Đồng chí Lê Cao Phong (còn có tên Lê Phong; bí danh Chí Tâm), sinh ngày 01 tháng 02 năm 1903, tại làng Tích Phú, tổng Đức Hạ (nay là thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc). Sau khi tốt nghiệp tiểu học, đồng chí đi làm phụ lái xe lửa ở ga Hòa Mỹ (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Tại đây, qua môi trường làm việc của giai cấp công nhân, được đến nhiều nơi theo những chuyến tàu, tiếp thu sách báo tiến bộ, đồng chí chịu ảnh hưởng của những luồng tư tưởng mới. Đặc biệt, đồng chí được tiếp xúc đồng chí Bùi Châu, Bí thư Thị ủy Tân Việt cách mạng Đảng Đà Nẵng (Đảng Tân Việt) - một Đảng chịu ảnh hưởng về đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên15. Tháng 7 năm 1928, Lê Cao Phong được kết nạp vào Tân Việt Cách mạng Đảng, trở thành một trong 14 đảng viên của Đảng hoạt động trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng16.
Cuối năm 1929, trong nội bộ Đảng Tân Việt có sự phân hóa lớn, dẫn đến việc xuất hiện những chi bộ cộng sản do phái tả trong Đảng thành lập. Ngày 01 tháng 01 năm 1930, trong xu thế hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, các chi bộ cộng sản trên lập thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cùng thời gian đó, Tổng bộ Tân Việt cách mạng Đảng ở Huế bị tan vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên Tân Việt bị thực dân Pháp bắt giam cầm. Để tránh bị bắt, các đảng viên Tân Việt ở Quảng Nam phân tán đi các nơi làm ăn, một số nằm im chờ liên lạc của cấp trên, Lê Cao Phong về lại huyện Đại Lộc.
Thông qua các đảng viên Tân Việt, tháng 8 năm 1930, đồng chí Lê Cao Phong bắt nối hoạt động trở lại và được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1930, phong trào cách mạng ở huyện Đại Lộc bị thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đàn áp khốc liệt, đồng chí Lê Cao Phong cũng không nằm ngoài đối tượng vây bắt của kẻ thù. Đồng chí bị bắt tại nhà riêng ở làng Tích Phú, giải về trại giam của huyện, sau đó đưa vào giam tại nhà lao tỉnh.
Trong nhà lao, đồng chí tiếp tục đấu tranh với bọn cai ngục, động viên đồng đội giữ vững chí khí chiến đấu cũng như chống lại chế độ giam cầm hà khắc của địch17.
Tháng 3 năm 1933, mãn hạn tù, Lê Cao Phong được giải về huyện. Huyện gọi lý trưởng sở tại đến nhận về quản thúc, mỗi tuần phải đến huyện trình diện một lần. Nhằm che mắt kẻ thù, Lê Cao Phong tổ chức dạy học cho con em trong vùng và cùng với một số thanh niên tiến bộ thành lập nhóm đọc sách báo, truyền bá chữ quốc ngữ. Thông qua các hoạt động này, đồng chí đã giúp cho thanh niên, học sinh thấy được sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và nỗi đau thương, tủi nhục của người dân mất nước, đồng thời khéo léo tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản và đường lối cứu nước của Đảng Cộng sản Đông Dương trong quần chúng.
Năm 1936, được đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đến bắt liên lạc và cùng tuyên truyền, hình thành các nhóm thanh niên cộng sản ở các tổng Đức Hạ và Đại An. Cuối năm 1936, trên cơ sở các nhóm thanh niên cộng sản, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đại Lộc, trong đó có đồng chí Lê Cao Phong, về sau chi bộ này tách thành Chi bộ tổng Đại An và Chi bộ tổng Đức Hạ, đồng chí Lê Cao Phong sinh hoat tại Chi bộ tổng Đức Hạ.
Những hoạt động trên đã góp phần phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trên địa bàn huyện Đại Lộc. Tháng 12 năm 1937, đồng chí Lê Cao Phong là một trong hai đại biểu của Chi bộ tổng Đức Hạ được cử đi dự Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc. Tại Hội nghị này, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Trên cương vị Huyện ủy viên, đồng chí cùng với các đảng viên của huyện tổ chức nhiều hình thức đấu tranh như: vận động bầu cử Phan Thanh, Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, thành lập các tổ chức quần chúng dân chủ ở địa phương, chống dự án tăng thuế của Khâm sứ Trung Kỳ...
Cuối năm 1939, phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam bị kẻ thù đàn áp khốc liệt. Lần này, Lê Cao Phong thoát khỏi sự truy lùng của địch, nhưng lại mất liên lạc với cấp trên. Không thể ngồi chờ, Lê Cao Phong chủ động bắt nối cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng, chờ thời cơ.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945), tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, nhiều đảng viên từ các nhà tù lần lượt trở về và Lê Cao Phong được bắt nối, tiếp tục hoạt động, trở thành người chủ chốt trong việc xây dựng phong trào ở các làng Phú Quý, Tích Phú của tổng Đức Hạ.
Tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Ban bạo động khởi nghĩa huyện Đại Lộc, đồng chí Lê Cao Phong cùng với các đồng chí đảng viên ở tổng Đức Hạ nhạy bén nắm bắt tình hình, kịp thời vận động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Cao Phong lần lượt được phân công giữ các chức vụ: Ủy viên lâm thời tổng Đức Hạ, Bí thư xã ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã Đại Hiệp, Bí thư Nông hội huyện, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Liên việt huyện, Trưởng ban Quản lý đập Tây Long (Thăng Bình), cán bộ kiểm tra huyện Đại Lộc, Bí thư Xã ủy xã Đại Hiệp. Nhiệm vụ nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc, được cấp trên ghi nhận, góp phần vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn địa phương.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tình hình ở xã Đại Hiệp diễn biến khá phức tạp. Nơi đây, nguyên là vùng bị địch tạm chiếm trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nên chúng biết rất rõ lực lượng của ta và thiết lập bộ máy ngụy quyền tay sai khá sớm. Theo chủ trương chung, ta phải sắp xếp lại hệ thống tổ chức, rút vào hoạt động bí mật, chuyển hướng đấu tranh nhằm giữ gìn lực lượng và đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Với bề dày hoạt động cách mạng, am hiểu tình hình địa phương, đồng chí Lê Cao Phong được tổ chức phân công ở lại hoạt động để góp phần “giữ lửa” cho phong trào cách mạng. Một chi ủy mới (chi ủy bí mật) được thành lập và đồng chí Lê Cao Phong được cử làm Bí thư.
Một buổi chiều tháng 01 năm 1955, đồng chí triệu tập các đồng chí trong Chi ủy về thôn Tích Phú để truyền đạt chủ trương mới. Không may, địch phát hiện được địa điểm họp. Chúng ập đến bắt các đồng chí ta đưa về giam ở một trại lính bảo an giam giữ, tìm mọi cách dụ dỗ, tra khảo nhưng đều thất bại. Cách vài ngày bọn địch lại thay nhau đến dọa dẫm, dụ dỗ và khiêu khích Lê Cao Phong. Cuối tháng 01 năm 1955, nhận định địch có khả năng thủ tiêu các đảng viên cộng sản, Lê Cao Phong bí mật bàn với các đồng chí Phan Hồ, Trương Gia, Tưởng Tới, một mặt tìm cách liên lạc với cấp trên xin chỉ thị hành động, một mặt chủ động vạch kế hoạch trốn thoát. Sau khi nhận được ý kiến đồng ý của cấp trên cho vượt ngục và quy định chỗ ở sau khi ra khỏi nhà lao, Lê Cao Phong và 3 đồng chí của mình chia làm 2 toán, mưu trí, khôn khéo thoát khỏi nơi giam cầm, trở về với đồng chí, đồng bào, tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi có quyết định tập kết ra miền Bắc.
Đồng chí được điều động về công tác ở Đặc khu Vĩnh Linh, tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thường xuyên bị bom Mỹ cày xới, điều kiện sống và công tác vô cùng khó khăn nhưng đồng chí đều nỗ lực vượt qua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. Đồng chí đã làm tốt vai trò của một cán bộ tuyên huấn Huyện ủy Vĩnh Linh; sau đó đồng chí giữ chức Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ cơ quan Ty Văn hóa Vĩnh Linh.
Tháng 3 năm 1975, với 62 tuổi đời và 48 năm hoạt động cách mạng, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ, về với đời thường nhưng tinh thần trách nhiệm của người cộng sản vẫn không nguôi.
Không chỉ vậy, trong cuộc sống đời thường, đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về đạo đức cho con cháu noi theo. Lối sống giản dị, trung thực, luôn gần gũi và quan tâm đến mọi người trong thôn xóm.
Đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Cao Phong được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ở thời điểm đó, đồng chí là đảng viên đầu tiên và duy nhất đang sinh hoạt tại Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ngày 22 tháng 9 năm 2000, đồng chí qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng chí, bà con láng giềng và người thân.
Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 70, 60, 50, 40 năm tuổi Đảng.
97 tuổi đời, trên 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Cao Phong đã sống cuộc đời gần trọn thế kỷ XX, chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam và cũng để lại nhiều dấu ấn trong phong trào cách mạng của huyện Đại Lộc nói riêng và cả Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung.
15 Đảng Tân Việt là một tổ chức yêu nước - địa bàn hoạt động chủ yếu ở miền Trung - lúc mới thành lập chưa có đường lối chính trị và chương trình hoạt động rõ ràng. Một số đảng viên Tân Việt vận động cho việc hợp nhất Tân Việt với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhưng không thành. Về sau, đường lối hoạt động của Tân Việt có chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
16 Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 -1975, Nxb.CTQG, H. 2006, tr.72.
17 Chuyện về một người nhóm lửa: Báo Quảng Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2007.