Ngày 20/10, xã Đại Cường tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng xã Lộc Phước (24/10/1964 – 24/10/2024). Đến dự có Thượng tướng Võ Tiến Trung, Nguyên UVBCH TW Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 5; ông Nguyễn Hữu Mai, Nguyên Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam. Về phía huyện có đồng chí Lê Văn Quang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Hữu Vĩnh, Uỷ viên BTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện; các đồng chí trong BTV Huyện ủy; đại biểu các ban ngành đoàn thể của huyện, các đồng chí nguyên lãnh đạo của huyện và xã Đại Cường qua các thời kỳ, các đồng chí đã từng tham gia, phục vụ kháng chiến, các gia đình người có công trên địa bàn xã.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Ngày 05/7/1947, Chi bộ La Ngà tiền thân của Đảng bộ xã Đại Cường được thành lập. Từ đây, địa phương có tổ chức Đảng tiên phong, là hạt nhân lãnh đạo nhân dân địa phương tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1954, Mỹ- Diệm bắt đầu thiết lập chính quyền phản động, chúng cắt 3 thôn của xã Đại Minh và một phần của xã Duy Mỹ của huyện Duy Xuyên để thành lập xã Lộc Phước nhằm dễ bề quản lý và cai trị. Tháng 02/1962 đội du kích của xã được thành lập và tiến hành diệt ác, phá kèm, kết hợp với bộ đội chủ lực đập tan âm mưu lập ấp chiến lược, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Từ năm 1963 đến năm 1964 phong trào đấu tranh cách mạng của xã đã phát triển mạnh. Ngay trong đêm 23 tháng 10/1964, xã tổ chức mít tinh tại Đình làng Quảng Đại ra mắt chính quyền tự quản, đồng chí Trần Quang Tính (Trần Quyết) được chỉ định làm Chủ tịch, thành lập trung đội du kích xã mang tên Nguyễn Thái Huý do đồng chí Võ Đình Hà làm Trung đội trưởng.
Đồng chí Lê Văn Quang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng
Chiến thắng vào ngày 24/10/1964 giải phóng hoàn toàn xã Lộc Phước đã trở thành mốc son đi vào lịch sử địa phương góp phần cùng với nhân dân các xã huyện Đại Lộc nói chung, vùng B nói riêng trong chiến công “diệt ác phá kèm”, giải phóng quê hương, tạo điều kiện cho việc mở rộng địa bàn hoạt động của chính quyền cách mạng.
Từ một địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt. Từ một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mà thực chất là độc canh cây lúa, cơ cấu kinh tế của Đại Cường chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Đáng chú ý là tỷ trọng giá trị chăn nuôi ngày càng tăng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Điều dễ nhận thấy ở Đại Cường là đã có sự đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đến tận thôn, xóm và các hệ thống điện, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu tái định cư, công trình nước sạch,…. góp phần tạo ra vóc dáng của một xã nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Dịp này, xã Đại Cường tổng kết và trao giải cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các ngày truyền thống xây dựng Đảng và kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng xã Lộc Phước (24/10/1964 – 24/10/2024)”.
BTC trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể đạt giải cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến
Nhật Duy