Đồng chí Phạm Thâm tên khai sinh là Phạm Tấn Khánh, sinh năm 1903, tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học. Cha đồng chí từng đỗ tú tài, nên từ nhỏ, Phạm Thâm đã may mắn được gia đình cho ăn học. Lòng yêu nước và căm ghét sự bất công của chế độ thực dân phong kiến đã đưa Phạm Thâm sớm đến với những cuộc đấu tranh yêu nước của quần chúng nhân dân. Tháng 8/1927, khi là giáo sinh sư phạm ở Hội An, Phạm Thâm đã vận động đồng môn bãi khóa và kéo đến Tòa Công sứ để phản đối Đốc Ký ăn hối lộ, trừng phạt vô cớ và mạt sát học sinh...
Sau thời gian học tập ở Hội An, Phạm Thâm về quê mở trường dạy học và có điều kiện tiếp xúc với nhiều người có tinh thần yêu nước. Tháng 10/1927, qua giới thiệu của Nguyễn Thái, Phạm Thâm tham gia Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Hội VNCMTN) Hội An và được giao nhiệm vụ phát triển thêm cơ sở mới.
Gần cơ sở, sâu sát phong trào
Về Điện Bàn, đồng chí Phạm Thâm đã liên hệ với đồng chí Nguyễn Thành, người làng Bất Nhị, xã Điện Phước và đồng chí Nguyễn Tụy, người làng Cẩm Lậu, xã Điện Phong tổ chức một nhóm Hội VNCMTN đầu tiên ở Điện Bàn. Sau khi thành lập, nhóm thanh niên này đã tuyên truyền thu hút đông đảo thanh niên, thợ thuyền, nông dân, học sinh, giáo viên có tinh thần yêu nước trên địa bàn tham gia. Sau một thời gian ngắn, nhóm thanh niên này đã phát triển và lớn mạnh, trên cơ sở đó Chi bộ Hội VNCMTN phủ Điện Bàn được thành lập, gồm Phạm Thâm, Nguyễn Thành, Nguyễn Tụy, do đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư. Đến giữa năm 1929, đồng chí Phạm Thâm, được bổ sung Tỉnh bộ Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chưa đầy 2 tháng sau, ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thành lập. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 03 đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái. Đồng chí Phan Văn Định được cử làm Bí thư; đồng chí Phạm Thâm được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, lại là người có thời gian lăn lộn, sâu sát cơ sở, đồng chí Phạm Thâm được Tỉnh ủy phân công phụ trách xây dượng cơ sở cách mạng, phát triển đảng viên ở Điện Bàn, Quế Sơn và Duy Xuyên.
Tại Điện Bàn, trên cơ sở Chi bộ Hội VNTNCM phủ Điện Bàn, ngày 5/4/1930, đồng chí Phạm Thâm đã tuyên bố thành lập Chi bộ Bất Nhị - Chi bộ Đảng đầu tiên phủ Điện Bàn, do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư. Sau khi thành lập, đồng chí Phạm Thâm cùng với các đồng chí trong chi bộ Bất Nhị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Từ tháng 4/1930 đến tháng 7/1930, Điện Bàn đã phát triển được 5 chi bộ Đảng, trên cơ sở đó, tháng 7/1930, Phủ ủy Điện Bàn được thành lập.
Cũng trong tháng 4/1930, tại Quế Sơn, trên cơ sở hai nhóm bóng đá do đồng chí Trần Văn Tăng thành lập từ đầu năm 1929, đồng chí Phạm Thâm đã quyết định kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ ghép Quế Trạch - Phương Trì - Hòa Mỹ, do đồng chí Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư Chi bộ. Sau đó, đồng chí Phạm Thâm tiếp tục đi tuyên truyền vận động, phát triển đảng viên và thành lập Chi bộ Nghi Hạ - Nghi Trung (xã Quế Hiệp) do đồng chí Phạm Uyển làm Bí thư. Không dừng lại ở đó, đồng chí Phạm Thâm tiếp tục đến Trung Phước (nay thuộc huyện Nông Sơn) chọn những cơ sở cách mạng tích cực nhất để phát triển đảng. Đến tháng 8/1930, đồng chí đã kết nạp được 3 đảng viên là Hà Gà, Dương Một và Đinh Phụng và thành lập ở đây một tổ Đảng do đồng chí Hà Gà làm tổ trưởng. Như vậy, sau một thời gian lăn lộn xây dựng phong trào cách mạng, đến cuối tháng 8/1930, tại ở huyện Quế Sơn, đồng chí Phạm Thâm đã trực tiếp tuyên truyền, vận động và thành lập được 2 chi bộ và một tổ Đảng, với 15 đảng viên. Đó là cơ sở để ngày 16/9/1930, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Đảng bộ huyện Quế Sơn.
