Đăng nhập

Tài khoản
LÀNG TRỐNG LÂM YÊN
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 18/11/2024 .Lượt xem: 14 lượt.

“Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều”- câu ca dao này hẳn đã nói lên phần nào giá trị của một làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Đại Lộc nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung. Đó là làng trống Lâm Yên, nay thuộc thôn Ấp Nam, xã Đại Minh.

Không ai nhớ chính xác làng trống Lâm Yên có từ khi nào. Theo những lời kể lưu truyền từ đời này qua đời khác, làng trống Lâm Yên ra đời cách đây khoảng 200 năm. Ông tổ nghề này là Phan Công Thiên, quê gốc ở Hải Dương, trên đường Nam tiến đã dừng chân tại thôn Ấp Nam, xã Đại Minh. Đã qua 7 đời, các thế hệ con cháu tộc Phan tiếp nối nhau giữ nghề làm trống.

Làng trống Lâm Yên sản xuất đủ các loại trống: từ trống nhỏ (như trống lệnh, trống chầu) đến cả những trống to mà nhiều người vẫn thường gọi là trống sấm (trống bát nhã). Tùy vào mỗi loại, kích cỡ mà quy trình làm trống có phần khác nhau nhưng về cơ bản thì các loại trống giống nhau ở hai công đoạn chính: làm tang trống (thân trống) và căng da.

Tang trống Lâm Yên nhất thiết phải là gỗ mít, gỗ càng già tốt. Tang trống thường được ghép mà không cần móc khớp gì giữa các miếng dăm - đây là sự khác biệt của trống Lâm Yên đối với các loại trống ở nơi khác. Còn đối với loại trống tang liền (thân mít đục rỗng bên trong) như trống sấm thì khó làm, nhất là lúc gia công lấy hết phần gỗ ruột.


Trống Lâm Yên

Theo nhiều thợ trống Lâm Yên, căng da trống là một công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của mỗi chiếc trống, do đó, chỉ cần sơ xuất có khi bỏ luôn cả bộ da đắt tiền. Cách làm da có thể mỗi thời mỗi khác nhưng chiếc trống Lâm Yên đặc biệt ở chỗ, da trâu sau khi được phơi khô với độ chín vừa phải sẽ được bào, gọt bằng tay hết sức cẩn thận.

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cũng như ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho các nghệ nhân làng trống Lâm Yên, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ làng nghề. Làng trống Lâm Yên hiện nay đã thành lập được hợp tác xã, đi vào hoạt động tập trung, ổn định. Trước đây, sản phẩm chủ yếu là các loại trống dăm ghép, trống bát nhã, cung phu, trống chầu, trống lệnh, trống nhạc thì đến nay, Lâm Yên đã có thêm dòng trống dăm liền (dăm luông) với kích thước to lớn, được chế tác bằng kỹ thuật tinh xảo, chất liệu tốt, có thanh âm hay và tuổi thọ cao... Mỗi năm, làng nghề cho ra thị trường hơn 2.500 sản phẩm các loại gồm: đèn, mõ, trống các loại với tổng giá trị thu về 1,5 - 2 tỷ đồng.

Trong lịch sử làm trống của làng Lâm Yên, chiếc trống lớn nhất từng được đóng tại đây có đường kính mặt trống 1,5 mét; dài 2,6 mét do ông Phan Văn Hiệp thực hiện trong vòng 3 tháng. Nhiều thợ trống khẳng định đây là chiếc trống lớn nhất từ trước đến nay với cân nặng gần 1 tấn, trị giá 270 triệu đồng. Chiếc trống này được làm theo đơn đặt hàng của một ngôi chùa tại Đà Nẵng.

Hằng năm, tại các hội chợ thương mại, sản phẩm trống Lâm Yên vẫn là đại diện cho các làng nghề truyền thống của huyện Đại Lộc tham gia trưng bày. Hy vọng rằng, trống Lâm Yên sẽ tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai để giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Đại Lộc được gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau.

(Nguồn” “Nơi hai dòng sông chảy qua”)

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NGƯỜI ĐẠI LỘC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU “ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN”