Đăng nhập

Tài khoản
Đồng chí NGUYỄN THÚC HƯNG (NĂM HƯNG) (1908 - 1947)
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 02/12/2022 .Lượt xem: 316 lượt.


   Đồng chí Nguyễn Thúc Hưng (còn gọi là Năm Hưng) sinh năm 1908 tại làng Đông Lâm, tổng Đại An (nay là thôn Đông Lâm, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc).

          Thuở nhỏ, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng rất chăm học và sáng dạ, đã học xong bậc tiểu học tại trường Mỹ Hoà. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả song đồng chí sớm ý thức được thân phận của người dân mất nước. Nhà ở gần huyện đường nên hàng ngày đồng chí chứng kiến cảnh quan lại hà hiếp dân lành nhưng lại luồn cúi trước bọn thực dân cướp nước.

          Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu từ sở Staca (Đà Nẵng ) trở về Đại Lộc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng chí đã nhiều lần đến Đại Quang giác ngộ, tập hợp số thanh niên tiến bộ vào nhóm thanh niên cộng sản tổng Đại An, trong đó có Nguyễn Thúc Hưng. Tháng 11 năm 1936, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã chọn những cá nhân xuất sắc trong 2 nhóm thanh niên cộng sản ở tổng Đại An và tổng Đức Hạ thành lập một chi bộ Đảng gồm 7 đồng chí, chia làm 2 bộ phận. Nguyễn Thúc Hưng là đảng viên sinh hoạt tại bộ phận ở huyện lỵ Đông Lâm. Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Thúc Hưng đã cùng các đồng chí Trần Trí, Trương Quang Liệu tổ chức các hình thức tuyên truyền thích hợp như nói chuyện tình hình trong nước và thế giới, dùng văn thơ đả kích chế độ thực dân phong kiến, khơi dậy lòng yêu nước và giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và từng bước đưa đường lối Cách mạng của Đảng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân . Nhờ hành nghề hớt tóc tại nhà  kiêm bán thuốc Bắc (hiệu thuốc Võ Văn Vân), đồng chí có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với thanh niên, học sinh; tổ chức phong trào đọc sách báo cách mạng và tiến bộ (với sự hỗ trợ của đồng chí Trần Kiều, người làng Đông Lâm, làm công nhân Bưu điện nên thường xuyên chuyển sách, báo về địa phương).

    Khi nổ ra phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng và lãnh đạo), ở Đại Quang, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng tích cực tham gia tổ chức nói chuyện về mục đích của phong trào, vận động lấy chữ ký, đưa kiến nghị đòi cải cách dân chủ . Đồng chí cùng các đảng viên cộng sản khác trực tiếp đến các làng phổ biến cho quần chúng thấy được thực chất chuyến đi của phái đoàn chính phủ Bình dân Pháp (do Guyt-xtanh Gô-đa dẫn đầu) sang Đông Dương và sau đó, tổ chức vận động bỏ phiếu cho ứng cử viên Phan Thanh trong cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung kỳ (tháng 8 năm 1937), góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, thúc đẩy phong trào Cách mạng trên địa bàn huyện, nhất là tại khu vực huyện lỵ, phát triển mạnh mẽ.

          Ngày 09 tháng 12 năm 1937, tại nhà ông Phó Liên (thân sinh đồng chí Trương Quang Lạc) ở làng Bàng Trạch, tổng Đại An, Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Thúc Hưng được Hội nghị tín nhiệm cử vào Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Đại Lộc (gồm 7 đồng chí) và được phân công trực tiếp chỉ đạo phong trào Cách mạng ở tổng Đại An (cùng với đồng chí Trương Quang Lạc).

          Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố phong trào Cách mạng của nhân dân ta. Đại Quang là nơi chính quyền phong kiến Đại Lộc đặt trụ sở nên trở thành trọng điểm chống phá của kẻ thù. Một lực lượng tay sai có kinh nghiệm đàn áp được tung ra khắp các làng, theo dõi chặt chẽ các đảng viên và quần chúng yêu nước. Các đồng chí Nguyễn Thúc Hưng và Trương Quang Lạc- hai Huyện uỷ viên "đứng mũi chịu sào" ở Đại Quang - rơi vào tay mật thám và bị giam cầm ở Hội An. Mặc dù bị địch tra tấn dã man và tìm mọi cách để dụ dỗ, lung lạc, song trước sau như một, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng vẫn kiên quyết không khai báo nên  các cơ sở của ta không bị lộ, hạn chế được tổn thất. Đồng chí còn hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh trong nhà tù và tích cực học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin.

    Năm 1942, vì không đủ cơ sở kết tội, địch buộc phải trả tự do cho đồng chí. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng tìm cách bắt liên lạc ngay với tổ chức Đảng và hoà nhập nhanh vào phong trào Cách mạng. Tiếp tục hành nghề hớt tóc và bán thuốc Bắc, đồng chí đã khéo léo tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh cho khách hàng, nhất là thanh niên; vận động anh em lính gác và quần chúng tiến bộ bí mật chuyển thuốc men vào chăm sóc, bồi dưỡng sức lực cho các đồng chí đảng viên  đang bị giam cầm, tra tấn  tại nhà lao huyện lỵ. Đồng chí Nguyễn Thúc Hưng còn giao cho một số thanh niên cứu quốc đưa tận tay tài liệu Việt Minh cho lý trưởng các làng Đông Lâm và Phú Hương, vận động họ ngả theo Cách mạng và tham gia Ban vận động cứu quốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân được thành lập, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng được  cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời làng Đông Lâm. Lúc này, nhờ tài liệu do đồng chí thu thập và cung cấp, lực lượng vũ trang huyện, xã đã kịp thời tóm gọn bọn phản động đang hoạt động tại khu vực huyện lỵ, đập  tan âm mưu chống phá chính quyền Cách mạng của chúng.

          Thời gian sau đó, hưởng ứng chủ trương "diệt giặc dốt" của Bác Hồ và Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng đã lập Hiệu sách Ngọc Mai ngay tại nhà riêng, góp phần đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.

          Khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng chiến tranh ra Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Thúc Hưng hăng hái vận động nhân dân tham gia đóng góp vào Quỹ Ngọc Mai để ủng hộ đồng bào Nam Bộ, Nam Trung Bộ kháng chiến.

    Năm 1947, sau khi chiếm Đà Nẵng và một số vùng lân cận, quân xâm lược Pháp mở các đợt tấn công vào Đại Lộc, đánh chiếm Đại Quang, thành lập trên địa bàn xã nhiều đồn bót và điên cuồng khủng bố, giết hại cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thúc Hưng bị địch bắt, đưa về giam giữ tại nhà lao Hội An và bí mật thủ tiêu. Khi đó đồng chí mới 39 tuổi.

          Ghi nhận những cống hiến của đồng chí Nguyễn Thúc Hưng(Năm Hưng) đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của dân tộc, ngày 29 tháng 12 năm 1998, Chủ tịch nước CHXHCNVN đã ký Quyết định số 658-KT/CT truy tặng đồng chí  Huân chương Độc lập hạng Ba.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đồng chí Bí thư Huyện ủy thăm, tặng quà và viếng hương các đồng chí nguyên lãnh đạo của huyện
Đồng chí LÊ CAO PHONG (1903 - 2000)
Các tin cũ hơn:
Đồng chí LÊ NGHIÊN (1910-1990)
Đồng chí TRƯƠNG VĂN CHẤN (1915 - 2004)
Đồng chí TRƯƠNG QUANG LẠC (1914 - 1942)
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc (09/12/1937- 09/12/2022)
Đồng chí HỒ PHƯỚC HẬU (1916- 1940)
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC THIỆU- BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐẠI LỘC