Năm 2023, cùng với cả tỉnh, cả nước, huyện Đại Lộc phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế song với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc đã cố gắng vươn lên, vượt qua thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số
Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 14.855 tỷ đồng tăng 5,1% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ 62,6%. Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản duy trì ổn định, tiếp tục phục hồi và phát triển tốt. Công tác quảng bá, thu hút đầu tư được quan tâm, trong năm 2023, đã thu hút 10 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế của địa phương và giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn. Công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Đường tránh phía Tây Ái Nghĩa, Cầu An Bình, Đường nam QL14H - ĐT609C - Cầu Sông Thu, Đường ĐH3 Cầu Quảng Huế đi trung tâm hành chính huyện, cầu Văn Ly nối huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn… Những công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả phấn khởi, tạo nền tảng vững vàng để huyện Đại Lộc phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024. Giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản duy trì và phát triển ổn định. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 64.604 tấn đạt 100,25% so với kế hoạch. Đáng lưu ý là việc liên kết sản xuất giống cây trồng tiếp tục được triển khai mở rộng với diện tích trên 2.300 ha cây trồng các loại, đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai sâu rộng ở các địa phương. Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP đạt hạng sao cấp tỉnh (17 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao); riêng năm 2023, đã công nhận 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả theo Bộ tiêu chí mới. Đến nay, huyện Đại Lộc có 13/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 xã nông thôn mới nâng cao, 18 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu). Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, công tác bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa được quan tâm. Dinh (Ái Nghĩa) và Mộ Bà Phường Chào (Đại Cường), Đình làng Quảng Đại (Đại Cường) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, Mộ Cụ Đỗ Đăng Tuyển đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngành giáo dục của huyện được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, ngày càng nâng cao về chất lượng dạy và học. Năm 2023, trên địa bàn huyện có thêm 10 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân, thực hiện chính sách cho người có công, các đối tượng xã hội đều được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, chu đáo với nhiều hoạt động thiết thực. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên. Năm 2023, toàn huyện giảm 110 hộ nghèo so với năm 2022, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Đến nay, huyện Đại Lộc chỉ còn 574 hộ không có khả năng lao động, tỉ lệ 1,35%.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năm 2023, huyện có 18/18 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng.
Công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao so với các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đảm bảo thời gian quy định. Hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ công, triển khai hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực… Nổi bật trong năm 2023 đã khai trương và vận hành trung tâm điều hành thông minh (IOC), góp phần hiện đại nền hành chính công.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng chính quyền trong năm 2023 là những “điểm sáng” đáng ghi nhận. Đây là kết quả của sự cố gắng của các ngành, địa phương, thể hiện sự đồng thuận cao của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo niềm tin để chúng ta bước vào năm mới với nhiều nhiệm vụ mới.
Năm 2024, Ban chấp hành Đảng bộ huyện xác định: Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Để thực hiện có kết quả mục tiêu mà Nghị quyết Huyện ủy đã đề ra, huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với hiệu quả việc làm; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên bảo vệ môi trường. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách hành chính… hướng tới phát triển toàn diện ổn định và bền vững.
Năm mới 2024 đã đến và xuân Giáp Thìn đang về trên quê hương. phát huy những thành tựu đã đạt được, với sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, của các tầng lớp nhân dân Đại Lộc, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh, chúng ta có niềm tin sâu sắc huyện nhà sẽ vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu về đích huyện nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Lê Văn Quang
Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện