ở huyện Đại Lộc có bước phục hồi sau khi bị địch khủng bố vào cuối năm 1930. Nhiều hoạt động tuyên truyền của Đảng đã thu hút nhiều thanh niên, nhất là học sinh trường Mỹ Hòa tham gia. Năm 1936, Trương Văn Chấn tiếp xúc với Hồ Phước Hậu (bí danh: Hồng Phúc), người làng Hoá Đại, tổng Mỹ Hoà, một thanh niên có tư tưởng tiến bộ, đồng thời là bạn bè thân thiết từ nhỏ, sau này là Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Cả hai cùng nhau mua sách, báo tiến bộ để đọc, qua đó tiếp thu tư tưởng mới, trao đổi tình hình trong nước và thế giới, đồng thời tập hợp một số anh em khác thành lập nhóm “Tập làm văn”.
Giữa lúc đó, hè năm 1937, đồng chí Trần Tống - một học sinh và là Bí thư Chi bộ trường Quốc học Huế về làng Hóa Tây nghỉ hè và mở lớp dạy học5. Quá trình dạy học, đồng chí chọn một số thanh niên, học sinh trong vùng có tư tưởng tiến bộ, trong đó có Trương Văn Chấn để giáo dục, bồi dưỡng lý luận cách mạng và tổ chức thành nhóm thanh niên cộng sản. Gần hết kỳ nghỉ hè, đồng chí đã giới thiệu nhóm thanh niên trên cho đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, bấy giờ là Tỉnh ủy viên, được phân công phụ trách huyện Đại Lộc, để tiếp tục theo dõi, giác ngộ 6.
Trên cơ sở nhóm thanh niên do đồng chí Trần Tống giới thiệu, tháng 8 năm 1937, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã chọn và kết nạp một số thành viên trong nhóm thanh niên trên vào Đảng, trong đó có Trương Văn Chấn, lập thành Chi bộ tổng Mỹ Hoà. Đồng chí Trương Văn Chấn được cử làm Phó Bí thư Chi bộ phụ trách tuyên truyền. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương thứ hai được thành lập ở huyện Đại Lộc.
Trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ, đồng chí Trương Văn Chấn tích cực tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng chí đã cùng Chi bộ tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, học sinh, tổ chức Thanh niên dân chủ và phát triển được 4 đảng viên. Với kết quả hoạt động trên, ngày 09 tháng 12 năm 1937, đồng chí là một trong hai đại biểu của Chi bộ tổng Mỹ Hoà được cử tham dự Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc. Tại hội nghị, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời.
Tháng 5 năm 1938, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Trà Kiệu, phủ Duy Xuyên, đồng chí Trương Văn Chấn được cử phụ trách công tác thông tin, liên lạc cho Tỉnh uỷ.
Giữa lúc đồng chí Trương Văn Chấn tích cực hoạt động thì tháng 10 năm 1939, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nói chung, ở huyện Đại Lộc nói riêng bị bọn thực dân Pháp và Nam triều đánh phá. Đồng chí Trương Văn Chấn cùng nhiều đồng chí khác bị bắt, giam ở nhà lao Hội An.
Tháng 5 năm 1941, mãn hạn tù, trở về nhà, mặc dù bị theo dõi gắt gao nhưng đồng chí vẫn tích cực liên lạc, xây dựng lại phong trào. Kết quả, Chi bộ tổng Mỹ Hoà, bí danh Hồng Phúc được thành lập và đồng chí được cử giữ chức Phó Bí thư Chi bộ phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đại Lộc được lập lại sau đợt khủng bố cuối năm 1939. Cùng với Chi bộ Hồng Phúc, đồng chí Trương Văn Chấn đã tích cực tuyên truyền ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, chuyển thanh niên dân chủ sang thanh niên cứu quốc và tổ chức các đoàn thể khác hoạt động theo Chương trình Mặt trận Việt Minh.
Tháng 3 năm 1942, phong trào cách mạng ở Quảng Nam lại bị địch đánh phá. Một lần nữa, đồng chí Trương Văn Chấn bị địch bắt và bị giam ở nhà lao Hội An. Trong những năm 1942 - 1944, đồng chí đã cùng tập thể tù nhân tham gia tích cực trong tất cả các cuộc đấu tranh, nhất là chống lại chế độ giam cầm hà khắc, đòi cải thiện đời sống, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ngày 20 tháng 4 năm 1945, đồng chí được ra tù và trở về địa phương tiếp tục hoạt động. Chi bộ tổng Mỹ Hoà đựơc lập lại (bí danh Kim Phúc)7 và đồng chí được cử giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện.
