Đăng nhập

Tài khoản
NGƯỜI ĐẠI LỘC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU “ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN”
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 20/11/2024 .Lượt xem: 14 lượt.

Ngày 20 tháng 12 năm 1948, Nguyễn Ngọc Bình tình nguyện gia nhập Giải phóng quân và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, một tin vui đến với đồng chí Nguyễn Ngọc Bình và quân dân Đại Lộc, đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, bí danh Ngọc Anh, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1930, tại làng Đông Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Năm 1948, đồng chí lên đường gia nhập Giải phóng quân, được biên chế về Tiểu đoàn 49, Quân khu V. Chỉ mới được 3 ngày, đồng chí cùng đồng đội đi tập kích đồn Phú Mỹ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Trận này, ta bắt được tù binh, thu được nhiều súng. Sau trận phục kích vào đồn Phú Mỹ, đồng chí Bình được chuyển biên chế sang trinh sát viên của tiểu đoàn 49, rồi trinh sát Đặc công Trung đoàn 803 của Quân khu V tham gia chiến dịch Hè năm 1952, đánh tiêu diệt nhiều cứ điểm trên khắp các chiến trường Kon Tum, Lệ Sơn, Bà Du, Dốc Nhất.

Sau các đợt đánh địch ở Quảng Nam, Trung đoàn 803 hành quân vào Bình Định, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình được phân công làm nhiệm vụ xuyên rừng lên điều tra cứ điểm Hai Đức, huyện Ma-tơ-rớt. Do công tác điều tra chu đáo, tiểu đoàn 365 của Trung đoàn 803, tiêu diệt cứ điểm Kom Rây trong đêm 27 tháng 1 năm 1954 (cùng đêm, Trung đoàn 108 đánh tiêu diệt cứ điểm Mang Đen), giải phóng chiến trường Bắc Kom Tum. Ngay sau đó, đồng chí đã cùng đơn vị khẩn trương chuẩn bị tập kích vào binh đoàn G.M.100 (Âu - Phi) tại thị xã Plâycu vào đêm 17 tháng 2 năm 1954. Trong tháng 6 và tháng 7 năm 1954, đồng chí tham gia liên tục đánh các trận ở Cheo Reo, Đồ Cá, Trị Bình, tỉnh Đăk Lắk, Phú Lâm, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình được phân công ở lại miền Nam, tham gia Đội Đặc công chôn cất vũ khí. Nhưng do địch phát hiện, đồng chí phải tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng ra Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chỉ sau 2 ngày lên bờ, đồng chí cùng 10 đặc công được lựa chọn, có trách nhiệm đưa các đồng chí lãnh đạo Liên Khu ủy Khu V từ miền Bắc vào lại Thừa Thiên, rồi vào huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam, Nước Là, Xà Lo tỉnh Quảng Ngãi. Trong suốt thời gian từ năm 1955 đến năm 1961, đồng chí Bình đã góp phần bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo của Khu, liên lạc, móc nối đường dây từ cơ quan Khu ủy với đường dây liên lạc Bắc Nam và xuống cả đồng bằng, thành phố để đưa cán bộ về hoạt động, bắt liên lạc với Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Tháng 4 năm 1961, Đội Đặc công V33, Quân khu V được thành lập, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình được biên chế vào Đội và được cử phụ trách một trung đội và đã đánh nhiều trận xuất sắc. Trận đánh vào chi khu quân sự hành chính quận Đắc Hà (30/8/1961), đồng chí đã dẫn đầu tổ xung kích và đánh sập 4 lô cốt, lấy súng địch cho đơn vị, diệt gọn cứ điểm địch. Từ tháng 9 năm 1961, đồng chí tham gia khởi nghĩa vũ trang ở phía Nam Quảng Nam, phía Bắc Quảng Ngãi. diệt nhiều tên ác ôn. Tháng 2 năm 1962, đồng chí trở về Đại đội 406, Đặc công của Quân khu V, tham gia tập kích Trà My (27/2/1962), diệt đại đội Cộng hoà tại gò Bà Ghen, diệt tiểu đoàn Cộng hòa tại Long Lếch (8/1963), tỉnh Kom Tum. Tháng 4 năm 1964, đồng chí được đề bạt làm Đại đội trưởng, Đại đội 40, tiểu đoàn 409. Đồng chí đã cùng đơn vị diệt nhiều cứ điểm Bào My (Sơn Hà), Núi Diễm (Đức Phổ), diệt chi khu quận lỵ An Lão. Mưu trí linh hoạt, lấy ít thắng nhiều, đồng chí, đã chỉ huy một tổ cải trang lợi dụng sơ hở của địch, diệt gọn một đại đội địch ở cứ điểm Núi Diễm (Quảng Ngãi).Trong trận Gia Hựu (2/1965), tuy hết đạn, bản thân bị thương nặng, đồng chí vẫn chỉ huy 7 đồng chí khác đoạt súng địch đánh địch trong 4 giờ liền, làm chủ trận địa, diệt 70 tên, bắt sống 45 tên, thu một pháo cối 105 ly, 1 xe GMC, riêng đồng chí đánh sập 5 lô cốt, diệt 20 tên. Năm 1966, đồng chí được cử làm Tiểu đoàn phó, tiểu đoàn 409, Đặc công Quân khu V. Đồng chí đã chỉ huy nhiều lần đánh vào căn cứ Chu Lai, tỉnh Quảng Nam phá hủy nhiều máy bay, kho tàng các loại.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình (đứng phát biểu)- người đầu tiên của huyện Đại Lộc được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, tháng 9 năm 1967, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình được dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam và được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành người Đại Lộc đầu tiên được tặng danh hiệu cao quý này.

Tháng 1 năm 1968, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình được phong hàm Đại úy, trợ lý phòng Đặc công Quân khu V.Trên cương vị mới, đồng chí được cử làm phái viên Tiểu đoàn 407, Đặc công đánh vào khu căn cứ hỗn hợp hậu cần của Mỹ ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và sau đó làm phái viên Đặc công lên chiến trường Tây Nguyên (B3).Tháng 6 năm 1972, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tá. Tháng 9 năm 1974, làm Hiệu trưởng trường Đặc công Quân khu V. Tháng 5 năm 1976, đồng chí được phong hàm Trung tá, làm Tham mưu phó Sư đoàn 334. Tháng 1 năm 1981, đồng chí nghỉ hưu tại phường Hòa Thuận, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Là một cán bộ chỉ huy giỏi, chiến đấu giỏi, xây dựng đơn vị giỏi, dù có lúc gặp nhiều tình huống khó khăn phức tạp, song đồng chí vẫn luôn bình tĩnh, sáng suốt, chỉ huy đơn vị chiến đấu tốt, đạt hiệu quả cao, đồng thời xây dựng đơn vị đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình còn 2 lần được tặng Bằng Chiến sĩ thi đua Quân khu V, được công nhận: “Ngọn cờ - 3 giỏi”, được tặng 1 Huân chương Quân công hạng Hai, 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 2 Bằng tuyên dương công trạng hạng Ba).

(Nguồn: Tập sách “Đại Lộc- Đất anh hùng”)

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
ĐẠI LỘC, ĐẤT VÀ NGƯỜI
LÀNG TRỐNG LÂM YÊN