Trong lúc phong trào cách mạng đang phát triển, do có sự phản bội của một cán bộ phục vụ trong cơ quan Tỉnh ủy nên hầu hết các cơ sở bị lộ, địch tổ chức vây bắt đồng chí Lê Tuất, Bí thư chi bộ Tân Mỹ Đông (chi bộ đầu tiên của Duy Xuyên). Chúng cho người đến soát nhà và phát hiện nhiều tài liệu mật, sách báo cấm. Tiếp đó, bọn mật thám phát hiện nơi đóng cơ quan Tỉnh ủy và tổ chức vây ráp, lùng bắt các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy.
Trước tình hình đó, đồng chí Phạm Thâm đề nghị chuyển cơ quan Tỉnh ủy về làng Bất Nhị. Tại đây, tháng 8/1930, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp, tại đây đồng chí Phan Văn Định, Bí thư Tỉnh ủy đã đề cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư thay mình vì đồng chí Phạm Thâm có điều kiện đi lại hoạt động ở nông thôn, sâu sát phong trào hơn. Theo đồng chí Phan Văn Định: “Việc cử đồng chí Thâm thay tôi rất dễ hiểu: tôi ít gần phong trào lại vướng mắc việc nhà sứ (lái xe cho Công sứ), không có điều kiện và đủ sức để đáp ứng phong trào đang dồn nén như nước lũ áp bờ. Tỉnh ủy họp nhất trí cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư, phụ trách các huyện từ Quế Sơn trở vào, tôi Phó Bí thư phụ trách tổ chức, ấn loát, tài chính”.
Kiên trung trong nhà lao thực dân đế quốc
Phong trào cách mạng trong tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Thâm đang phát triển mạnh mẽ thì đến tháng 10/1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy. Chúng tiến hành khủng bố hết sức ác liệt, hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy, gồm Phan Văn Định, Phạm Thâm, Trần Đại Quả, Lê Tuất, Trần Kim Bảng… bị địch bắt giam ở nhà lao tỉnh (Vĩnh Điện). Trong nhà lao đồng chí Phạm Thâm đã cùng với anh em tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù. Thấy trong lao tỉnh liên tục xảy ra nhiều cuộc đấu tranh, nhất là cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, đến tháng 02/1931, địch đưa 10 tù nhân có án nặng mà chúng cho là cầm đầu các cuộc đấu tranh, trong đó có đồng chí Phạm Thâm, Phan Văn Định, Trần Đại Quả, Lê Tuất, Trần Kim Bảng… xuống nhà lao Hội An. Tại nhà lao Hội An, trước tình hình chế độ ăn uống ở đây cùng hết sức tồi tệ, đồng chí Phạm Thâm đã cùng các đồng chí khác bàn nhau tiếp tục đấu tranh để cải thiện bằng hình thức tuyệt thực. Cuối cùng bọn quản tù phải nhượng bộ, giải quyết các yêu sách của anh em.
Tháng 8/1931, đồng chí Phạm Thâm tiếp tục bị địch đưa đi nhà tù Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Trên đường đày đi Lao Bảo là một hành trình hết sức gian khổ, nhưng đồng chí Phạm Thâm cùng các đồng chí của mình tiếp tục đấu tranh giữ vững tinh thần ý chí cách mạng. Cuộc sống ở nhà tù Lao Bảo vô cùng khổ cực, bọn cai ngục áp dụng chế độ giam cầm rất hà khắc, nhằm giết dần giết mòn những người cộng sản. Thế nhưng, giữa sự sống và cái chết, đồng chí Phạm Thâm cùng đồng đội vẫn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù và giữ vững tinh thần cách mạng.
Đầu năm 1934, đồng chí Phạm Thâm được ra tù. Trở về nhà, do hậu quả của những đòn tra tấn dã man trong những năm tháng bị giam cầm trong nhà lao, đồng chí Phạm Thâm từ trần cuối tháng 9/1934.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Thâm tuy ngắn, nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Là người có điều kiện đi lại hoạt động ở nông thôn, sâu sát với phong trào, đồng chí đã không quản ngại hy sinh, gian khổ trực tiếp đi gieo những hạt mầm cách mạng trong những năm đầu phong trào cách mạng Quảng Nam còn trong trứng nước.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phạm Thâm (1903-2023), là dịp để chúng ta học tập ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần lạc quan cách mạng, phong cách làm việc sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với Nhân dân của đồng chí. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Lê Năng Đông,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam