Khởi nguyên Đại Lộc
Từ thế kỷ XIII sang những năm đầu thế kỷ XIV, mối bang giao Chiêm - Việt khá nồng ấm. Hai nước đã sát cánh cùng nhau trong công cuộc chống lại sự xâm lăng của Nguyên Mông. Để tăng cường mối bang giao hai nước, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Đích thân vua Chế Mân đã đưa Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (lúc bấy giờ đã là nhà sư, đang tu ở Yên Tử) đi thăm viếng nhiều đền chùa. Chuyến đi này, ông đã ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân. Sính lễ mà chàng rễ Chế Mân dâng cho vua Đại Việt để cưới Công chúa Huyền Trân là hai châu Ô và Lý (bao gồm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một phần đất phía Bắc của Quảng Nam ngày nay). Năm 1306, hôn lễ Chiêm – Việt được cử hành và hai châu Ô, Lý đã về với Đại Việt. Năm 1307, nhà Trần đặt tên cho hai châu này là Thuận Châu và Hóa Châu.
Từ thưở khởi nguyên, Đại Lộc ngày nay thuộc huyện Điện Bàn, trực thuộc phủ Triệu Phong (Quảng Trị) rồi thuộc Hóa Châu (Thừa Thiên). Năm 1471, Thừa tuyên Quảng Nam được thành lập nhưng phần đất bắc Quảng Nam bao gồm các huyện Đại Lộc, Hòa Vang, Điện Bàn ngày nay vẫn còn thuộc phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa hơn 130 năm nữa.
Năm 1604, huyện Điện Bàn rời khỏi Triệu Phong để làm thành một phủ, một trong số phủ lớn nhất của Trung Trung bộ, và hợp cùng với phủ Thăng Hoa làm nên tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Năm 1899 (Thành Thái thứ 11), huyện Đại Lộc chính thức được thành lập và cái tên Đại Lộc có từ đây. Lúc bấy giờ, huyện Đại Lộc bao gồm cả vùng Bến Hiên, Bến Giằng tức là ba huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang - miền núi cao của tỉnh Quảng Nam ngày nay, với 5 tổng, 109 xã, thôn, phường, châu.
Từ tháng 8-1945 về trước, huyện Đại Lộc có 6 tổng, gồm: Mỹ Hòa, Đại An, Đức Hạ, Đức Thượng, Hòa Đạo, Phú Khê. Tháng 02-1946, huyện Đại Lộc tiến hành hợp xã lần thứ nhất, 109 xã (làng) trong toàn huyện được tổ chức thành 25 xã, không còn cấp tổng. Tháng 9-1946, nhập thêm phần đất của 3 xã Phú Mỹ, Quảng Hòa và An Lễ, hình thành khu Tán Thừa. Năm 1947, tiến hành nhập xã lần thứ hai, toàn huyện lúc bấy giờ có 9 xã là: Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Minh, Đại Phong, Đại Chánh và Đại Sơn.
Sau năm 1954, ngụy quyền Sài Gòn đã nhập thêm một số xã của huyện Duy Xuyên về Đại Lộc và đổi tên thành: Lộc Quang, Lộc Mỹ, Lộc An, Lộc Tân, Lộc Phong, Lộc Hòa, Lộc Hưng, Lộc Chánh, Lộc Phước, Lộc Sơn, Lộc Quý, Lộc Thành. Sau đó, chúng lại tiếp tục cắt các xã Lộc Sơn, Lộc Quý, Lộc Thành để cùng với một số xã của huyện Duy Xuyên, Quế Sơn thành lập quận Đức Dục; cắt các xã phía Tây để thành lập quận Thường Đức. Tuy vậy, ta vẫn giữ địa bàn như trước.
Hiện nay, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Đại Lộc có 01 thị trấn Ái Nghĩa và 17 xã là: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Đại An, Đại Hòa, Đại Cường, Đại Thắng, Đại Minh, Đại Phong, Đại Tân, Đại Chánh và Đại Thạnh. (Các xã của huyện Đại Lộc hiện nay tương ứng với các xã của địch như sau: Đại Sơn (Lộc Ninh), Đại Hồng (Lộc Vĩnh), Đại Lãnh, Đại Hưng (Lộc Bình), Đại Đồng (Lộc Quang), Đại Quang (Lộc Mỹ), Đại Nghĩa (Lộc An), Đại Hiệp (Lộc Chánh), Đại An (Lộc Phong), Đại Hòa (Lộc Hưng), Đại Cường (Lộc Phước), Đại Thắng (Lộc Quý), Đại Minh (Lộc Hòa), Đại Phong (Lộc Tân), Đại Chánh (Lộc Thành), Đại Thạnh (Lộc Sơn), Đại Tân (mới thành lập bao gồm một phần của các xã Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Phong).; thị trấn Ái Nghĩa (được thành lập từ một phần của các xã Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại Hoà, Đại An).
Từ khi trở thành một phần của Đại Việt, đất Hóa Châu là phên giậu của Tổ quốc. Với vị trí địa lý là dãi đất tận cùng của Hóa Châu về phương Nam, chỉ còn cách một con sông Thu Bồn, bên kia đã là thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc Chăm nên Đại Lộc xưa luôn là mảnh đất của đầu sóng, ngọn gió.
Theo gia phả các tộc họ hiện đang sinh sống tại Đại Lộc, tổ tiên của vùng đất này ngoài những người Chăm bản địa, cư dân Việt hầu hết là đến từ các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những lưu dân Việt đầu tiên đến vùng đất này là những binh lính trấn ải biên thùy, một số khác bị tội lưu đày. Nhưng cũng có giả thiết nói rằng họ chính là những người đã tháp tùng, phục dịch cho lễ đưa cô dâu Công chúa Huyền Trân về quê chồng. Sau đó, thấy vùng đất này cây cối tươi tốt, đất đai phì nhiêu nên ở lại đây lập nghiệp.
Dù họ là ai, chúng ta cũng thấy rằng tổ tiên của người Việt tại mảnh đất này là những con người đầy bản lĩnh, dám chấp nhận đương đầu với những khó khăn của một vùng đất mới, lúc bấy giờ còn là những cánh rừng hoang dại, lắm thú dữ, đầy rẫy những mối đe dọa từ thiên nhiên.
Cuộc hôn nhân Chiêm - Việt nồng ấm chưa được bao lâu thì năm sau Chế Mân băng hà. Bang giao Chiêm - Việt xấu đi một cách nhanh chóng. Các triều vua sau này của Chiêm quốc luôn muốn lấy lại vùng đất đã dâng cho Đại Việt nên thường cử binh xâm lấn. Nhân dân Hóa Châu lúc bấy giờ trong hoàn cảnh bị đe dọa thường trực, ở vị trí đầu sóng ngọn gió, không thể trông chờ sự bảo vệ của triều đình ở quá xa đã phải tổ chức chiến đấu để tự bảo vệ mình và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.
Không chỉ chiến đấu giỏi, những bậc tiền nhân xưa kia đã vượt qua bao khó khăn thiếu thốn của buổi sơ khai, cùng với bao sự xa lạ, khác biệt về khí hậu, môi trường, tập quán canh tác…; đã biết kế thừa văn hóa Đại Việt, tiếp thu văn hóa Champa, khai thác mọi tiềm năng của vùng đất mới để tạo dựng một nền kinh tế nội sinh đầy sức sống cả về văn hóa và xã hội. Nguyễn Trãi đã từng nói: “Tân Bình, Thuận Hóa là đất lòng dạ của ta”. Trịnh Kiểm sau này cũng đã tổng kết về vai trò và phẩm chất của nhân dân Thuận Hóa: “Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy địa thế hiểm trở, dân khí cương cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển, là vùng trọng yếu không xứ nào hơn”.
Đã hơn bảy thế kỷ qua kể từ khi những cư dân đầu tiên của Đại Việt “mang gươm đi mở cõi”; từ khi còn là một bộ phận của đất Thuận Hóa đến sau này về với Quảng Nam có biết bao lần thay đổi về địa giới nhưng truyền thống Hóa Châu xưa ngày càng được giữ gìn và phát triển, nhân lên gấp bội lần. Những lời khen tặng dành cho đất học Quảng Nam: “Ngũ phụng tề phi”, hay như trong một truyền đơn chống thuế ở Nghệ -Tĩnh, khi phong trào kháng thuế 1908 nổ ra đầu tiên ở Đại Lộc, Quảng Nam và lan rộng khắp 10 tỉnh Trung Kỳ:
“Đáng yêu thay dân Quảng Nam
Đáng kính thay dân Quảng Nam!
