Trao nhà "Mái ấm nông dân" cho nông dân khó khăn. Ảnh: B.L
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Đại Lộc được Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến xã/thị trấn triển khai đồng bộ và hiệu quả với phương châm “Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”.
Tại xã Đại Nghĩa, giai đoạn 2019 - 2024, toàn xã đã xóa 30 căn nhà tạm; trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ theo quy định của tỉnh và huyện là 8 nhà, 22 căn nhà còn lại được vận động, kêu gọi từ nguồn xã hội hóa.
Theo ông Lê Quang Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Nghĩa, qua gần 5 năm, xã đã vận động cá nhân ông Phan Ngọc Anh và Công ty VLXD Phan Ngọc Anh hỗ trợ xóa 15 nhà tạm, mỗi nhà được hỗ trợ từ 40 - 60 triệu đồng.
Tổng nguồn lực doanh nghiệp hỗ trợ trong 4 năm qua là 800 triệu đồng; 7 căn nhà còn lại được kêu gọi, vận động hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác.
“Đến năm 2023, Đại Nghĩa đã xóa xong nhà tạm, chỉ còn 1 nhà bán kiên cố được hỗ trợ sửa chữa trong năm 2024. Đại Nghĩa không còn nhà tạm bợ, dột nát.
Có được kết quả đó, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa rất quan trọng. Tất cả vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là tiêu chí quan trọng góp phần đưa Đại Nghĩa đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 này” - ông Hải chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cả hệ thống chính trị huyện Đại Lộc vẫn luôn đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Giai đoạn 2020 - 2023, Quỹ vì người nghèo của huyện đã vận động được hơn 940 triệu đồng, triển khai xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 75 nhà đại đoàn kết với kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Năm 2024 tiếp nối thành quả trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu xóa nhà tạm.
Phấn đấu không còn nhà tạm
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025”, trên địa bàn Đại Lộc, nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực được triển khai. Trong đó có mô hình xây dựng Quỹ vì người nghèo. Từ nguồn này, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ hộ khó khăn sửa nhà ở, trao sinh kế cho người nghèo…
Khánh thành "Mái ấm nông dân" tại Đại Lộc. Ảnh: B.L
Đáng chú ý, Hội LHPN huyện Đại Lộc vận động nguồn lực xây dựng “Mái ấm tình thương” và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh… cho hội viên.
Hội Nông dân huyện với mô hình “Mái ấm nông dân”; Liên đoàn Lao động huyện với mô hình “Mái ấm công đoàn”. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết...
Theo ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, toàn huyện đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 2289 ngày 25/10/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh.
Qua rà soát, tổng số nhà ở được phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 13 là 293 nhà (trong đó xây mới 100 nhà; sửa chữa 193 nhà) với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11,7 tỷ đồng.
Tổng số nhà đã hỗ trợ là 249 nhà (xây mới 79 nhà, sửa chữa 170 nhà) với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 9,8 tỷ đồng. Toàn huyện Đại Lộc còn 44 căn nhà cần hỗ trợ, trong đó 21 nhà cần được xây mới và 23 nhà cần được sửa chữa với tổng nguồn kinh phí cần hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng.
“Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH đôn đốc UBND các xã/thị trấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ và thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 13.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các hộ thực hiện xây mới/sửa chữa nhà ở từ nguồn kinh phí phát động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện. Công tác hỗ trợ khẩn trương vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau” - ông Đặng Văn Kỳ cho biết.
Theo Báo Quảng Nam - Bích Liên