Vũ Trọng Hoàng - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Người con đất Quảng kiên trung
Đồng chí Vũ Trọng Hoàng, tên thường gọi là Bốn Hương, sinh ngày 01/5/1923, tại làng Phương Trì, tổng Xuân Phú, nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1939, lúc mới 16 tuổi, đồng chí đã tham gia hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đầu năm 1942, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Quế Sơn, Hội An, bị đày đi căng an trí Ly Hy, rồi nhà lao Thừa Phủ - Huế. Trong nhà lao, mặc dù bị tra tấn dã man dưới đòn roi của kẻ thù nhưng đồng chí vẫn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, động viên anh em tù chính trị giữ vững tinh thần, tin tưởng và đoàn kết cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, đế quốc. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được trả tự do. Ngay sau khi ra tù, đồng chí đã chủ động bắt liên lạc với tổ chức Đảng và tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam. Tháng 7/1947 thực hiện chủ trương của liên khu ủy 5 về việc nâng cao trình độ cho cán bộ, đồng chí được cấp trên cho đi học tập văn hóa. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 3/1952, đồng chí được bầu vào Tỉnh ủy, được phân công về làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Trên cương vị là Bí thư Huyện ủy, với tác phong sâu sát, đồng chí trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình, rồi cùng với Huyện ủy đề ra nhiều chủ trương sát đúng. Trước hết là phát động nông dân thực hiện giảm tô, chia ruộng công điền và ruộng vắng chủ cho nông dân nghèo, tổ chức nông dân thành các tổ vòng công, đổi công, đẩy mạnh thi đua sản xuất, chăn nuôi, thực hành tiết kiệm, làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để chống đói và nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ cho tiền tuyến và cung cấp cho các đơn vị, cơ quan đứng trên địa bàn. Mặc khác, đẩy mạnh nhiệm vụ phòng gian, bảo mật, xây dựng bộ đội địa phương huyện, du kích xã, rào làng chiến đấu, đào giao thông hào, địa đạo để chống âm mưu đánh chiếm vùng tự do của giặc Pháp.
Sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được phân công ở lại công tác ở miền Nam, làm Bí thư Huyện uỷ Quế Sơn. Lúc bấy giờ, ở Quế Sơn hầu hết cơ sở cách mạng bị bể vỡ, đứt liên lạc với Đảng, trong khi đó nhiều cán bộ, đảng viên đi tập kết, song chí vẫn không nao núng, vẫn kiên trì móc nối xây dựng lại cơ sở, hình thành bộ máy chỉ đạo khắp ba vùng thấp, trung, cao trong huyện, đồng thời vận động nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Mặc dù đây là thời kỳ cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất, song đồng chí đã không ngại gian khổ hy sinh, vẫn kiên cường trụ bám xây dựng cơ sở và lực lượng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch quyết liệt, góp phần “giữ lửa” phong trào cách mạng huyện Quế Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.
Tháng 8/1959, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến cuối năm 1960, được bổ sung làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng phụ cánh Nam của tỉnh, trực tiếp chỉ đạo huyện Tam Kỳ. Với nhiệm vụ được phân công, đồng chí luôn kề vai, sát cánh cùng Huyện ủy Tam Kỳ trong việc triển khai thực hiện thí điểm giải phóng Tứ Mỹ (Kỳ Sanh), điểm mở đầu cho chiến dịch mở ra ở đồng bằng Khu 5 trong năm 1961.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hồ, nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ “Để triển khai thực hiện chủ trương của cấp trên, Huyện ủy tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp để quán triệt, bàn bạc kế hoạch thực hiện. Đồng chí Vũ Trọng Hoàng luôn theo dõi và trực tiếp tham gia các cuộc họp. Đồng chí có nhiều ý kiến chỉ đạo sát đúng, sáng tạo, giúp cho Huyện ủy phát huy được sức mạnh tập thể với tinh thần cách mạng tấn công. Đồng chí thường yêu cầu và cùng chúng tôi bám sát cơ sở để chỉ đạo các đội, mũi công tác các xã tăng cường tuyên truyền, vận động để rút thanh niên từ vùng địch lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang huyện, xây dựng cơ quan, từng bước hình thành tổ chức lãnh đạo, chỉ huy thành hệ thống từ huyện xuống xã, ấp. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sau sát của đồng chí Vũ Trọng Hoàng, phong trào cách mạng của huyện Tam Kỳ từng bước phục hồi và có bước phát triển mạnh mẽ”.
Cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam. Sau nhiều năm lăn lộn, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo rất hiệu quả phong trào cách mạng ở các địa phương, tháng 3/1963, đồng chí được bầu bổ sung giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trên cương vị mới, đồng chí không ngừng học hỏi, nghiên cứu và vận dụng tốt đường lối, chủ trương của Trung ương, Khu uỷ 5 vào điều kiện cụ thể của địa phương, góp phần cùng với Tỉnh uỷ chỉ đạo phong trào trong tỉnh một cách toàn diện trên cả ba vùng chiến lược nông thôn, đồng bằng, miền núi và đô thị, cả quân sự, chính trị và binh vận; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo rất hiệu quả phong trào quần chúng ở các địa phương, nhất là các huyện cánh Nam của tỉnh.