Đáng học thay dân Quảng Nam!
Lòng họ chuyên nhất như thế
Chí họ kiên quyết nhẫn nại đến thế
Hành động họ sáng tỏ là thế…”
Và được tiếp nối với “Quảng Nam trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đền tưởng niệm Trường An
Tiếp bước tiền nhân, các thế hệ ngày nay đang viết tiếp trang sử quê hương với nhiều kỳ tích mới. Khởi nguyên từ một món quà của tình yêu, đất Đại Lộc vẫn luôn là một vùng đất của những con người tình cảm thủy chung son sắt, với “nghĩa nặng, tình sâu”.
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghĩ, gác tay
Hỏi nơi mô ơn nặng, nghĩa dày cho bằng đây”
Đại Lộc, non nước hữu tình
Đại Lộc là một huyện nửa đồng bằng, nửa trung du, nằm về phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Hội An (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng chừng 30km, là cửa ngõ quan trọng nối các thành phố Đà Nẵng, Hội An với vùng căn cứ kháng chiến thuộc ba huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang về phía tây và tây bắc, giáp với huyện Điện Bàn về phía Đông, với huyện Duy Xuyên về phía Nam và Nông Sơn về phía Tây Nam. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 587,088km2, chiếm hơn một nửa là đồi núi.
Khe Lim (xã Đại Hồng)
Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một cảnh quan với non xanh nước biếc hữu tình. Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy vòng như một cánh cung bao bọc từ phía tây nam đến phía bắc huyện, ra tận biển tại đèo Hải Vân (thuộc thành phố Đà Nẵng). Với đặc điểm địa hình cao về phía tây, tây bắc thấp dần về phía đông và liền kề với chân núi là những dãy đồi gò thoai thoải nên cái tên Đại Lộc được các nhà nghiên cứu địa chí giải thích là “Chân núi lớn”. Trên các dãy núi ấy, có những điểm cao 1.225m, 1.002m, đặc biệt là đỉnh cao 1.062 trên dãy nũi Sơn Gà đã đi vào lịch sử với trận quyết chiến kéo dài hàng tháng trời giữa Sư đoàn 304 với quân dù ngụy sau chiến thắng Thượng Đức năm 1974. Và Bằng Am, một đỉnh núi tương đối bằng phẳng, rộng chừng 300 ha, ở độ cao hơn 700m, khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hè nhiệt độ thường thấp hơn 7-8 0C so với xung quanh, gắn với khu rừng nguyên sinh có nhiều thảm thực vật phong phú nên rất thích hợp với việc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng trong những tháng hè oi bức. Nơi đây được ví như “cổng trời” Đại Lộc, trong lành, lộng gió.
Bằng Am xanh thẳm trời mây
Bốn mùa mát mẻ đẹp say lòng người.
Tại đây, có di tích Am Thông, nơi Ngài Tùng Sơn từ quan ẩn tu với nhiều huyền thoại, truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Từ trên Bằng Am nhìn chung quanh có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên gần xa với núi đồi nhấp nhô và mây trời bồng bềnh phủ lượn. Xa xa làng mạc tỏa khói lam chiều và dòng sông Vu Gia uốn lượn như một bức tranh thủy mặc mộng mơ.
Do đặc điểm địa hình ven núi, nên huyện Đại Lộc có rất nhiều khe, suối.
Suối Mơ (Đại Đồng), là một “quần thể” có nhiều đoạn suối đá đẹp, nằm ven cánh rừng “đại ngàn” rất hoang vu, tịch mịch… mà phong cảnh rất hữu tình. Dòng suối trong xanh chảy qua những khối đá lớn có nhỏ có, màu đen, mốc với thiên hình vạn trạng. Đi men theo những lối mòn bên ghềnh đá lên cao khoảng 100m, gặp thác Gieo với dòng nước tung bọt trắng xoá đổ xuống một cái ao sâu nước xanh in cả trời mây bàng bạc, làn “bụi nước” toả lên trên những tán cây, tạo nên chiếc cầu vồng với nhiều màu sắc lung linh huyền ảo.
Khe Lim (xã Đại Hồng) cũng nằm trong khu vực rừng nguyên sinh với những cánh rừng Lim ngày trước. Nhìn từ xa, thác nước như bức rèm thưa lúc ẩn, lúc hiện giữa núi rừng bao la khiến du khách chợt nhớ đến thác Cam Ly của thành phố Đà Lạt mộng mơ. Khe Lim đẹp không chỉ riêng ngọn nước từ trên cao đổ xuống mà cả toàn cảnh của nó nữa. Hai bên bờ suối là những cánh rừng nguyên sinh yên ả, thảm động thực vật phong phú bao la xanh thẳm, quanh năm có nhiều hoa, lan rừng toả ngát mùi hương, cùng dãy HIO- HIU sừng sững ở phía Nam, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng hữu tình.
Ở Đại Lộc còn có suối nước khoáng nóng Thái Sơn (Đại Hưng), suối mát Vũng Thùng (Đại Nghĩa), suối Thơ ( Đại Quang) khá đẹp, một số hồ chứa nước lớn như Khe Tân, Trà Cân… phong cảnh rất nên thơ hứa hẹn nhiều tiềm năng về du lịch trong tương lai.
Hai con sông lớn của Quảng Nam đều chảy qua vùng đất Đại Lộc.
Sông Thu Bồn được hình thành bởi ba nhánh sông chính là sông Tranh, sông Khang và sông Trường len lỏi chảy giữa các vách núi. Qua Hòn Kẻm, nơi hai bên bờ sông vách đá dựng đứng như hai bức tường thành khổng lồ, tỏa bóng xuông dòng nước trong xanh, dòng sông mở rộng ra chảy về xuôi. Sau đó, sông mở lòng đón nhận thêm nguồn nước của ba khe lớn là khe Sé, khe Rinh và khe Le xuôi về chảy giữa hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc. Sông Thu Bồn chảy qua Đại Lộc một quãng dài chừng hơn 10km rồi hợp lưu với sông Vu Gia tại Giao Thủy. Hai con sông lớn tụ nhau tại đây nên nhiều người cho rằng đất Đại Lộc là đất “hội thủy, hội duyên”, hứa hẹn nhiều tốt đẹp.
Sông Vu Gia được tạo thành bởi ba con sông chính là sông Bung, sông Cái và sông Con đổ về gặp nhau tại Hà Tân, chảy giữa lòng huyện Đại Lộc dài hơn 30km. Trước khi về hợp lưu tại Giao Thủy với sông Thu Bồn, sông Vu Gia chia làm hai nhánh, một nhánh về Giao Thủy, nhánh còn lại là sông Đào chảy qua Ái Nghĩa nối với sông Yên rồi đổ về Cẩm Lệ, tới sông Hàn (Đà Nẵng) ra biển.
Từ hàng ngàn năm nay, hai con sông Thu Bồn và Vu Gia đã chắt chiu từng hạt phù sa để bồi đắp cho Đại Lộc những cánh đồng màu mỡ, những xóm làng xanh tươi trù phú. Suốt dọc dài hai bên bờ sông “dâu, bắp lên xanh rờn” và thấp thoáng trong những nương dâu là bóng cô thôn nữ hái dâu làm nên một vùng dâu tằm nổi tiếng:
Con tằm Đại Lộc se tơ
Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông
Cô em buôn bưởi, bán hồng
Ghé qua Đại Lộc thấy tằm nong mà thèm.
Đại Lộc, một vùng văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc.
Đại Lộc là vùng đất đã được các cư dân cổ chọn làm địa bàn sinh sống từ lâu đời. Trong lòng đất Đại Lộc ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của người xưa. Các cuộc khảo cổ trong những năm qua cho thấy, đã từng tồn tại nền văn hóa Sa Huỳnh với hơn 3.000 năm tuổi. Di chỉ Gò Đình I (xã Đại Lãnh) được phát hiện với nhiều mộ chum và các loại trang sức như khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, mã não…thể hiện đặc trưng của thời kỳ này. Rải rác khắp nơi trên địa bàn huyện còn một số điểm khác mà ngượi dân tự phát hiện, đào bới tìm kiếm những di vật của người xưa như Gò Đình II (Đại Đồng), Gò Muồng (thị trấn Ái Nghĩa)… Trong văn cúng “tá thổ”, một tục cúng lâu đời thể hiện sự “thuê đất” của các chủ nhân xưa, người ta có đề cập đến một số tộc người đã từng là tiền nhân xưa: “Lồi, Lạc, Chàm..”