Những ngày chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí tích cực đi xây dựng các cơ sở cứu quốc, xây dựng lực lượng tự vệ, truyền bá chữ quốc ngữ... Ngày 19 tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền ở tổng Mỹ Hoà. Khởi nghĩa thắng lợi, đồng chí được cử vào Ban chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ và tự vệ chiến đấu và Trưởng ban thông tin tuyên truyền của tổng Mỹ Hoà, trực tiếp vận động tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng ở các xã (làng).
Mùa Xuân năm 1947, đồng chí Trương Văn Chấn được điều động làm Bí thư Đảng đoàn hành chính, Chính trị viên dân quân tự vệ và tự vệ chiến đấu, phụ trách nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác -Lênin của huyện Đại Lộc.
Tháng 8 năm 1947, đồng chí đựơc Huyện ủy và Tỉnh uỷ cử đi học tại Trường Quân chính Khu 5; 3 tháng sau được điều về làm Chính trị viên đại đội, Ban 3 (Ban giao thông - liên lạc), Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Khu 5. Năm 1948, sau khi sát nhập Khu 5 và Khu 6 thành Liên khu 5, đồng chí được cử làm Trưởng ban công tác chính trị đại đội thuộc Ban 3.
Cuối năm 1951, đồng chí được chuyển về Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Liên khu 5 và được biên chế ở Ban Tổ chức, đảm trách công tác nghiên cứu chính sách đồng thời phụ trách công tác thương binh, liệt sỹ và được quyết định làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn.
Mùa hè năm 1952, đồng chí được biệt phái sang Nông hội Liên khu 5, tham gia phát động quần chúng giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Sau đó về lại Phòng Chính trị và được cử tham gia tổ chức các lớp chỉnh huấn dành cho cán bộ cấp trung, đại đội của hai Phòng Chính trị và Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Liên khu 5.
Ngày 11 tháng 10 năm 1954, đồng chí cùng Đại đoàn 305 của Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc, sau đó được điều về Cục Tổ chức trực thuộc Tổng cục Chính trị làm công tác nghiên cứu chính sách. Đầu năm 1956, được đề bạt làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Tháng 3 năm 1956 đến tháng 11 năm 1957, đồng chí tham gia giảng dạy chính trị tại trường Kinh tế - Tài chính Hà Nội. Từ tháng 12 năm 1957 được điều công tác tại mỏ than Hòn Gai. Từ năm 1958 đến năm 1973, đồng chí được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của công ty than Hòn Gai- Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Tháng 01 năm 1973, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ và sống tại thị trấn Hà Tu, thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tháng 6 năm 1976, đồng chí chuyển vào sống tại phường 9, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Do tuổi cao, sức khỏe yếu, đồng chí từ trần ngày 12 tháng 5 năm 2004, an táng tại Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng đội, người thân. Đồng chí Trương Văn Chấn đã để lại một tấm gương sáng về sự lạc quan cách mạng, lòng kiên trung, tận tụy, công tâm, trong sáng.
Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực và địa bàn công tác, đồng chí Trương Văn Chấn luôn thể hiện là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, một lòng vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Cả cuộc đời đồng chí không màng danh lợi, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, sống chân thành với đồng chí, đồng đội, gần gũi với nhân dân, đồng chí.
Suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trương Văn Chấn đã được tặng Huy hiệu 50, 40 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
3 Đồng chí Nguyễn Soạn, người làng Ái Nghĩa, nay là Khu Nghĩa Phước, thị trấn Ái Nghĩa, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Năm 1930, bị bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, ra tù năm 1932, vào Quy Nhơn làm nghề hớt tóc.
4 lệnh bằng văn bản của quan lại truyền xuống cho dân, cho cấp dưới
5 Đồng chí Trần Tống, người làng Thừa Bình, tổng Đại An, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Xem thêm công trình: “Quảng Nam-Những tấm gương cộng sản, tập 1”, Nxb. Đà Nẵng, năm 2010
6 Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam năm 1939. Xem thêm công trình: “Quảng Nam-Những tấm gương cộng sản, tập 1”, Nxb. Đà Nẵng, năm 2010.
7 Kim Phúc là chữ ghép tên của đồng chí Hồ Phước Hậu và đồng chí Trương Kim Ấn. Đồng chí Trương Kim Ấn là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ tổng Mỹ Hoà và hy sinh trong nhà lao Hội An. Phúc là bí danh của đồng chí Hồ Phước Hậu và Kim là chữ lót của đồng chí Trương Kim Ấn.