Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, hơn 4 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đất nước đắm chìm trong vòng nô lệ của ngoại bang, tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp Nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến.
Đ/c Trần Phú - Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương
Truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng nơi sinh ra - Phú Yên và quê hương dòng tộc - Hà Tĩnh đã để lại cho Trần Phú những ấn tượng sâu sắc, góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước.
Năm 1918, khi tham gia học tập ở Trường Quốc học Huế, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Ngô Đức Diễn,… và lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi giúp đỡ nhau trong cuộc sống, được cổ vũ bởi tấm gương cựu học sinh Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành (khi đó được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc) với những hoạt động cách mạng đầy tiếng vang ở nước ngoài.
Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, Trần Phú chọn nghề dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Với tất cả nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương và dân tộc.
Giữa năm 1925, Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước. Tháng 9/1925, Trần Phú sang Lào để vận động cách mạng. Năm 1925, tình hình trong nước có nhiều biến chuyển lớn; những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong nước. Ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng mạnh, thu hút nhiều thành viên tiên tiến của Hội Phục Việt, trong đó có Trần Phú.
Năm 1926, Đồng chí tham gia các hoạt động: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở lớp dạy chữ quốc ngữ. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, Đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại đây, Đồng chí đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, Đồng chí đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.
Kết thúc khóa học, Trần Phú được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung Kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội. Đầu tháng 1/1927, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu. Tại đây, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông.
Tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Ngày 8/2/1930, Đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau Đồng chí sang Hồng Kông và gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp uỷ lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Tháng 7/1930, Đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là “Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928) và các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930; được tổng kết từ thực tiễn nhiều vùng công nghiệp, nông nghiệp ở miền Bắc; nghiên cứu tình hình công nhân, nông dân và phong trào quần chúng ở một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai… Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, gồm 03 phần lớn: tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.
Dự thảo Luận cương chính trị khẳng định: Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.
Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Cống hiến lý luận của bản dự thảo Luận cương chính trị là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua mọi thử thách đi tới thắng lợi vẻ vang.
Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định Luận cương chính trị: “là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng”[1].
Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố rất ác liệt, Đồng chí Trần Phú – trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thực hiện những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất với khối lượng công việc khổng lồ, quan trọng và chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1931). Với nội dung bàn về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, trong đó tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của Đảng qua vấn đề tổ chức, Án nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai là văn kiện in đậm những đóng góp của đồng chí Trần Phú về lý luận xây dựng Đảng.
Đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn ngày 18/4/1931. Trước những thủ đoạn của kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Ngày 6/9/1931, trước lúc hy sinh, Đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Đánh giá đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp”.
Đồng chí Trần Phú đã để lại cho các thế hệ đi sau tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú trước kẻ thù đã cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, ấm no hạnh phúc của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa theo các mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lê Năng Đông,
Biên soạn theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư của Đảng.