Kể từ năm 1306, và nhất là sau các cuộc di dân ào ạt khi Quảng Nam dinh ra đời, những lưu dân Đại Việt tiếp quản vùng đất này đã có một sự cộng cư với người Chăm bản địa. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi hai châu Ô, Lý về với Đại Việt, những làng mạc người Chăm vẫn ở lại, sinh sống bên cạnh những người Việt mới đến. Hai nền văn hóa với nhiều nét khác biệt: một bên là người Việt mang theo trong mình cội nguồn văn hóa đồng bằng Bắc bộ và vùng Thanh Nghệ, chịu ảnh hưởng nhiều của luân lý Nho giáo, Trung Hoa; một bên là người Chiêm với một nền văn minh không hề thua kém và chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ đã va chạm nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thâm nhập vào nhau trong suốt mấy trăm năm.
Thưở trước, khi Quốc lộ 1 chưa hình thành thì giao thông Bắc – Nam chủ yếu bằng ba tuyến đường: thượng đạo dọc theo dãy Trường Sơn, trung đạo men theo chân núi và hạ đạo là đường biển ven biển. Cả hai con đường thượng đạo và trung đạo đều đi qua vùng đất Đại Lộc. Trong các cuộc chiến Chiêm – Việt và sau này là giữa các Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, các cuộc hành quân đều đi qua đây. Nó đóng vai trò là trạm trung chuyển, là trạm dừng chân bổ sung thêm nhân lực và lương thực, là bàn đạp của các cuộc tấn công quân sự giữa các bên. Đại Lộc cũng nằm trên trục Đông – Tây nối Hội An, Đà Nẵng với vùng núi, giữa biển với nguồn theo đường thủy là hai con sông lớn Thu Bồn và Vu Gia. Ngay từ thời rất sớm, trên các bến sông này đã hình thành nên những tụ điểm buôn bán tương đối sầm uất: Chợ Bến Dầu, chuyên cung cấp dầu rái, một đặc sản của vùng núi phía tây nam Đại Lộc; các chợ Phú Thuận, Phường Đông, Hà Nha, Hà Tân, Ái Nghĩa... Tận đầu nguồn của Đại Lộc ngày nay vẫn còn lưu dấu lại tên của một bến sông: Hội Khách, nơi trao đổi hàng hóa giữa miền biển với miền ngược.
Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Vì vậy, vùng đất này có điều kiện giao lưu tiếp xúc với các sắc thái văn hóa từ nhiều nguồn, kể cả văn hóa Phương Tây qua thương cảng Hội An. Tất cả các yếu tố đó đã định hình nên một bản sắc đa dạng, phong phú và độc đáo của vùng đất Đại Lộc ngày nay.
Dấu án rõ rệt nhất của sự giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm – Việt trong thời kỳ đầu còn lưu giữ đến ngày nay trong một vài thần tích như Bà Thu Bồn (làng Thu Bồn, Duy Xuyên), Bà Phường Chào (xã Đại Cường, Đại Lộc). Thần tích về Bà Phường Chào kể rằng: Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh thân (1800) tại làng Phường Chào, nay là thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Bà tạ thế vào ngày 19 tháng giêng, năm Đinh Sửu (1817). Sau khi mất, bà hiển linh, giúp đỡ dân lành nên được triều Nguyễn phong thượng đẳng thần. Tương truyền vào thời Tự Đức, bà vân du qua làng Phước Toàn, tổng An Thành Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình; nay thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nhận thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, bà hóa thân thành một thiếu nữ duyên dáng vừa bán trầu cau, đổi nước cho khách, vừa bốc thuốc chữa trị cho dân. Vùng này trở nên sung túc, dân chúng tụ họp thành chợ, gọi là Đắc thị - tức là chợ Được. Dân chúng nhớ ơn Bà, lập lăng thờ phượng, trên nóc có hàng chữ: "Thần Nữ Linh Ứng". Những thần tích tương tự như vậy và những tục thờ Ngũ hành tiên nương, nữ thần Thiên-Y-A-Na, miếu Bà, lăng Bà có mặt nhiều nơi trong huyện chính là sự tiếp biến tục thờ nữ thần của người Chăm.
Lễ hội Bà Phường Chào được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, dinh thờ và lăng mộ Bà được công nhận Di sản văn hóa cấp tỉnh
Tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên có vai trò khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Đại Lộc. Ngoài ra, các tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Tin lành, Cao Đài cũng có mặt ở nhiều nơi. Hầu hết đồng bào theo các tôn giáo đoàn kết, gắn bó với cuộc sống lao động, tốt đạo, đẹp đời góp phần xây dựng quê hương.
Là một vùng đất có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, huyện Đại Lộc còn có nhiều di tích, trong đó đã có 29 di tích được công nhận ở cấp tỉnh và 04 di tích cấp quốc gia là Địa đạo Phú An - Phú Xuân, Chiến thắng Thượng Đức, Đình làng Phiếm Ái, Mộ cụ Đỗ Đăng Tuyển.
Trong nghệ thuật trữ tình dân gian, hò khoan là loại hình chủ đạo. Hò khoan có mặt trong nhiều môi trường sinh hoạt. Ngày xưa, ở đâu có mặt từ ba, bốn người trở lên là có thể diễn ra cảnh hát hò khoan: lúc đang hái dâu, làm ruộng hoặc lúc thư nhàn trên những bến sông. Đó là một hình thức diễn xướng dân gian có đối và đáp, thường mở đầu bằng những lời mời gọi, tiếp theo là những lời lẽ trao gởi tình cảm hoặc trêu chọc nhau, có lúc căng thẳng trở thành những lời đối đáp có tính chất thách đố, bắt bí lẫn nhau và cuối cùng là những lời hẹn ước cho cuộc gặp lần sau:
“Ớ….ớ…ớ…ơ
Ở nhà (mà) nghe tiếng (bạn) hò khoan
Áo (tôi chừ) chưa kịp mặc, còn mang xùng xình…
Tôi đây vốn có một mình,
Ai (có) vui (cho tôi mà) vui với, ai có kình (tôi cũng) kình chơi…
Khoan hố hợi là hò khoan….
Cùng với hò khoan, nhiều điệu hò gắn với hoạt động lao động của người dân như hò giã vôi, hò đua ghe, hò chèo đò dọc, hò đạp xe nước, hò kéo gỗ…với nhiều giai điệu khác nhau mang nhiều sắc thái trữ tình đằm thắm.
Hát bội là một loại hình sân khấu rất được nhân dân hâm mộ. Từ đầu thế kỷ XX, ở Đại Lộc có gánh hát Bàu Toa (thuộc xã Đại Thạnh) là gánh hát có tiếng trong tỉnh Quảng Nam và nhiều gánh hát nhỏ khác. Từ đó, đất Đại Lộc đã sản sinh ra những nghệ sĩ ưu tú từng có mặt trên sân khấu cung đình nhà Nguyễn như Bốn Quản, Trùm Lành. Lớp kế tục có Đội Tảo, tức Nguyễn Nho Túy, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân - người được mệnh danh là con rồng trên sân khấu - và các nghệ sĩ tài danh khác như Tư Bửu, Phó Sơn, Kiểm Phụng.
Bài chòi là trò chơi dân gian gắn với sinh hoạt vui xuân rất phổ biến ở Quảng Nam nói chung và Đại Lộc nói riêng. Cái thú vị của bài chòi không phải là việc ăn thua mà chính yếu là người chơi được hòa nhập vào một sinh hoạt văn nghệ. Anh hiệu là người xướng, hô những câu hát dí dỏm. Từ một hoạt động trò chơi, hát bài chòi từng bước đã biến thành một loại hình dân ca đặc sắc rồi trở thành một loại hình sân khấu rất được nhân dân yêu thích.
Kho tàng ca dao, tục ngữ, vè, giai thoại, chuyện kể dân gian… khá phong phú. Đương nhiên, ở đây cũng bao gồm nhiều ca dao tục ngữ phổ biến chung của cả nước, của tỉnh Quảng Nam, nhưng có khá nhiều câu phản ánh đời sống sinh hoạt riêng của vùng đất Đại Lộc.