Tại Hội nghị Khu uỷ 5 tháng 6/1967, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được bổ sung vào Khu uỷ 5 kiêm Chính uỷ Mặt trận Nam Quảng Nam, thời gian này, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, đồng chí liên tục đi chỉ đạo, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh diệt ác phá kèm, chống địch xúc tát dồn dân, cùng với Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo quân và dân trong tỉnh hưởng ứng đợt phát động Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân lịch sử năm 1968, giáng một đòn chí mạng vào bọn Mỹ - Ngụy, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.
Người cán bộ Tổ chức tận tuỵ, công tâm
Cuối năm 1968, đồng chí được điều về làm Phó Ban Tổ chức Khu uỷ 5. Đây là công việc đòi hỏi tính kiên trì, thận trọng, song đồng chí đã cố gắng đi sâu nghiên cứu, nắm vấn đề và đã chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ của Khu 5 đạt được những kết quả tốt, nhất là việc phát triển lực lượng cách mạng, kết nạp thêm đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, vấn đề công tác cán bộ, tạo ra được một trong những nhân tố cơ bản để giành thắng lợi lớn trong chiến dịch xuân năm 1975 ở khu 5, góp phần nhất định vào thành quả chung của cách mạng miền Nam, giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, từ tháng 4/1976 đến năm 1983, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được điều về làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trực tiếp phụ trách các tỉnh thuộc khu 5 và khu 6, Đại biểu Quốc hộc khóa VI. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã góp phần giải quyết một loạt các vấn đề mới để phục vụ kịp thời tình hình nhiệm vụ mới, như xem xét và chứng nhận hàng loạt cán bộ ở miền Bắc về tăng cường bổ sung cho các địa phương; vấn đề tổ chức và cán bộ trong việc giải thể khu, nhập tỉnh mới, kiện toàn huyện, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ, nhất là làm chuyển biến tổ chức cơ sở, tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, sắp xếp và bố trí hợp lý dần đội ngũ cán bộ… tạo điều kiện để Trung ương hiểu và nắm địa phương sâu và chắc hơn.
Đồng chí có cuộc sống giản dị, liêm khiết, chí công vô tư. Khi còn còn làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, có một số anh em đến nhờ vả về việc bố trí công tác, đồng chí dứt khoát từ chối không nhận quà của ai. Có người nói khéo: “Thôi thì bác vui lòng nhận cho con cho cháu!”. Đồng chí Vũ Trọng Hoàng chân thành mà kiên quyết bảo: “Tôi làm tổ chức mà nhận quà cho con, con nhìn thấy mình hưởng lộc cha thì chẳng lợi ích gì trong rèn luyện đạo đức, nhân cách con người mới”.
Người đồng chí trọn nghĩa, vẹn tình
Năm 1983, tròn 60 năm tuổi đời với gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, do sức khỏe suy giảm, đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện, tỉnh và khu 5, đồng chí tích cực tham gia góp ý hoàn thiện lịch sử Đảng bộ địa phương và các tỉnh khu 5, huyện Quế Sơn, nhất là lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 1975. Mặt khác, đồng chí không quên cùng bạn bè, đồng đội thăm lại các chiến trường xưa, thăm hỏi ân cần và biết ơn những đồng bào, đồng chí đã cưu mang, nuôi gấu, đùm bọc, giúp đỡ mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để mình có được như ngày hôm nay.
Đồng chí Vũ Trọng Hoàng một lần về thăm nhà máy Thủy điện An Điềm huyện Đại Lộc
Trong thời gian lâm trọng bệnh, khi được bệnh viện, gia đình, đồng chí, bạn bè tận tình chăm sóc, đồng chí cũng đã tự mình xác định khoảnh khắc hệ trọng này, đồng chí ân cần dặn dò, chỉ bảo nhiều điều còn đau đáu trong lòng, nhiều điều muốn làm mà vẫn chưa làm kịp. Trước khi nhắm mắt, đồng chí đã dặn dò Trung tướng Nguyễn Huy Chương những lời tâm huyết: “Chương cố gắng chứng nhận cho các đồng chí bị bắt, bị tù mà chúng ta biết rõ để các đồng chí ấy không bị thiệt thòi, được hưởng quyền lợi xứng đáng với công lao đã đóng góp. Ở Quế Sơn, số cán bộ cựu trào đã đi hết rồi, chỉ còn lại tôi và cậu. Cậu cố gắng tham gia với Quế Sơn viết lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và của quân dân Quế Sơn. Chắc từng trải trường đời cậu hiểu, con người sống đã khó, sống trọn vẹn càng khó. Về hưu chưa hẳn đã xong đâu. Cuộc sống còn nhiều phức tạp lắm. Đừng chủ quan, cố giữ mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay…”.
Với những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Vũ Trọng Hoàng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 60, 50, 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lê Năng Đông,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam