Đăng nhập

Tài khoản
KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (7/8/1974-7/8/2024) - Mở đường phục vụ chiến dịch
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 06/08/2024 .Lượt xem: 92 lượt.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”.


Giữa năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Quân khu 5 “quyết định mở chiến dịch tổng hợp Thu 1974, trong đó xác định chiến trường trọng điểm hoạt động là Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi với 5 khu chiến: Khu chiến Nông Sơn -Trung Phước; Khu chiến Tây Quế Sơn (Quảng Nam); Khu chiến Thượng Đức (Quảng Đà); Khu chiến Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và Khu chiến Phù Mỹ (Bình Định)”.

Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 xác định “Giải phóng khu vực Thượng Đức (Quảng Nam) sẽ tạo thế uy hiếp thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây Nam, tạo thuận lợi chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở địa bàn Quân khu 5”.

Và khẳng định ta tiến công Thượng Đức nhằm: Khai thông đường Đông Trường Sơn ở Tây Quảng Đà; Kiểm chứng sự lớn mạnh của chủ lực cơ động ta và sự suy yếu của quân địch (nhất là Sư đoàn dù thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của ngụy đang ở Quân đoàn I).

Chi khu quân sự Thượng Đức, được Mỹ xây dựng trở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía tây Quảng Đà. Chi khu quân sự gồm một cụm cứ điểm kiên cố nằm ở thôn Hà Tân, xã Lộc Bình, nơi ngã ba sông Cái và sông Côn, cạnh quốc lộ 14, cách đường đông Trường Sơn không xa, cách Đà Nẵng 45km đường chim bay.

Đóng quân ở đây chúng kiểm soát chặt đường lưu thông của ta từ đồng bằng và miền núi, cũng là vùng căn cứ vành đai bên ngoài để phòng thủ phía tây của Đà Nẵng, vừa là nơi xuất phát hành quân đánh phá, kiểm soát vùng miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

Đối với ta, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định nhiệm vụ chiến dịch giải phóng Thượng Đức: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải toả, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”.

Vì vậy, nhiệm vụ giải phóng và làm chủ Chi khu - Quận lỵ Thượng Đức ngày càng trở nên bức thiết, có tính chiến lược lớn. Bởi vì, tiêu diệt được lực lượng ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá toang “cánh cử thép”, uy hiếp trực tiếp phía tây nam Đà Nẵng, giải phóng hơn một vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn, đồng thời khai thông được hành lang vận chuyển của ta từ tuyến đường Đông Trường Sơn xuống đồng bằng cả đường sông và đường bộ.

Nói cách khác, giành thắng lợi ở Thượng Đức thì con đường tiến về Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hiệp khổng lồ lớn thứ nhì của địch ở miền Nam sẽ thông thoáng và Đà Nẵng được giải phóng sẽ tạo ra cục diện mang tính quyết định trên chiến trường miền Nam.

Nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Thượng Đức được sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ có Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 cùng với 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương và Đặc công Quân khu 5. Một trong những khó khăn của ta khi mở chiến dịch Thượng Đức là việc khai thông tuyến đường ngang nối với đường Trường Sơn tại Thạnh Mỹ để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến dịch.

Để phục vụ cho tác chiến tiêu diệt cụm cứ điểm Thượng Đức, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đặc Khu ủy Quảng Đà cử đồng chí Phạm Đức Nam - Phó Bí thư Đặc Khu ủy và đồng chí Nguyễn Bá Phước - Tỉnh đội phó sát cánh cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo huy động 1.500 dân công, chủ yếu là người dân tộc thiểu số của các huyện Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang, là những người dân gắn bó với cách mạng, được giác ngộ, có nhiều đóng góp cho cách mạng và quý mến bộ đội, sẵn sàng góp phần phục vụ chiến dịch.

Trong quá trình mở đường, chuyển quân, dù đã tuyệt đối giữ bí mật nhưng địch vẫn đánh hơi được hoạt động của ta, chúng cho thám báo, biệt kích len lỏi vào trong dân đi đốn củi đốt than để thăm dò.

Trước tình hình đó, Ban An ninh Đặc khu đã quyết định bắt giữ hơn 200 người để đảm bảo yếu tố bí mật cho toàn bộ chiến dịch. Sau hơn một tháng phá đá, mở đường, với tinh thần khẩn trương, không kể ngày đêm, đến ngày 20/7/1974, ta đã mở được hệ thống đường dài hơn 100km, từ Trao về Bến Hiên, từ Thạnh Mỹ đi cầu Hội Khách, từ Bến Hiên đi An Điềm tỏa ra xung quanh đưa lực lượng vào bao vây Thượng Đức.

Đặc biệt, con đường từ Bến Hiên về Thượng Đức dài 16km không mở được, nhân dân và bộ đội phải dùng thuyền bè mang chở pháo đạn xuôi theo dòng sông Côn, nhân dân đã có sáng kiến bện thắt hàng nghìn mét dây rừng rồi dùng sức người kéo pháo, khi phải đưa xuống thuyền phà, khi phải kéo lên bờ, lên dốc cao để đưa pháo lên chiếm lĩnh trận địa.

Một khối lượng xe pháo, đạn, lương thực thực phẩm với gần 4.000 tấn được tập kết an toàn vào sát khu chiến trước giờ quy định. Nổi bật là đưa 3 khẩu pháo (2 khẩu 85mm nòng dài và 1 khẩu 160mm) lên điểm cao 1.062 cách mục tiêu Thượng Đức gần 2km.

Tỉnh Quảng Đà đưa 2 máy kéo (do Đoàn vận tải chiến lược 559 mới chuyển tặng địa phương) vào Bến Hiên sẵn sàng kéo pháo đánh Thượng Đức. Đây là thành công lớn, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi, thể hiện sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng công binh, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của quân, dân Quảng Đà.

Về phía Đặc khu ủy Quảng Đà, ngay từ đầu năm 1973 đã giao cho Ban Giao vận Quảng Đà phải trực tiếp mở đường Trường Sơn để phục vụ chiến dịch trên chiến trường Quảng Đà, trong đó có việc chuẩn bị giải phóng chi khu Thượng Đức.

Với lợi thế là vùng giải phóng, cách Thượng Đức khoảng 20km về phía tây nam, Nam Giang được chọn là một trong những hướng chính để quân ta tiến đánh chi khu Thượng Đức.

Nhận thức được vị trí quan trọng đó, ngay sau khi có mệnh lệnh của cấp trên, Huyện ủy Nam Giang đã xác định và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân toàn huyện tích cực chuẩn bị tham gia góp sức vào chiến dịch quan trọng này.

Ngày 22/4/1973, tại Thạnh Mỹ, Công trường Thắng Lợi ra đời. Đây là đơn vị có nhiệm vụ mở đường giao thông cơ giới trên địa bàn và tổ chức vận tải vũ khí, lương thực phục vụ cho những trận đánh lớn của quân và dân mặt trận Quảng Đà đang tích cực chuẩn bị, trong đó có chiến dịch đánh vào Thượng Đức.

Từ năm 1973 - 1974, quân và dân huyện Nam Giang đã trực tiếp tham gia mở các tuyến đường chính gồm: Đường Thắng Lợi nối liền với đường đông Trường Sơn từ Thạnh Mỹ, xuống Dốc Voi, vượt qua ngã ba Quế Sơn, cách Nông Sơn 7km về phía tây bắc rồi từ đó băng qua Thọ Lâm xuống vùng B Đại Lộc, nhằm vào Thượng Đức, với tổng chiều dài khoảng 36km.

Đường Khe Hoa - Dốc Ngật: Đường Khe Hoa khai thông từ ngã ba Thắng Lợi (Thạnh Mỹ) thọc sâu vào sườn nam Thượng Đức, với chiều dài hơn 15km. Bên cạnh hai tuyến đường trên nhân dân huyện Nam Giang còn tham gia phục hồi đường từ ngã ba Bến Giằng đi Postes Six (thuộc đường 13) với chiều dài khoảng 15km; làm mới hơn 9km đường gùi thồ từ Postes Six đi Chà Vàl.

Song song với công tác mở đường là công tác vận chuyển lương thực, vũ khí để phục vụ chiến trường, vận chuyển thương binh, tiếp dân sơ tán... cũng được cán bộ và nhân dân huyện Nam Giang nhiệt tình tham gia.

Vũ khí, lương thực chuẩn bị để đánh Thượng Đức được huy động vận chuyển từ hậu phương qua Hạ Lào rồi chuyển về tập kết tại xã Chà Vàl, rồi từ Chà Vàl lương thực, vũ khí hạng nhẹ như ĐKB và A72 được dân công và nhân dân vận chuyển xuống K91 (xã Tà Pơơ) rồi từ K91 một số được bọc trong các bao ny lon thả xuống sông Thanh xuống ngã ba Bến Giằng đem lên giao cho bộ đội Quảng Đà và Quân khu 5 hoặc vận chuyển đường bộ xuống tập kết ở Ban Chỉ huy công trường Thắng Lợi tại làng Mực để bàn giao cho bộ đội.

Phối hợp với mũi chi viện Nam Giang, Huyện ủy Đông Giang đã huy động phần lớn cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ chiến dịch, nhất là mở đường, vận chuyển vũ khí, làm lán trại, đưa đón đồng bào trong khu vực chi khu Thượng Đức lên sơ tán, đưa một phận bộ đội địa phương và du kích tham gia chiến đấu.

Kết quả, huyện đã huy động hơn 3.000 công làm đường, 2.000 công chuyển vũ khí, làm nhà, tải thương binh, ngoài ra còn có 750 công phục vụ một số công tác khác, rút được 13 thanh niên bổ sung vào lực lượng vũ trang.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch Thượng Đức, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, quyết đoán của Đặc Khu ủy là công tác sơ tán dân khỏi Thượng Đức, nhất là công tác đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho hơn 10 nghìn dân lâu nay ở trong vùng địch, bị chúng đầu độc bằng các luận điệu chống cộng cực kỳ phản động.

Để khắc phục khó khăn này, Đặc Khu ủy quán triệt cán bộ quân dân chính tham gia đoàn công tác đặc biệt tại Mặt trận Thượng Đức nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật chiến trường, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc, tích cực phục vụ cho kế hoạch chung của toàn chiến dịch.

Chỉ đạo Ban binh địch vận chuẩn bị bài bản để vận động quần chúng cũng như chuẩn bị loa tay. Nhờ đó, khi chiến dịch nổ ra, lực lượng của Ban đấu tranh chính trị, Ban binh địch vận nhanh chóng tiếp cận nhân dân trong các khu dồn, vận động nhân dân bung về làng cũ, một bộ phận lớn được sơ tán lên vùng Thạnh Mỹ để tránh bom đạn.

Tại Thạnh Mỹ, lực lượng thanh niên Quảng Đà do đồng chí Phạm Chí Hòa - Ủy viên Đặc khu Đoàn chỉ huy tất bật lo chặt cây, đào hầm, dựng lán trại để tiếp nhận bà con từ khu dồn ra.

Những đoàn viên khỏe mạnh nhất được huy động theo con đường mới mở lên đường 559 để nhận gạo, thuốc men về để phục vụ cho hơn vạn người. Một tình huống bất ngờ xảy ra trong lúc này, đó là dịch sốt rét bùng phát tràn lan trong nhân dân lên sơ tán.

Đoàn công tác đặc biệt đã nhanh chóng huy động mọi lực lượng, thuốc men, chỉ đạo Ban dân y của Đặc khu nhanh chóng chi viện người, thuốc để nhanh chóng dập dịch, ổn định đời sống cho nhân dân...

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho chiến dịch, vào tháng 4/1973, phái đoàn của Trung ương Đảng, Ủy ban Thống nhất Trung ương và một số cơ quan Trung ương do đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu vào thăm và kiểm tra tình hình chiến trường miền Nam, cùng đi có đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần.

Sau khi thăm Tây Nguyên, đồng chí đã cùng đoàn theo đường 14 về lại Quảng Nam. Chứng kiến những khó khăn gian khổ, nhưng cũng đầy tinh thần anh dũng của đất và người xứ Quảng, đồng chí đã ghi lại cảm xúc của mình với hai câu thơ: “Qua Trao thì đến Bến Giằng/ Phải chăng Đất Quảng anh hùng là đây!”.

Lê Năng Đông

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đại Lộc triển khai bồi dưỡng chính trị hè cho 1863 cán bộ giáo viên ngành giáo dục
ĐOÀN CÔNG TÁC HUYỆN ĐẠI LỘC VIẾNG HƯƠNG MỘ ĐỒNG CHÍ HUỲNH NGỌC HUỆ TẠI QUẢNG NGÃI
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974 – 07/8/2024)
Gặp mặt các Đoàn Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố và thân nhân liệt sĩ về thăm chiến trường xưa
Đại Lộc tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Chiến thắng Thượng Đức- Ký ức hào hùng”
Tướng Hoàng Đan và hai lần vào Thượng Đức
"Thượng Đức, bản hùng ca bất tử"
Ỷ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (7/8/1974 - 7/8/2024) Tượng đài trong ký ức!
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Quảng Đại
Các tin cũ hơn:
Đoàn công tác UBMTTQVN huyện Đại Lộc thăm và tặng quà cho Nhân dân xã Cà Dy, huyện Nam Giang kết nghĩa
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thăm và tặng quà cho gia đình, chiến sĩ tiêu biểu tham gia chiến dịch giải phóng Thượng Đức có hoàn cảnh khó khăn
Đồng chí Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện thăm và tặng quà cho các gia đình, chiến sĩ tiêu biểu của xã Đại Hưng tham gia chiến dịch giải phóng Thượng Đức
Bí thư Huyện ủy đến thăm và tặng quà các gia đình, chiến sĩ tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đại Lãnh
Thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân khánh thành Nhà bia tưởng niệm
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ tặng quà gia đình chính sách, người có công tại Đại Lộc
LÃNH ĐẠO HUYỆN ĐẠI LỘC THĂM CÁC TRUNG TÂM PHỤNG DƯỠNG NGƯỜI CÓ CÔNG Ở QUẢNG NAM VÀ ĐÀ NẴNG
Lễ viếng hương tại Đền Tưởng niệm Trường An nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sửa chữa các Nghĩa trang Liệt sĩ tại huyện Đại Lộc
Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Quang thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND nhân kỷ niệm Ngày TB – LS (27/7)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10