Ở Đại Lộc hiện nay vẫn còn một ít những công trình kiến trúc cổ, lưu dấu bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xưa. Một số nhà cổ có đến hàng trăm năm tuổi với những nét chạm khắc rất tinh xảo.
Người Đại Lộc chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh cây lúa, các loại cây màu và nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài ra, vẫn có những làng nghề có tiếng như: thợ hồ Khánh Vân (Đại Cường), làng trống Lâm Yên (Đại Minh), làng đan lờ Trung An (Ái Nghĩa), làng mây gióng Mỹ Nam (Đại Phong), làng hương Phú Lộc (Đại An)…
Trái loòng boong là một đặc sản của vùng quê Đại Lộc, được vua nhà Nguyễn đặt cho cái tên nam trân (của quý ở phương Nam), gắn với giai thoại: Chúa Nguyễn có lần phải chạy về đất Đại Lộc tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Lương thực khô cạn, quân lính mỏi mệt. Rất may, ông lại lọt vào một cánh rừng loòng boong đang mùa trái chín. Chúa cho quân hái ăn thử thấy rất ngon, ăn vào mau khỏe. Nhờ đó, Chúa Nguyễn qua được một đận khó khăn. Sau này, các triều Vua nhà Nguyễn đã cho khắc hình tượng trái nam trân trên cửu đỉnh đặt tại sân chầu.
Trái Nam Trân được khắc trên Nhân đỉnh tại cung đình Huế
Đại Lộc còn có một sản phẩm, đã trở thành “thương hiệu” được nhiều nơi biết đến: “bánh tráng Đại Lộc”, gắn với một món ăn được mọi người dân đặc biệt yêu thích: bánh tráng cuốn thịt heo. Đó là một món ăn rất dân dã, không cầu kỳ trong chế biến, mang đậm hương vị quê hương.
Trong ngôi nhà chung văn hóa Quảng Nam, người Đại Lộc có đủ nét cốt tính của người Xứ Quảng. Nguyễn Q. Thắng trong “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước” đã nhận xét về những cốt tính của người Quảng Nam: “Người Quảng Nam trầm lặng mà không buông tay đầu hàng nông nổi. Đó là cái trầm lặng của con người đã từng hành động nhiều, nghĩ nhiều, cảm nhiều…” “ Người xứ Quảng rất giàu tình cảm nhưng không bộc lộ sổ sàng mà rất thầm kín, bền chặt. Họ rất giản dị, giàu nghị lực, thiết thực, thẳng thắn, chân thành đến phác dã (quê mùa). Đó là mẫu người có ý chí kiên quyết, có con tim hào hùng, giàu tính sáng tạo’.
Lịch sử luôn đặt Quảng Nam là mảnh đất địa đầu hứng chịu những phong ba bão táp của thiên nhiên cũng như những cuộc xâm lược từ bên ngoài kể từ khi mở cõi. Những thế lực lớn như Pháp rồi đến Mỹ đều chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên đổ quân xâm chiếm nước ta. Chính vì thế, người Quảng Nam luôn có sẵn tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó, chịu khổ, hay làm việc nghĩa; sẵn sàng hy sinh, can đảm đấu tranh chống lại những thế lực đàn áp, bất công; thấy chuyện bất bình hay lời nói trái tai là không chịu được, họ sẵn sàng phản kháng. Người Quảng Nam cũng rất thông minh và sáng tạo. Bởi thế, họ rất nhạy bén trong việc phát hiện những vấn đề, những lý lẽ không thuận mà sinh ra tranh cãi. Cũng chính vì những tính cách ấy mà người Quảng Nam được gán cho rằng “Quảng Nam hay cãi”. Tính cách đó nghĩ cho cùng cũng là tất yếu và cần thiết vậy.
Người Đại Lộc kiên cường, bất khuất.
Lịch sử mở cõi về phương Nam đã giao phó cho đất Đại Lộc trong một thời gian dài suốt 300 năm (1306-1602) là miền biên viễn của Tổ quốc, đứng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biên cương. Hoàn cảnh và vị trí địa lý đó đã tôi luyện mỗi người dân Đại Lộc thành những chiến sĩ kiên cường. Năm 1444, vua Nhân Tông đã ra chiếu dụ quân dân Hóa châu: “Bọn ngươi biết hăng hái theo mệnh lệnh, đánh không tiếc mình, xông vào chỗ vạn tử, lấy một địch muôn, cuối cùng đánh được giặc mạnh, giữ được cổ thành, khiến cho oai vua lừng lẫy phương xa, đều là sức của bọn ngươi cả”.
Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Nhân dân Quảng Nam lại đảm nhận vai trò là người đi đầu trong cuộc chiến đấu này. Trong hơn một năm rưỡi, nhân dân Quảng Nam, trong đó có Đại Lộc, đã cầm chân được quân đội viễn chinh hùng mạnh này và buộc chúng phải rút khỏi Đà Nẵng.
Sau khi vua Hàm Nghi phải bỏ kinh thành chạy ra Tân Sở, Nghĩa Hội Quảng Nam nhanh chóng được thành lập. Ngay trong nửa cuối năm 1885 và nhất là năm 1886, Nghĩa Hội đã phát triển thế lực vững mạnh và mở các cuộc tấn công tái chiếm sơn phòng Dương Yên rồi vây đánh, chiếm giữ tỉnh thành La Qua, làm chủ được nguyên vẹn địa bàn tỉnh Quảng Nam, thiết lập một chính quyền mới để lãnh đạo nhân dân chống lại sự thống trị của thực dân Pháp và Nam triều.
Đại Lộc lúc bấy giờ là một vùng căn cứ trọng điểm của Nghĩa Hội Quảng Nam án ngữ mặt bắc cho trung tâm Trung Lộc. Đây là địa bàn rất quan trọng. Đứng chân được ở Ái Ngĩa có thể uy hiếp được tỉnh thành La Qua, áp lực lên vùng Hòa Vang và Đà Nẵng. Phía Tây có thể thông với miền núi, có thể tìm một căn cứ ở thượng nguồn sông Vu Gia. Dọc theo dòng sông từ Ái Nghĩa về thượng nguồn, có động Hà Sống cũng là một cứ điểm quan trọng, che chắn cho vùng chín xã sông Con. Tán tương Đỗ Đăng Tuyển (người làng Ô Gia, xã Đại Cường), tán tương Trần Huy (người xã Đại Hòa) và tán tương Trần Đỉnh (làng Gia Cốc, xã Đại Minh) chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ huy lực lượng Nghĩa Hội vùng Đại Lộc lên đến Hiên, Giằng. Dưới sự chỉ huy của các ông, Nghĩa quân đã lập nên một số chiến công lớn như trận Gò Muồng (Ái Nghĩa), động Hà Sống (Đại Đồng)…tạo thế và lực rất vững vàng, làm chủ cả vùng Đại Lộc.
Tuy chỉ tồn tại được trong 3 năm (1885-1887), nhưng Nghĩa Hội Quảng Nam đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, làm dậy lên khí thế hừng hực trong quần chúng, cả tỉnh như cuốn hút vào một dòng thác:
“Nghĩa Hội thành lập như rừng
Quân hịch truyền đi như gió”
(Huỳnh Thúc Kháng)
Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam tạm thời lắng xuống, thì các phong trào khác lại được dấy lên: Phong trào Duy Tân (thủ lĩnh tiêu biểu là Phan Châu Trinh) và Duy Tân hội (Phan Bội Châu) đều chọn Quảng Nam làm căn cứ địa. Từ mùa xuân năm Quý Mão (1903), Phan Bội Châu đã nhiều lần đến làng Ô Gia (xã Đại Cường) để mật hội với Đỗ Đăng Tuyển. Theo chân Sào Nam, nhà sư Trần Thự ở vùng núi Thất Sơn xa xôi cũng đã vượt núi trèo đèo vào tận Ô Gia để bàn việc nước.
Cụ Đỗ Đăng Tuyển
Sau những lần bàn bạc, vị tán tương của Nghĩa Hội Quảng Nam mười mấy năm trước, nay dưới lớp vỏ bọc là “lão túy ông” (ông già say) đã trở thành một sáng lập viên một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ XX. Trong số những nhân vật có công thành lập Hội, Phan Bội Châu ghi tên năm thành viên trọng yếu: Tiểu La, Trình Hiền, Lê Võ, Đặng Tử Kính và Đặng Thái Thân. Trình Hiền chính là Đỗ Đăng Tuyển. Với tiếng tăm của vị tán tương trong phong trào Nghĩa Hội ngày nào, Đỗ Đăng Tuyển đã vận động nhân dân vùng Đại Lộc tham gia đông đảo vào phong trào yêu nước: công khai lập trường học, lập hội buôn, hội nông, bí mật quyên góp cho phong trào Đông Du.
Phan Bội Châu đã đánh giá rất cao vai trò của Đỗ Đăng Tuyển trong một bài thơ khóc Đỗ Đăng Tuyển:
Bội Châu không Bác e vô sự,
Lao Bảo nhờ ông mới có danh
Cũng trong thời gian này, Phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh giương cao khẩu hiệu: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” với các hoạt động cụ thể như: mở trường dạy học, bỏ lối học từ chương, khuyến khích học chữ quốc ngữ; cải đổi phong tục tập quán và lối sống, bài trừ mê tín dị đoan, kêu gọi mọi người cắt tóc ngắn; khuyến khích mở mang công thương nghiệp… đã được hưởng ứng sôi nổi.
Đại Lộc đã trở thành miếng đất màu mỡ cho hạt giống cách mạng. Nhờ việc mở hội buôn, hội nông và trường học mà dân khí và dân trí đã có một bước tiến bộ đáng kể, tư tưởng duy tân được tuyên truyền và phổ cập trong quần chúng. Một lớp trí thức mới được hình thành, hăng hái tiếp thu tư tưởng mới, được rèn luyện trong hoạt động thực tế trở thành những thủ lĩnh của một phong trào yêu nước khác, khởi phát ngay trên đất Đại Lộc: Phong trào kháng thuế 1908.
Phong trào kháng thuế năm 1908 ở Đại Lộc (ký họa)
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu công việc khai thác thuộc địa. Dân chúng từ thành thị đến thôn quê thảy đều nai lưng đóng thuế, đi phu vô cùng khốn đốn. Toàn quyền Lannessan trong báo Người Đông Dương đã thú nhận:“Nguyên nhân chủ yếu (của các cuộc biểu tình) là vì thuế khóa quá nặng, và những cuộc biểu tình nổ trước tiên ở Trung Kỳ vì tại đây, người ta tăng thuế nhanh nhất nhưng lại kém sáng suốt nhất. Thuế đã nặng, cách thu lại phiền phức, ngoài ra ta còn đặt thêm các việc độc quyền muối, rượu,..”
Lúc bấy giờ theo lệnh nhà cầm quyền Pháp, người dân phải đào sông Cu Nhí để chở than từ Nông Sơn ra Đà Nẵng, đắp đường dẫn tới mỏ vàng Bồng Miêu, đắp đường từ Đà Nẵng đến đèo Ai Lao,... làm cho dân tình thán oán vì quá đỗi cực nhọc và bất công. Cái bi kịch xã hội này được diễn tả trong mấy câu ca sau:
...Từ ngày Tây lại cửa Hàn,
Đào sông Cu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu...
...Từ ngày Tây chiếm đế đô,
Xâu cao thuế nặng biết chừng mô hỡi trời!
Còn lo một nỗi khổ đời,
Quan trên ỷ thế nhiều lời hiếp dân…
Năm 1908, thực dân Pháp lại bắt đầu cho sửa chữa và mở rộng mặt đường từ huyện Đại Lộc đi tỉnh lỵ Vĩnh Điện. Bởi viên tri huyện ăn hối lộ nên phân bổ nhân công không đều làm cho đông đảo dân phu bất mãn.
Vào ngày đầu tháng hai năm Mậu Thân (1908), tại một bữa giỗ tộc Trương (Phiếm Ái, Đại Lộc), các ông Trương Hoành, Lương Châu, Hứa Tạo, Trương Tổn, Trương Côn, Trương Đính,… đã “bàn nhau làm đơn lấy chữ ký các làng xã trong huyện, tới trình viên tri huyện chuyển đạt lên tỉnh cùng Tòa Sứ xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế, kẻo nặng quá dân không đóng nổi”.
Đêm ngày 9-3-1908, theo kế hoạch đã bàn bạc, tráng dân ở các xã vùng thượng lưu sông Vu Gia đã tập trung về đình làng Hoằng Phước. Và đến trưa ngày 10-3-1908, đoàn biểu tình “xin sưu” của các tổng, xã trong huyện tập trung về sân đình làng Phiếm Ái rồi kéo nhau lên huyện đường.
Ngày 11-3, họ kéo nhau lên tỉnh, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh đòi bỏ lệ đi xâu và đòi giảm thuế. Từ Đại Lộc lên Tòa công sứ ở Hội An trên 40 km, dân chúng ở hai bên đường theo mỗi lúc một đông. Khi đến bến đò Vĩnh Điện gần tỉnh, thì số người biểu tình đã lên đến khoảng năm, sáu trăm.
Đoàn người kéo đến Tòa sứ, công sứ Charles chỉ cho ba người đại diện vào. Mặc dù được hứa là sẽ xin ý cấp trên về vấn đề sưu thuế và sẽ cho điều tra việc làm của viên tri huyện, nhưng dân chúng không chịu giải tán, một mực cứ đòi giải quyết ngay. Sau đó, ba người đại diện đều bị bắt giam (sau bị đày đi Lao Bảo thuộc Quảng Trị). Căm phẫn, nhân dân từ các nơi kéo đến đông hàng vạn. Viên công sứ liền ra lệnh cho lính xông vào đánh đập, bắn súng thị uy, nhưng dân chúng chỉ tản ra tạm thời rồi tụ lại. Tiếp ứng hành động của nhân dân Đại Lộc, người dân bị áp bức ở các phủ huyện như Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hòa Vang… tiếp tục nhau nổi dậy, kéo đến tòa Công sứ ngày càng đông tạo thành một làn sóng đấu tranh vô cùng mạnh mẽ. Phong trào này lập tức được các nơi hưởng ứng và lan dần ra khắp 10 tỉnh Trung Kỳ, làm rúng động bộ máy cai trị của thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn đương thời.
Ajabert trong cuốn sách “Những số phận ở Đông Dương” đã nhận xét “Cuộc khởi loạn được tổ chức một cách thông thạo nhất – như là một cuộc luyện tập, một cuộc thao diễn thí nghiệm trong đó xứ An Nam tổng ước các năng lực của nó, kiểm điểm các lực lượng phiến loạn của nó”. Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thì cho rằng: “… cuộc cự sưu năm 1908 thuần nhiên là tự sức quần chúng phơi gan trải ruột đem thịt máu ra chống với hai chính phủ: chính phủ bảo hộ Pháp và chỉnh phủ bù nhìn Việt Nam Nam triều. Rõ là viên đá móng đầu tiên mới bắt đầu xây nền “dân quyền” trong thời quân quyền còn vững chắc như hòn đá lớn nằm trên dốc cao, dưới có mấy gành đá ngăn đỡ, mà lần này mới bắt đầu lung lay”. Phong trào kháng thuế 1908 đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và là niềm tự hào của nhân dân Đại Lộc.
Các phong trào yêu nước chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, chống áp bức, bóc lột, bất công, chống chế độ phong kiến lỗi thời đã bị đàn áp dã man và dần dần bị thất bại. Nhưng ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp và bọn bán nước luôn nung nấu trong tim của các tầng lớp nhân dân Đại Lộc. Đó là mảnh đất tốt đã được chuẩn bị sẵn để hạt giống chủ nghĩa Mác – Lênin được gieo mầm và phát triển mạnh mẽ trên quê hương Đại Lộc.
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều người con của quê hương Đại Lộc vốn là học sinh, công nhân sinh sống, học tập, hoạt động cách mạng ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn khi về quê đã mang theo nhiều sách báo cách mạng như báo Người cùng khổ, tác phẩm Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc và các sách, báo tiến bộ khác. Các loại sách, báo đó đã được một số người truyền tay nhau đọc và ý thức hệ vô sản từng bước được nhân dân Đại Lộc chú ý.
Tháng 3-1928, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đến cuối năm 1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Cũng trong thời gian này, hai đồng chí Lê Cao Phong và Nguyễn Soạn được kết nạp vào Đảng Tân Việt và đến tháng 4 -1930, Thị ủy Đà Nẵng đã kết nạp hai đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những hạt giống đỏ đầu tiên được nẩy mầm trên đất Đại Lộc.
Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu (1907-1992)- Bí thư Huyện ủy đầu tiên
của Đảng bộ huyện Đại Lộc
Từ những đảng viên Cộng sản đầu tiên đó, chủ nghĩa Mác-Lênin được giác ngộ trong công nhân, nông dân, trí thức trên địa bàn huyện. Những hội viên Công hội đỏ ở nhà máy Ươm tơ Giao Thủy và hội viên Nông hội đỏ ở Ái Nghĩa được kết nạp để hình thành nên tổ chức quần chúng cách mạng đầu tiên ở Đại Lộc. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhân ngày Quốc tế lao động (ngày 1-5), nhiều nơi trong tỉnh đã dấy lên làn sóng đấu tranh với nội dung dân tộc và dân chủ theo hình thức mới. Ở huyện Đại Lộc, cờ đỏ búa liềm và truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh đã xuất hiện ở một số tụ điểm đông người như huyện lỵ, trường tiểu học Mỹ Hòa, chợ Quảng Huế, chợ Hà Nha, chợ Ái Nghĩa, Giao Thủy…
Các chi bộ Đảng được lần lượt ra đời lãnh đạo nhân dân dấy lên các phong trào đòi dân sinh, dân chủ làm sôi động khí thế chính trị trong toàn huyện. Yêu cầu lịch sử lúc này là phải có một cơ quan lãnh đạo cao nhất của huyện để thống nhất các đầu mối cơ sở Đảng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Ngày 9-12-1937, hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc được tổ chức tại làng Bàng Trạch, xã Đại Quang và cử ra Ban chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Bí thư. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong toàn huyện, làm tiền đề cho các bước phát triển sau này.
Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện
Đảng bộ huyện vừa ra đời đã tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Nhiều hoạt động rầm rộ mang tính biểu dương lực lượng như: tổ chức các đoàn biểu tình đi Đà Nẵng, Duy Xuyên đón phái bộ của Mặt trận Bình dân Pháp, đưa yêu sách bãi bỏ thuế thân, tự do ngôn luận, thả tù chính trị…; cuộc vận động toàn dân ủng hộ Phan Thanh và sau đó là Đặng Thai Mai tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi.
Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đang phát triển rầm rộ thì Đảng bộ đã phải chịu những tổn thất nặng nề do hai lần bị địch đánh phá, khủng bố nhiều đồng chí lãnh đạo cốt cán bị địch bắt, Huyện ủy lâm thời bị vỡ. Song trong khó khăn gian khổ, ý chí cách mạng của mỗi đảng viên và quần chúng càng được tôi luyện. Đồng chí Trần Tống đã lợi dụng phiên tòa địch để vạch trần tội ác của bọn xâm lược, bọn tay sai và tuyên truyền cách mạng, tỏ rõ chí khí của người Cộng sản.
Chỉ sau một vài năm bị địch khủng bố, phong trào cách mạng đã được phục hồi. Qua gian nan thử thách, kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động, tuyên truyền, xây dựng cơ sở quần chúng càng được tích lũy nhiều hơn để tiến tới một cao trào mới: Kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ ngày 18 đến 23-8-1945, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra sôi nổi trong toàn huyện. Nhân dân đã thực sự làm chủ quê hương mình. Những ngày này, lực lượng chủ yếu quyết định thắng lợi là lực lượng chính trị mạnh mẽ của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, có lực lượng vũ trang xung kích dẫn đầu. Đây là bước trưởng thành đáng kể của Đảng bộ huyện trong việc khéo léo kết hợp lực lượng chính trị và vũ trang để tạo nên ưu thế áp đảo trong so sánh lực lượng để giành chính quyền về tay nhân dân.
Đất nước độc lập, tự do chưa được bao lâu thì tiếng súng xâm lược lại nổ rền. Nam Bộ lại bắt tay vào cuộc chiến chống Pháp lần thứ hai. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ: “Phải trút toàn lực vào đó. Hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam”, chính quyền và Mặt trận Việt Minh huyện đã vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân thực hiện vũ trang toàn dân. Mọi người đều hãnh diện, tự hào khi cầm những vũ khí thô sơ nhất và say sưa tập võ để sẵn sàng giết giặc để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân dân Đại Lộc lại tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” do chính phủ phát động. Nhiều mẹ, chị đã góp cả đồ trang sức của mình vào đó.
Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” nhân dân Đại Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thổi bùng ngọn lửa của phong trào chiến tranh du kích rực cháy khắp nơi làm thất bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Tên Đơ Batitti, chỉ huy mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng đã thú nhận: “Chúng tôi rất lúng túng trong việc đối phó với với phong trào du kích ở Quảng Nam. Ở đây, mỗi người dân là một bức tường, thậm chí đến đứa trẻ cũng là cái mắt lưới đáng sợ”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ -ne- vơ nhưng ngay sau đó, đế quốc Mỹ đã ra tay phá hoại Hiệp định. Chúng đã không chịu hiệp thương tổng tuyển cử mà dựng lên ở miền Nam một chế độ độc tài, phản động Ngô Đình Diệm. Chính sách “tố cộng”, luật số 10-1959 đã đặt cả miền Nam trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Chúng ra sức truy lùng, vây ráp, bắn giết, trả thù những người đã tham gia kháng chiến. Trên địa bàn huyện, chúng đã tổ chức hàng chục điểm “học tập tố cộng” với đủ loại nhục hình từ “sám hối” đến tra tấn dã man. Hàng ngàn người bị bắt giam cầm, đày đi các nhà lao. Khe Tre, động Hà Sống, Giao Thủy và nhiều nơi khác đã chứng kiến những cảnh “thả bao bố”, bắn giết các chiến sĩ cách mạng và những người “tình nghi cộng sản”.
Đình Không Chái, xã Đại An - nơi chính quyền Ngô Đình Diệm
tiến hành các chiến dịch “Tố cộng”trên địa bàn huyện Đại Lộc 1954 - 1959.
Kẻ thù càng hung bạo thì lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc càng được nung nấu trong nhân dân. Hàng trăm thanh niên đã bí mật thoát ly tham gia lực lượng vũ trang huyện. Từ năm 1964, quần chúng đã nổi dậy phá banh các “ấp chiến lược” tiến tới giải phóng nhiều thôn, xã trong huyện góp phần làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Xtalây-Taylo và chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và đưa quân vào miền Nam. Hơn 3.000 lính Mỹ đầu tiên được đổ bộ lên Đà Nẵng. Nhân dân Quảng Nam nói chung, Đại Lộc nói riêng phải trực tiếp đương đầu với một đội quân xâm lược nhà nghề với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Phong trào “tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, phong trào toàn dân hiến kế đánh Mỹ được phát động. Đồng bào hăm hở vót chông, đào hào, lập làng chiến đấu. Với sức mạnh của chiến tranh nhân dân, bà con xã Đại Thắng đã xây dựng địa đạo dài 2km, một chiến lũy để chiến đấu và phòng thủ rất hữu hiệu.
Ba mươi năm ròng rã trong chiến tranh, mảnh đất Đại Lộc kiên cường đã phải chịu đựng bao gian khổ, ác liệt với hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng ngàn cuộc càn quét bắn giết. Đạn bom có thể gây tang thương, chết chóc, có thể cày xới, hủy hoại những làng quê trù phú nhưng không thể khuất phục được chí khí kiên trung của nghĩa Đảng lòng dân. Với khẩu hiệu: “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch”, “một tấc không đi, một ly không rời” nhân dân đã kiên cường trụ bám làm chỗ dựa cho cán bộ, du kích hoạt động. Biết bao nhiêu những tấm gương dũng cảm, thông minh tài trí trong đánh giặc giữ làng của cán bộ và nhân dân Đại Lộc.
“Bà con bàn tán
Du kích anh hùng
Một lòng thủy chung
Bám làng diệt địch
Đánh giặc bằng mìn
Mìn đánh bộ binh
Mìn đi chặn viện
Mìn còn cải tiến
Đánh rụng máy bay
Sách lược xưa nay
Chưa hề nhắc tới”.
Biết bao nhiêu những lối đánh sáng tạo như cài mìn bẫy trên nóc nhà diệt máy bay thám sát của địch và những tấm gương hy sinh anh dũng trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và cả các mẹ, các chị, các em thiếu niên… tiêu biểu cho chí khí kiên cường, bất khuất trước quân thù của người Đại Lộc. Biết bao nhiêu chiến công hiển hách diễn ra trên mảnh đất này, từ trận diệt gọn một đại đôi Mỹ đầu tiên trên đất Hà Vi (Đại Hồng) năm 1966 đến các trận đánh vang dội tai cầu Ông Nở (Đại Thắng), chiến thắng Thượng Đức 1974 mở toang cánh cửa thép phía Tây của Đà Nẵng khởi đầu cho những cuộc tấn công quy mô trên các chiến trường và hàng trăm chiến công khác để dẫn đến ngày toàn thắng trên quê hương Đại Lộc vào ngày 28-3-1975...
Người Đại Lộc hiếu học, tài hoa
Quảng Nam là đất học, nổi tiếng với “Ngũ phụng tề phi” (năm con chim phụng cùng bay). Tất nhiên, Quảng Nam là đất “mở cõi”, từ khi ra đời đến nay phần lớn thời gian phải dành ưu tiên cho công cuộc giữ nước nên không thể so sánh với Thăng Long nghìn năm văn hiến hoặc với đất Kinh Bắc đã có lịch sử phát triển giáo dục hàng ngàn năm. Tuy vậy, chỉ tính riêng trong khoảng 100 năm (1817-1918), có 32 khoa thi do Triều Nguyễn mở thì khoa thi nào Quảng Nam cũng có người góp mặt và trong số 911 người đăng khoa, Quảng Nam có đến 252 người đỗ đạt. Trong đó, huyện Đại Lộc cũng đã góp vào những tên tuổi làm rạng danh cho truyền thống hiếu học của quê hương như: Phó bảng Hồ Hoằng Tánh (xã Đại Minh) làm quan tới chức Lang trung, các Cử nhân: Hồ Lệ (Đại Minh) làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, được phong tước An Lương Tử, là một vị quan thanh liêm chính trực nổi tiếng lúc bấy giờ, Phan Trí Hòa, Trương Liên, Trương Lâm, Phan Thường Chuyết (Đại Nghĩa), Lê Trọng Cảnh (Đại Cường), Hồ Lãm, Hồ Mậu, Hồ Ngận (Đại Minh), Lương Thúc Kỳ (Đại Lãnh)...
Đầu thế kỷ XX, ở Quảng Nam xuất hiện phong trào Duy Tân với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, vận động xóa bỏ lối học từ chương trên nền tảng Nho giáo đã lỗi thời và lạc hậu để thiết lập một nền giáo dục mới, lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá kiến thức. Đó thực sự là một cuộc cải cách giáo dục căn bản và sâu sắc.
Từ phong trào Duy Tân, khắp nơi trong tỉnh mở trường dạy học. Ở huyện Đại Lộc đã bắt đầu hình thành một vài điểm dạy học và đến năm 1923, trường tiểu học Mỹ Hòa ra đời, thu hút nhiều con em nhân dân lao động. Quan niêm “cố kiếm cho con ba chữ để làm người” là quan niệm phổ biến của dân gian. Vì thế, ý thức kiên trì học tập, vượt mọi khó khăn, trở ngại của hoàn cảnh, tự tìm tòi nghiên cứu, học hỏi là một nét biểu hiện rõ nhất trong truyền thống hiếu học của nhân dân. Ngay trong thời kỳ khó khăn nhất, giữa đạn bom trong vùng kháng chiến, nhiều trường học vẫn được duy trì. Học trò len lỏi trong bom đạn, giữa hai trận càn để đi học. Học dưới hầm trú bom, trong giao thông hào, bất cứ đâu có thể.
Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên mảnh đất đầy dẫy những hố bom sâu hoắm, những ngôi trường bằng tranh tre nứa lá được dựng lên để chăm lo cho việc học tập của con em. Và từ đó, sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ. Năm 1994, chủ trương tầng hóa trường học được Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ XIV đề ra như một luồng sinh khí mới kích thích toàn xã hội làm giáo dục. Nhà nhà, người người đầu tư cho việc học của con em. Các trường học được xây dựng khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Hiện nay huyện Đại Lộc có 04 trường trung học phổ thông, 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề, 17 trường trung học cơ sở, 25 trường tiểu học, 19 trường mầm non. Trong tổng số 61 trường từ mầm non đến trung học cơ sở do huyện quản lý, có đến 58 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ hơn 95%, là huyện có tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh Quảng Nam (tính đến cuối năm học 2013-2014). Hằng năm, có khoảng 500 em trúng tuyển Đại học nguyện vọng 1 và hơn 1000 em vào các trường Đại học, Cao đẳng khác.
Trên nền của truyền thống hiếu học và sự nghiệp giáo dục được toàn dân quan tâm đầu tư phát triển, nhiều thế hệ đã trưởng thành trở thành những chiến sĩ dũng cảm, những cán bộ lãnh đạo các cấp, những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ tài hoa, những doanh nhân thành đạt… đem tài năng, trí tuệ phục vụ quê hương đất nước. Xin được giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu:
Trên lĩnh vực chính trị, quân sự:
Đỗ Đăng Tuyển (1856-1911), người làng Ô Gia, xã Đại Cường, biệt hiệu Hy Đào, bí danh Sơn Tẩu, là một chí sĩ "Đánh thù lòng như đá. Yêu nước tóc thành tơ". Trong Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, ông đảm nhận chức Tán tương quân vụ, cùng với Trần Huy và Trần Đỉnh phụ trách án ngữ mặt Bắc của Tân Tỉnh Trung Lộc và lập nhiều chiến công. Khi Nghĩa Hội tan rã, ông về quê ẩn mình làm một ông già say (Lão Túy Am) nung nấu lòng yêu nước. Sau này, Ông là một trong năm yếu nhân sáng lập nên Duy Tân Hội, là một đồng chí nhiệt thành của Sào Nam Phan Bội Châu. Sau vụ kháng thuế Trung Kỳ năm 1908, ông bị truy bắt nhưng trốn thoát. Năm 1910 ông bị bắt đày đi Lao Bảo. Trên đường đi đày, ông đã hai lần tự vẫn nhưng không thành. Ông mất ngày 04-4-1911.
Nguyễn Đức Thiệu, sinh năm 1907 tại làng Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Ông là người lập nên chi bộ Đảng tại đề pô xe lửa Dĩ An (tỉnh Bình Dương), năm 1930; chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Đại Lộc năm 1937.
Huyện ủy Đại Lộc được thành lập tháng 12 - 1937, Ông được cử làm Bí thư Huyện ủy lâm thời. Sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Từ năm 1954, công tác tại Phủ Thủ tướng, Ban Kinh tế Chính phủ, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Ông nghỉ hưu vào cuối năm 1972 và từ trần vào ngày 17-9-1992.
Trần Tống sinh năm 1916 quê xã Đại Quang, từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Ông nổi tiếng với những lời lẽ đanh thép luận tội kẻ thù trong phiên tòa do Pháp lập ra để xử ông và những đồng chí khác: “Chúng tôi là những người cộng sản. Là người dân mất nước, mất tự do, chúng tôi phải tổ chức lực lượng cách mạng để giành lại độc lập cho dân tộc. Là những chiến sĩ yêu nước chúng tôi chẳng có tội tình gì cả. Vì thế chúng tôi chẳng cần phải van xin ai cả! Kẻ có tội chính là triều đình Huế làm tay sai cho Pháp! Đảng Cộng sản kiên quyết đánh đổ cái chế độ làm tôi tớ cho thực dân Pháp. Chế độ đó nhất định bị đánh đổ! ”. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III; từ trần năm 1988.
Huỳnh Ngọc Huệ sinh năm 1914 ở xã Đại Hòa, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936, ông đã từng được cử giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, được bầu làm Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Phó Bí thư Liên khu ủy khu V. Ông là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam khóa I. Ông bị địch bắt nhiều lần và đã 2 lần vượt ngục cùng với Tố Hữu và Nguyễn Duy Trinh. Tố Hứu đã viết tặng ông bài thơ Tiếng hát đi đày.
Ngày 27-5-1946, Hội nghị đại biểu công nhân toàn quốc họp ở Hà Nội quyết định thành lập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông được cử giữ chức Tổng thư ký, được cử vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới. Ông từ trần ngày 27-4-1949.
Lê Thị Xuyến (1909 - 1996) sinh tại làng Thạch Bộ, xã Đại Hòa, là một nhà cách mạng, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, vợ của nhà cách mạng Phan Thanh. Bà là người tham gia thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1946-1956); bà cũng là một trong những nữ Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Việt Nam và liên tục là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khoá II, III, IV, V. Bà mất tại Hà Nội, thọ 87 tuổi.
Lương Thúc Kỳ là nhà Duy Tân, quê làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, đỗ cử nhân năm 1900, có lúc làm Thị lang tại Huế, Ông đã cùng với các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng nhiệt thành thúc đẩy phong trào Duy tân trong năm 1907-1908. Sau đó vào Bình Thuận gầy dựng cuộc Duy tân. Ông cùng Hồ Tá Bang coi sóc việc mở trường Dục Thanh và ông đứng làm Giám hiệu.
Ông là tác giả các sách: Quốc ngạn (Nhà in Tiếng Dân, 1939),Thừa Thiên địa lí chí ,Thừa Thiên đăng khoa lục ,Hán Việt tự điển. Ông mất năm 1947 tại quê nhà, thọ 74 tuổi.
Trần Đình Tri, người làng Gia Cốc, xã Đại Minh. Ông sinh ngày 10-4-1915, là một trí thức yêu nước và cách mạng, đã từng là nhà giáo, nhà báo. Tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tai Hội An. Sau đó được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung bộ. Là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia biên soạn Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1980. Ông mất ngày 13-8-1994 tại Hà Nội, thọ 80 tuổi.
Trung tướng Đặng Hòa, còn có tên là Đặng Ngọc Lập (1927-2007); quê xã Đại Hiệp. Ông được thụ phong quân hàm Trung tướng năm 1986, là Chính ủy Binh chủng Pháo binh, Chính ủy Quân khu 4, Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 4, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, sinh năm 1955, quê quán: Xã Đại Cường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5; Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1955, quê quán xã Đại Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 5; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Đoàn Huyên, sinh năm 1925, quê quán xã Đại Nghĩa, là một nhà khoa học quân sự tài năng. Ông từng được cử làm Ủy viên Quân sự của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp Quân sự bốn bên sau Hiệp định Paris. Năm 1983, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và được phong Giáo sư khoa học quân sự năm 1986. Ông cũng từng đảm nhận các chức vụ Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Tổng biên tập "Từ điển Bách khoa quân sự" đồng thời là tác giả của nhiều quyển sách khác. Ông mất ngày 5-11-2002 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trên lĩnh vực khoa học:
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Quách Đăng Triều, sinh năm 1938 tại xã Đại Lãnh. Ông đã có nhiều công sức trong việc nghiên cứu cải tiến các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự. Về hưu, ông nhận lời mời giảng dạy chuyên đề cấu trúc phân tử tại một số trường Đại học Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan. Ông được xem là người đặt nền móng cho ngành Hóa học Việt Nam,
Viện Hàn lâm khoa học New York vinh danh ông danh hiệu “Danh nhân khoa học thế giới thế kỷ XX”.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, sinh năm 1933 tại xã Đại Hưng, là một nhà giáo, nhà khoa học đã từng giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và một số tổ chức khoa học quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên động thực vật và môi trường. Đã có 170 công trình khoa học công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, tác giả của hàng chục cuốn sách khác. Ông cũng đã vinh dự được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh hai lần.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Từ Văn Mặc, sinh năm 1936 tại xã Đại Đồng là một nhà giáo, một nhà khoa học giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành Hóa học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông là tác giả của 26 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí; đồng tác giả của nhiều giáo trình và sách chuyên khảo về lĩnh vực Hóa học. Tham gia biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam", biên soan và dịch các từ điển bách khoa. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Tiến sỹ khoa học Lê Phước Trình, sinh tại thị trấn Ái Nghĩa, chuyên ngành Vật lý địa cầu, nguyên phó phân viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học tai Nha Trang. Ông đã nghiên cứu và đóng góp 120 công trình khoa học, đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Hiện ông đã nghỉ hưu và sinh sống tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật:
Nhà thơ Tú Quỳ, có tên là Huỳnh Quỳ, hiệu là Hướng Dương (1828-1926), quê làng Giảng Hòa, xã Đại Thắng. Ông sáng tác nhiều, phần lớn đều bằng chữ Nôm, và nhiều thể loại: thơ ca, văn tế, thư tín, vè, câu đối… Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam đã nhận xét về sự nghiệp văn chương của ông “Tinh thần phúng thích trong thơ Tú Quỳ gần như thấm sâu trong văn phong ông. Bút pháp, văn mạch ông rất tự nhiên, thanh thản đôi khi bình dị, dù cho đó là chốn thiền môn ông cũng không ngớt lời đả kích nơi trang nghiêm mà sa đọa vào thời đạo Phật đi vào con đường thoái hóa; hoặc các hiện tượng sai trái, xấu xa trong cuộc sống nhân sinh...”.
Bà Bang Nhãn, tên là Lê Thị Liễu (1853-1927), quê làng Phụng Trì, nay thuộc xã Đại Đồng. Sinh thời, bà hay xướng họa thơ văn với các danh sĩ đương thời và nổi tiếng khắp tỉnh, rất nổi tiếng về thơ quốc âm. Bà sáng tác nhiều nhưng đến nay chỉ còn lưu lại 2 bài, đó là bài "Qua cửa Hàn" và bài "Vịnh Ngũ Hành Sơn".
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, còn có bút danh là Trần Hiếu Minh (1921-2001), quê ở xã Đại Quang, là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam , tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ.
Tác phẩm: Say nửa chừng (truyện ngắn), Các tiểu thuyết: Con trâu, Rừng U Minh, Áo trắng, Sài Gòn 1967, Tiểu thuyết cuộc đời; một số tập bút ký: Cửu Long cuộn sóng, Đường đất nước , Ghi chép về Tây Nguyên, Thời đã qua ... Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 cho tiểu thuyết Con trâu. Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội đồng Văn học - Nghệ thuật Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập bút ký Cửu Long cuộn sóng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, năm 2000.
Nam Trân (1907- 1967), tên thật là Nguyễn Học Sỹ, sinh tại làng Phú Thứ Thượng, xã Đại Quang, từng làm thị lang bộ Lại, án sát tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng làm Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh liên khu V. Nam Trân là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam. Tại Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 5-1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành khóa đầu tiên. Ông cũng là một trong những cán bộ giảng dạy lớp đại học Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc.
Các tác phẩm chính của ông gồm: Huế, Đẹp và Thơ (1939), Ca dao thi đua, Vườn hạnh phúc (thơ). Nam Trân là người tuyển và tham gia dịch Thơ Đường (2 tập), Thơ Tống, Thơ và từ của Mao Trạch Đông, Thơ văn Lý Trần, Thơ Quách Mạt Nhược, Người Xô Viết chúng tôi (với các bút danh: Nam Trân, Tương Như). Đặc biệt ông là người chủ trì dịch tập Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu năm 1960
Ngọc Anh. Ông họ Nguyễn, sinh năm 1932, quê xã Đại Đồng, từng là phóng viên chiến trường, làm việc ở Ban Văn Sử Địa (tiền thân của Viện Văn học Việt Nam) chuyên nghiên cứu Văn hóa Tây Nguyên; tham gia dịch các Trường ca như Đam San, Xinh Nhã... Thơ ông chuyên sáng tác về chủ đề Tây Nguyên. Với bài thơ Bóng cây Kơ nia, được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thơ ông đã đi vào lòng người, còn sống mãi với thời gian. Ông hy sinh năm 1965.
Trinh Đường tên khai sinh Trương Đình. Sinh năm 1919, tại xã Đại Thắng, từ trần ngày 28-9-2001. Ông sáng tác nhiều tác phẩm thơ: Hoa gạo, Hạt giống, Thuỷ triều, Bạch Đằng tráng khúc, Giao mùa, Phượng hoàng con, Quán trọ, Hội hoá trang, Cà Mau, Hành trình. Về văn: Làm cầu Kha Lam (ký, 1957); Ngày và đêm một lứa đôi (truyện ngắn, 1982); Phê bình, Lý luận biên soạn: Ngày hội thơ, Những gương mặt thơ mới, Thơ với tuổi học trò, Một thế kỷ thơ Việt, Thơ thế kỷ XX.
Võ Quảng (1920-2007) quê tại xã Đại Hòa, là một nhà văn nổi tiếng. Sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi, trong đó có tác phẩm Quê Nội quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam Ông cũng là người đầu tiên dịch tác phẩm Don Quixote sang tiếng Việt dưới bút danh Hoàng Huy từ năm 1959. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc